Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, rào cản nào đối với giáo viên?

Quách Đồng: Thứ hai 16/12/2024, 06:10 (GMT+7)

Sau khi VOVGT phát sóng và đăng tải bài viết về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, đã thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia, giáo viên.

Trong số đó, thầy giáo Lê Tấn Thời, giáo viên trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này, song cũng băn khoăn về việc đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những giáo viên không chuyên là một rào cản thực sự.

Vậy, đâu là rào cản với những giáo viên khi triển khai dạy và học bằng tiếng nước ngoài? Lộ trình nào để tháo gỡ những rào cản này? VOV Giao thông đối thoại với thầy giáo Lê Tấn Thời xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học bằng tiếng nước ngoài trong thời gian tới?

Thầy giáo Lê Tấn Thời: Chủ trương dạy và học bằng tiếng nước ngoài là hướng đi đúng đắn trong quá trình nâng chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam và hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn hiện nay và thể hiện tầm nhìn trong tương lai. 

Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh dần trở thành công cụ để tiếp cận với thế giới.

Ở góc độ sư phạm, chủ trương này mang lại những hiệu quả tích cực trong việc dạy học ngoại ngữ, học sinh sẽ có điều kiện trau dồi kỹ năng ngoại ngữ và ở góc độ trao đổi văn hóa, người học sẽ có thêm những trải nghiệm dần, thẩm thấu được cái hay, cái đẹp trong việc giao thoa giữa tiếng Việt với tiếng nước ngoài.

Dự thảo nghị định quy định việc dạy và học tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục, nếu được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục và tổ chức thực hiện dạy học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh hoạ: SGGP

Ảnh minh hoạ: SGGP

PV: Đối chiếu với chuẩn ngoại ngữ do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, ông có băn khoăn gì?

Thầy giáo Lê Tấn Thời: Quy định năng lực ngoại ngữ tối thiểu đối với giáo viên là phù hợp, bởi vì giáo viên phải có năng lực ngoại ngữ để truyền tải đến người học những cốt lõi của kiến thức nền. Ví dụ theo quy định của Thông tư 01/2014 hay theo khung tham chiếu chung của châu Âu là bậc 4 - B2 là có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp, về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật cùng lĩnh vực chuyên môn của bản thân; có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản xứ.

Hay với bậc 5- C1 là có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng; có thể diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt và có thể sử dụng được ngôn ngữ linh hoạt, hiệu quả, phục vụ các mục đích xã hội hoặc chuyên môn.

Đây là một tiêu chí để giáo viên thực hiện việc tự bồi dưỡng để không bị tụt hậu so với nhu cầu của xã hội, hay chính xác hơn là tự trau dồi để nâng chất năng lực về kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của mình.

PV: Đối chiếu với chuẩn năng lực này và thực tế hiện nay, theo ông, liệu đội ngũ giáo viên có đáp ứng được yêu cầu?

Thầy giáo Lê Tấn Thời: Theo tôi, những giáo viên không chuyên ở bậc giáo dục mầm non, tiểu học, THCS có hơi khó bởi vì tiếng Anh không chuyên. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta có một lộ trình thích hợp để giáo viên tự bồi dưỡng, tự thực hành… thì trong tương lai nó sẽ đáp ứng được yêu cầu theo mục tiêu đã đề ra.

PV: Vậy theo ông, thời gian tới, chúng ta cần chuẩn bị như thế nào để có thể đáp ứng được chuẩn năng lực về trình độ ngoại ngữ đối với đội ngũ giáo viên?

Thầy giáo Lê Tấn Thời: Có 3 vấn đề chúng ta cần thực hiện trong tương lai. Thứ nhất là giáo viên phải hiểu ngoại ngữ chứ không đơn thuần là biết ngoại ngữ.

Thứ hai là phát huy tư duy khi giảng dạy; thứ ba là tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ để người học và người dạy nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như học tập. Chẳng hạn như giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ thì có thể theo quy định chỉ là đảm bảo tính pháp lý. Nếu một trường hợp hiểu ngoại ngữ thì phải biết sử dụng ngoại ngữ của mình trong lĩnh vực mình phụ trách, như vậy mới là đạt kết quả cao.

Ở góc độ giảng dạy, những giáo viên phải thổi hồn vào bài giảng, thông qua góc độ kiến thức chuyên môn và kỹ năng giao tiếp để hiểu nhau giữa thầy và trò thì lúc đó mới đạt kết quả cao trong việc tương tác dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Thầy Lê Tấn Thời, giáo viên trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đồng tình với đề xuất, nhưng cho rằng đội ngũ giáo viên sẽ cần phải trau dồi thêm kiến thức để đảm bảo chất lượng giảng dạy

Thầy Lê Tấn Thời, giáo viên trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đồng tình với đề xuất, nhưng cho rằng đội ngũ giáo viên sẽ cần phải trau dồi thêm kiến thức để đảm bảo chất lượng giảng dạy

Một vấn đề nữa là môi trường sử dụng ngoại ngữ rất quan trọng trong vấn đề này, phải trau dồi hàng ngày để ngôn ngữ thẩm thấu dần một cách tự nhiên và từ đó đi vào cuộc sống và công việc một cách hiệu quả, thiết thực.

Lấy ví dụ chúng ta có thể tổ chức những workshop hoặc câu lạc bộ trong nhà trường giống như một số trường đang áp dụng hiện nay rất hiệu quả để người dạy và người học tự trau dồi vốn ngoại ngữ của mình. Bên cạnh đó cũng phát triển văn hóa đọc để người dạy và người học tự trau dồi, thẩm thấu kỹ năng và kiến thức thông qua việc đọc sách của mình.

Về phần đội ngũ giáo viên, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục trọng điểm đã và đang thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chủ trương dạy và học bằng tiếng nước ngoài và đầu tiên giáo viên phải đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ theo quy định.

Sau đó tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy theo đặc thù bộ môn và cấp chứng nhận để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này mới thu hẹp khoảng cách giữa ngôn ngữ mình học với ngôn ngữ tự nhiên theo tính chất sinh ngữ - ngôn ngữ gần với đời sống con người và giúp con người hiểu nhau hơn. Đó là tiêu chí mà những giáo viên dạy học bằng tiếng nước ngoài cần phải đặt ra khi tham gia lớp tập huấn.

Thêm nữa, về góc độ chuyên môn, những lớp tập huấn nên chú trọng đến việc sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên trong quá trình truyền tải kiến thức, hay nói cách khác là thời gian thực hành trực tiếp tại lớp học phải được phân bổ một cách hợp lý, để giáo viên thực sự tự tin và lan tỏa kiến thức, kỹ năng đến người học.

PV: Xin cảm ơn ông.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn