Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Tư duy làm du lịch, bao giờ thôi “chụp giật”?

Minh Hiếu: Thứ hai 05/06/2023, 05:24 (GMT+7)

Ngành du lịch đang phục hồi với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều biểu hiện xấu xí, “chặt chém” trong hoạt động du lịch, gây bức xúc cho du khách và ảnh hưởng lớn hình ảnh du lịch Việt Nam.

Cách nào xóa bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu “chụp giật” vẫn tồn tại dai dẳng ở một bộ phận người kinh doanh dịch vụ?

 

Những ngày cuối tháng 5, vụ việc suất bún 35.000 đồng chỉ có 2 miếng chả ở Sầm Sơn, Thanh Hóa khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Anh Nguyễn Duy Phú, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội, cảm thấy buồn và đáng tiếc khi sự việc xảy ra. Nhưng đáng tiếc hơn, đây không phải là tình trạng hiếm gặp: "Chính mình là người đã trải qua rồi, suất bánh cuốn 50.000 đồng nhưng chất lượng không tương xứng. Không chỉ ở khu vực biển Bắc Trung Bộ hay miền Bắc, mà mình thấy tình trạng này khá là nhiều ở nước ta, cần phải giải quyết sớm để ngành du lịch phát triển, cung cấp dịch vụ cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất".

Tình trạng “chặt chém” khách du lịch đã xảy ra từ lâu ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực khắc phục và tình trạng này đã được cải thiện, song thời gian gần đây, những biểu hiện của tư duy làm du lịch “chụp giật” xuất hiện trở lại.

Ngành du lịch đang phục hồi với nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng những biểu hiện xấu xí, ''chặt chém'' đang gây bức xúc cho du khách và ảnh hưởng lớn hình ảnh du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa - Báo TT Huế)

Ngành du lịch đang phục hồi với nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng những biểu hiện xấu xí, ''chặt chém'' đang gây bức xúc cho du khách và ảnh hưởng lớn hình ảnh du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa - Báo TT Huế)

Tháng 1 vừa qua, một nhà hàng ở Sapa bị phạt 7,5 triệu đồng vì tự ý nâng giá so với niêm yết đối với hai du khách người Thái Lan. Tháng 2, một tài xế ở Đà Nẵng bị xử phạt 11 triệu đồng vì thu tiền cao gấp hơn 10 lần cước thông thường. Tháng 4, TP. Nha Trang xử phạt một hộ kinh doanh hơn 20 triệu đồng vì “chặt chém” khách Trung Quốc.

Bên cạnh chương trình du lịch thiếu hấp dẫn, tình trạng “chặt chém” du khách là một trong những nguyên nhân khiến 70% khách du lịch đến Việt Nam “một đi không trở lại”. Không chỉ với khách quốc tế mà nhiều du khách trong nước cũng rất đắn đo mỗi khi lên kế hoạch đi du lịch:

"Việc chặt chém khá nhiều ở những điểm du lịch đông người, nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của vùng đất ấy. Cá nhân em sẽ cảm thấy khá là đắn đo khi có kế hoạch đi đến những vùng đất có hình ảnh không tốt".

"Có một biện pháp gì đấy, có thể cho đóng cửa luôn, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi đi du lịch".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, trong khi các cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ đang nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thì tư duy làm ăn “chụp giật” lại xuất hiện ở nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, nghĩ mình có thể “lẩn trốn”, ẩn đi trong thị trường.

Khi dòng khách chưa phục hồi mạnh mẽ, việc cải thiện môi trường và chất lượng dịch vụ là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch nói riêng mà cả hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung của nền kinh tế:

"Chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần ra các quy chế với những quy định cụ thể về niêm yết, chất lượng dịch vụ, các hành vi bị cấm, các chế tài và quy trình xử lý.

Thứ hai là các cơ quan chức năng phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, lập các đường dây nóng, có tổ phản ứng nhanh, túc trực trong những thời điểm du lịch cao điểm để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.

Chỉ khi chúng ta làm quyết liệt và nêu gương, thông báo rộng rãi ở các diễn đàn, địa phương thì chúng ta mới thực hiện được việc răn đe, tạo áp lực cả về mặt chính quyền và xã hội", TS. Nguyễn Minh Phong nói.

