Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

“Cơn khát” giáo viên mầm non sau đại dịch COVID-19

Hoàng Anh - 25/04/2022 | 15:39 (GTM + 7)

Sau gần 1 năm phải tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi, nhiều trường mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập vẫn còn không ít nỗi lo vì thiếu giáo viên, nhân viên trông trẻ.

Đáng nói là từ tháng 5, khi 100% trẻ đi học trở lại, tình trạng này sẽ càng trở nên nan giải. Vậy nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt giáo viên mầm non là gì? Và làm cách nào để giải tỏa “cơn khát” giáo viên mầm non?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chị Thu Thảo trước đây là giáo viên của một trường mầm non trên phố Kim Ngưu (Hà Nội). 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường học đóng cửa, chị cũng… thất nghiệp. Để đảm bảo kinh tế, chị Thảo quyết định từ bỏ nghề giáo viên mầm non đã gắn bó 5 năm để chuyển sang làm công việc bán bảo hiểm.  

“Mình làm được 5 năm thì có 2 năm là bập bõm, cứ làm vài tháng lại nghỉ rồi nghe ngóng, đến năm ngoái thì nghỉ cả năm trời. Mình còn 2 con nhỏ, cũng phải phụ chồng lo kinh tế gia đình. Nên thôi đành bỏ nghề giáo”, chị Thảo cho biết.

Câu chuyện của chị Thảo là tình cảnh của rất nhiều giáo viên mầm non tại Hà Nội trong suốt 1 năm phải nghỉ làm vì dịch bệnh. Đến nay, khi trường được mở cửa trở lại, nhiều cô giáo vẫn ngần ngại tiếp tục gắn bó với nghề mầm non bởi nỗi lo thất nghiệp “bất thình lình”.

Cũng bởi thế mà nhiều trường mầm non ngoài công lập hiện đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên, học sinh ngày càng đông nhưng không đủ giáo viên đứng lớp. Trên các trang tuyển dụng việc làm cũng như các hội nhóm tìm việc, hội nhóm trao đổi nghề nghiệp trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non tư thục nhưng lượng tương tác lại khá ít ỏi.

Cô giáo Lê Hương Giang, chủ nhóm nhà trẻ Vân Tay Nhỏ (Lĩnh Nam, Hà Nội) chia sẻ: sau dịch số lượng học sinh đăng ký ngày càng đông nên cô có ý định mở rộng cơ sở nhưng gặp khó vì không đủ nhân lực. Mặc dù đã phải hạ yêu cầu tuyển dụng, chấp nhận sẽ đào tạo dần trong quá trình làm việc nhưng vẫn chưa tìm được giáo viên ưng ý.

Giáo viên vệ sinh khu vực vui chơi ở một trường mầm non tư thục trước khi đón trẻ trở lại trường. Ảnh: Vnexpress

Giáo viên vệ sinh khu vực vui chơi ở một trường mầm non tư thục trước khi đón trẻ trở lại trường. Ảnh: Vnexpress

"Hiện giờ, tôi đang muốn tuyển khoảng 3 cô giáo nữa nhưng mới có một ứng viên tham gia. Tôi đã đăng tin được khoảng gần một tháng. Cho nên tôi vẫn đang tuyển tiếp và rất khó khăn trong vấn đề này”, cô Giang cho biết.

Cùng chung tình cảnh “học sinh đăng ký thì đông mà giáo viên thì thiếu”, cô Lê My, chủ một cơ sở mầm non ở Kim Mã (Hà Nội) cho biết: dù nhà trường cố gắng đảm bảo chế độ cho giáo viên trong suốt thời gian nghỉ dịch nhưng đến thời điểm này một số giáo viên cũng không thể trụ lại và chuyển hẳn sang một công việc mới. Hiện trường thiếu giáo viên nên không thể nhận thêm học sinh dù danh sách học sinh đăng ký chờ khá đông.

“Ngay từ đầu tháng 4, tôi cũng đã đăng tuyển giáo viên ở các kênh, hội nhóm. Không phải riêng trường tôi mà các trường khác đăng tuyển khá nhiều. Tuy nhiên, tất cả những tin tuyển dụng của các trường đưa lên thì gần như không thấy có giáo viên phản hồi, ngược lại, chỉ cần 1-2 cô đăng lên là cần tìm việc thì có rất nhiều các trường cùng vào xin thông tin liên hệ để tuyển giáo viên. Như thế mới thấy là nhu cầu tuyển giáo viên rất cao và sự đáp ứng thì rất là ít”, cô Lê My nói.

Nhiều trường mầm non ngoài công lập hiện đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên, học sinh ngày càng đông nhưng không đủ giáo viên đứng lớp.

Nhiều trường mầm non ngoài công lập hiện đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên, học sinh ngày càng đông nhưng không đủ giáo viên đứng lớp.

Theo bà Nguyễn Thị Như Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, tính đến ngày 19/4, có hơn 9.200 trẻ mầm non trở lại trường học, tương đương 66,6% số trẻ trên địa bàn huyện. Do huyện Thanh Trì nằm trên địa bàn giáp ven đô nên có nhiều học sinh ngoại tỉnh, sau khi trường học mở lại, các em vẫn ở quê. Do đó, lượng học sinh ở các nhóm lớp tư thục quay lại trường vẫn còn ít, hiện mới có hơn 40%.

