Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc” Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

VOV Giao thông   •   6:53 16/05/2024

Sau 20 năm xây dựng, với hơn 2.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông nước ta đã tạo được bước đột phá chiến lược, vươn tới và khai phá những không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đọc thêm: Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện trạng một số tuyến cao tốc vẫn gặp hạn chế về quy mô làn xe, giới hạn vận tốc khai thác do trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, đặc biệt là công tác tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.

Với tốc độ lưu thông cao, tai nạn trên cao tốc thường gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm xảy ra trên 100 vụ tai nạn giao thông trên cao tốc, khiến gần 40 người chết, 80 người bị thương. Tần suất tai nạn gần đây có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Hôm nay (16/5), Kênh VOV Giao thông tổ chức Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, đồng thời nâng cao hiệu quả truyền thông của VOV Giao thông về chủ đề này.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, lực lượng tuần tra kiểm soát, chủ đầu tư: Ông Đặng Văn Chung, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Thượng tá Hoàng Sơn Ca, Phó Trưởng phòng HDTTKSGT Đường bộ, Đường sắt; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM; PGS.TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốcTrung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức – (Trường ĐH Việt Đức); bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc VEC E; PGS.TS Phạm Thị Anh - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu - Đào tạo Đèo Cả, Trưởng Bộ môn An toàn và Môi trường, Trường ĐH GTVT TP.HCM; cùng các nhà báo và những người làm công tác truyền thông trong lĩnh vực ATGT.

Hội thảo "An toàn giao thông trên cao tốc" do VOV Giao thông tổ chức hy vọng sẽ mang đến những góc nhìn đa chiều, từ khía cạnh tổ chức giao thông, hạ tầng, chính sách, và truyền thông… vì một mục đích chung là tối ưu hóa các giải pháp giúp cho việc tham gia giao thông trên đường cao tốc của người dân an toàn hơn.


VÌ SAO XUẤT HIỆN NHỮNG CAO TỐC NHƯNG KHÔNG GIỐNG… CAO TỐC?

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng

Nhà thầu thi công dự án cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc, đang xây dựng 1.802km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805km, đang nghiên cứu đầu tư khoảng 729km.

Trong đó, đường cao tốc đã đưa vào khai thác là 1.144km quy mô hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn; 435km quy mô 4 làn xe hạn chế; 313km quy mô 2 làn xe.

Với các dự án đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư và lập chủ trương đầu tư đều xuất hiện hai cái tên “cao tốc quy mô 4 làn xe hạn chế” và “cao tốc quy mô 2 làn xe”.

Theo ông Đặng Văn Chung, thành viên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một trong những yêu cầu và điều kiện nghiêm ngặt khai thác đường cao tốc là phải đảm bảo an toàn giao thông mức rất cao để hạn chế tối đa tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông. Vì khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc thì mức độ thiệt hại về người và tài sản rất lớn.

Do đó, cần tuân thủ nghiêm việc áp dung quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật từ các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông. Cần áp dụng tối đa hệ thống giao thông thông minh với công nghệ mới nhất, tiên tiến, hiện đại nhất.

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc. Ảnh: Vietnamnet

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc. Ảnh: Vietnamnet

Tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước còn khó khăn, để đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông và nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, một số đoạn đường cao tốc phải phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế; làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục hoặc không đủ chiều rộng mặt đường cho xe dừng, đỗ, buộc các xe phải dừng đỗ một phần lên làn đường xe chạy, nên hạn chế năng lực thông hành và an toàn giao thông.

Thực tế, trên thế giới, một số quốc gia có hệ thống cao tốc phát triển cũng tồn tại các cao tốc 2 làn xe hoàn chỉnh được khai thác hiệu quả, an toàn.

Còn ở Việt Nam, các đoạn đường cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe đã đưa vào khai thác có quy mô cấp kỹ thuật, đạt cấp III đồng bằng, làn đường xe chạy rộng 3,5m, không có làn dừng đỗ khẩn cấp hoặc có nhưng không đủ chiều rộng an toàn cho xe dừng đỗ, chưa có trạm dừng nghỉ …

Các cao tốc 4 làn xe hạn chế có quy mô kỹ thuật cấp I hoặc cấp II đồng bằng, không có làn dừng đỗ khẩn cấp liên tục hoặc có nhưng không đủ chiều rộng cho xe dừng đỗ, chưa có trạm dừng nghỉ.

Từ khi đưa vào khai thác, 2 hình thái cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập, như: tốc độ xe chạy dưới tốc độ tối tiểu, gây ùn tắc giao thông, không có làn vượt hoặc khoảng cách giữa các đoạn cho phép vượt cách xa nhau, xảy ra nhiều vụ TNGT do vượt ẩu, do xe dừng đỗ khẩn cấp chiếm một phần làn đường xe chạy … Lái xe không quan sát báo hiệu lối ra, đi quá, rồi cố tình lùi lại, nhiều đoạn không có làn dừng đỗ khẩn cấp hoặc có nhưng không đủ chiều rộng an toàn.

Đặc biệt là các đoạn Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, La Sơn - Hòa Liên và gần đây nhất là Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng.

Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hồi tháng 2. Ảnh: Ngọc Minh

Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hồi tháng 2. Ảnh: Ngọc Minh

Nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội và nhân dân bày tỏ sự quan ngại việc bảo đảm ATGT đối với loại cao tốc 2 làn xe và 4 làn xe hạn chế.

Về cơ bản, chúng được thiết kế, thi công theo đúng tiêu chuẩn, khai thác hiệu quả và an toàn hơn so với hệ thống quốc lộ do được tổ chức giao thông khác mức và chỉ cho phép xe cơ giới lưu thông.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Đặng Văn Chung, việc tổ chức giao thông tại các đường cao tốc 2 làn xe và đường cao tốc 4 làn xe hạn chế, gặp một số khó khăn, như: Phương án tổ chức giao thông chưa phù hợp so với năng lực, quy mô cấp kỹ thuật, điều kiện khai thác của đường cao tốc, bất cập, chưa phù hợp với thực tế cấp kỹ thuật của đường; Chưa đầu tư hệ thống ITS để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông; chưa thu phí nên chưa điều tiết hợp lý lưu lượng giao thông giữa đường cao tốc và các đoạn đường bộ song hành;

Chưa đầu tư lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động nên xe chở hàng vượt quá tải trọng vẫn đi vào với tốc độ rất chậm, làm giảm tốc độ lưu thông của các phương tiện phía sau, dẫn đến vượt ẩu gây TNGT, gây hư hỏng, xuống cấp nhanh công trình đường bộ; một số đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe có lưu lượng giao thông gia tăng nhanh, nguy cơ tạo thành điểm nghẽn về giao thông do các đoạn liền kề đã mở rộng 4 làn xe.

Xe ô tô gặp sự cố vỡ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sáng 4/4/2024

Xe ô tô gặp sự cố vỡ lốp trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sáng 4/4/2024

TỐI ƯU AN TOÀN KHAI THÁC CAO TỐC TRONG ĐIỀU KIỆN PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

Dự kiến trong tương lai, những đoạn đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe và đường cao tốc quy mô 4 làn xe hạn chế sẽ được nâng cấp hoàn chỉnh, tuy nhiên thời gian có thể kéo dài hàng năm hoặc hàng chục năm do phụ thuộc vào nguồn vốn, kinh phí đầu tư.

Theo tính toán sơ bộ, để nâng cấp các đoạn đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe đạt quy mô 4 làn hoàn chỉnh cần bổ sung số vốn trên 50.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Tương tự, việc nâng cấp các đoạn cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế theo quy mô quy hoạch, cần bổ sung khoảng hơn 410.000 tỷ đồng.

Trường hợp không cân đối được nguồn vốn, các đoạn cao tốc này cần tiếp tục triển khai theo chủ trương đầu tư đã phê duyệt; việc nâng cấp đạt quy mô hoàn chỉnh sẽ nghiên cứu triển khai giai đoạn 2026 - 2030 hoặc sau năm 2030 khi cân đối được nguồn vốn.

Như vậy, Bài toán tối ưu khả năng vận hành an toàn của đường cao tốc trong điều kiện phân kỳ đầu tư là giải pháp bắt buộc trong giai đoạn trước mắt.

Đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe. Ảnh: TTXVN

Đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe. Ảnh: TTXVN

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt-Đức, xu hướng của các hệ thống giao thông các nước trên thế giới là tiếp cận với an toàn đường bộ dựa trên tiền đề: Thương vong là không thể chấp nhận được và có thể phòng tránh được. Cách tiếp cận này hướng đến mục tiêu đảm bảo người đi đường không chịu tác động của lực va chạm khiến cho họ bị tử vong hoặc thương tật nặng vĩnh viễn.

Sẽ không còn tư duy cho rằng, những người đi đường chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tránh các vụ va chạm xe cộ gây thương vong. Mà trách nhiệm cần được chia sẻ trên các khía cạnh: Thiết kế cơ sở hạ tầng đường, giới hạn vận tốc, kỹ thuật an toàn phương tiện, giáo dục, pháp luật và giám sát thi hành pháp luật, cấp phép lái xe hiệu quả, hệ thống cấp cứu đạt tiêu chuẩn.

Về kinh nghiệm của Nhật Bản, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho biết, tại nước này, 20% trong 14.000km cao tốc là loại 2 làn 2 hướng. Tỉ lệ tử vong ở hình thái cao tốc này gấp 2 lần tỷ lệ tử vong tính trên toàn mạng lưới đường cao tốc. Nguyên nhân chủ yếu là mất tập trung, buồn ngủ khi lái xe, lái ẩu (74%), đánh tay lái và phanh không hợp lý (14%), vượt giới hạn tốc độ (6%).

Nhật Bản đã tối ưu vận hành, đảm bảo an toàn bằng cách sử dụng các làn 2+1, tức là linh động bố trí dải phân cách giữa khi thì 2 làn + 2 làn, khi thì 1 làn +3 làn và ngược lại.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn đưa ra giải pháp cho thực tiễn ở cao tốc 2 làn xe tại Việt Nam. Thứ nhất về hạ tầng, cần triển khai áp dụng cách tiếp cận “hệ thống an toàn” như chia sẻ ở trên vào đánh giá, cải thiện hạ tầng cao tốc hiện hữu, nên bổ sung rào chắn, biển chỉ dẫn. Áp dụng cách tiếp cận này vào hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc (Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT có hiệu lực từ ngày 31/12/2014).

Thứ hai về giáo dục, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc; Phần mềm điều hướng thường xuyên nhắc nhở tài xế về các điểm có rủi ro TNGT cao, các tình huống nguy hiểm trong lúc tham gia giao thông, nhắc nhở về các hành vi nguy hiểm.

Thứ ba giải pháp cưỡng chế, tăng cường tuần tra phát hiện và xử lý vi phạm: Tại trạm thu phí, trạm cảnh sát, trạm dịch vụ tiến hành kiểm tra sự mệt mỏi của tài xế, những hành vi không an toàn trong lúc lái xe, tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện; Ứng dụng CNTT trong công tác tuần tra giám sát, xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm (không giữ khoảng cách an toàn, vượt tốc độ, chuyển làn sai quy cách, đi sai làn, đỗ xe sai quy định…).

Thứ tư giải pháp quản lý, cần phát triển các hệ thống giao thông thông minh dựa trên dữ liệu lớn và điện toán đám mây và hỗ trợ công tác giám sát, thông tin liên lạc, thu phí.


Tương tự, chuyên gia Đặng Văn Chung, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề xuất cần phải thay đổi lại phương án tổ chức giao thông và khai thác tương ứng với cấp kỹ thuật của đường.

Cụ thể, khai thác và tổ chức giao thông cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe tương ứng đường cấp III đồng bằng, cao tốc 4 làn xe hạn chế tương ứng đường cấp I, II đồng bằng và có điều kiện như cấm các loại xe thô sơ, xe máy chuyên dùng có vận tốc thiết kế dưới tốc độ tối thiểu quy định, xe máy, xe mô tô hai bánh, xe súc vật kéo, người đi bộ,...);

Cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn: Thay vạch sơn nét liền phân cách giữa 02 chiều xe riêng biệt bằng vạch nét đứt tại những vị trí không bị che khuất tầm nhìn, để không gây ùn tắc thành đoàn dài các xe xin vượt và xe chưa (không) cho vượt;

CẦN CẤM XE THƯỜNG XUYÊN ĐI DƯỚI TỐC ĐỘ TỐI THIỂU CHO PHÉP

Tiếp tục mở rộng làn dừng, đỗ khẩn cấp theo tiêu chuẩn hoặc tăng cường mật độ và kéo làn dừng, đỗ khẩn cấp. Thực tế xe bị sự cố và các sự cố khác là ngoài ý muốn của lái xe, khi có sự cố bắt buộc phải dừng lại và chiếm dụng một phần làn đường xe chạy, dẫn đến nguy cơ TNGT.