Trường hợp suất bún chả 35.000 đồng ở Sầm Sơn vừa qua có thể làm uổng phí nỗ lực nhiều năm của chính quyền địa phương và các đơn vị làm ăn chân chính trong việc xóa bỏ tiếng xấu về nạn ''chặt chém''

Trường hợp suất bún chả 35.000 đồng ở Sầm Sơn vừa qua có thể làm uổng phí nỗ lực nhiều năm của chính quyền địa phương và các đơn vị làm ăn chân chính trong việc xóa bỏ tiếng xấu về nạn ''chặt chém''

Cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn tư duy làm du lịch “chụp giật”, TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: "Nó không chỉ tác động đến chính doanh nghiệp mà tác động đến cả khu vực, hình ảnh của địa phương, nên chúng ta phải có thái độ rất kiên quyết. Ngành quản lý du lịch phải có kết quả cụ thể, ví dụ tỷ lệ giảm xuống hằng năm là bao nhiêu?

Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm như thế nào? Phải chịu trách nhiệm thì người ta mới có cách, tùy từng văn hóa địa phương cụ thể để suy nghĩ, tìm tòi. Và cuối cùng, khi sự việc xảy ra thì chúng ta phải có thái độ chia sẻ, cầu thị với khách du lịch, bù đắp thiệt hại. Và chính du khách đó sẽ tuyên truyền về những hình ảnh tốt đẹp".

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đánh giá, hình ảnh tốt xây dựng rất khó, nhưng hình ảnh xấu xí lại như “vết dầu loang” rất nhanh và rất mạnh.

Do vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc, các địa phương cần đẩy mạnh số hóa, tạo chỉ dẫn cụ thể cho du khách về những địa điểm có dịch vụ tốt; cảnh báo về những cơ sở có chất lượng, thái độ không tốt.

Ông Nguyễn Mạnh Thản nói thêm: "Người ta đã bắt đầu ứng dụng số hóa, minh bạch từ điểm đến tới chất lượng, giá cả đối với khách hàng. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số cá nhân, doanh nghiệp không ứng dụng để có những việc làm mờ ám. Phải thanh tra, kiểm tra để tuyên dương những đơn vị tốt, đồng thời xử lý các cá nhân, tập thể có hành vi xấu.

Việc quảng bá, hướng dẫn đường đi, điểm đến thì các địa phương cũng đã chú ý rồi nhưng phải tăng cường hơn nữa. Cũng như là mở các lớp tập huấn về văn hóa, đạo đức kinh doanh cho tất cả đối tượng, họ sẽ biết họ cần làm gì để nhà nước bảo hộ và khách hàng sẽ đến với họ".

Để ''chặt đứt'' tư duy làm du lịch ''chụp giật'', cần tập trung giải pháp kiểm tra, xử lý, đặc biệt ở nhóm tiểu thương, người làm dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ (Ảnh minh họa - Thanh Niên)

Để ''chặt đứt'' tư duy làm du lịch ''chụp giật'', cần tập trung giải pháp kiểm tra, xử lý, đặc biệt ở nhóm tiểu thương, người làm dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ (Ảnh minh họa - Thanh Niên)

Ngay từ hội nghị du lịch cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cảnh báo: làm du lịch không phải “ăn xổi ở thì”, bởi như vậy khách chỉ đến được vài lần, không thể bền vững.

Lời cảnh báo ấy không mới, nhưng vẫn đang đặt ra câu hỏi lớn với ngành du lịch về giải pháp “chặt đứt” tư duy làm ăn “chụp giật”.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy của cả người làm du lịch và cơ quan quản lý, “Để du lịch không còn “người làm, kẻ phá”.

 

Có một thói quen, kinh nghiệm được rất nhiều người đi du lịch trong nước ghi nhớ và áp dụng là: hỏi giá trước khi sử dụng. Thói quen này cho thấy hai vấn đề: một là tình trạng “chặt chém” du khách, dù đã giảm với nỗ lực của các ban, ngành chức năng nhưng vẫn còn khá phổ biến. Hai là tâm lý cẩn trọng của du khách, thậm chí là mất niềm tin với dịch vụ tại các khu du lịch.

Nhìn rộng hơn, việc hỏi giá trước khi sử dụng không chỉ diễn ra trong hoạt động du lịch mà còn ở hầu hết hoạt động mua bán, kinh doanh nhỏ lẻ. Người mua mặc cả vì sợ “hớ”, còn người bán “nói thách” để được giá cao, thậm chí có tâm lý bắt chẹt, lừa lọc người nước ngoài, du khách đến từ phương xa.

Dù nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý và công bố rộng rãi nhưng các đối tượng vẫn bất chấp tất cả để có được cái lợi trước mắt, với suy nghĩ chỉ cần bán một lần và “biến mất” sau khi vi phạm.

Du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” được nhiều địa phương chú trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn, đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng và uy tín đã xây dựng hình ảnh du lịch địa phương.

Tuy nhiên, công sức nhiều người làm có thể đổ bể bởi một vài kẻ “phá”. Điển hình là trường hợp suất bún chả 35.000 đồng ở Sầm Sơn vừa qua có thể làm uổng phí nỗ lực nhiều năm của chính quyền địa phương và các đơn vị làm ăn chân chính trong việc xóa bỏ tiếng xấu về nạn “chặt chém”.

Chính vì vậy, để “chặt đứt” tư duy làm du lịch “chụp giật”, cần tập trung giải pháp kiểm tra, xử lý, đặc biệt ở nhóm tiểu thương, người làm dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ. Đầu tiên, các địa phương cần có những quy định cụ thể để xác định vi phạm trong hoạt động du lịch, đặc biệt là khái niệm “chặt chém” du khách.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cần được thực hiện trong việc chỉ dẫn cụ thể cho du khách về những địa điểm có chất lượng tốt, đồng thời cảnh báo về những cơ sở, hành vi ''chặt chém'' du khách (Ảnh minh họa)

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cần được thực hiện trong việc chỉ dẫn cụ thể cho du khách về những địa điểm có chất lượng tốt, đồng thời cảnh báo về những cơ sở, hành vi ''chặt chém'' du khách (Ảnh minh họa)

Yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ký cam kết về chất lượng phục vụ, niêm yết giá cả công khai, kèm theo hình ảnh trong trường hợp cần thiết để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đi kèm với đó là những chế tài xử phạt mạnh, tạo sức răn đe, thậm chí có thể xử lý hình sự với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong những trường hợp có giá trị lớn, gây bức xúc dư luận.

Khi đã có quy định cụ thể, các địa phương cần duy trì lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục, thông qua việc rà soát trực tiếp, xác minh thông tin phản ánh qua các kênh tiếp nhận được công bố công khai, rộng rãi như: SĐT đường dây nóng, trang mạng xã hội,…

Không chỉ chờ phản ánh, lực lượng này cần chủ động xử lý những vụ việc “nổi cộm” được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng, sau đó công bố thông tin trên nhiều kênh truyền thông khác nhau, đặc biệt là các hội nhóm có đông người theo dõi, từ đó tạo niềm tin trong nhân dân và khiến các đối tượng không dám “chặt chém” dù chỉ trong ý tưởng.

Bênh cạnh việc xử phạt nghiêm, chính quyền và cơ quan quản lý du lịch các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cá nhân, tổ chức làm dịch vụ để họ nắm rõ các quy định của pháp luật, ý nghĩa của việc phát triển du lịch bền vững và những lợi ích lâu dài về kinh tế mà chính họ sẽ có được khi chung tay xây dựng điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là những du khách quay trở lại nhiều lần.

Từ phía những người làm du lịch, cần đặt sự tôn trọng khách hàng lên hàng đầu, cung cấp thông tin, trao đổi rõ ràng để tránh những hiểu nhầm và tranh cãi không đáng có. Thực hiện yêu cầu này còn thể hiện trách nhiệm của người làm du lịch với cộng đồng người làm nghề, không vì hành động của bản thân mà ảnh hưởng đến hình ảnh cả khu vực, trong bối cảnh khách hàng ngày càng thông thái và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cũng cần được các địa phương thực hiện trong việc chỉ dẫn cho du khách. Những trang fanpage “tích xanh” giới thiệu về những điểm tham quan, vui chơi, ẩm thực, nghỉ dưỡng,… đặc sắc của địa phương, có chất lượng tốt cùng các mức giá khác nhau, đồng thời nêu tên những địa điểm, hành vi vi phạm sẽ giúp cho du khách có được lựa chọn tốt nhất.

Và cuối cùng, bênh cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thì không thể thiếu sự góp sức của chính du khách, với việc xóa bỏ tâm lý nể nang, ngại va chạm để lên tiếng góp ý, phản ánh, tố giác vi phạm, góp phần xóa bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu “chụp giật” đã tồn tại bấy lâu nay./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.