Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Thu phí không dừng: Quyền lợi và trách nhiệm

Theo Báo điện tử Chính phủ - 29/07/2022 | 13:50 (GTM + 7)

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm.


Các khách mời: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; ông Phạm Hồng Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC); ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC; Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công An).

Từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC - Electronic Toll Collection).

Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho Chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt…

Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, Nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…

Vậy làm cách nào để phương thức này đi vào cuộc sống sau thời gian dài trễ hẹn? Làm thế nào để người dân sử dụng dịch vụ ETC dễ dàng, như một nếp sống văn minh, thói quen hằng ngày?

Câu giải đáp sẽ có trong tọa đàm: "Thu phí không dừng: Quyền lợi và trách nhiệm", với khách mời là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực này. 

Các khách mời gồm: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Ông Phạm Hồng Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC); Ông Hồ Trọng Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC; Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công An).

Tại Tọa đàm, các khách mời sẽ trao đổi, phân tích, làm rõ hơn các tiện ích của ETC, hướng dẫn người dân cách thức đăng ký, sử dụng dịch vụ ETC, cũng như giải đáp thắc mắc của người sử dụng và giải pháp xử lý những tồn tại phát sinh trong quá trình đưa dịch vụ tiện ích này vào cuộc sống.

 

Tất cảTổng thuật

14:47

Còn về phía Viettel với ePass, xin hỏi dịch vụ mà Viettel mang đến cho người dân có gì khác so với của VETC không? Người dân có thể đến đâu để dán thẻ ePass của Vietel?

Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC: Viettel có 63 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố để triển khai số lượng lớn trong thời gian ngắn. Chúng tôi dựa chủ yếu vào lực lượng bán hàng trực tiếp các kênh và siêu thị của Viettel để phục vụ.

Trong thời gian tới, những điểm siêu thị hay cửa hàng của Viettel sẽ tính toán đến việc tăng cường hỗ trợ khách hàng.

Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rất mừng là từ khi có quyết định bắt đầu từ 01/8 triển khai thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc, số lượng cuộc gọi tăng lên khá nhiều. Chúng tôi phải tăng cường lực lượng, xây dựng callbox, chatbox và tổng đài AI tự động để trả lời khách hàng. Nhưng để đột biến tăng lượng nhân sự như vậy cũng là nỗ lực của nhà cung cấp dịch vụ.

Chúng tôi cũng lưu ý khách hàng chưa có nhu cầu thì có thể giãn thời điểm để chúng tôi kịp thời phục vụ. Chúng tôi cũng đang tính tới phương án online khi có mẫu đăng ký online trên hệ thống và trên web. Thực ra trên hệ thống có rồi nhưng do cần phải có lượng khách hàng thực và chất lượng phát triển thuê bao. Chúng tôi cũng cố gắng phục vụ tại nhà và có những máy đo để hạn chế lỗi có thể xảy ra.

14:35

 

Ông Bùi Trình, Tổng Gíám đốc VDTC (trái) và ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC (phải) tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Bùi Trình, Tổng Gíám đốc VDTC (trái) và ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC (phải) tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Được biết, lượng xe dán thẻ trên toàn quốc đến nay đạt 70%. Tuy nhiên số người sử dụng chỉ 50%, chưa kể tỉ lệ này không đồng đều giữa các vùng miền (tại các tỉnh phía Nam đến ngày 26/7 mới chỉ đạt 40% số lượng dán thẻ, vậy số sử dụng sẽ thấp hơn).

Vậy làm thế nào gia tăng số người dán thẻ cũng như sử dụng thực tế dịch vụ ETC và để việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng trở thành một thói quen, một nếp sống mới của người dân?

Ông Bùi Trình, Tổng Gíám đốc VDTC: Trước hết, phải khẳng định rằng chúng ta cần truyền thông rộng rãi đến chủ phương tiện những tiện ích của việc sử dụng công nghệ thu phí không dừng. Phải nói rằng từ 23/12/2020, Bộ GTVT đã rất quyết liệt chỉ đạo kết nối, liên thông 2 hệ thống, xe dán thẻ ePass hay xe thẻ của VETC đều có thể liên thông, đi lại qua các trạm thu phí trên toàn quốc và các tuyến cao tốc cho tất cả các phương tiện.