Mặc dù theo thống kê, đã có hơn 200 giáo viên làm việc ở các cơ sở ngoài công lập tại huyện Thanh Trì xin nghỉ việc nhưng số giáo viên hiện vẫn có thể tạm đáp ứng được số trẻ đến trường. Tuy nhiên, khi tỷ lệ trẻ ra lớp tăng lên thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên nếu các cơ sở không kịp bổ sung nhân lực: “Hiện tại số học sinh ra lớp chưa đông nên giáo viên cũng chưa thiếu nhiều nhưng nếu học sinh quay trở lại trường đông hơn thì sẽ thiếu. Vì vậy chúng tôi cũng đã có những phương án tiếp tục tuyển sinh đối với giáo viên ngoài công lập”.

Tương tự, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cũng đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non.

Còn tại quận Ba Đình, đến nay đã có 9 trường, nhóm lớp giải thể do ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình thì tỷ lệ trẻ đăng ký đến trường đạt 80%. Nhưng nếu số lượng trẻ đi học đủ trong thời gian tới thì các trường trên địa bàn quận còn thiếu 215 giáo viên.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, nhân sự là vấn đề nan giải nhất hiện nay với các trường mầm non ngoài công lập: “Covid đã kéo dài tới 2 năm, những giáo viên mầm non cũng không thể ngồi chờ đến khi nào trường lớp mở cửa lại. Cho nên họ đã tìm cơ hội việc làm mới, lựa chọn cho mình con đường khác chứ không phải làm giáo viên mầm non nữa. Thứ nhất là vì cuộc sống người ta đã phải rời bỏ. Thứ hai là vì nghề giáo viên mầm non rất áp lực, mức lương cũng không phải là hấp dẫn. Còn những người mà bám trụ lại thì tôi nghĩ rằng chắc đó phải là những con người rất yêu nghề”.

Hiện nay, đại diện các trường mầm non ngoài công lập mong muốn nhà nước có các chính sách hỗ trợ kịp thời như hỗ trợ vay ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế phí… nhằm có thêm nguồn lực sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ giáo viên giúp các trường sớm phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.

Trao đổi với PV VOV Giao thông, TS. Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Phải giúp đỡ những trường ngoài công lập vì học sinh không đi học thì không thể thu tiền, không có ai trả lương. Phải có chính sách, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển. Chúng ta cần phải giúp đỡ một cách cụ thể thì người ta mới yên tâm được.  Nhà nước phải hỗ trợ để giữ đội ngũ nhà giáo ngoài công lập như thế nào. Quan trọng nữa là chính địa phương phải có những giúp đỡ thiết thực, cụ thể”.

Các nhà quản lý cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực.

Các nhà quản lý cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực.

Không phải đến bây giờ vấn đề thiếu giáo viên ở bậc mầm non mới xuất hiện mà nó đã tồn tại trong thời gian khá dài. Vậy căn nguyên và giải pháp là gì? Góc nhìn của VOV Giao thông: “Vì sao cứ mãi điệp khúc “thiếu giáo viên mầm non?”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố giải thể sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Cũng theo một khảo sát của Bộ GD&ĐT, có tới 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Không giống như giáo viên mầm non công lập vẫn được hưởng lương theo quy định của nhà nước, giáo viên làm việc tại các trường tư thục hầu như không thuộc nhóm hỗ trợ nào, ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp nếu tham gia bảo hiểm xã hội.

Vậy để đảm bảo cuộc sống, hàng ngàn giáo viên mầm non ngoài công lập đã phải làm gì? Có những người phải đi làm công nhân, bán hàng online, đi bán bảo hiểm, thậm chí là giúp việc theo giờ. Bởi thế mà đến khi trường mầm non mở cửa trở lại, không ít người đã rẽ sang hướng khác, không còn muốn đồng hành với trẻ mầm non. 

Đáng nói, ngay cả khi trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, ngành giáo dục vẫn luôn trong tình cảnh thiếu đến gần 50.000 giáo viên mầm non.

Nhiều người vẫn ví nghề giáo viên mầm non như làm “dâu trăm họ” khi phải “vừa dạy, vừa dỗ” trẻ nhỏ từ sáng sớm đến chiều muộn, vừa phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ phía phụ huynh.

Thế nhưng, chỉ tiêu biên chế cho giáo viên mầm non lại rất khiêm tốn, trong khi, công việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khá bấp bênh, thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn; nên không nhiều người muốn gắn bó lâu dài với nghề mầm non, sẵn sàng bỏ nghề nếu tìm được công việc tốt hơn.

Những lí do này các nhà quản lý, chính quyền các địa phương đều đã tỏ tường; nhưng những giải pháp nhằm khắc phục lại vẫn chung chung, chưa đủ quyết liệt bởi thế mà điệp khúc “thiếu giáo viên mầm non” vẫn réo rắt trong nhiều năm qua.

Nếu không sớm giải quyết bài toán này, hàng trăm cơ sở mầm non có nguy cơ không thể hoạt động và hàng triệu trẻ em sẽ không thể đến trường.

Theo các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, ngay từ công tác tuyển dụng ngành sư phạm mầm non để thu hút nhân lực.

Bên cạnh đó, cần có sự đãi ngộ đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuê mặt bằng, thuế sử dụng đất, vay vốn… để họ sẵn sàng đầu tư, hoạt động lâu dài từ đó người lao động yên tâm công tác và hưởng mức lương tương xứng hơn, bám trụ với nghề.

Hơn hết, giáo dục độ tuổi mầm non cần được chú trọng hơn nữa bởi đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất về trí óc, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ.

Vì lẽ đó, quan tâm đến đội ngũ giáo viên mầm non cũng thể hiện tầm nhìn của ngành giáo dục đối với những bước đầu tiên của việc trồng người.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //