Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Gian lận trong sản xuất kinh doanh gas: Cần vá lỗ hổng cơ chế

Phóng viên - 22/12/2020 | 5:39 (GTM + 7)

Tình trạng gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... đang là vấn đề nổi cộm trên thị trường kinh doanh gas (khí hóa lỏng) hiện nay, dẫn đến nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho người tiêu dùng. Những lỗ hổng nào trong quản

Chiếm dụng vỏ bình và sang chiết nạp lậu dưới thương hiệu gas lớn đang diễn ra phổ biến, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng lớn đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

"Nhà tôi từng bị mắc phải vài lần, vì cũng không để ý, cứ xem số điện thoại trên bình gas để gọi, nhưng về sau thấy nhiều cái kém chất lượng đến lúc kiểm tra lại thì mới biết những người đến thả tờ rơi họ đã xé hết số điện thoại cũ dán đè lên, tráo đổi số thoại của hãng quen của mình",

"Đun gas nhiều khi vớ phải những bình giả thì nó sẽ nổ, nhất là những bình gas mini rủi ro còn cao hơn. Bình này nếu lấy phải của những hãng chộp giật, nó mài vỏ đi rồi mình không biết mà mình lấy thì cũng dễ chết".

Đó là chia sẻ của một số người tiêu dùng từng mua phải gas giả, gas kém chất lượng. Do chủ quan và bất cẩn họ đã trở thành nạn nhân tiêu thụ hàng giả, hàng lậu khi để người lạ dán số điện thoại mới vào bình gas đang sử dụng. 

Theo ông Vũ Đào Tùng Phương, Trưởng phòng KD gas dân dụng & thương mại (Tổng Công ty Gas Petrolimex) tình trạng giả, nhái thương hiệu, nhái màu sắc, logo; chiếm dụng vỏ bình và sang chiết nạp lậu dưới thương hiệu gas petrolimex và một số thương hiệu lớn đang diễn ra phổ biến, với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây ảnh hưởng lớn đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp: 

"Việc sang chiết nạp lậu và chiếm dụng vỏ bình là vấn đề lớn trên thị trường gas hiện nay, dẫn đến tình trạng các vỏ bình đó không được kiểm định và đảm bảo chất lượng. Và khi vỏ bình ở các trạm sang chiết nạp lậu đến với người tiêu dùng sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ cao.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải xem xét cụ thể hơn về việc sở hữu vỏ bình đối với các DN kinh doanh, để chúng tôi có cơ sở quản lý và phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn nữa, tránh tình trạng sang chiết nạp lậu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng".

Cũng theo ông Phương, quy định hiện hành về kinh doanh khí hóa lỏng chưa đủ chặt chẽ, nên rất khó ngăn chặn triệt để các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hay gian lận thương mại trong kinh doanh gas.

Trong đó, quy định về điều kiện kinh doanh cửa hàng bán lẻ LPG theo NĐ 87/2018 dễ phát sinh việc mua bán vỏ bình gas lòng vòng, không kiểm soát được chất lượng, giá cả và độ an toàn.

Đồng quan điểm này, ông Cao Tuấn Anh, Phó GĐ kinh doanh Chi nhánh Bắc bộ (Công ty CP kinh doanh LPG Việt Nam) chia sẻ, hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng vỏ bình gas, chiết nạp lậu.

Để tự bảo vệ mình, các DN đã chủ động liên kết nhằm phát hiện các hành vi gian lận; thực hiện quản lý chặt chẽ vòng quay của vỏ bình và dán tem chống hàng giả:

"Có những vụ việc gian lận thương mại chúng tôi lên tận Bắc Kạn, rõ ràng nhìn thấy chiếm dụng vỏ bình, cắt tai mài vỏ. Tuy nhiên khi đưa ra xử lý sai phạm chưa được triệt để. Biết đấy là sản phẩm của mình nhưng cũng không làm sao thu hồi được. Các cơ quan chức năng cần sửa đổi bổ sung NĐ, tìm cách tháo gỡ để xử lý các hành vi gian lận thương mại trên thị trường thuyết phục hơn".

Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam Phan Văn Hùng ghi nhận, nếu như trước đây việc sang chiết nạp lậu gas được thực hiện công khai ở các trạm chiết thì nay các đối tượng này đã rút vào bí mật, thực hiện sang chiết trực tiếp từ các xe bồn ở những địa điểm vắng vẻ vào ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong khi đó quy định về xử phạt hành vi sang chiết lậu theo NĐ 99 mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính: 

"Việc sang chiết gas lậu tính chất của nó rất nguy hiểm, nó không đảm bảo chất lượng, không an toàn. Thế nhưng luật của mình quy định chỉ xử phạt hành chính, đang bất hợp lý, không quy ra đó là hàng giả mà chỉ là gian lận thương mại, nên xử phạt rất nhẹ. Kiến nghị của Hiệp hội là đưa hành vi sang chiết lậu là hàng giả chứ không chỉ là gian lận thương mại".

Dự báo các hành vi gian lận thương mại sẽ tiếp tục gia tăng vào dịp cuối năm,  Hiệp hội Gas Việt Nam và các DN hội viên đang chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý ở những địa bàn nổi cộm.  

Ông Đỗ Thanh Lam, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng Cục QLTT) thừa nhận, bên cạnh bất cập của quy định thì vẫn còn sự thiếu nghiêm minh trong một số cán bộ thực thi công vụ:

"Vì lợi nhuận các đối tượng làm ăn phi pháp nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng ta phải thường xuyên cập nhật để phát hiện ra phương thức thủ đoạn, phát hiện ra các quy luật để xây dựng chính sách xử lý. Thứ hai những người trực tiếp thực thi rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm, triệt để sẽ có sức răn đe. Nhưng do quen biết nể nang, cá biệt có trường hợp vì lợi ích cá nhân không làm chuẩn theo luật pháp".

Cơ quan năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa các cơ sở sản xuất kinh doanh gas; chủ động thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm

Mỗi năm lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm trong kinh doanh khí hóa lỏng, riêng trong năm 2020 đã phát phiện khoảng 20 vụ sang chiết gas trái phép. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông con số này khá khiêm tốn so với những gì thực tế đang diễn ra. Vấn đề là cần có một chế tài đủ mạnh và cái tâm của người “cầm cân nảy mực”.  

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Ngăn chặn gian lận trong kinh doanh gas: Cần vá “lỗ hổng” cơ chế. 

Hiện nay trên thị trường có gần 100 thương hiệu gas, với tổng mức tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu tấn/năm. Mặc dù không lớn, nhưng do có quá nhiều đầu mối tham gia nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, gian lận thương mại, sang chiết gas trái phép...

Thậm chí, có nhiều cá nhân, DN bất chấp quy định, cắt tai, mài vỏ bình, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình và tung ra thị trường cạnh tranh với giá thấp, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Sự nở rộ các thương hiệu gas cũng cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh gas, mạng lưới phân phối theo Nghị định 87 và các quy định trước đây còn nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở cho những DN không đủ năng lực tham gia kinh doanh gây nhiễu loạn thị trường. Cũng vì lẽ đó, nhiều “ông lớn” nước ngoài đã phải rút khỏi thị trường VN sau khi đầu tư cả trăm tỷ đồng vào lĩnh vực này. 

Nghị định 87 cho phép thương nhân kinh doanh được phép thuê vỏ bình gas nhưng không phải đăng kí nhãn hiệu hàng hóa. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi xảy ra cháy nổ sẽ không thể gắn hay quy trách nhiệm cụ thể đến từng thương nhân.

Một vấn đề nữa là quy định bắt buộc phải lập sổ theo dõi bình gas bán ra cũng đang gây lãng phí về thời gian và chi phí của DN. Ước tính khoản đầu tư ban đầu cho hoạt động này lên đến hàng trăm tỉ đồng. 

Bên cạnh đó các chỉ tiêu trong quy chuẩn 08:2019 của Bộ KHCN về chất lượng gas nhập khẩu đang ở mức khá thấp, nên hầu hết các sản phẩm gas nhập khẩu vào nước ta đều đạt “chuẩn”; việc kiểm tra chỉ mang tính chất “thủ tục”. Do đó, cần nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng gas nhập khẩu, nhằm đảm an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường. 

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan là vô cùng cấp thiết nhằm lập lại ổn định cho thị trường kinh doanh gas. Trước mắt cơ quan năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa các cơ sở sản xuất kinh doanh gas; chủ động thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bởi thực tế cho thấy sự vào cuộc của các lực lượng chức năng hiện chỉ mang tính chất định kỳ chứ chưa chủ động tìm kiếm, phát hiện những “hang ổ” gian lận. Các vụ vi phạm việc đều do DN tự phát hiện và báo tin, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt thì hầu hết các đối tượng đã kịp thời tẩu tán tang vật. 

Quy định pháp luật là điều kiện cần, song những người “cầm cân nảy mực” mới là quyết định. Bởi vậy, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực thi liêm chính, công minh, nắm rõ và làm đúng chính sách pháp luật của nhà nước.

Đặc biệt cần có sự giám sát quyền lực của người thực thi công vụ. Trong đó, vai trò giám sát của người dân và các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng, để giúp các quy định pháp luật được thực thi./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

// //