Sau hơn 1,5 năm triển khai dán thẻ, chính xác con số đạt 75%. Chỉ với khoảng thời gian ngắn như vậy chứng tỏ sự nỗ lực của các nhà cung cấp dịch vụ. Để đạt được điều đó, chúng tôi đã có mạng lưới nhân sự trên toàn quốc và các điểm đăng ký dịch vụ cũng như nhân viên của Viettel để cùng hỗ trợ phát triển dịch vụ trong thời gian ngắn. Có những thông tin cần truyền thông đến các chủ phương tiện để tiếp tục đặt niềm tin vào sử dụng dịch vụ và nâng tỉ lệ này lên.

Sự thuận tiện từ việc liên thông 2 hệ thống được thực hiện từ hơn 2 năm nay, do đó chủ phương tiện hoàn toàn có thể nạp thẻ.

Đúng là cũng có việc 3-4% chủ phương tiện đã dán thẻ đăng ký nhưng không có nhu cầu đi vào cao tốc hoặc chưa quen với việc nạp tiền vào thẻ. Nhưng chúng tôi đã có những dịch vụ hỗ trợ; đặc biệt thời gian gần đây sắp có 4 tuyến cao tốc của VEC thì tỉ lệ gọi tổng đài sẽ gấp 4-5 lần so với ngày thường. Cần gấp đôi lực lượng nhân sự để hướng dẫn và cải tiến một số tính năng giúp chủ phương tiện dễ dàng nạp tiền và lưu thông qua các trạm thu phí.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng trên các tuyến cao tốc trong thời gian sắp tới và cũng mong các chủ phương tiện hiểu đúng và ủng hộ nhà cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC: Số lượng xe cả nước là 4,8 triệu xe thì hiện nay số lượng xe dán thẻ là 3,5 triệu xe (của cả 2 đơn vị), tức là đã chiếm 75% số lượng xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, khu vực phía nam số lượng xe dán thấp hơn so với khu vực phía bắc. Lý do một phần là trước đây khu vực  phía bắc triển khai thu phí không dừng nhiều hơn, số lượng người có nhu cầu dán nhiều hơn. Còn bây giờ chúng ta triển khai tuyến TPHCM-Long Thành-Dầu Giây thì khu vực TPHCM hay các vùng lân cận mới có nhu cầu dán thẻ tăng lên.

Ngày hôm qua, VETC khu vực TPHCM đã dán 10.000 xe trên 1 ngày và cả nước là 20.000 xe. Với tốc độ này và cùng công tác tuyên truyền tốt, trong vòng 60 ngày nữa, chúng ta sẽ đạt được yêu cầu của Chính phủ. Đây là tín hiệu đáng mừng và khi khách hàng, chủ phương tiện tin tưởng và chúng ta tuyên truyền tốt thì tất cả mọi người sẽ ủng hộ cho chiến dịch VETC.

Còn từ ngày 1/8 khi tuyến Nội Bài-Lào Cai khu vực phía bắc đưa vào khai thác, tức là các tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ trước đây chưa có VETC thì sau đây lượng khách hàng triển khai sẽ còn tăng lên nữa.

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC: Có sự phân bố không đồng đều của việc dán thẻ thu phí tự động không dừng giữa các vùng miền trên cả nước. Mặc dù trên số liệu lượng phương tiện được dán đạt 75% nhưng chúng tôi có ghi nhận qua những ngày đầu triển khai dịch vụ thu phí không dừng ở 2 dự án phía bắc và phía nam.

