Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xuất khẩu gạo: Muốn hết 'lùm xùm', cần minh bạch và chiến lược dài hạn

Phóng viên - 21/04/2020 | 15:28 (GTM + 7)

Trước thông tin mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo lúc “nửa đêm”, nhiều doanh nghiệp đang tỏ ra hoang mang, đặt vấn đề về tính công khai, minh bạch, bình đẳng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Ngày 12/4/2020 hải quan đã cho mở tờ khai xuất khẩu gạo với chỉ tiêu đăng ký là 400.000 tấn. Ảnh: Báo Lao động

Câu hỏi về sự công khai, minh bạch

Sau khi được sự cho phép của Thủ tướng xuất khẩu gạo trở lại, ngày 12/4/2020 hải quan đã cho mở tờ khai xuất khẩu gạo với chỉ tiêu đăng ký là 400.000 tấn. Tuy nhiên, thời điểm mở tờ khai cho các doanh nghiệp đăng ký số lượng xuất khẩu là lúc 12 giờ đêm ngày chủ nhật. Đồng thời, trước đó, Tổng cục Hải quan cũng không công bố thời gian mở hệ thống.

Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh không thể đăng ký tờ khai tham gia vào sản lượng được xuất khẩu trong tháng 4. 

Tại Long An, hiện có 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 7 doanh nghiệp mở được tờ khai hải quan trong ngày 12/4 với lượng gạo được thông quan khoảng 8.500 tấn. Nhiều doanh nghiệp đã đóng hàng tại cảng, từ lâu nhưng vẫn chưa thể giao cho đối tác. Cụ thể, Công ty TNHH Phước Thành 2, phường Tân Khánh, thành phố Tân An kỳ vọng sẽ xuất được 40 container còn nằm tại cảng lâu nay. Nhưng thời điểm cho mở tờ khai là lúc 0 giờ ngày 12/4, nên danh nghiệp chỉ khai được hai tờ khai, tổng cộng 5 container, với 119 tấn gạo.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, Phó giám đốc Công ty TNHH Phước Thành 2 cho biết:  "Công ty đang có 45 container nằm ở cảng Cát Lái từ ngày 24/3 đến nay. Chi phí lưu thông, lưu bãi hiện nay rất cao, đang là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, lượng hàng để ngoài cảng trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, làm giảm chất lượng sản phẩm có nguy cơ sau này khách hàng không tái ký lại hợp đồng với công ty. Chúng tôi mong muốn cơ quan hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp để có kế hoạch kinh doanh hiệu quả hơn".

Nhiều doanh nghiệp đang mong từng ngày từng để được xuất khẩu. Ảnh: Dân việt

Cũng như Long An, tỉnh An Giang chỉ có duy nhất một doanh nghiệp kịp mở tờ khai xin xuất khẩu với số lượng ít ỏi là 1.500 tấn. Bà Võ Thị Phỉ, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Tấn Vương – Công ty xuất khẩu gạo lớn hàng đầu tại An Giang cho biết hiện nay, công ty còn khoảng 1.300 tấn đang nằm tại Cảng Cát Lái, TP. HCM. Trong khi đó gạo tồn kho tại doanh nghiệp hiện giờ cũng trên 20.000 tấn.

Chỉ tính riêng số lượng gạo nằm tại cảng từ tháng 3 đến nay, đội theo bao nhiêu chi phí phát sinh từ tiền bãi, tiền sà lan đến tiền phát sinh ngoài cảng, chưa tính tiền lãi vay mỗi ngày doanh nghiệp cũng mất vài chục triệu, trong khi đó gạo thì lại không xuất khẩu được.

Bà Phỉ cho rằng, việc cho các doanh nghiệp đăng ký tờ khai, mà lại đăng ký lúc “nửa đêm”, lại đúng ngày chủ nhật thì thực sự là làm khó doanh nghiệp: “Doanh nghiệp còn tồn đọng hàng nhiều, không xuất được thì thiệt hại, bởi vì hàng trong nước không tiêu thụ được, thì vùng nguyên liệu tiếp tục trồng thì bán cho ai, nên doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Trong hàng dự trữ của Quốc gia chỉ có gạo tẻ thông thường, còn gạo của tôi là các loại gạo thơm, nên nếu không xuất được là ảnh hưởng lượng gạo tồn kho của mình không đi được. Mỗi ngày chi phí lãi vay, tiền lương công nhân, tôi tốn phải hơn 200 triệu ”.

