Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
10 sự kiện giao thông nổi bật 2024 10 sự kiện giao thông nổi bật 2024
Kênh VOV Giao thông   •   8:38 26/12/2024

Trong một năm 2024 có nhiều biến động, lĩnh vực giao thông cũng có nhiều xáo trộn, đổi thay mạnh mẽ. Có những điểm chấm phá, cũng có những đột phá, mở đường, song cũng có những tồn tại, những sụt giảm về tính hiệu quả… trong dòng chảy sự kiện của ngành GTVT.

Hãy cùng VOV Giao thông điểm lại những sự kiện này.

1. ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC – KHÁT VỌNG ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG ĐỂ MỞ RA KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự án có tốc độ thiết kế 350km/h, đi qua 20 tỉnh, thành phố, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công trình này có tác động trực tiếp đến rất nhiều lĩnh vực, như: xây dựng; dịch vụ tài chính, ngân hàng, hay tác động lan tỏa đến phát triển đô thị khi tuyến đường này chạy xuyên suốt hành lang kinh tế Bắc – Nam…

Theo tính toán, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam - công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ mang lại tăng trưởng mỗi năm cho nền kinh tế thêm khoảng 0,97%.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn, từ kinh tế, xã hội, môi trường, tái cấu trúc đô thị…

“Đầu tư dự án này nó sẽ là động lực để phát triển tất cả các ngành kinh tế, là cú hích, từ giảm chi phí vận tải, phát triển kinh tế tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, từ công nghiệp, vật liệu xây dựng, du lịch, thương mại, giảm phát thải, đảm bảo quốc phòng - an ninh… Phương thức vận tải này, riêng tiết kiệm tài nguyên, so với vận tải 1 nghìn khách/km thì tiết kiệm tài nguyên, tức là diện tích chiếm dụng đất giảm hơn so với đường bộ bằng 1/3, rồi tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Không chỉ vậy, với tính chất “đi trước mở đường”, giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chính là khâu đột phá, tạo nền tảng về hạ tầng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

2. ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ THÊM THÀNH VIÊN MỚI, TĂNG MỨC ĐỘ PHỤC VỤ CỦA GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Cuối tháng 12/2024, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (TP. HCM) được đưa vào vận hành thử nghiệm, sau 12 năm thi công. Trong 30 ngày đầu khai thác thương mại, khách đi Metro Bến Thành - Suối Tiên cùng 17 tuyến buýt kết nối sẽ được miễn vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng tuyến tàu điện đầu tiên ở địa bàn. Thành phố HCM cũng dự kiến phát hành hơn 2 triệu thẻ đi Metro số 1 trong giai đoạn đầu, mỗi ngày ước tính phục vụ khoảng 40.000 khách.

Còn tại Hà Nội, sau 14 năm thi công, đầu tháng 8/2024, tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội, đoạn Nhổn- Cầu Giấy đã chính thức vận hành thương mại. Với thiết kế tối đa 80km/h, theo tính toán, tuyến có thể vận chuyển tối đa hơn 500 nghìn lượt hành khách/ngày đêm.

Sau 3 tháng khai thác thương mại, tuyến đã phục vụ hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có những ngày có hơn 200 chuyến tàu vận hành, vận chuyển được hơn 100 nghìn lượt hành khách, một con số kỷ lục, vượt mong đợi của Hanoi Metro.

Đặc biệt, Hà Nội cũng đang phấn đấu đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410 km. Ngoài ra, những nỗ lực ứng dụng công nghệ vào thẻ vé cho xe buýt, tăng cường xe đạp công cộng, thời gian tới là xe điện, cũng nhằm góp phần tăng cường sự kết nối, tăng hiệu quả cho hệ thống đường sắt đô thị.

3. TRẺ EM SẼ AN TOÀN HƠN NHỜ QUY ĐỊNH THẮT CHẶT

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.

Bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á cho biết, quy định về độ tuổi và chiều cao của trẻ em bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô từ 1/1/2026 của Việt Nam là phù hợp và tiệm cận với các quốc gia khác:

“Ở Hàn Quốc người ta quy định sử dụng thiết bị an toàn đối với trẻ dưới 6 tuổi, ở Hồng Kong quy định dưới 3 tuổi, Nhật ở dưới 6 tuổi. Ở Châu Âu, Úc cũng quy định đồng hành về chiều cao và độ tuổi, điều này rất hợp lý vì trẻ phát triển ở những độ tuổi khác nhau và có chiều cao khác nhau”.

Đặc biệt, Luật có một điều khoản quy định riêng biệt dành cho xe ô tô chở học sinh. Theo đó, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em, thiết bị có chức năng cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chuyên chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, mặt trước và 2 cạnh bên xe, trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết đây là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non và học sinh xe ô tô kinh doanh kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non.