Đối với phía bắc là dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình, ghi nhận được tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng cho đến thời điểm này là khoảng 77%. Còn tại dự án TPHCM-Long Thành-Dầu Giây thì trong 2 ngày đầu số lượng phương tiện sử dụng thu phí không dừng chỉ rơi vào 31-37%, nhưng vấn đề này sẽ dần dần được khắc phục.

Với sự tuyên truyền rộng rãi của phương tiện thông tin truyền thông và báo chí trong các ngày vừa qua, tỉ lệ này có tăng lên. Cho đến 18h ngày 28/7, tỉ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng tại TPHCM đã tăng lên đến 59% và còn tiếp tục tăng  nữa. Hy vọng thời gian tới với sự nỗ lực của các nhà cung cấp dịch vụ thì vấn đề này sẽ dần dần được giải quyết.

14:28

Chúng tôi có niềm tin khi đem lại lợi ích cho người dân

Ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ hoàn toàn chỉ thu phí không dừng. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc cục bộ ở một số nơi. Xin hỏi Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các Sở GTVT địa phương, Thanh tra giao thông xử lý như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Quan điểm của Bộ là những gì tốt nhất cho người dân thì chúng ta làm. Tất cả những tình huống khi áp dụng thu phí không dừng, chúng tôi đã lường đến. Mục tiêu của chúng tôi là tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích khi người dân sử dụng dịch vụ này và người dân ủng hộ, đồng hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này.

Do chúng ta mới áp dụng hệ thống này nên trong quá trình sử dụng cũng sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra. Nếu phản ánh của người dân kịp thời thì chúng tôi sẽ tập trung xử lý.

Có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn tự động mà không đủ tiền hoặc chót đi rồi thì chúng tôi có những phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa mang tính nhân văn, vừa tôn trọng nhau như hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ ngay. Chúng tôi đã chứng kiến những cảnh này ở các trạm, thấy tự hào và yên tâm.

Đến thời điểm này, tuy các chủ phương tiện có thắc mắc, có phản ánh nhưng khi được giải thích, phối hợp thực hiện thì họ rất vui vẻ. Vì thế chúng tôi có niềm tin khi đã làm được những điều đem lại lợi ích cho người dân.

Còn những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật.

14:28

Chúng ta đã nói về chủ trương, lợi ích, công nghệ và tiến độ triển khai. Nhưng còn một lực lượng rất quan trọng. Xin hỏi Thiếu tướng Lê Xuân Đức, lực lượng CSGT đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho việc triển khai thu phí ETC trên toàn quốc ra sao khi từ ngày 01/8, đưa thu phí không dừng vào sử dụng?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an): Cục CSGT đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 19 và Chỉ thị 39 của Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Trong đó giao cho lực lượng CSGT công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác điều tra cơ bản trên từng tuyến, địa bàn, doanh nghiệp và lưu lượng phương tiện ở các trạm thu phí và dự kiến lắp đặt thu phí không dừng để qua đó có phương án cụ thể, sát với thực tiễn.

Thứ hai, chúng tôi lấy công tác tuyên truyền, vận động người dân qua công tác nghiệp vụ của mình để người dân thấy lợi ích của thu phí không dừng, qua đó nắm bắt được vướng mắc, khó khăn của người dân liên quan đến thu phí không dừng để giúp tháo gỡ ngay tại địa bàn cơ sở.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa Cục CSGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị Viettel để qua đó tìm giải pháp tốt nhất giải quyết những tình huống trong quá trình triển khai thực hiện.

 Cục CSGT cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương có phương án phân luồng từ xa. Khi ở trạm thu phí này có sự cố, thì đồng thời các địa phương khác đều phải có phương án giải toả thống nhất trên sự chỉ đạo tập trung của Cục CSGT.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng tôi cũng xây dựng và triển khai thực tiễn những phương án khi xảy ra sự cố, tắc đường, cháy nổ… Điển hình khi chúng tôi cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, chúng ta không những xây dựng phương án trên văn bản mà cả triển khai trên thực tiễn, huy động chính quyền các cấp và lực lượng công an cơ sở. Như vậy khi có sự cố, chúng ta giải quyết được ngay. Chính vì vậy thời gian vừa qua, những sự cố về mất an ninh trật tự, khiếu nại từ người dân hoặc những sự cố gây tắc đường đều được xử lý bài bản, đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm an toàn giao thông thông suốt.

Chúng tôi cũng tập trung kiến nghị vấn đề tổ chức giao thông ở các trạm thu phí như thế nào cho phù hợp nhất. Như ở tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, đầu vào chúng ta tổ chức 4 làn, đầu ra 2 làn nên chưa phù hợp. Chúng tôi kiến nghị các đơn vị quản lý của ngành giao thông vận tải cũng như đơn vị thu phí tổ chức sao cho hợp lý và thông thoáng nhất. Đồng thời cùng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị của ngành GTVT, nhà thầu lắp đặt các trạm thu phí cùng hệ thống camera. Trên cơ sở đó xử phạt hành vi vi phạm qua thông báo vi phạm và hình ảnh trên hệ thống camera giám sát để nâng cao ý thực tự giác chấp hành của người dân, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi lưu thông qua trạm thu phí.

14:19

Việt Nam dùng công nghệ thu phí RFID, cao hơn Singapore

Xin hỏi nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, đến thời điểm này, nhà đầu tư VETC đã triển khai những giải pháp công nghệ, bố trí nhân sự cũng như diễn tập xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành toàn hệ thống như thế nào? Những giải pháp về công nghệ, vận hành, tổ chức lực lượng đảm bảo khắc phục các tình huống phát sinh mà đơn vị đã triển khai như thế nào?

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC: VETC là đơn vị được Bộ GTVT lựa chọn triển khai thu phí không dừng từ năm 2015. Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm triển khai thu phí không dừng. Từ quá trình triển khai đó, chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh sao cho hợp văn hóa của Việt Nam và phù hợp với tất cả những hoạt động thu phí của Việt Nam.

Việc chúng ta áp dụng công nghệ để điều chỉnh và ứng dụng vào công tác thu phí từ thu phí 2 dừng sang 1 dừng và bây giờ là không dừng.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thu phí tự động VETC - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ BIC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn BIC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng.

Thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong đến giai đoạn 3, giai đoạn 4.

Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GTVT và Chính phủ.

Còn quá trình triển khai vận hành thì VETC là đơn vị triển khai từ đầu có kinh nghiệm điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa của Việt Nam.

Công tác tuyên truyền cho lái xe ngay từ ngày đầu cũng là công tác phức tạp và rất khó khăn. Từ ngày đầu khi dán thẻ này vào các phương tiện, các chủ phương tiện rất nghi ngại sẽ bị theo dõi. Do đó thời gian đầu không hợp tác để dán thẻ nên phải vận động, tuyên truyền rất nhiều để các chủ phương tiện hiểu được lợi ích mà công nghệ này mang lại.

Đến thời điểm này, số lượng thẻ trên toàn quốc mà chúng ta dán cho các chủ phương tiện đã tăng lên rất nhiều. Cả 2 đơn vị đã phối hợp với nhau để triển khai. Hy vọng theo yêu cầu của Chính phủ, chúng ta sẽ hoàn thành khoảng 80-90% trong năm 2022.