Về việc nhiều doanh nghiệp bức xúc không gửi được tờ khai xuất khẩu gạo do cơ quan hải quan mở tiếp nhận vào lúc 0h đã dấy lên nghi vấn về tính công khai, minh bạch và bình đẳng trong dư luận.

Trước nghi vấn này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Hải quan, Tổng cục Hải quan khẳng định việc thực hiện đăng ký tờ khai trên hệ thống là hoàn toàn minh bạch: “Đối với tất cả các mặt hàng trước đây khi cho phép xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu thì đều từ 0h và hệ thống cho phép đăng ký 24/7, không có giới hạn là ban ngày hay ban đêm, ngày nghỉ hay ngày lễ. Khi nào doanh nghiệp vào cũng đăng ký được, sau khi hải quan thiết lập hệ thống xong thì sẽ áp dụng từ 0h. Hoàn toàn có thể khẳng định không có sự can thiệt của công chức hải quan, cũng như không có tiêu cực hoặc là ưu ái cho doanh nghiệp nào hoặc là trục lợi chính sách ở đây. 

Cơ quan hải quan hoàn toàn minh bạch trong việc tiếp nhận cũng như đăng ký tờ khai cho các doanh nghiệp theo đúng nguyên tắc: doanh nghiệp nào nộp tờ khai trước thì sẽ được đăng ký trước và theo đúng nguyên tắc của Bộ công thương đưa ra là khi đăng ký tờ khai là sẽ trừ lùi vào hạn ngạch 400 ngàn tấn cho đến khi hết thì thôi”. 

Dù phía Hải quan khẳng định không có tiêu cực trong việc mở cửa tiếp nhận tờ khai xuất khẩu gạo ngày 12/4 vừa qua, nhưng điều mà dư luận và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo đặt dấu hỏi có hay không sự công bằng khi một mình Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.000 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng này.

Hơn nữa, trong khi có rất nhiều doanh nghiệp đang mong từng ngày từng để được xuất khẩu những lô hàng bị kẹt tại cảng thì tính từ thời điểm 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu hết 400.000 tấn gạo là 10h ngày 12/4, nhưng qua hơn 6 ngày, số gạo thực xuất mới chỉ đạt 1,7% tổng hạn ngạch. Vậy, có nên chăng cần có sự vào cuộc từ Chính phủ để làm sáng tỏ những “góc khuất” mà nhiều người đang hoài nghi?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc điều hành giật cục, không nhất quán của các bộ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Ảnh: Tiền phong

Xử lý nghiêm minh; không có chỗ cho các nhóm lợi ích (Bình luận của Nhà báo Bùi Trọng Điển - Phó Giám đốc Kênh VOVGT)

Sau những “lùm xùm” xung quanh công tác điều hành xuất khẩu gạo ở nước ta thời gian qua, mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo, trong đó làm rõ: Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020. Với yêu cầu này cho thấy, Thủ tướng rất quan tâm, chia sẻ trước các vướng mắc mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở nước ta đang gặp phải; giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, để cây lúa làm ra vừa trúng mùa, vừa được giá.

Qua đó cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đến bà con nông dân, những người đang “một nắng hai sương” hàng ngày đóng góp vào cho nền kinh tế nước nhà, nhất là trong điều kiện dịch dã hiện nay. Chắc chắn các sai phạm, tiêu cực nếu có sẽ bị xử lý nghiêm minh; không có chỗ để cho các nhóm lợi ích thâu tóm, chi phối như dư luận đồn đoán. 

Có thể khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Nhà nước vào cuộc mà nguyên nhân là việc xuất khẩu gạo thời gian qua, nhất là khi hạn ngạch 400 ngàn tấn được cấp và xuất trong tháng 4 này đã để lại nhiều dư luận rất không hay đến công tác điều hành và quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo.

Việc Tổng Cục Hải quan cho mở tờ khai lúc “nửa đêm” là một chỉ dấu cho sự làm việc không căn cứ vào thực tế khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bức xúc, kêu cứu khắp nơi.

Cũng trước đó, việc Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và một số bộ, ngành liên quan không thống nhất về việc đánh giá tương đối chính xác sản lượng gạo thực có tại ĐBSCL trong vụ đông xuân này nên rất lúng túng khi đề xuất xuất khẩu gạo khiến các văn bản ban hành nhiều khi “đá nhau”, lúc kiến nghị dừng, lúc lại đề nghị cho xuất. Cũng 2 Bộ này trong những ngày gần đây liên tục có các văn bản qua lại giải trình các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Đó là chưa kể, Tổng Cục Dự trữ quốc gia khi tổ chức đấu thầu nhiều doanh nghiệp đã tham gia trúng thầu nhưng sau đó lại cố tình không giao gạo với lý do giá trúng thầu thấp hơn giá gạo thực tế nên các doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”.

Điều này khiến dư luận dấy nên nghi vấn, phải chăng các doanh nghiệp này đều ở dạng “tay không bắt giặc”, không có kho, cũng chẳng có vốn liếng nhiều, bấy lâu nay chỉ tìm mọi cách lách luật để “xí phần” rồi hưởng lợi.  

Ảnh minh họa: KT

Rõ ràng gạo là mặt hàng chiến lược, liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới hiện nay. Các nước cùng với việc khốn khó do phải đối phó với dịch còn ngổn ngang với nỗi lo về đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân.

Khi dịch còn kéo dài nếu để rơi vào thiếu loại hàng hóa thiết yếu này dẫn đến khủng hoảng kép; đe dọa nghiêm trọng đến an ninh trật tự của mỗi quốc gia. Do vậy, các nước đều tập trung nhập khẩu gạo, trong đó có gạo Việt Nam.

Đây là một tín hiệu tốt khi Việt Nam trong năm nay đặt ra mục tiêu ngay trước khi có dịch là xuất hơn 6 triệu tấn gạo. Riêng trong điều kiện dịch dã hiện nay, để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu khoảng 800 ngàn tấn gạo trong tháng 4, tháng 5 sau đó căn cứ vào tình hình thực tế sẽ quyết định tiếp.

Các yếu tố này đã tác động trực tiếp đến giá lúa bán tại ruộng của nông dân ĐBSCL trong những ngày qua, khi giá lúa luôn ở mức cao, đảm bảo cho người trồng có lãi lớn. Niềm vui  trúng mùa, trúng giá như tiếp thêm sức mạnh để bà con tiếp tục đầu tư cho vụ lúa hè thu mới.

Vấn đề lúc này là ngoài việc làm rõ các “góc khuất” nếu có trong xuất khẩu gạo theo yêu cầu của Thủ tướng, thì ngay lúc này, các bộ, ngành, địa phương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước dẫn đường cho sự phát triển, cần có một chiến lược xuất khẩu gạo căn cơ, bài bản với các cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo đó, cần thực thi một chính sách minh bạch, cởi mở, thông qua các cơ chế đấu thầu; hình thành chuỗi ngành hàng khép kín từ trồng trọt đến tiêu thụ, theo cơ chế liên kết nhiều nhà. Đây là việc làm cần thiết định vị lại giá trị thương hiệu gao Việt trên thị trường thế giới. Bởi đối với Việt Nam nói chung và ĐBSCL, hàng chục năm nay, dù có chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhưng làm lúa gạo vẫn được coi là một thế mạnh không phải quốc gia nào cũng có được; nhất là ở ĐBSC.

Chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, nông dân ĐBSCL không chỉ đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách quốc gia mà còn giúp chúng ta trụ vững, không sợ đói; sợ thiếu lương thực thực phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid đang rình rập hiện nay.

Một chiến lược lâu dài cho xuất khẩu gạo Việt Nam là hướng đi bắt buộc nếu muốn chấm dứt các lùm xùm, vướng mắc trong lĩnh vực này như thời gian vừa qua.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

// //