Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hà Nội đang mắc kẹt với đường đua F1?

Phạm Trung Tuyến - Quách Đồng - Hải Hà - 08/11/2022 | 16:17 (GTM + 7)

Được xác định là “cú hích” quảng bá điểm đến Việt Nam và thu hút du khách quốc tế bằng đường đua xe công thức 1 (F1), song hiện Giải đua xe F1 chưa biết đến ngày nào được tổ chức, đường làm xong để đấy vô tình trở thành một khu vực gây nguy hiểm, chưa kể sự ngổn ngang, lãng phí...

 

7h30 sáng 7/11, tại ngã tư Lê Quang Đạo – Mễ Trì (Nam Từ Liên, Hà Nội) -  một phần của đường đua F1, mật độ phương tiện giao thông rất đông đúc từ tất cả các hướng, song do không có hệ thống đèn tín hiệu nên giao thông rất lộn xộn.

Theo một số người dân phản ánh, không chỉ ùn tắc vào hầu hết các khung giờ cao điểm, mà những sự cố, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra, khiến giao thông càng thêm khó khăn.

Anh Nguyễn Trọng Tùng, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Em thấy giao thông đi lại lộn xộn lắm, bởi vì không xe nào nhường xe nào cho nên xảy ra ùn tắc là chuyện bình thường vào các giờ cao điểm. Tai nạn ở đây xảy ra liên tục, kể cả ngày hay đêm đều có. Nhà em ở ngay trong này mà".

Một số người tham gia giao thông cũng không khỏi ngán ngẩm mỗi khi phải lưu thông qua nút giao này:

"Cũng hơi khó khăn thật. Lần đầu tiên qua đây mà em thấy nó như này là em thấy hơi bế tắc, hơi khó khăn thật".

"Hôm nào tắc nhiều, có lần 10-15 phút, có khi chỉ 5 phút thôi. Nếu không có CSGT thì thường xuyên tắc".

Đường đua F1 đang bỏ hoang, nằm cạnh sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: AFP

Đường đua F1 đang bỏ hoang, nằm cạnh sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: AFP

 

Theo tìm hiểu của phóng viên VOVGT, dù được xác định là “cú hích” quảng bá điểm đến Việt Nam và thu hút du khách quốc tế, nhưng giải đua xe công thức 1 đã bị hủy bỏ vô thời hạn do Covid-19. Hiện toàn bộ khu vực bên trong đường đua F1 được giao cho Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội quản lý, đang bị bỏ hoang với rào chắn người hâm mộ và những tấm bảng nhựa đang trơ trọi giữa khu đất trống.

Khu vực bên ngoài, gồm hệ thống đường giao thông hai bên đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, phía trước khu vực sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hiện do Sở GTVT Hà Nội quản lý, khai thác phục vụ giao thông của khu vực.

Tuy vậy, do mới chỉ khai thác tạm thời, nên ngay cả việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cũng chưa được chú trọng. Nút giao Lê Quang Đạo – Mễ Trì là một ví dụ điển hình, dù mật độ giao thông rất lớn, nhưng do không có hệ thống đèn tín hiệu nên thường xuyên ùn tắc. Thậm chí, thời gian gần đây, khu vực này đã xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, càng khiến người dân lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông.

Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết: "Phương tiện đi lại rất lộn xộn, người thì rẽ, người thì đi thẳng, cắt ngang dọc phương tiện nhau, nên rất khó để lưu thông. Theo tôi đề xuất lắp đèn 4 chiều ở đây cho các phương tiện đi lại theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông trong bùng binh này sẽ an toàn và ổn định hơn".

Nút giao Lê Quang Đạo – Mễ Trì. Ảnh: Lao động

Nút giao Lê Quang Đạo – Mễ Trì. Ảnh: Lao động

Theo Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại hoc GTVT, để xảy ra tình trạng như hiện nay trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và nhà đầu tư tổ chức sự kiện. Bởi lẽ ngay từ bước lập dự án đầu tư đã phải tính toán đến các phương án tổ chức giao thông, khi có sự kiện và không có sự kiện.

Trong các phương án, phải tính toán đến việc đánh giá tác động và đều có thể lường trước được các tình huống xảy ra. Đây là điều kiện cần thiết trong quản lý giao thông khi triển khai các dự án, đặc biệt là trong khu vực đô thị và đây lại là tuyến đường huyết mạch, trục chính của đô thị Hà Nội:

"Để tránh vô tình biến nơi đây thành nơi tụ tập đua xe trái phép, gây TNGT ở khu vực này thì trong những ngày không có sự kiện chúng ta phải đưa khu vực này trở về chế độ tổ chức giao thông thông thường. Bởi dẫu sao đây cũng là tuyến đường giao thông công cộng, chứ không phải là tuyến đường đua đặc thù. Do vậy dù có covid hay không thì sẽ phải tính toán đến hai khung thời gian trong dịp sự kiện và khi không có sự kiện, việc tổ chức giao thông sẽ phải thích ứng với hai khung thời gian đó", Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Quang Toản cũng cho rằng, Thành phố cần sớm lên kế hoạch sử dụng tuyến đường này phục vụ cho giao thông thông thường hoặc phục vụ cho việc đua xe: "Nếu bây giờ chúng ta tổ chức tốt được và hạn chế nó trong một khu vực, phục vụ cho những người thích đua xe, thích tốc độ cao một cách có tổ chức, thì vừa thỏa mãn nhu cầu vừa tránh lãng phí, hạn chế bớt những rủi ro đua xe tự phát, thì nó lại có ích cho xã hội".