14:05

Xin hỏi Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, vì sao Chính phủ, Bộ GTVT quyết tâm chuyển đổi hoàn toàn từ hình thức thu phí thủ công, một dừng sang hệ thống thu phí không dừng? Lợi ích lớn nhất của hình thức thu phí không dừng đối với người dân, doanh nghiệp, Nhà nước là gì?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Như các quý vị đã biết, để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, ngoài nguồn lực của ngân sách Nhà nước, chúng ta phải tìm những giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Giai đoạn 2010-2015, chúng ta đã thực hiện hình thức đầu tư với dạng hợp đồng BOT. Khi chúng ta thực hiện đầu tư hình thức này thì chúng ta đang áp dụng hình thức thu phí một dừng, tức là hình thức thủ công, đối tượng chủ yếu là đường quốc lộ được nâng cấp và sửa chữa. Riêng đối với đường cao tốc chúng ta cũng đầu tư và sử dụng hình thức thu phí kín, thu phí trên đầu phương tiện, đi km nào chúng ta thanh toán km ấy. Hai hình thức này khác nhau, trên đường quốc lộ được nâng cấp, sửa chữa chúng ta đầu tư và thu phí theo hình thức thủ công, còn áp dụng hình thức thu phí kín đối với đầu tư đường cao tốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quá trình thực hiện hình thức thu phí thủ công trên đầu phương tiện theo lượt bộc lộ một số vấn đề. Thứ nhất, gây nên ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí giao thông, có những trạm có tình trạng ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Thứ hai là có một số trạm không công khai, minh bạch trong vấn đề thu phí, tạo nên dư luận xã hội không tốt. Thứ ba là tạo nên môi trường không trong lành đối với những trạm thu phí, không tiện lợi cho người dân.

Do đó, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đưa công nghệ vào để áp dụng thay thế hình thức một dừng. Bộ GTVT có nghiên cứu trên thế giới cũng như trong khu vực và lựa chọn công nghệ để áp dụng. Năm 2015, Bộ chính thức nghiên cứu và thí điểm thu phí không dừng vào thu phí đường bộ.

Về lộ trình thực hiện, chúng tôi đã tính toán và đưa ra các lộ trình. Trước hết là đối với đường quốc lộ đã lắp trạm thu phí một dừng thì lộ trình đến năm 2023, toàn bộ sẽ lắp đặt thu phí không dừng, và chỉ dành 1 làn hỗn hợp để xử lý cho thời kỳ quá độ, khi người dân chưa thực hiện đầy đủ. Đến năm 2025, sẽ thực hiện toàn bộ thu phí không dừng ở tất cả các trạm thu phí.

Riêng đường cao tốc, chúng tôi đã đưa ra lộ trình. Đối với dự án các đường cao tốc, tuyến cao tốc do các nhà đầu tư khác đầu tư, chúng tôi đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng rồi. Bốn tuyến cao tốc của VEC đã có kế hoạch và triển khai nhưng do VEC tái cơ cấu nên có ảnh hưởng đến nguồn tài chính. Đến năm 2021, chúng ta xác định được nguồn, từ đó để có cơ sở triển khai tiếp dự án.

Với tinh thần của Thủ tướng là sớm đưa công nghệ này vào để triển khai đối với hệ thống đường cao tốc và hệ thống đường quốc lộ hiện hữu đang thực hiện các trạm thu phí, chúng tôi đã có kế hoạch chi tiết để triển khai với các chủ đầu tư, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ để chúng ta có kế hoạch đáp ứng được tiến độ này.

Khi thực hiện thu phí không dừng, sẽ khắc phục được các tồn tại đối với thu phí một dừng hiện nay: Thứ nhất, thể hiện sự phát triển của ngành giao thông Việt Nam là ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào tổ chức và quản lý, đưa hệ thống thông minh vào hoạt động, văn minh và tiện lợi.

Thứ hai, đem lại sự thuận tiện cho người dân về thời gian, thuận tiện khi dừng đỗ các trạm, làm tốt vấn đề môi trường. Khi qua trạm thủ công chúng ta mất vài ba phút dừng lại, trong điều kiện thời tiết bình thường không sao, nếu nắng mưa sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện. Chúng ta sử dụng hình thức mới, chỉ việc đi qua, không phải mở cửa xe, dừng xe, rất thuận lợi.

Thứ ba, tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến.

Thứ tư, khi thực hiện công nghệ thu phí không dừng, chúng ta sẽ công khai, minh bạc doanh thu, các cơ quan giám sát lẫn nhau như nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước, đây là giải pháp tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm thực hiện, rất công khai, minh bạch.

Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

// //