Cần xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch, trước mắt mở tạm một số vị trí phù hợp để xe dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật, lái xe và hành khách nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe; Đầu tư triển khai hệ thống giao thông ITS để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông; đầu tư lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động để kiểm soát, ngăn chặn xe chở hàng vượt quá tải trọng lưu thông trên đường cao tốc; Hoàn thiện, đảm bảo đủ điều kiện để cho phép thu tiền sử dụng đường cao tốc với mức tương ứng với cấp kỹ thuật của đường.


AN TOÀN GIAO THÔNG CẦN HƯỚNG VÀO YẾU TỐ CON NGƯỜI

Theo PGS.TS Phạm Thị Anh, Bộ môn Quản lý an toàn và môi trường, Viện nghiên cứu đào tạo Đèo Cả, các tài liệu hướng dẫn an toàn giao thông trên cao tốc cần hướng tới yếu tố con người. Và thực tế, hiện nay, yếu tố này cũng đang rất thiếu tài liệu trong thiết kế đường cao tốc, an toàn giao thông trên đường.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra về các yếu tố ảnh hưởng tới người lái, như: Ảnh hưởng của biển báo hiệu, sự mệt mỏi của lái xe, trạm dừng nghỉ.

Đơn cử như, để tránh khối lượng công việc trí óc quá lớn của người lái xe và ảnh hưởng đến hiệu suất lái xe, lượng thông tin trên biển báo không được quá nhiều, việc cài đặt biển báo nên sử dụng chỉ trên một bảng.

Độ buồn ngủ, thời gian phản ứng, và hiệu suất lái xe không ổn định tăng đáng kể theo thời gian, thời gian lái xe quá dài là yếu tố gây mệt mỏi đáng kể và là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tai nạn liên quan đến mệt mỏi. Kết quả chỉ ra rằng 80 phút là giới hạn an toàn cho việc lái xe trên đường cao tốc đơn điệu.

PGS.TS Phạm Thị Anh kiến nghị khẩn trương triển khai trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam để đáp ứng kịp thời việc sử dụng trên đường cao tốc, tài xế có thể nghỉ ngơi đúng cách, giảm rủi ro tai nạn trên đường. Nếu chưa thể làm trạm dừng chân quy mô, thì nên triển khai điểm dừng chân, có nhà vệ sinh di động,bán nước giải khát, có ghế ngồi ngắm cảnh,…

Cần có các nghiên cứu cụ thể trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam về các yếu tố kỹ thuật trong thiết kế đường, hệ thống quản lý, bảng biểu, trạm dừng, cơ sở hạ tầng, vận tốc… phù hợp với quy định an toàn và phù hợp với sức khỏe tâm lý của người lái xe trong điều kiện môi trường Việt Nam; các vấn đề tồn tại và giải pháp cần đề xuất để cải thiện;

Cần thiết lập hệ thống thông tin truyền thông về tuyến cao tốc Bắc Nam, cùng với các khuyến cáo và quy định cho tài xế khi lái xe trên cao tốc…

TẬP TRUNG TRUYỀN THÔNG KỸ NĂNG LÁI XE AN TOÀN TRÊN CAO TỐC

Thời gian qua, Kênh VOV Giao thông cập nhật thường xuyên thông tin lộ trình, tình trạng giao thông trên các tuyến cao tốc, có nhiều loạt tin, bài , phản ánh những bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, hạn chế trong quản lý khai thác và ý thức người tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Quá trình tác nghiệp dù đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Khu quản lý đường bộ, các phòng, ban chuyên trách của Cục CSGT Bộ Công An, Ban an toàn giao thông các địa phương, các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý vận hành tuyến… Tuy vậy, theo nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, Phòng Giao thông TP.HCM, Kênh VOV Giao thông, công tác cập nhật thông tin, tuyên truyền cũng gặp không ít khó khăn.

Xuất phát từ cơ chế phối hợp thông tin giữa VOVGT và các chủ đầu tư dự án, đơn vị quản lý vận hành tuyến chưa đủ mạnh và chặt chẽ để có thể đảm bảo có được thông tin đầy đủ, kịp thời.

Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc Việt Nam cần có cơ chế thống nhất trong thông tin giữa các đơn vị quản lý nhà nước với Kênh VOV Giao thông và các cơ quan báo chí (cử nhân sự phát ngôn, lập kênh thông tin trực tiếp).

Về phía các cơ quan báo chí truyền thông, nếu đủ điều kiện, có thể tìm giải pháp cung cấp thông tin dạng chuyên biệt cho lái xe theo lộ trình, khu vực đang di chuyển, lập mũ chương trình chuyên biệt về an toàn đường bộ cao tốc.