Các quy định này, khi được áp dụng sẽ đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ em khi ngồi trên ô tô.

4. VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN GIẢM SÂU, VẪN CHƯA THỂ NỚI LỎNG

Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt hơn 868 nghìn trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, 4.852 trường hợp người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy. Một số địa phương có kết quả xử lý nồng độ cồn cao như: TP Hồ Chí Minh xử phạt hơn 145 nghìn trường hợp, Hà Nội xử phạt 68 nghìn trường hợp, Bình Dương xử phạt hơn 51 nghìn trường hợp…

Theo Cục CSGT, số vụ vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện đã giảm sâu so với số trường hợp được kiểm tra về nồng độ cồn, cho thấy sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của người tham gia giao thông trong việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho hay, đã có thời điểm, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất, do có sự chuyển biến đáng kể về số vụ vi phạm nồng độ cồn được phát hiện trong quá trình kiểm tra. Tuy vậy, sau đó đề xuất này được rút lại, do tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức đáng lo ngại:

“Điều đó chứng tỏ một bộ phận người dân vẫn cố tình không chấp hành, và để duy trì những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cũng như hình thành thói quen, hành vi tốt “đã uống rượu bia thì không lái xe”, nhằm giảm thiểu xảy ra những vụ TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, nên Ban soạn thảo Nghị định đề xuất giữ nguyên mức phạt như hiện nay”.

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 35, ban hành giữa tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông, khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, cơ quan quản lý cán bộ phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn; hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

5. TRỪ ĐIỂM BẰNG LÁI, LỜI CẢNH BÁO MẠNH MẼ CHO LÁI XE

Theo quy định mới nhất của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, giấy phép lái xe mô tô, ô tô có 12 điểm. Quá trình tham gia giao thông, tùy vào từng lỗi vi phạm mà tài xế sẽ bị trừ từ 2 đến 12 điểm.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế không được lái xe theo giấy phép đó trong thời gian ít nhất 6 tháng. Sau đó, tài xế phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; bởi chủ phương tiện có thể vừa bị trừ điểm bằng lái vừa bị phạt tiền:

“Trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, nó có tính chất răn đe, nhưng vừa có tính giáo dục, động viên người tham gia giao thông chấp hành pháp luật về TTATGT. Người lái xe vi phạm pháp luật về TTATGT ở mức độ nghiêm trọng thì mới bị trừ tuyệt đối, trừ hết, hoặc là bị cộng dồn vào và cũng bị trừ hết và nếu muốn có quyền điều khiển phương tiện thì phải phục hồi, phải tham gia kiểm tra pháp luật về TTATGT. Đây là biện pháp để người vi phạm nhận thức đầy đủ về hành vi vi phạm của mình”.

Bên cạnh những điểm sáng đáng chú ý, như việc Quốc hội thông qua siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam; thêm hệ thống đường sắt đô thị được đưa vào khai thác; ban hành nhiều quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô; hay tình trạng vi phạm nồng độ cồn đã giảm… năm qua, cũng ghi nhận những điểm trừ, nốt trầm lặng trong lĩnh vực GTVT. Đặc biệt là tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, với khoảng 30 người tử vong mỗi ngày do TNGT…

6. 30 NGƯỜI CHẾT, HÀNG CHỤC NGƯỜI BỊ THƯƠNG MỖI NGÀY, TNGT VẪN NHỨC NHỐI

Theo báo cáo của UBATGTQG, 11 tháng của năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 21.600 vụ TNGT, làm chết 10.026 người, bị thương hơn 16 nghìn người. So với 11 tháng năm 2023, TNGT tăng 5,67% về số vụ, giảm 7,89% số người tử vong, tăng 13,43% số người bị thương.

Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, mỗi ngày trên toàn quốc xảy ra 65 vụ TNGT, làm chết 30 người, bị thương 49 người.

Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG, ngoài thiệt hại nặng về người, và tài sản, TNGT còn làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển của thế hệ tương lai:

“TNGT vẫn gây thiệt hại đối với con người và tài sản còn cao. Ngoài những thiệt hại trực tiếp về người và tài sản, thì những thiệt hại lâu dài, ảnh hưởng đến năng suất lao động, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của thế hệ tương lai còn rất lớn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là một trận chiến, đòi hỏi sự kiên trì, lâu dài của cả hệ thống chính trị”.

7. GIAO THÔNG THIỆT HẠI CHƯA TỪNG CÓ DO THIÊN TAI

Theo thống kê của Bộ GTVT, chỉ riêng cơn bão số 3 - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đã gây thiệt hại cho kết cấu hạ tầng giao thông toàn quốc khoảng 3.000 tỷ đồng, với hơn 4.100 vị trí bị sạt lở, sụt nền, đứt đường, ngập nước; sập 2 nhịp cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C; nhiều trạm thu phí, trạm dừng nghỉ bị hư hỏng và hàng trăm báo hiệu bị gãy đổ...

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và địa phương, cũng như sự chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, song, tính chung cả năm 2024, ngành GTVT thiệt hại khoảng 3.030 tỷ đồng do hậu quả của bão lũ, thiên tai - mức thiệt hại lớn chưa từng có từ trước đến nay.

8. PHẬP PHỒNG ĐĂNG KIỂM

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tháng 12, lượng phương tiện có nhu cầu đăng kiểm cao nhất, gần 468 nghìn phương tiện, trong đó tại Hà Nội hơn 82 nghìn phương tiện và TP.HCM hơn 66 nghìn phương tiện và sẽ tiếp tục tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Lượng phương tiện kiểm định ngày càng tăng, trong khi theo quy định, nếu trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị đình chỉ hoạt động 3 tháng.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN đánh giá, đối chiếu quy định này, không ít trung tâm đăng kiểm buộc phải đóng cửa hoặc không có đăng kiểm viên bậc cao đủ điều kiện ký giấy chứng nhận đăng kiểm:

“Nếu thực hiện theo quy định này, chúng tôi đánh giá, lúc này trên cả nước có khoảng gần 80 trung tâm đăng kiểm sẽ phải dừng hoạt động và ảnh hưởng đến 31 tỉnh, thành trên cả nước. Khi 31 tỉnh thành này xảy ra tình trạng ùn tắc thì tình trạng ùn tắc sẽ lan ra toàn quốc ngay”.

Tuy vậy, theo thông tin từ Bộ GTVT, Nghị định số 121/2024 (sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới) có hiệu lực từ 5/10/2024 đã có hai sửa đổi quan trọng giúp ngăn ngừa tái diễn tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Hai nội dung sửa đổi quan trọng, gồm: Bãi bỏ quy định tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị xử phạt hoặc bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Cùng đó là bãi bỏ quy định thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên trong trường hợp “Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới” cho đến ngày 1/1/2025.

Theo Bộ GTVT, việc ban hành các quy định mới sát với yêu cầu thực tế đã giúp ngăn ngừa tái diễn tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định như đã từng xảy ra trong những tháng đầu năm 2023.

9. BẾN THỰC, BẾN ẢO, VẪN CHƯA HẾT LÚNG TÚNG TRONG QUẢN LÝ VẬN TẢI

Mặc dù Luật Đường bộ đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025, song đến thời điểm này, việc quản lý vận tải bằng bến thực, bến “ảo” vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, cơ quan quản lý, thay vì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, lại quay về sử dụng lệnh vận chuyển bằng giấy.

Cụ thể, Nghị định 10/2020 đã quy định nhiều thủ tục được thực hiện qua phần mềm để quản lý bến xe khách khi xe ra, vào bến, nhưng, Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ do Bộ GTVT soạn thảo đã bỏ quy định này, thay vào đó là quy định: Đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe khách xác nhận vào Lệnh vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải khi xe xuất bến…

Lý giải về việc vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh việc quản lý vận tải, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết:

“Theo đề án của Bộ GTVT phê duyệt thì mới đang nâng cấp phần mềm để tự động phát hiện các điểm trùng lặp hoặc các hành trình trùng lặp, cũng như các điểm đi, điểm đến, giúp các Sở GTVT phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian tới”.

10. LIÊN TIẾP TRẬT BÁNH TÀU HỎA, BÁO ĐỘNG VỀ ĐỘ LÃO HÓA CỦA ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA

Theo tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, từ 28/7 đến 28/9/2024, chỉ riêng tại khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế đã xảy ra 6 vụ tàu khách và tàu hàng trật bánh. Đó là chưa kể các vụ việc xảy ra tại Quảng Trị.

Nguyên nhân được xác định là do có chênh lệch về cao độ giữa hai ray vượt quá tiêu chuẩn cơ sở; Phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản và ray chống trật bánh không đúng quy định, dẫn đến sự cố. Các vụ việc có tính lặp lại tại một khu vực, trong khoảng thời gian ngắn khiến người dân vô cùng lo lắng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GTVT đã đưa ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó riêng lĩnh vực đường sắt dự kiến cần khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị) đến năm 2030 vào; đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD.

Mặc dù còn những dấu lặng trong các sự kiện GTVT trong năm 2024, song với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, tiềm lực, vị thế về kinh tế, cũng như đòi hỏi của thực tiễn sẽ giúp ngành GTVT vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới,