Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Vén “mây mờ” ngành công nghiệp nước sạch

Chu Đức - Tuấn Linh: Thứ hai 05/12/2022, 05:00 (GMT+7)

Sau khi loạt phóng sự “Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch” phát sóng trên kênh VOV Giao thông, các thính giả có nêu những thắc mắc rất chính đáng về sự khác nhau giữa nước mặt và nước ngầm, họ có được chọn lựa đơn vị cung cấp nước sạch hay không?

Việc sản xuất và phân phối nước sạch đang diễn ra như thế nào? Tại sao khi sự cố xảy ra, họ rất khó tiếp cận thông tin về nguyên nhân, hậu quả, thiệt hại và thời gian xử lý?

Xem lại loạt bài: Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch

Gần chục năm nay, ông Đào Văn Vạn, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã sử dụng máy lọc nước cho mục đích sinh hoạt. Dù đang mua nước sạch từ công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) nhưng ông vẫn chưa yên tâm lắm:

“Hàng ngày thì thấy cũng đảm bảo đấy, nhưng chất lượng nước tăng cường thêm được nữa thì tốt. Vì qua xử lý số lượng lớn, dòng chảy qua ống mới, còn ở nơi ống cũ thì tôi tin rằng, chất lượng nước không đảm bảo thì cũng nguy hiểm”.

Khi được hỏi, có biết nước đơn vị phân phối Viwaco cung cấp là nước mặt hay nước ngầm, lấy từ nhà máy nào, ông Vạn chia sẻ:“Tôi cũng được biết nước bên sông Hồng có, sông Đáy, sông Đà cũng có. Có mấy nhà máy, nguồn nước cơ. Tôi cũng không biết họ kinh doanh theo kiểu riêng biệt hay có trộn vào hay không. Chúng tôi quan tâm thế thôi chứ cũng đã được gặp cán bộ kỹ thuật để phản ánh về chất lượng nước bao giờ đâu”.

Cũng trong trạng thái khá mông lung về vấn đề cung cấp nước sạch, người dân trên phố Đông Tác, quận Đống Đa, Hà Nội đã gửi phản ánh về Kênh VOV Giao thông.

Họ cho biết, phải chịu đựng cảnh thấp thỏm về chất lượng nước sạch, khi một sự cố rò rỉ đường ống ngầm, bắn tia nước lên mặt đường gần 2 tuần mà không có đơn vị nào đứng ra tiếp nhận thông tin và giải quyết.

Một sự cố đường ống nước ngầm giữa đường thuộc phạm vi quản lý Xí nghiệp nước sạch Đống Đa (thuộc Cty nước sạch Hà Nội) nhưng 2 tuần liền, người dân không được giải đáp thông tin.

Một sự cố đường ống nước ngầm giữa đường thuộc phạm vi quản lý Xí nghiệp nước sạch Đống Đa (thuộc Cty nước sạch Hà Nội) nhưng 2 tuần liền, người dân không được giải đáp thông tin.

Phải tới khi VOV Giao thông vào cuộc đưa tin xác minh, xí nghiệp nước sạch Đống Đa (một thành viên công ty nước sạch Hà Nội) mới âm thầm khắc phục sự cố. Theo cư dân, trong và sau sự cố, không có bất cứ khuyến cáo nào từ đơn vị có trách nhiệm về chất lượng nước có bị ảnh hưởng hay không: “Đêm muộn tầm 11h thì họ đến họ đào sửa chữa. Sau đấy tầm 12h thì bảo xong rồi. Cũng không bảo là xong rồi là xong hẳn hay tạm bợ như nào”.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về quy trình giám sát chất lượng nước sạch, phóng viên tìm đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ông Vũ Kim Chung, Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, cho biết, kiểm nghiệm chất lượng nước do các nhà máy tự tiến hành hàng tuần với 8 thông số nhóm A, 6 tháng/lần với 91 thông số nhóm B, trong khi Sở Y tế thực hiện ngoại kiểm tối thiểu 1 năm/lần.

Khi có phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước, về sự cố nước thì sẽ tiến hành ngoại kiểm đột xuất.

