Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

TP.HCM cần một nghị quyết mới để phát huy tối đa nguồn lực

Huy Hoàng: Thứ tư 05/04/2023, 15:16 (GMT+7)

Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TPHCM đã phần nào phát huy được hiệu quả, song cũng còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc nhất định.

Trước đòi hỏi của thực tiễn lẫn, lãnh đạo Thành Ủy, UBND và cả hệ thống chính trị của TP.HCM đã xây dựng dự thảo về một Nghị quyết mới nhằm thay thế cho Nghị Quyết 54 trước đây với mong muốn đưa TP.HCM trở lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải được quan tâm nhiều hơn trong Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 trước đây (Ảnh minh họa)

Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải được quan tâm nhiều hơn trong Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 trước đây (Ảnh minh họa)

Chỉ trong vòng 3 năm kể từ năm 2020 trở lại đây, TP.HCM đã chứng kiến hơn 2400 nhân sự là quản lý, giáo viên, cán bộ nhân viên ngành giáo dục phải bỏ việc, nghỉ việc. Theo PGS – TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) thì chính những bất cập trong chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ đã khiến cho 1 lượng chất xám nội ngành bị thất thoát đáng kể.

Ông Nguyễn Đức Lộc cho rằng vấn đề cải thiện đời sống cho giáo viên nói riêng, người lao động nói chung hay rộng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải được quan tâm nhiều hơn trong Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 trước đây:

"Ta hay nói nguồn nhân lực là tài nguyên của thành phố, của doanh nghiệp nhưng đến lúc khó khăn nhất thì tài nguyên đó bị thanh lý đầu tiên. Việc chúng ta cải tiến, đầu tư vào hạ tầng xã hội sẽ là sức hút mới vì để phát triển không chỉ dừng lại ở thu nhập mà cần phải có môi trường sống tốt. Do đó, đây là dịp để chúng ta nâng cấp cấu hình xã hội, cấu hình phát triển", ông Nguyễn Đức Lộc cho biết.

Bên cạnh vấn đề về ổn định và nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực, thì câu chuyện về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án vẫn là điểm nóng nhất mà TP.HCM phải khẩn trương tháo gỡ.

Góp ý về vấn đề này trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 lần này, Ông Nguyễn Văn Giàu – nguyên chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội nói: "Việc quy định thu hồi đất, bồi thường với điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ là rất hay nhưng phải cụ thể hơn. Ít nhất là phải có điều kiện hạ tầng giao thông kết nối, phải đảm bảo điện nước, cơ sở y tế, văn hóa, trường học, chợ búa…đặc biệt là môi trường sống phải tốt hơn. Những cái này phải được công khai, cụ thể chứ nói chung chung thì khó lắm".

Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Từ góc độ tạo nguồn lực để phát triển cũng như đóng góp cho cả nước, PGS TS Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội cho rằng Nghị quyết mới lần này phải hiện thực hóa và nâng tầm TP.HCM trở thành 1 cực tăng trưởng đúng nghĩa chứ không nên hài lòng với những gì đã có:

"Nếu chúng ta cứ tiếp tục thế này với việc đóng góp 25% cho cả nước, từ trước khi tôi làm quản lý đã nghe con số này nhưng đến nay sau bao nhiêu năm cũng chỉ để giữ lại bao nhiêu đó. 25% bây giờ khác rất nhiều so với trước nhưng chúng ta vẫn có thể tạo được cơ chế hơn thế nữa, và nên xem đó là tham vọng, kỳ vọng để trở thành 1 cực phát triển trong giai đoạn mới. TPHCM vẫn còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nếu chúng ta làm tốt thì TP.HCM sẽ bật lên nhanh, đương nhiên không phải như ngày hôm qua", PGS TS Phan Thanh Bình cho biết. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà đặc thù là trí tuệ nhân tạo đã phát triển như vũ bão thì theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì TP.HCM cần phải có sự thích ứng nhanh hơn với những công cụ đặc thù, còn gọi là Sandbox – hộp cơ chế thử nghiệm.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý: "Ta có thể quan niệm toàn bộ cơ chế áp dụng cho TP.HCM là 1 sandbox lớn với công cụ để đo đếm cụ thể. Hoặc có thể chia ra thành nhiều sandbox theo nội dung như Fintech để phát triển trung tâm tài chính; hai là sandbox về chính quyền đô thị cho tp. Thủ Đức; hoặc là sandbox cho Star up…"

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng Nghị Quyết 54 đã không đủ sức giải quyết những vấn đề đang đặt ra hay những yêu cầu từ thực tiễn của TP.HCM. Do đó, xây dựng, soạn thảo, tiếp thu và đề xuất 1 nghị quyết mới để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mà địa phương này đang gặp phải là hết sức cần thiết:

"Nghị quyết lần này có 2 mục đích tương đối rộng, một là giải quyết những khó khăn mà TP.HCM đang vấp phải, thứ 2 là với vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước thì phải bắt nhịp được xu thế phát triển mới…nói một cách khái quát là thoát cũ một cách trôi chảy và xây mới lại để TP.HCM phát triển vì chính thành phố, vì khu vực Đông Nam Bộ và cả nước", Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.

Nhận định về điểm thuận lợi mà Nghị Quyết dành cho TP.HCM lần này nếu được Quốc Hội thông qua trong kỳ họp tháng 5 tới đây, tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng Nghị quyết 31 của Bộ Chính Trị mới đây đã yêu cầu rất rõ về cách triển khai, do vậy Nghị quyết này sẽ không mất nhiều thời gian để đi vào thực tiễn:

"Lâu nay, chúng ta ra Nghị quyết là ra quyết sách, nhưng khi Quốc hội ra quyết sách và muốn đi vào cuộc sống thì phải qua trùng trùng điệp điệp nghị định thông tư, cái đó mới vướng. Lần này Nghị quyết Quốc hội chưa phải thực thi ngay mà Chính phủ ban hành Nghị định chi tiết cho Nghị quyết này, và trong tương lai tất cả chỗ nào nói Chính phủ quy định đều thuộc Nghị định hết. Khi thực thi, bộ máy hành chính của thành phố này chỉ cần cầm Nghị định này làm, cái gì không có trong Nghị định thì làm theo quy định hiện này, khi đó không sợ sai", tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới cũng như quá trình triển khai nếu được thông qua Nghị quyết này, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Trước mắt, chúng tôi tập trung phối hợp cùng Bộ KHDT, các Bộ ngành Trung ương để tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Song song đó cũng chuẩn bị các đề án, kế hoạch để triển khai các nội dung cụ thể để làm sao ngay khi Quốc hội thông qua thì có 1 số nội dung thành phố có thể chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân triển khai từ t7/2023. Chúng tôi kỳ vọng khi Nghị quyết này được ban hành sẽ được tổ chức thực hiện ngay, mang lại kết quả, góp phần giải quyết những vướng mắc, tạo sự phát triển đột phá cho thành phố".

Một góc TP HCM.

Một góc TP HCM.

Việc soạn thảo, góp ý xây dựng 1 Nghị quyết mới thay thế cho Nghị Quyết 54 dành cho TP.HCM là yêu cầu hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh địa phương này phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức. Từ thực tiễn triển khai Nghị Quyết 54 cho thấy, Nghị quyết mới không nên chỉ dừng ở mức thí điểm mà phải là cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, hiệu quả và thực sự đột phá để giúp cho TP.HCM quay trở lại với quỹ đạo phát triển của mình. 

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ khi Nghị quyết số 01 của Bộ Chính Trị có hiệu lực, TP.HCM mới có mức tăng trưởng thấp và bị xếp vào nhóm “đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan để lý giải cho hiện tượng này, song cũng cần phải khẳng định rằng những công cụ pháp lý hiện hành (theo Nghị quyết 54) đã không còn đủ sức để giải quyết những vấn đề mà TP.HCM đang gặp phải.

Yêu cầu về một Nghị quyết mới, một công cụ pháp lý mới để thay thế cho Nghị quyết 54 là hết sức cần thiết, không chỉ là đòi hỏi từ thực tiễn mà còn là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị của TPHCM. Và rõ ràng, TPHCM đã và đang làm tốt nhiệm vụ này với sự chủ động của đơn vị soạn thảo, biên tập lẫn sự tích cực, tâm huyết của nhiều chuyên gia hàng đầu.

Điểm nổi bật của Nghị quyết mới lần này là các cơ chế, quyết sách sẽ không chỉ dừng ở mức thí điểm mà đã được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý cụ thể, rõ ràng để có thể giải quyết tốt hơn những “điểm nóng” lâu nay của TP.HCM như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và môi trường; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền đô thị hay phương thức phát triển thành phố Thủ Đức…

Điều đáng nói là Nghị quyết 31 của Bộ Chính Trị mới đây đã tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn cho Nghị quyết mới của TP.HCM. Không chỉ rút ngắn được trình tự triển khai mà còn tạo được một không gian đủ lớn để TP.HCM khơi thông và giải phóng được các nguồn lực, qua đó quay trở lại quỹ đạo phát triển, tương xướng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dĩ nhiên, để Nghị quyết này trở thành hiện thực cũng rất cần có sự chia sẻ, ủng hộ của Quốc hội, của các Đại biểu Quốc hội lẫn sự quan tâm, hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ, các Bộ ngành dành cho “đứa con tinh thần nhiều tâm huyết” của TP.HCM.

Về phần mình, lãnh đạo TP.HCM cần tích cực và chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị các kế hoạch, đề án để sẵn sàng triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Nghị quyết mới dành cho TP.HCM sẽ được trình Quốc hội. Và nếu được thông qua tại kỳ họp lần này thì đây có thể được xem là bước ngoặt vô cùng quan trọng để TP.HCM có thể cởi bỏ được “lớp áo cũ” có phần cồng kềnh để khoác lên mình một bộ trang phục mới mượt mà và đột phá hơn.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.