Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những dòng sông ĐBSCL kêu cứu (Bài 2): Giải pháp nào?

Phóng viên - 19/05/2019 | 7:53 (GTM + 7)

Khoảng 2000 con sông nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn... gây nguy hại đến sức khỏe của người dân...

Với tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, với sự phát triển không ngừng của quá trình công nghiệp hóa, các nhà máy, các cơ sở chế biến… hoạt động hết công suất ngày đêm, những dòng sông ở khu vực ĐBSCL đã dần bị mất đi sức sống vốn có

Nghe nội dung chi tiết tại đây:
 

ĐBSCL từ lâu đã được biết đến là một khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Điều này không chỉ tạo nên một nét văn hóa gắn liền với sông nước rất độc đáo trong đời sống người dân mà còn tạo nhiều thuận lợi cho quá trình lao động, sản xuất và vận tải cho khu vực này. 

Đó là chưa kể lượng nước dồi dào hàng năm đổ về từ thượng nguồn sông Mekong đã mang đến một nguồn tôm cá phong phú, đã phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho hàng chục ngàn hecta hoa màu và cũng đã được tận dụng trong các kênh, mương để phát triển chăn nuôi các loại thủy, hải sản. 

Trên thực tế, mỗi năm, sông Mekong chuyển về ĐBSCL khoảng 450-475 tỷ m3 nước và tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Nếu đem chia khối lượng nước của sông Mêkông cho khoảng 20 triệu dân sống ở ĐBSCL thì mỗi người có thể nhận từ 25.000-30.000 m³ nước (gấp 5-6 lần lượng nước nội địa trung bình cho mỗi đầu người Việt Nam).

Tuy nhiên, cùng với tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, với sự phát triển không ngừng của quá trình công nghiệp hóa, các nhà máy, các cơ sở chế biến… hoạt động hết công suất ngày đêm, những dòng sông ở khu vực này đã dần bị mất đi sức sống vốn có. Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng thì cứ độ vài ba tháng chúng ta lại tiếp nhận thông tin có dòng sông ở nơi này kêu cứu, dòng sông khác lại đang bị “bức tử”…

Đây thực sự là một câu chuyện đáng buồn, một vấn đề đã cũ nhưng chưa bao giờ bớt nóng không chỉ của riêng ĐBSCL mà là của cả nước. Theo kết quả quan trắc của Bộ TN-MT, khoảng 2000 con sống của nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn..., gây nguy hại đến sức khỏe của người dân sống trên các lưu vực sông khi họ sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt. Bà Vũ Thị Thanh Hương – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nước tưới tiêu và môi trường nhận định:

“Tình trạng ô nhiễm nước trong thủy lợi càng ngày càng gia tăng và thể hiện rất rõ, đặc biệt là những hệ thống thủy lợi bị ảnh hưởng của các khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị; và tình trạng ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi cũng đã có ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống dân cư”.

Tình trạng này sẽ dẫn đến những hậu quả trước mắt và hệ lụy lâu dài như thế nào có lẽ ai cũng đã rõ, vậy còn về nguyên nhân, đã bao giờ chúng ta nghiêm túc nhìn nhận? Về góc độ nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường cho biết, nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm hiện nay chủ yếu là do sông ngòi trong vùng đã nhận nhiều nguồn ô nhiễm, từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, thủy sản xả trực tiếp ra sông. 

Đặc biệt, nhiều năm qua, các địa phương trong vùng đều chạy theo việc tối đa hóa sản lượng lương thực, sản xuất 3 vụ lúa/năm phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, với sản lượng lúa khoảng 25 triệu tấn, ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây các rủi ro sự cố môi trường do sự tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường nước.

Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh, thành đều có hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động. 

Nhiều khảo sát ở các trạm quan trắc môi trường cho thấy, chất lượng nước trong các kênh, rạch nhỏ đang ô nhiễm nghiêm trọng, vượt nhiều lần mức cho phép của tiêu chuẩn nguồn nước, khiến khả năng tự làm sạch nguồn nước tự nhiên bị hạn chế. Đánh giá về thực trạng ô nhiễm hiện nay của các dòng sông, GS.TS Lê Huy Bá – Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường nêu quan điểm:

“Chúng ta biết rồi, xả nước thải vô tội vạ, xả nước thải, không tách được nước thải ra riêng với nước mưa. Cái ý thức của người dân ta cũng vậy, cho kênh rạch là cái gì đó, cho cái gì xuống, xả cái gì xuống đó cũng được”.