Trong khi đó, Nhà báo Nguyễn Thanh Mong, Báo Giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: Sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, Bộ GTVT đã yêu cầu chú trọng đào tạo lái xe trên cao tốc, đặc biệt là các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư. Để nâng cao năng lưc, chất lượng lái xe, sở GTVT các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu tổ chức đào tạo lái xe trên đường cao tốc.

Các nội dung được đưa vào đào tạo gồm: Đào tạo theo nội dung, chương trình khung đào tạo lái xe trên các loại đường; đào tạo, hướng dẫn các nội dung, các bước thực hiện khi lái xe trên đường cao tốc và xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra trên đường cao tốc; sử dụng thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (ca bin học lái xe ô tô) để học lái xe ô tô trên đường cao tốc; nhận biết các tình huống mất ATGT trên đường cao tốc qua phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Những nội dung này đều có thể được truyền thông hiệu quả thông qua các hình thức thể hiện phong phú, đa dạng thuộc báo hình, báo nói, báo mạng, báo in…

Nhà báo Nguyễn Thanh Mong đề xuất Kênh VOV Giao thông có thể xây dựng thêm chuyên mục giao lưu với bác tài, cập nhật những tình huống giao thông nguy hiểm, sự cố TNGT và mời những bác tài đã có kinh nghiệm lâu năm nhận xét sơ bộ, chỉ ra nhược điểm, chia sẻ kinh nghiệm để giới tài xế vừa nghe vừa rút kinh nghiệm cho chính mình. Những “tay lái mới” cũng có thêm kiến thức thực tế.

Hoặc chuyên mục giao lưu trên sóng FM91mhz giữa các bác tài có sự tham gia tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia giao thông, cảnh sát giao thông, ban ATGT các địa phương. Trong đó lồng ghép tình huống giao thông, cũng như mức phạt cụ thể để nâng cao ý thức cháp hành pháp luật của tài xế.

Dĩ nhiên, cơ quan công an, Ban An toàn giao thông các địa phương phải là đơn vị đi đầu, nhanh chóng và tích cực trong việc phối hợp cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến cáo về những tình huống, vị trí mất ATGT, những sự cố thường gặp khi tham gia giao thông trên đường…

Từ đó, giúp cho việc truyền thông, thông tin đến các tài xế được nhanh chóng, kịp thời, tránh được những rủi ro cho tài xế, hạn chế tình trạng ún tắc giao thông khi xảy ra sự cố.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Duy Lợi

Về phía nhà đầu tư và hiện quản lý 4 dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng chia sẻ nhiều hình thức truyền thông đa dạng. Đó là tiến hành thiết kế, xây dựng khẩu hiệu, băng rôn, pano, chạy chữ màn hình… tại nhà điều hành, trạm thu phí và các tuyến cao tốc.

VEC cũng xây dựng chuyên mục “An toàn giao thông” trên trang thông tin điện tử, mạng nội bộ của Tổng công ty, trong đó thường xuyên đăng tải, cập nhật các văn bản chỉ đạo điều hành, tin bài về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tổ chức tuyên truyền, lan tỏa thông tin trên các trang, nhóm, hệ thống mạng xã hội.

Hàng năm, VEC phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo, tọa đàm tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền rộng rãi kết quả công tác quản lý khai thác, bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo Quý và năm đến người tham gia giao thông.

VEC cũng phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát giao thông và công an địa phương trong việc tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt ở các tuyến đi qua vùng thưa dân cư.

Cần nâng cao ý thức lái xe trên cao tốc. Ảnh: Dân Việt

Cần nâng cao ý thức lái xe trên cao tốc. Ảnh: Dân Việt

Trong công tác tuyên truyền ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an) tích cực tham gia. Cục đã chỉ đạo Phòng Hướng dẫn TTKSGT đường bộ, đường sắt triển khai Tổng đài tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân, hoặc cần hỗ trợ để xử lý các sự cố phát sinh khi lưu thông trên các tuyến đường bộ cao tốc qua số điện thoại hotline: 19008099.

Cục CSGT thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài, truyền hình VTV, Đài tiếng nói Việt Nam VOV, cơ quan quản lý vận hành và khai thác trên tuyến cao tốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn lái xe an toàn, xử lý tình huống khi phương tiện gặp sự cố đối với lái xe, cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, nhằm góp phần hình thành thói quen, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Cục khuyến cáo, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải dán giấy phản quang vào phía sau phương tiện (phần đuôi xe), đảm bảo vừa thẩm mỹ và dễ nhận biết cho các phương tiện đi phía sau; Trang bị cho mỗi phương tiện tối thiểu 03 chóp nón hoặc 03 Biển báo tam giác, để lái xe sử dụng khi xe gặp sự cố, trời tối, có sương mù...; tổ chức phát gần 10.000 Tờ rơi tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông, phòng ngừa, giảm thiểu TNGT.

CHUYỂN ĐỘNG CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng, Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ 304.105 tỷ đồng (đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư) và phần lớn nguồn vốn này đều ưu tiên tập trung đầu tư các công trình đường bộ cao tốc.

Khó khăn về nguồn vốn đã khiến một phần các dự án phải phân kỳ đầu tư. Theo đại diện Bộ GTVT, “Đường cao tốc chuẩn sẽ có tổ chức giao thông rất hoàn chỉnh về tốc độ tối đa, tối thiểu, số làn đi, làn dừng khẩn cấp. Mức độ nâng cao có các trạm dừng nghỉ, có hệ thống giao thông thông minh để giám sát, theo dõi, điều chỉnh trật tự an toàn giao thông. Các tuyến cao tốc đang phân kỳ đầu tư sẽ thiếu một số hạng mục đó.

Đơn cử như tuyến Cam Lộ - La Sơn, chỉ có khoảng 20% trên tổng chiều dài được thiết kế 4 làn xe chia thành các đoạn. Còn lại hơn 80% tuyến đường mới được thiết kế 2 làn xe và chia thành 2 chiều cho xe chạy. Tại những tuyến này sẽ có những khó khăn trong phương án tổ chức giao thông hơn so với các tuyến đường cao tốc đầu tư hoàn chỉnh”

Thi công dự án Hàm Nghi - Vũng Áng

Thi công dự án Hàm Nghi - Vũng Áng

VẬY KHI NÀO CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẼ ĐƯỢC ĐẦU TƯ HOÀN CHỈNH?

Bộ GTVT khẳng định, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch với quy mô 4 - 10 làn xe, tốc độ khai thác 80 - 120km/h. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đầu tư các tuyến đường bộ từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn.

Những đoạn tuyến cao tốc 2 làn xe hiện hữu được được xác định ưu tiên nâng cấp sớm, bao gồm: tuyến La Sơn - Hòa Liên khởi công cuối năm 2024, hoàn thành cuối 2025, đầu 2026; tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình đã được chấp thuận chủ trương mở rộng tuyến theo quy hoạch 6 làn xe; đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu mở rộng theo quy hoạch; 2 tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới, Cam Lộ-La Sơn cũng được khẩn trương đề xuất nguồn vốn để mở rộng.

Bộ GTVT sẽ căn cứ kết quả rà soát đánh giá để điều chỉnh bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo, sơn vạch, đèn đường, các phương án tốc độ lưu thông trên tuyến để người dân lưu thông thuận lợi, an toàn nhất. Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với cảnh sát giao thông, công an địa phương để xử lý nghiêm các vi phạm giao thông.

Các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Vào tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ký ban hành Thông tư 06/2024 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc để làm căn cứ đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì các đường bộ cao tốc.

Về phía lực lượng cảnh sát giao thông, Cục CSGT cho biết trong năm 2023, trên các tuyến cao tốc do Cục quản lý, đã lập biên bản trên 27.000 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Kho bạc Nhà nước thu trên 118 tỷ đồng.

Là lực lượng trực tiếp bám sát hiện trường, lực lượng CSGT đã khảo sát và kiến nghị ngành giao thông khắc phục nhiều hạng mục bất hợp lý về tổ chức giao thông.

Có thể nói, Chính phủ, các bộ ngành đã có những chuyển động quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc. Ngoài các dự án đang được chờ đầu tư mở rộng, chấm dứt hạn chế về mặt hạ tầng, những phương án, giải pháp tối ưu trong quản lý, khai thác, vận hành cao tốc cũng được các chuyên gia “hiến kế” trong nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, trong đó có Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do Kênh VOV Giao thông tổ chức hôm nay (16/5).

Hy vọng rằng, những thông tin từ hội thảo sẽ là gợi mở hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, vì những tuyến đường bộ cao tốc an toàn hơn cho người tham gia giao thông./.