Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Người tiêu dùng bớt "hảo ngọt", thời cơ cho chính sách?

Lê Minh: Thứ năm 25/07/2024, 16:24 (GMT+7)

Sử dụng quá nhiều đường so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) có thể gây ra những tác hại về sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.

Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh, dần chuyển sang sản xuất các thực phẩm sử dụng ít đường, không đường, người tiêu dùng cũng đã có xu hướng lựa chọn các thực phẩm tự nhiên, có tác động tốt đến sức khỏe.

Vậy, cần những chính sách gì để các doanh nghiệp thực hiện và sớm chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm ít đường?

Gia đình có cả người già và trẻ em nên từ mấy năm nay, chị Đào Thu Hồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội rất cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Chị có thói quen  đọc những thông tin về hàm lượng đường ghi trên bao bì sản phẩm mỗi khi mua hàng.

"Trước kia thì hay dùng đồ có đường. Bây giờ có tuổi rồi chuyển hóa kém thì tôi dùng sữa không đường và ăn hạn chế đường. Dùng đồ nhiều đường thì khả năng bị tiểu đường cao, không tốt cho sức khỏe nên tôi hạn chế dùng đường", chị Hồng chia sẻ.

Lựa chọn sản phẩm ít đường dần trở thành xu hướng của người tiêu dùng

Lựa chọn sản phẩm ít đường dần trở thành xu hướng của người tiêu dùng

Không chỉ chị Hồng mà nhiều gia đình, người dân cũng có xu hướng thay đổi cách lựa chọn các loại thực phẩm, đồ uống để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ :

"Tôi hay chọn đồ ít đường. Thấy béo phì thì hay bị nhiều bệnh. Ít đường thì các con uống được chứ không có đường thì hơi khó dùng".

"Ít đường với không đường. Giảm lượng đường của các bạn ý đi. Ảnh hưởng đầu tiên là béo phì nên là mình phải hạn chế dần cả đồ ăn nhanh và đồ dầu mỡ nữa. Mình đều giảm hết".

"Do bản thân là phụ nữ mình cũng hạn chế đường, mình cũng không muốn con ăn quá nhiều đường. Mình có 1 em bé 2 tuổi. Tất cả các loại sữa của bạn ý dùng mình đều chọn sữa ít đường. Còn bản thân mình thì mình thường sử dụng sản phẩm thường là ít đường. Hoặc thỉnh thoảng trong nhà có uống nước ngọt thì là loại ít đường hoặc là zero không đường".

Tuy nhiên, chị Hoàng Thùy Linh, ở huyện Thanh Trì Hà Nội cho rằng, đường vẫn có tác dụng đến sức khỏe nên không cắt giảm toàn bộ các thực phẩm liên quan đến đường mà có sự lựa chọn: "Thường thì mình sẽ sử dụng sản phẩm có đường nhiều. Tuy nhiên nếu mà uống sữa hoặc ăn sữa chua thì mình sử dụng sản phẩm không có đường nhiều hơn. Một phần là mình cũng nghe được nhiều tác hại của đường, lúc nào mà cần bổ sung, lúc mà stress thì mình sử dụng đường nhiều hơn còn lại thì mình sẽ giảm thiểu nó nhiều nhất có thể". 

Hành vi của người tiêu dùng thay đổi thể hiện rõ nhất qua số lượng sản phẩm tiêu thụ ở các cửa hàng, siêu thị.  Chị Nguyễn Thanh Trang, chủ tiệm hàng hóa ở Hà Nội cho biết, có sự chênh lệch rất rõ trong việc tiêu thụ các sản phẩm có đường và  ít đường, không đường ở cửa hàng: "Ít đường thì nhiều hơn. Đa số toàn sữa ít đường. Bây giờ người ta toàn uống sữa ít đường vì nhiều đường thì gây ra tiểu đường nhiều bệnh. Nên người ta cho con cái đa số toàn uống ít đường hết. Toàn nhập ít đường với không đường là nhiều". 

Các quầy sữa thu hút sự quan tâm của tệp khách hàng nhỏ tuổi

Các quầy sữa thu hút sự quan tâm của tệp khách hàng nhỏ tuổi

Ông Nguyễn Diệp Pháp, Phó tổng giám đốc khối kinh doanh quốc tế, tập đoàn GCfood chuyên về các sản phẩm nông nghiệp nhận định, từ sau dịch covid, xu hướng và thói quen sử dụng các thực phẩm của người Việt Nam tiệm cận với xu hướng tiêu dùng quốc tế, ưu tiên các sản phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe và ít đường. Điều này thể hiện rõ nhất qua sản lượng sản phẩm tiêu thụ của đơn vị này:

"Từ sau dịch Covid, tỷ trọng đang dần chuyển sang hàng ít đường. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ trọng hàng có đường giảm từ 70 xuống 60%, tỷ trọng hàng ít đường và không đường tăng lên khoảng 40%. Đây là một xu hướng sau dịch, mọi người có xu hướng chú trọng đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với sức khỏe nhiều hơn và chú trọng nâng cao sức khỏe nên xu hướng tiêu dùng những sản phẩm ít đường và không đường tăng hơn những năm trước", ông Pháp cho biết.

Với thị phần chính là xuất khẩu và bán cho các nhà sản xuất thức uống, định hướng của Tập đoàn GCfood sẽ chủ động chào bán với khối khách hàng này những công thức thiên về nâng cao sức khỏe, những sản phẩm ít đường nhiều hơn trong tương lai. Còn đối với khối khách hàng tiêu dùng trong nước, đơn vị sẽ sản xuất các túi sản phẩm nhỏ, ít đường, chú trọng yếu tố tự nhiên để nhiều người tiêu dùng Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm này.

BS Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, thông thường trong thực phẩm có sẵn một lượng đường nhất định, loại đường này không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng lượng đường thêm vào thực phẩm (bao gồm đường tự nhiên và đường công nghiệp) có thể là một trong những thành phần không tốt đối với sức khỏe nếu tiêu thụ nhiều.

Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành khỏe mạnh bình thường mỗi ngày không nên tiêu thụ quá 50g đường, tương đương dưới 10 muỗng cà phê đường/ ngày. Để nâng cao sức khỏe, mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 5% tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày, tương đương không ăn quá 5 muỗng cà phê đường/ ngày.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối quan hệ giữa tiêu thụ nhiều đường với các bệnh không lây nhiễm. Việc sử dụng quá nhiều đường hàng ngày không chỉ gây mất cân bằng về năng lượng mà còn gây ra những hệ quả về sức khỏe nếu tình trạng này kéo dài.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp phân tích: "Cơ chế tiêu thụ quá nhiều đường, đầu tiên làm tăng tình trạng viêm, thứ hai là làm tăng tình trạng kháng với isulin- là một trong những nội tiết tố quan trọng giúp điều hòa lượng đường huyết. Đây là yếu tố bắc cầu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2- một bệnh làm tăng gánh nặng về sức khỏe. Nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường và tiêu thụ thường xuyên liên tục sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe khác như tăng nguy cơ đái tháo đường, huyết áp, sâu răng và một số bệnh ung thư".

Chuyên gia nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp bền vững Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng, cần sử dụng các công cụ quản lý để tác động đến nhận thức và hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng: "Đối với nhà sản xuất nên chăng có một cơ chế quy định về chỉ số về tác động sức khỏe để làm thước đo. Nếu có chỉ số này, các doanh nghiệp nếu chưa đạt chúng ta có thể thu mức thuế rất cao. Nếu mà doanh nghiệp họ làm tốt thì không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và khen thưởng nếu họ đạt tiêu chuẩn, sản xuất những sản phẩm tốt đối có tác động tích cực đối với sức khỏe người tiêu dùng".

Nước ngọt không đường được ưa chuộng trong thời gian gần đây

Nước ngọt không đường được ưa chuộng trong thời gian gần đây

Tình trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm trong những năm qua tại Việt Nam làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân và làm gia tăng gánh nặng lên ngành y tế. Dinh dưỡng không lành mạnh, sử dụng quá nhiều đường (bên cạnh muối và chất béo) là một những nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh không lây nhiễm.

Vậy để nâng cao sức khỏe cộng đồng và người dân, thì cần có những chính sách để kiểm soát và hạn chế người dân sử dụng quá nhiều đường.

Đây là góc nhìn của bài bình luận có nhan đề: "Thực phẩm ít đường: cần cơ chế khuyến khích".

 

Theo số liệu thống kê của Bộ y tế, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường…

Việt Nam có khoảng 7 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường và số lượng người mắc bệnh này đang gia tăng nhanh chóng và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Trong đó, hơn 55% bệnh nhân có biến chứng về tim mạch, mắt, thận, thần kinh… , là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và làm gia tăng gánh nặng về y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại các đô thị cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Theo một nghiên cứu của PGS,TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) ở nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi năm học 2020-2021, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng từ 8,5% lên 19%.

Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng quá nhiều đường so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và sử dụng nhiều đường kéo dài có thể là một trong những nguyên nhân gây  các bệnh không lây nhiễm như các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư,… Trong khi đó, người dân đang có xu hướng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có tác động đến sức khỏe, doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thì đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng một chính sách và những giải pháp về nội dung này.

Trước hết, Chính phủ cần ban hành chính sách, định hướng rõ ràng trong việc ưu tiên vấn đề sức khỏe cộng đồng hay phát triển kinh tế.  Các chính sách được đưa ra phải đảm bảo mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.

Ngày 05/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02 phê duyệt Chiến lược về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1294 phê duyệt kế hoạc hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dường. Theo đó, xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em. Đồng thời, Bộ y tế cũng ban hành Thông tư số 29 về hướng dẫn nội dung cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

Vấn đề đặt ra để làm sao triển khai thực thi những chính sách, văn bản của Chính phủ, ngành y tế đưa ra sao cho hiệu quả?

Theo đó, xem xét bổ sung các quy định cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, thực phẩm phải ghi rõ thông tin về hàm lượng đường tự do có trong thực phẩm. Việc công bố công khai, minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của họ. Song song với đó, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, ngành y tế và công thương cùng nhau phối hợp xây dựng một hệ thống các sản phẩm thực phẩm với nhiều tiêu chí để phân loại thực phẩm theo các nhóm thực phẩm lành mạnh, ít lành mạnh và hạn chế tiêu thụ. Việc dán nhãn các sản phẩm theo từng loại cũng là cách để người dân dễ dàng nhận diện sản phẩm.

Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các thực phẩm có gốc tự nhiên, lành mạnh tốt cho sức khỏe, Chính phủ, ngành công thương cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho và những cơ chế khuyến khích phù hợp. Đồng thời, sử dụng công cụ thuế để kiểm soát và hạn chế các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm sử dụng quá nhiều đường, có tác động không tốt đến sức khỏe người dân.

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người dân về tác dụng của tiêu dùng những thực phẩm ít đường, có gốc tự nhiên đối với sức khỏe và ngược lại.

Điều quan trọng, người đứng đầu các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống cần thay đổi nhận thức đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng, đặt quyền lợi, sức khỏe của cộng đồng lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cùng với sự thay đổi về xu hướng của người tiêu dùng và xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững của mỗi quốc gia, thì các doanh nghiệp cũng cần tính đến xem xét thay đổi về công nghệ, công thức và chuyển dịch sang sản xuất ra những thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng. Điều này, vừa giúp cho các quốc gia giảm gánh nặng bệnh tật y tế, kiểm soát sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm vừa là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Minh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Sáng nay (4/9), báo Thanh niên có bài phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh các em bé bị bảo mẫu đánh đập dã man tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến người xem không khỏi phẫn nộ.

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Một chiếc biển hiệu nhà may quần áo trẻ em như rất nhiều cửa hàng khác trên phố Hàng Trống, nhưng đặc biệt hơn khi có dòng chữ: “Đức Hạnh: Bà Trần Thức Lễ sáng lập năm 1950” gợi cho bộ hành qua phố nhiều ký ức, hoài niệm.

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Việc tịch thu phương tiện vi phạm giao thông, nhất là hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng… đã được quy định từ Nghị định 100/2019, nghị định 123/2021 và cả Luật Xử lý Vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên lên làm việc

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên lên làm việc

Chiều 4/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Công an TP HCM và các cơ quan chức năng thông tin về việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12, bị bạo hành.

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Dù sở hữu hệ thống đường sắt lớn hàng đầu thế giới, nhưng hình ảnh đường sắt Ấn Độ trong mắt nhiều người vốn không mấy tốt đẹp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố, tai nạn đường sắt xảy ra tại Ấn Độ khiến làn sóng chỉ trích ngày càng dữ dội.

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công điện đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra, xác minh vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Càng gần đến dịp Trung Thu thì xóm lồng đèn Phú Bình, quận 11 (TP.HCM) lại càng nhộn nhịp hơn, rộn ràng hơn với những chiếc lồng đèn truyền thống được làm thủ công đón đêm hội trăng rằm.