Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Xanh hoá tăng trưởng và nền kinh tế

Huy Hoàng: Thứ tư 20/09/2023, 13:16 (GMT+7)

Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh từ các doanh nghiệp xanh, người tiêu dùng xanh, hành vi xanh tiến tới hình thành nền kinh tế xanh được xem là nhiệm vụ chủ đạo mà TP.HCM sẽ hướng đến trong ngắn và trung hạn.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ về lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hoá cam kết ấy, các Bộ ngành, địa phương đã có lộ trình và kế hoạch hành động cụ thể ngay từ bây giờ.

Riêng TP.HCM, địa phương này xác định cần phải đi tiên phong trong việc chuyển đổi tăng trưởng xanh để hình thành nền kinh tế xanh nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới cũng như tạo thêm động lực để đưa thành phố phát triển. 

Dây chuyền sản xuất bánh Trung Thu tại Công ty Cổ phẩn bánh kẹo BiBica. Ảnh: Tiền Phong

Dây chuyền sản xuất bánh Trung Thu tại Công ty Cổ phẩn bánh kẹo BiBica. Ảnh: Tiền Phong

Trước những sự thay đổi của thị trường, kể từ năm 2018, công ty cổ phần bánh kẹo Bibica đã quyết định thay đổi quan điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, căn cứ theo 18 tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đơn vị này đã từng bước thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát đầu vào lẫn cam kết chất lượng đầu ra.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Quốc Hoàng – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Bibica cho biết thêm: “Chúng tôi tập trung vào việc tiết giảm chi phí sử dụng từ bao bì, nguyên vật liệu, đặc biệt là nước để tiết kiệm tài nguyên. Song song đó, chúng tôi cũng sử dụng năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, chúng tôi đã lắp đặt 2m/bit điện năng lượng mặt trời để sử dụng cho doanh nghiệp, việc này cũng giúp cắt giảm khoảng 1700 tấn CO2 mỗi năm”.

Với công ty TNHH Việt Thắng Jean, quá trình chuyển đổi đã bắt đầu từ năm 2016 ngay sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Eu (EVFTA), do đó các sản phẩm của doanh nghiệp này không gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp cận các thị trường khó tính như Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Tuy vậy, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jean cho rằng thời gian để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về hàng hoá xuất khẩu, nhất là hàng may mặc sang thị trường Châu Âu còn không nhiều: "Đây là xu hướng tất yếu mà trong ngành dệt may bắt buộc phải có. EU đang cho mình lộ trình đến năm 2025 2026, và 2028 sẽ bắt đầu áp dụng chế tài và sau 2028 áp dụng chính thức. Thời gian là rất ngắn".

Như vậy, có không ít doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực tại TP.HCM đã và đang chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh theo hướng từ “nâu” sang “xanh” để thích ứng với biến đổi khí hậu lẫn các thách thức khách quan khác từ thị trường quốc tế.

Hơn 10 năm trước, TP.HCM đã ban hành 1 số văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng cho quá trình tăng trưởng xanh. Bước đầu đã tạo ra những huyển biến về nhận thức, giảm phát thải nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, bắt đầu có một số hoạt động xanh hoá sản xuất hay phát động nhiều chương trình tiêu dùng xanh.

Tuy nhiên theo ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM thì hiệu quả chưa như mong đợi: "Chúng tôi cho rằng các văn bản chỉ mang tính chất đặt đầu bài, định hướng chính sách mà chưa có nội dung cụ thể, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ. Về nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn rất lớn trong khi ngân sách hạn hẹp. Đáng chú ý là năng lực phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế dù là 1 trung tâm lớn. Bên cạnh đó, dù thị trường sử dụng tái chế chất thải đã hình thành nhưng tính liên kết còn nhiều vướng mắc".

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Từ những thách thức vừa nêu cũng như nhận thức được vai trò, sứ mệnh của mình trong khu vực cũng như cả nước, TP.HCM đã mạnh dạn chuyển đổi mục tiêu từ tăng trưởng “nâu” truyền thống sang tăng trưởng xanh.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nếu không chuyển đổi xanh theo xu hướng của thế giới cũng như nếu không có chiến lược, chính sách bài bản, cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố khó tạo ra những giá trị mới cũng như không có năng lực cạnh tranh mới và khó đóng góp được cho tăng trưởng kinh tế quốc gia

"TP.HCM là địa phương có trách nhiệm, đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và sẽ là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên, nhận nhiệm vụ lớn nhất để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Thành phố không có lựa chọn nào khác và chúng tôi xem đó là sứ mạng, phải có trách nhiệm chính, phải đi tiên phong trong chuyển đổi xanh cũng như nỗ lực trong phát triển bền vững", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh từ các doanh nghiệp xanh, người tiêu dùng xanh, hành vi xanh tiến tới hình thành nền kinh tế xanh được xem là nhiệm vụ chủ đạo mà TP.HCM sẽ hướng đến trong ngắn và trung hạn.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng sự chuyển hướng này là phù hợp, là cần thiết và cần phải làm ngay, không chần chừ, chậm trễ: "Thành phố của chúng tôi cùng với nhiều đô thị lớn trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu cùng với những bất cập, thiếu đồng bộ cần được giải quyết đã thúc giục chúng ta phải gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để ứng phó. Chúng tôi nhận thức rằng sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn về tương lai bền vững".

Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho rằng để quá trình xanh hoá tăng trưởng, xanh hoá nền kinh tế được diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần tận dụng tốt hơn nữa cơ hội lẫn sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế:

"Đối với Việt Nam thì có 1 chính sách rất quan trọng mới được ký kết cách đây chưa lâu là JETP có trị giá 15 tỷ USD đầu tư vào điện gió điện mặt trời và giảm sản xuất điện bằng than trước năm 2030. Ngoài các nước G7, các nước Châu Âu khác cũng có nhiều chính sách nhỏ hơn và đang đàm phán trực tiếp với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phát triển bền vững hoặc trực tiếp giúp cho một tỉnh hay hay 1 lĩnh vực nào đó", ông Gabor Fluit cho biết.

Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần 4 năm 2023 cách đây chưa lâu, Phó Thủ Tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh với mục tiêu giảm phát thải, xanh hoá các lĩnh vực kinh tế, phát triển có tính bao trùm trong đó có đề án phát triển kinh tế tuần hoàn:

"Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị là chưa đủ mà cần có sự thấu hiểu, ủng hộ, chung tay từ người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, địa phương, tính đồng bộ, hiệu quả của chính sách cũng như huy động nguồn lực to lớn từ xã hội, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế trong và ngoài nước", Phó Thủ Tướng Lê Minh Khái cho biết.


Xanh hoá tăng trưởng và nền kinh tế - quyết tâm lớn, thách thức cũng không nhỏ

Không thể phủ nhận rằng xanh hoá tăng trưởng hay nền kinh tế là xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh con người đang phải đứng trước những thách thức quá lớn về biến đổi khí hậu, thâm hụt tài nguyên thiên nhiên hay cả những thói quen thiếu tích cực trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Nhiều quốc gia hiện đại xem tăng trưởng xanh là yếu tố tiên quyết trong phát triển và họ đặt ra những rào cản kỹ thuật, những quy chuẩn hết sức khắt khe đối với các mặt hàng nhập khẩu để đảm bảo các cam kết với cộng đồng quốc tế và hơn hết là đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.

Có một thực tế là TP.HCM dù chiếm hơn 1/5 tổng lượng phát thải nhà kính cả nước nhưng quá trình xanh hoá giao thông, phát triển các loại hình năng lượng thay thế vẫn còn tương đối chậm. Không chỉ vậy, những hạn chế về năng lực tài chính lẫn công nghệ khiến cho phần lớn doanh nghiệp dù có muốn xanh vẫn chưa thể xanh ngay được. Quan trọng hơn là đến thời điểm này, vẫn chưa có 1 khung pháp lý cụ thể hay những tiêu chuẩn chi tiết để định hình được tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh.