Đề cập đến vấn đề xem dòng sông là nơi có thể chứa đựng mọi thứ, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên vụ việc một hộ nông dân ở ấp Vĩnh Mẫu, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã vứt cá chết bừa bãi xuống ao gây ô nhiễm môi trường trầm trọng; vụ việc xảy ra vào cuối năm 2018 vừa qua. 

Vì nghĩ đơn thuần cá sẽ chìm xuống đáy nên hộ nuôi này đã vứt hàng chục bao tải chứa cá chết xuống sông, cá phân hủy, ruồi nhặng, giòi bu kín, bốc mùi hôi thối cho cả khu vực, khiến những hộ lân cận không khỏi hoang mang, lo sợ ảnh hưởng sức khỏe. 

Cách đó không lâu, vào tháng 01 năm 2019, bà con ở các xã Cẩm Sơn và Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cũng đã liên tục phát hiện nhiều bao tải chứa xác heo chết trôi dạt trên sông, thậm chí nhiều xác heo chết còn tấp vào bãi rác sát bờ sông trong tình trạng đang phân hủy. Theo nhiều hộ dân nơi đây, từ lúc xuất hiện tình trạng này, họ đã không dám sử dụng nước sông để sinh hoạt.

Đó chỉ là hai trong số khá nhiều những vụ việc gây ô nhiễm cho nguồn nước sông từ chính những việc làm thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Có thể nói, họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến không gian sống xung quanh, thậm chí còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Bức xúc trước tình trạng này, chị Mỹ Siêng - một người dân ở Quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ cho biết:

“Thật sự là người dân của mình chưa có ý thức gì trong việc bảo vệ môi trường hết. Thứ gì người ta cũng bỏ vô bọc nilon người ta quăng được hết, cứ kể như bãi sông là bãi rác, cứ vứt trôi lềnh bềnh dưới sông, làm cho những người khác có ý thức lại bị những người không có ý thức làm ô nhiễm lây. 

Giao thông đường thủy cũng bị ách tắt. Ghe xuồng chạy chút xíu là chân vịt dính phải bọc nilon tắt máy. Cái dòng sông, những kênh rạch bây giờ là kể như dòng sông chết rồi. Lớp thì nhà máy xả nước thải, lớp thì có người còn bắt cả nhà vệ sinh trên sông nữa. Tôi rất bức xúc về cái vấn đề này”.

Giải pháp nào để cứu những dòng sông đang bị bức tử ở ĐBSCL?

Trước thực tế đáng báo động về sức sống của hệ thống sông ngòi khu vực ĐBSCL, một yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải tìm ra những giải pháp hiệu quả, kịp thời và thực sự đi vào đời sống chứ không chỉ nằm im trên mặt giấy tờ như những năm vừa qua. Cùng đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn về giải pháp, PV đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Phan An – Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ. 

PV: Ông cho biết, trước thực trạng nhức nhói về việc ô nhiễm các dòng sông, đâu là giải pháp mà chúng ta cần quyết liệt thực hiện ngay từ lúc này?

PGS.TS Phan An: Có lẽ cũng có rất nhiều giải pháp nhưng có 2 giải pháp quan trọng nhất. Thứ nhất là giáo dục về ý thức con người, mà giáo dục này không đơn thuần, phải qua nhiều thời gian, nhiều thế hệ. Con người phải có ý thức, không xả nước thải ô nhiễm vào dòng sông. Đó là vấn đề giáo dục cho công dân vùng Na bộ này. 