Ông Nguyễn Quang Toản cho biết thêm, nếu công trình xây dựng dành riêng cho hoạt động đua xe Công thức 1 thì cần được rào chắn khu vực này. Trường hợp công trình được xây dựng theo cách sử dụng cho cả hoạt động giao thông đi lại bình thường thì chỉ tiến hành rào chắn khi tổ chức giải đua xe.

Theo ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, TP.Hà Nội nên rà soát lại những quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép, đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện trong thời gian qua. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Thành phố cũng cần có những biện pháp quản lý phù hợp:

"Chúng ta phải có những giải pháp để quản lý khu đất đấy và quản lý đường đó để không phải ai thích vào cũng vào được trong trường hợp chưa khai thác.Trong trường hợp được khai thác thì phải khai thác theo quy định của pháp luật. Đường đấy xe nào được chạy và ai được chạy vào đấy. Ngoài yêu cầu phương tiện, người điều khiển phương tiện và phép được hoạt động ở đó".

 

Do công trình bỏ hoang đã lâu nên trẻ em chui rào vào khu vực trường đua đẻ đá bóng, thể dục thể thao. Ảnh: Đại đoàn kết

Do công trình bỏ hoang đã lâu nên trẻ em chui rào vào khu vực trường đua đẻ đá bóng, thể dục thể thao. Ảnh: Đại đoàn kết

Với quỹ đất cho đường đua F1 lên đến 88ha, trong bối cảnh Giải đua bị hoãn vô thời hạn, việc không có kế hoạch sử dụng quỹ đất một cách hợp lý sẽ trở nên rất lãng phí. Đặc biệt, đường đua bên ngoài vốn là trục giao thông chính, nếu không được quản lý, sử dụng hiệu quả, không những gây lãng phí, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí bị biến thành nơi tụ tập, đua xe trái phép.

Đây cũng góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: Hãy biết xót ruột khi đất đai bị lãng phí

Mỗi lần đi qua khu đường đua xe công thức 1 ở Mỹ Đình, tôi lại bất giác nhớ đến anh nông dân Trần Văn Thắng, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Người nông dân ấy đã kiếm được hơn 60 tỷ đồng nhờ nuôi đàn bò 1000 con mà không sở hữu đồng cỏ nào. Anh chăn thả bò ở các dự án treo xung quanh Hà Nội.

Đường đua xe công thức 1 ở Mỹ Đình rộng 88 ha, và cũng bị treo vô thời hạn. Tất nhiên, những người nông dân không thể nuôi bò ở đây, vì hạ tầng đã được đầu tư để đảm bảo tiêu chuẩn đua xe. Nhưng, cũng giống các dự án đô thị bỏ hoang, khi chưa thể đi vào sử dụng, nó sẽ nằm đó cùng tuế nguyệt, không người chăm nom, và trở thành những không gian rộng lớn và hoang vắng.

Có một thực tế rất đáng ngạc nhiên ở Việt Nam, đó là dù đất đai có giá trị rất lớn, nhưng lại là thứ được sử dụng lãng phí nhất hiện nay. Các khu đô thị hàng chục năm để cỏ mọc, các khu đất lớn được rào kín, treo biển giới thiệu dự án, rồi cũng để cỏ mọc, các triền đồi mênh mông được cắm hàng rào rồi cũng để không. Trong khi người dân thiếu đất sản xuất, thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi.

Tất nhiên, khi đất đã được giao do doanh nghiệp, chính quyền không thể can thiệp để sử dụng cho việc khác. Nhưng, trước tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, đã đến lúc cần phải có quy định cụ thể về những phương án sử dụng đất tạm thời, tránh để bỏ hoang, không được sử dụng.

Trở lại với câu chuyện đường đua công thức 1. Việc giải đấu bị hoãn chưa biết đến bao giờ khiến chủ đầu tư bỏ mặc khu đất khiến nơi đây không chỉ bị bỏ hoang mà còn trở thành một khu vực vô chủ, vừa mất thẩm mỹ, vừa có nguy cơ trở thành một tụ điểm tệ nạn ngay trong thành phố.

Vấn đề là để có được một phương án sử dụng tạm thời cho khu đất này thì chính quyền thành phố và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để cùng tìm giải pháp. Vì doanh nghiệp không thể đơn phương chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Đường đua công thức 1 khi chưa thể sử dụng cho mục đích ban đầu thì có thể làm gì? Có thể biến thành khu vực cung cấp dịch vụ cho hoạt động đạp xe, trượt ván, các môn thể thao đường phố khác… mà không ảnh hưởng đến công năng của đường đua. Nhưng doanh nghiệp có thể sử dụng khu đất này cho những mục đích đó mà có yếu tố kinh doanh, dịch vụ tạm thời hay không?

Đó là điều mà chính quyền thành phố, trong thẩm quyền của mình, có thể bàn tính để doanh nghiệp có thể thực hiện, vừa tận dụng mặt bằng ngắn hạn, vừa có nguồn thu để chi trả cho việc trông nom, bảo vệ, bảo dưỡng… và quan trọng nhất là khiến cho khu đất không trở thành một không gian hoang phế.

Nhưng, để các mảnh đất chờ dự án không còn rơi vào cảnh hoang phế, yếu tố quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào việc các nhà quản trị đô thị có biết xót ruột khi nhìn thấy đất đai bị hoang phế hay không? Hãy biết xót ruột khi đất đai bị lãng phí!

Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //