Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Từ việc tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo tạm dừng hoạt động

Huy Hoàng: Thứ sáu 19/07/2024, 09:11 (GMT+7)

Giữa tháng 5/2024 siêu tàu cao tốc Thăng Long chính thức rẽ sóng đưa khách từ TPHCM đến Côn Đảo, sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động vận chuyển hành khách của TPHCM và khu vực Đông Nam Bộ. Tuy vậy, chưa đầy 2 tháng sau, doanh nghiệp khai thác tuyến phải thông báo tạm dừng hoạt động vì nhiều lý do.

Vụ việc này không chỉ gây tiếc nuối cho người dân, du khách, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư của TPHCM.

Tàu cao tốc đi Côn Đảo sau 2 tháng khai thác đã gửi thông báo dừng chạy vào 29/7 tới, nguyên nhân do khai thác không hiệu quả.

Tàu cao tốc đi Côn Đảo sau 2 tháng khai thác đã gửi thông báo dừng chạy vào 29/7 tới, nguyên nhân do khai thác không hiệu quả.

Một ngày nửa cuối tháng 6, chị Võ Thị Thảo Trang (ngụ tỉnh Tiền Giang) cùng một vài người bạn đặt vé tàu cao tốc để trải nghiệm hải trình từ TP.HCM đi Côn Đảo. So với các tuyến khác, chị Trang hoàn toàn cảm thấy thoải mái, dễ chịu trong suốt hành trình hơn 5 giờ đồng hồ. Sau khi trở về, chị Trang quyết định sẽ tổ chức một chuyến đi tương tự cho nhiều người trong tháng 8 tới. Tuy nhiên kế hoạch này rất có thể phải thay đổi vì tàu sẽ tạm dừng từ cuối tháng 7:

"Tôi nói sao kỳ vậy, đi tàu này thấy tốt mà, tại sao lại dừng. Bọn mình định trở ra lần nữa với tàu này từ Nhà Bè ra Côn Đảo và không muốn thay đổi lộ trình khác. Phải tạm ngưng thì thực sự thấy tiếc", chị Trang cho biết.

Đã nhiều lần trải nghiệm các hải trình từ bờ ra đảo bằng tàu cao tốc, chị Lê Phùng Nhã Phương (TP.Thủ Đức) đánh giá rất cao chất lượng của tàu cao tốc từ TP.HCM đến Côn Đảo.

Tuy vậy, chị Phương cũng chỉ ra một vài điểm bất cập sau hành trình của mình: "Bất tiện là khi khách đến cảng Hiệp Phước phải tự xuống xe mua vé qua cổng chứ không được đến thẳng cầu tàu. Thứ hai là khi tàu cập bến trả khách thì phải mất khá nhiều thời gian để chờ xe buýt trung chuyển về công viên 23/9. Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin tàu dừng hoạt động bởi với tuyến này người dân TPHCM có thể đi đến Côn Đảo du lịch hay công tác rất thuận lợi".

Từ góc độ một người làm du lịch và là đại lý bán vé tàu đi Côn Đảo nhiều năm, ông Lê Hữu Trí (Công ty du lịch Biển Côn Đảo) cho rằng việc đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khách trực tiếp từ TP.HCM đi Côn Đảo là một thông tin tích cực cho thị trường du lịch sôi động như TP.HCM. Tuy nhiên, việc tàu Thăng Long phải tạm dừng khai thác tuyến này không làm ông Trí bất ngờ vì khá nhiều bất cập:

"Bất cập ở đây là điểm đón của cảng tàu là quá xa xôi so với trung tâm TP.HCM. Thực tế mình thấy từ khi đến phao số 0 ở Vũng Tàu để vào sông thì tàu không được phép chạy nhanh, nên khiến thời gian từ Côn Đảo về TP.HCM mất khoảng 5 tiếng, cộng thêm 1, 2 tiếng trung chuyển từ cảng về trung tâm nữa và trở thành trở ngại cho nhà tàu. Hãng mở thì mình ủng hộ bán cho khách nhưng quyền quyết định cuối cùng là của khách. Ngưng tuyến không phải ngưng chạy tàu Thăng Long mà họ sẽ mang về Vũng Tàu khai thác", ông Trí cho biết.

Giờ xuất phát tàu 7 giờ 30, hành khách phải có mặt 5 giờ ở công viên 23/9, tàu về thì đi từ Hiệp Phước vào cũng mất 2 giờ đồng hồ, cộng thêm 5 giờ đi biển thì mất gần 7-8 tiếng. Bất cập ở đây thấy rõ vị trí điểm đón cảng tàu ở quá xa trung tâm thành phố, nên đây là một bất lợi cho hãng tàu.

Giờ xuất phát tàu 7 giờ 30, hành khách phải có mặt 5 giờ ở công viên 23/9, tàu về thì đi từ Hiệp Phước vào cũng mất 2 giờ đồng hồ, cộng thêm 5 giờ đi biển thì mất gần 7-8 tiếng. Bất cập ở đây thấy rõ vị trí điểm đón cảng tàu ở quá xa trung tâm thành phố, nên đây là một bất lợi cho hãng tàu.

Chia sẻ về nguyên nhân phải tạm dừng khai thác tuyến TP.HCM – Côn Đảo, ông Vũ Văn Khương - Tổng giám đốc công ty Phú Quốc Express, chủ tàu Thăng Long cho biết chi phí duy trì tuyến này cao gấp 3 lần so với các tuyến khác trong khi tỷ lệ hành khách đi tàu thấp khiến thu không đủ bù chi:

"Nếu như ở Vũng Tàu chúng tôi thuê bao trọn gói, khách không phải tốn thêm đồng nào mà mỗi tháng chỉ mất khoảng 100 triệu, ở đây 350 triệu trong khi mỗi khách phải tốn thêm 35 nghìn nữa. Hành khách cảm thấy khó chịu thì làm sao không cản trở. Nói thẳng là phải cần cái gì đó mới, kể cả trong hoạch định cũng phải có cái nhìn, phải có tư duy phát triển đồng đều thì mọi người người có công ăn việc làm ổn định, nếu chỉ muốn thu hút đại bàng thì chim sẻ sống ở đâu?".

Cũng là một nhà đầu tư vận tải hành khách đường thuỷ, ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc công ty TNHH Thường Nhật bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ với chủ tàu Thăng Long khi tham gia phát triển giao thông thuỷ, ven bờ và hải đảo.

Từ thực tế của mình, ông Toản cho rằng có quá nhiều thử thách khắc nghiệt mà doanh nghiệp phải đối đầu như suất đầu tư quá lớn; thời gian khấu hao ngắn; giá nhiên liệu ngày một tăng cao; lệ thuộc nhiều vào thời tiết; mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp…

Chính vì thế, ông Toản cho rằng cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ các bên liên quan để doanh nghiệp nói riêng, hoạt động vận tải thuỷ nói chung được đi nhanh, đi xa và bền vững hơn: "Việc tàu Côn Đảo phải dừng theo tôi không ngoài yếu tố thiếu sự hỗ trợ về hạ tầng. Đối tượng phục vụ chính của tàu Côn Đảo là người dân TP.HCM, khách du lịch và khách vãng lai đến thành phố này, họ từ sân bay từ các quận huyện về trung tâm đã xa rồi lại còn đẩy về tuốt cảng Hiệp Phước nên nhiều người chọn đi máy bay hoặc loại hình khác cho xong.

Tôi có đề xuất là nên dành một chỗ tại cảng Sài Gòn Bến Nghé cho tàu Côn Đảo đậu, vừa gần khu dân cư vừa dễ kết nối giao thông vừa tạo nên hệ sinh thái vận chuyển và du lịch đường thuỷ ngay gần trung tâm thành phố. Tại sao không sử dụng nó mà lại bỏ phí như vậy, rất xót ruột, rất uổng!".

Là một người tâm huyết với du lịch, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội bày tỏ sự vui mừng khi TP.HCM có thêm sản phẩm du lịch mới là một tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo. Song việc tuyến tàu này phải tạm dừng sau 2 tháng hoạt động đã chỉ ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự phối hợp tích cực hơn từ nhiều phía, nhất là chính quyền TP.HCM:

"Tôi cảm thấy hai bên chưa thực sự thống nhất nên vẫn còn một vài trúc trắc diễn ra. Nếu có cơ hội đầu tư hoặc khởi động trở lại thì sẽ có nhiều bài học, thứ nhất về truyền thông marketing; thứ hai là đồng hành trong những chương trình, hội chợ lớn của thành phố để giới thiệu sản phẩm du lịch này. Thẳng thắn mà nói nhà nước chỉ là một bệ đỡ, còn lại doanh nghiệp mới là quả tên lửa, tên lửa có được phóng lên hay không tuỳ thuộc vào khả năng, thực lực và bản chất của nó", ông Phương nêu ý kiến.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin doanh nghiệp muốn tạm dừng tuyến, Sở GTVT TPHCM đã tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp cùng các bên liên quan. Đơn vị này cho rằng đây là loại hình vận tải mới, do vậy cần thêm thời gian để đánh giá và tạo lập thói quen cho người dân.

Ông Bùi Hoà An – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm: "Cảng Hiệp Phước là cảng hàng hoá không phải cảng hành khách nên phí ra vào cảng là phí theo quy định của ngành rồi nên mình không can thiệp được. Thành phố không có cảng hành khách nên mình xin thí điểm ở đó cho hành khách gần một chút, sau này khi không cho thí điểm nữa chắc phải dời về Cần Giờ. Để thuận lợi không ách tắc thì tuỳ trường hợp chúng tôi sẽ làm việc với chủ tàu, khuyến khích là chính chứ không đặt bài cho họ được".

bao-ba-ria--vung-tau-1118

 

Đừng để có tiếng mà không có miếng

Những năm qua, tôi may mắn được trải nghiệm hầu hết các hành trình từ bờ ra đảo bằng tàu cao tốc. Những bông hoa biển trắng xoá không chỉ giúp tôi thêm yêu biển đảo quê hương mà còn khiến tôi nể phục vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, các hãng tàu cùng với quyết tâm rút ngắn khoảng cách đất liền với hải đảo của chính quyền các địa phương.