Cái thứ hai là giải pháp hành chính, phải xử phạt để ngăn chặn hiệu quả những việc bức tử dòng sông, nhất là nguồn thải ô nhiễm của các nhà máy sản xuất, chế biến. Làm thế nào đó để có những giải pháp hành chính nghiêm túc. Hiện, chúng ta vẫn chưa có sự kết hợp giữa hai giải pháp này vì thế vấn đề ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

PV: Vậy theo PGS, việc không đánh đổi môi trường vì phát triển kinh tế có tầm quan trọng như thế nào đối với xã hội hiện tại và tương lai?

PGS.TS Phan An: Đấy là cái điều mà các vị lãnh đạo nói rất nhiều lần rồi, không đánh đổi sự phát triển với quy hoạch môi trường thì tôi cho đó là ý tưởng hoàn toàn đúng của lãnh đạo. Tuy nhiên ý tưởng đó mà để đến thực tế là cả một vấn đề, cả một khoảng cách không đơn giản. 

Người ta sẽ hiểu như thế nào về đánh đổi môi trường với sự phát triển? Có thể các vị lãnh đạo hoặc những người có học thức thì hiểu rõ hơn chứ quần chúng nhân dân thì người ta nhận thức được một cách đầy đủ, vì thế chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng những hình thức cụ thể hơn nữa để người ta hiểu được trách nhiệm của mỗi cá nhân với môi trường. Đó là cái mà tôi nghĩ cần phải làm trước tiên.

PV: Xin cảm ơn PGS!

Từ những phân tích, nhận định của chuyên gia thì rõ ràng giải pháp hàng đầu chúng ta cần nghĩ đến vẫn là ý thức của mỗi cá nhân. Nếu mỗi người chúng ta, từ cá nhân cho đến tập thể… hiểu được tầm quan trọng của sông ngòi, kênh rạch; nếu chúng ta thật sự nhận ra được những hậu quả mà môi trường đang trả lại cho con người; nếu chúng ta biết lo sợ về những rủi ro mà mình đang phải đối mặt.

Và nếu chúng ta biết trăn trở cho sự sinh tồn của cháu con, của các thế hệ tương lai thì ngay từ lúc này, hãy tự trang bị cho bản thân kiến thức về cách cư xử đúng đắn với môi trường ngay từ những hành động rất nhỏ trong đời sống thường nhật; và hãy để những con số phản ánh sự tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL tỷ lệ thuận với chất lượng môi trường vì một sự phát triển bền vững.

Mọi ý kiến phản ánh về các vấn đề bất cập tại địa phương, xin vui lòng gửi về địa chỉ [email protected]

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

Khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

Sáng 2/5, tại Ga Cao Xá, Tổng công ty Đường sắt VN và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vân quốc tế sau 83 ngày cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1.

Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen ngày nghỉ lễ

Phố quen mà lạ - điều mà không ít người ở Hà Nội đã nhận ra trong những ngày nghỉ lễ dài. Phố phường có thể có một chút mới lạ, đôi chút xáo trộn khác với thường nhật, cùng nhiều cảm xúc khác nhau trong cảm nhận của mỗi người, nhưng đúng là bước chân qua phố những ngày này thấy thật khác.

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Chuyện nhà cổ trăm năm Huỳnh Phủ

Có dịp về xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không khó để du khách tìm đến nhà cổ Huỳnh Phủ với tuổi đời hơn một thế kỷ.

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Người trẻ và câu chuyện bảo vệ môi trường

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm vừa qua, các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của những người trẻ yêu môi trường ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

5 ngày nghỉ lễ: TNGT giảm, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

Kết thúc 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5, theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song có những thời điểm, TNGT tăng cao so với bình thường.

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Xe điện tạo ‘cơn sốt vàng’ cho các nhà sản xuất lốp ô tô

Thị trường lốp ô tô lâu nay luôn được xem là ‘đấu trường’ cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, sự phát triển của ô tô điện đang mang đến nhiều cơ hội mới.

Khi vạch sang đường 'húc' vào dải phân cách

Khi vạch sang đường "húc" vào dải phân cách

Trên đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), nếu sang đường ở nơi có vạch kẻ đường thì nhiều người dân sinh sống ở khu vực này phải trèo qua dải phân cách. Lý do là bởi, vạch sang đường "húc thẳng" vào dải phân cách giữa đường.

// //