“Nếu so với các sự cố, cơ sở cấp nước người ta được báo mà khắc phục ngay được rồi. Bản thân họ nhận thấy không nghiêm trọng, có thể khắc phục ngay trong 24 giờ, thì họ cũng không thông báo với cơ quan chức năng”, ông Vũ Kim Chung nói.

Như vậy, nếu cơ sở cấp nước không thông báo, và lẳng lặng khắc phục, rất khó để các cơ quan có trách nhiệm giám sát chất lượng nước nắm được tính chất và hậu quả (nếu có) trong thời gian xảy ra sự cố.

Người dân Hà Nội không thể nào hình dung được chính xác đường đi của nước sạch từ nơi khai thác đến khi họ sử dụng sẽ như thế nào

Người dân Hà Nội không thể nào hình dung được chính xác đường đi của nước sạch từ nơi khai thác đến khi họ sử dụng sẽ như thế nào

Chuyên gia môi trường, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, việc được sử dụng nước sạch có vai trò rất quan trọng đối với người dân. Vì vậy, thông tin về chất lượng nước trong sinh hoạt của người dân cần được công khai, minh bạch. Tránh tình trạng xảy ra sự cố nhưng người dân không được biết về quy mô sự cố, về mức độ ảnh hưởng chất lượng nước khi sự cố diễn ra, dẫn đến tình trạng người dân phải dùng nước không đảm bảo về chất lượng như một số vụ việc xảy ra thời gian qua.

Cũng theo GS.TS Đặng Kim Chi: “Người dân cần phải được biêt chất lượng nước của nơi mình đang sử dụng. Nếu vùng nước đó có biểu hiện của sự ô nhiễm hoặc gặp sự cố thì người dân phải được biết để người ta tránh, không sử dụng nguồn nước đó trong thời gian chưa khắc phục sự cố.

Nó đòi hỏi trách nhiệm của những người lãnh đạo chính quyền, người quản lý chất lượng nước, các nhà máy cung cấp nước và những nơi nắm được chất lượng nước ngầm, nước mặt phục vụ sinh hoạt của người dân”         

Theo thông tin từ Sở Xây dựng và Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện đang sử dụng hai nguồn nước sạch chính từ các nhà máy khai thác nước ngầm và nước mặt với tổng công suất 1,53 triệu m3/ngày đêm. Trong đó 46% là nước ngầm, 54% là nước mặt.         

Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội nói: “Theo định hướng quy hoạch cấp nước Thủ đô 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng phê duyệt, ưu tiên sử dụng các nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm. Sau khi mạng lưới cấp nước tập trung của thành phố phủ kín đến, các trạm cấp nước quy mô nhỏ sẽ dừng khai thác nước ngầm và chuyển thành trạm bơm tăng áp để đảm bảo toàn bộ khu vực đô thị và nông thôn cùng sử dụng nước sạch với chất lượng nước sạch đô thị”         

Đến thời điểm này, người dân vẫn chưa được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp nước sạch, loại nước sạch mà họ muốn dùng. Việc mua và dùng nước sạch hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực sinh sống và công ty phân phối nước sạch phụ trách khu vực đó.         

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước ngầm nơi nào đang bị suy giảm, chất lượng nguồn nước đầu vào các nhà máy khai thác nước mặt hiện nay cũng chưa được tiếp cận một cách công khai và dễ dàng.         

Do website của CDC Hà Nội (đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm ngoại kiểm các cơ sở cấp nước trên 1000m3/ngày đêm) đang bị hỏng, nên thông tin chi tiết kiểm nghiệm chất lượng nước sạch ở Hà Nội được công khai trong thời điểm cuối năm 2022 chỉ là các công bố nội kiểm do phía các nhà máy tự công bố. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Miếng bánh tỷ đô và chuyện độc quyền tự nhiên

Các thông tin chính thức cho thấy, Hà Nội hiện có tổng cộng 23 cơ sở cấp nước sạch tập trung. Trong đó 5 cơ sở khai thác nước mặt gồm: Nhà máy nước sạch Sông Đà, Sông Đuống, Bắc Thăng Long, Mê Linh và Ba Vì). Có 18 cơ sở cấp nước khai thác nước ngầm thuộc 5 công ty: Nước sạch Hà Nội, Số 2 Hà Nội, Số 3 Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào thị trường cung cấp nước sạch đô thị hiện nay, có thể tóm gọn lại 5 “đại gia” đang chiếm lĩnh thị trường. Đó là 2 công ty bán buôn nước mặt là Sông Đà và Sông Đuống, cùng 3 công ty vừa sản xuất nước ngầm, vừa mua nước mặt về bán lẻ là Nước sạch Hà Nội, Nước sạch Hà Đông và Viwaco.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nước sạch Thủ đô rất tiềm năng, trị giá hàng tỷ USD nhưng không đồng nghĩa nhà đầu tư gia nhập sau với ưu thế về vốn có thể nắm được ưu thế.

Đây là một ngành dịch vụ cung cấp sản phẩm đặc thù, thiết yếu, không sợ thiếu đầu ra. Nhưng nó đang phân ra làm hai mảng rõ rệt là sản xuất và phân phối.

Do đặc điểm lịch sử về hạ tầng đường ống, trạm bơm, trạm cấp nước, tính chất độc quyền tự nhiên trong sản xuất và phân phối là tất yếu.

Nếu như trước đây việc sản xuất nước sạch là độc quyền với các xí nghiệp, nhà máy quốc doanh với công nghệ khai thác nước ngầm. Thì ngay nay, chủ trương xã hội hóa ngành nước đang giúp nhiều doanh nghiệp tư nhân khai thác nước mặt gia nhập thị trường.

Cùng với chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm, chuyển sang sử dụng nước mặt trong những năm tới, các đơn vị sản xuất nước mặt sẽ chiếm thế thượng phong về độc quyền sản xuất.

Tuy nhiên, các “thế lực cũ” về nước ngầm vẫn đang duy trì vị thế với lợi thế độc quyền về mạng lưới phân phối và thị phần bán lẻ (riêng Nước sạch Hà Nội chiếm khoảng 50% thị phần). Chưa kể, các công ty truyền thống này cũng đã và đang đầu tư sang các nhà máy sản xuất nước mặt.

Việc duy trì tình thế song phương về độc quyền bán và độc quyền mua này (dù là độc quyền tự nhiên) có thể dẫn tới những thỏa thuận ở thị trường sơ cấp trước khi nước sạch tới được vòi nhà dân, các tổ chức, cơ quan mua lẻ (thị trường thứ cấp).

Dĩ nhiên, nếu các thỏa thuận này minh bạch, hài hòa lợi ích kinh doanh và lợi ích cộng đồng, giá nước sinh hoạt sẽ được “neo” ở mức hợp lý và nhà nước sẽ không phải can thiệp quá sâu.

Ngược lại, tình huống sẽ rất phức tạp nếu lợi ích các bên xung đột và đi đến một thỏa thuận để gia tăng, bù đắp lợi ích cho nhau, khi đó, người chịu thiệt hại sẽ là người dân, ngân sách thành phố thông qua điều chỉnh mức giá bán lẻ.

Kịch bản dễ xảy ra trong những năm tiếp theo khi ngành công nghiệp nước sạch tiếp tục được xã hội hóa, về tay tư nhân: Một là người dân sẽ phải trả chi phí mua nước sạch cao hơn, hai là thành phố sẽ phải bù lỗ cho các nhà máy để đảm bảo mặt bằng giá hợp lý.

Cách khả dĩ để giảm giá thành nước sạch mà diện bao phủ vẫn tiếp tục gia tăng là Hà Nội kêu gọi thật nhiều nhà đầu tư gia nhập thị trường, phá thế độc quyền về sản xuất và phân phối hiện tại. Đặc biệt là đầu tư về mặt hạ tầng, thay thế các đường ống, trạm cấp nước đã quá cũ kỹ.

Tuy nhiên, một việc dễ hơn là minh bạch hóa thông tin về chất lượng nước, công nghệ sản xuất và quy trình xử lý sự cố thì đến nay, đó vẫn là một nan đề với người dân Thủ đô và chính các nhà quản lý đô thị.

Chu Đức - Tuấn Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.