Ở nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng sự chuyển mình để xanh hoá tăng trưởng, xanh hoá nền kinh tế còn khá chậm song những chuyển động gần đây đang cho thấy được sự điều chỉnh cần thiết để “không bị tuột lại phía sau”. Đặc biệt là với những cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị Quyết 98 của Quốc Hội, TP.HCM đã và đang cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ để chuyển hướng sang tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Rõ ràng, đây là một sự chủ động đáng khích lệ trong cả tư duy lẫn hành động của bộ máy chính quyền TP.HCM. Song, TP.HCM cũng cần sớm ban hành khung chiến lược tăng trưởng xanh để người dân có cơ sở để điều chỉnh hành vi, doanh nghiệp có hướng dẫn để chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ Ngành liên quan cũng cần sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan về phát triển năng lượng tái tạo, hình thành nền tài chính xanh hay thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để chuyển đổi tăng trưởng, phát triển nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”.

Có thể chúng ta đã “xuất phát chậm” nhưng nếu có chiến lược cụ thể, cách làm bài bản và quyết tâm đủ lớn thì hoàn toàn có thể tung nước rút để về đích sớm hơn trong cuộc đua này.

Ý kiến của bạn
Hà Nội: Thu giữ kẹo hình mắt người bán ở cổng trường học

Hà Nội: Thu giữ kẹo hình mắt người bán ở cổng trường học

Chỉ riêng từ ngày 28 - 30/11/2023, Đội Quản lý thị trường số 13 – Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra và xử lý các cửa hàng gần khu vực cổng trường THCS Nghĩa Tân và trường THCS Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, thu giữ 430 chiếc kẹo dẻo hình mắt người.

Bệnh viện mắt Hồng Sơn chủ động phòng chống cháy nổ

Bệnh viện mắt Hồng Sơn chủ động phòng chống cháy nổ

Mặc dù hiện nay chưa tổ chức điều trị nội trú (không có bệnh nhân ở lại qua đêm), nhưng Bệnh viện mắt Hồng Sơn luôn chủ động trong công tác phòng chống cháy nổ.

Làm đường sắt thay BRT, ổn không?

Làm đường sắt thay BRT, ổn không?

Với mức đầu tư 55 triệu USD, từ khi vận hành đến nay, doanh thu trung bình của tuyến buýt nhanh BRT 01 chỉ khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi chuyến xe chở từ 42 đến 45 khách, chưa bằng nửa công suất thiết kế. Mức trợ giá liên tục tăng, từ 26% thời điểm đầu, lên hơn 62% vào năm 2021.

Thúc đẩy thành lập thị trường tín chỉ carbon, không còn là quá sớm

Thúc đẩy thành lập thị trường tín chỉ carbon, không còn là quá sớm

Bên cạnh quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh thì TPHCM mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang từng bước chuẩn bị thành lập thị trường tín chỉ carbon.

Người dân mong mỏi công trình cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát

Người dân mong mỏi công trình cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát

Công trình cải tạo Rạch Tham Lương Bến Cát giai đoạn 2 được khởi công từ tháng 2 – 2023 với kỳ vọng giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 14.900ha của thành phố, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông các khu dân cư quanh tuyến kênh, tăng năng lực giao thông đường bộ và đường thủy.

Làm sao để quy định không cản trở hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất?

Làm sao để quy định không cản trở hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất?

Thảo luận dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, một số ĐBQH đề xuất, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá, nhằm tăng trách nhiệm các bên tham gia và giảm vấn đề tiêu cực.

TP.HCM: Nhếch nhác các điểm tập kết rác thải giữa lòng đô thị

TP.HCM: Nhếch nhác các điểm tập kết rác thải giữa lòng đô thị

Trên một số tuyến đường tại các quận nội thành TpHCM như Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Hoàng Hoa Thám (Tân Bình)… xuất hiện những điểm tập kết trung chuyển rác thải sinh hoạt.