Gần đây, tôi được tham gia 1 hải trình hoàn toàn khác từ thành phố mang tên Bác đến vùng đất thiêng liêng - Côn Đảo. 5 giờ lênh đênh sóng nước trên con tàu lớn nhất, nhanh nhất, hiện đại nhất khiến tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là vì từ nay người dân từ TP.HCM có thể đi tàu trực tiếp đến Côn Đảo, còn lo là vì con tàu khổng lồ hơn 1000 chỗ ngồi mà chỉ có chưa đầy 1/3 số chỗ được lấp đầy.

Và nỗi lo ấy trở nên hữu hình khi chủ tàu ra thông báo tạm dừng sau chưa đầy 2 tháng hoạt động. Tôi tin rằng cái thông báo ấy đã khiến không ít người từng ngồi trên boong tàu Thăng Long có phần tiếc nuối. Song với tôi, sự dừng lại này là “cần thiết”, bởi bất kỳ cái vỗ tay nào muốn tạo ra âm thanh phải đến từ 2 phía.

Trở lại với tuyến TP.HCM – Côn Đảo, ngoài số vốn ban đầu hơn 200 tỷ đồng để đóng mới, thì chủ tàu còn phải trả chi phí cảng bến, hoa tiêu cao gấp 3 nơi khác; phải tổ chức xe trung chuyển khách từ trung tâm đến cảng và ngược lại; phải bị khách phàn nàn vì sao đã mua vé lại phải trả thêm phí ra vào cảng và chua xót hơn là nhìn tàu rẽ sóng ra khơi với tâm trạng “lỗ vẫn hoàn lỗ”.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nếu nhìn vào các cách mà các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Vũng Tàu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang hay Cà Mau tạo điều kiện thực sự cho các doanh nghiệp vận tải thuỷ sẽ thấy việc mà TPHCM đang làm không khác gì “có tiếng mà không có miếng”.

Bởi nếu thực sự quyết tâm muốn đa dạng hoá các phương thức vận tải, khai thác hiệu quả giao thông đường thuỷ, khuyến khích phát triển kinh tế biển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề cập thì những việc như tạo điều kiện cảng bến, bố trí xe trung chuyển, khuyến khích hành khách hay miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp…hoàn toàn trong tầm tay.

Một đồng nghiệp của tôi cho rằng, cái cách mà tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo đang hoạt động không khác gì tình trạng “công làm thủ phá” trong môn bóng đá, và việc tuyến này phải dừng hoạt động âu cũng là lẽ bình thường khi toàn bộ thiệt thòi đang dồn hết về 1 phía.

Vẫn còn nhiều cơ hội để các bên cùng ngồi lại với nhau, thảo luận, bàn bạc và đưa ra những giải pháp phù hợp để duy trì tuyến tàu cao tốc  này bởi nó không chỉ là 1 phương thức vận tải đơn thuần mà còn là 1 sản phẩm đặc trưng của TP.HCM. Trong quá trình ấy, cần phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết đồng thời phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên, tránh tình trạng “bên thì được quá nhiều, người thì mất tất cả”.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Vụ trẻ bị bạo hành ở Mái ấm Hoa hồng: Đã chuyển các bé về nơi chăm sóc an toàn

Sáng nay (4/9), báo Thanh niên có bài phản ánh về tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM). Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh các em bé bị bảo mẫu đánh đập dã man tại Mái ấm Hoa Hồng đã khiến người xem không khỏi phẫn nộ.

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Thêu ước mơ trên chiếc áo đồng phục

Một chiếc biển hiệu nhà may quần áo trẻ em như rất nhiều cửa hàng khác trên phố Hàng Trống, nhưng đặc biệt hơn khi có dòng chữ: “Đức Hạnh: Bà Trần Thức Lễ sáng lập năm 1950” gợi cho bộ hành qua phố nhiều ký ức, hoài niệm.

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Cần chế tài mạnh để trị tận gốc

Việc tịch thu phương tiện vi phạm giao thông, nhất là hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng… đã được quy định từ Nghị định 100/2019, nghị định 123/2021 và cả Luật Xử lý Vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên lên làm việc

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Công an đã mời chủ cơ sở và 16 nhân viên lên làm việc

Chiều 4/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Công an TP HCM và các cơ quan chức năng thông tin về việc nhiều trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, quận 12, bị bạo hành.

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Dù sở hữu hệ thống đường sắt lớn hàng đầu thế giới, nhưng hình ảnh đường sắt Ấn Độ trong mắt nhiều người vốn không mấy tốt đẹp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố, tai nạn đường sắt xảy ra tại Ấn Độ khiến làn sóng chỉ trích ngày càng dữ dội.

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Sau vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Yêu cầu xử lý nghiêm và rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công điện đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra, xác minh vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Xóm lồng đèn Phú Bình tất bật dịp Trung thu

Càng gần đến dịp Trung Thu thì xóm lồng đèn Phú Bình, quận 11 (TP.HCM) lại càng nhộn nhịp hơn, rộn ràng hơn với những chiếc lồng đèn truyền thống được làm thủ công đón đêm hội trăng rằm.