Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Thu phí hạ tầng đường bộ với điện lực, viễn thông được không?

Quách Đồng - Minh Hiếu: Thứ năm 08/08/2024, 10:59 (GMT+7)

Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua,đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông. Như vậy, các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông cũng sẽ phải trả phí sử dụng đường bộ.Vậy việc thu phí sẽ thực hiện như thế nào? Có khó khăn gì khi thực hiện?

Rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ. Ảnh: Báo Giao thông

Rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ. Ảnh: Báo Giao thông

Chở hàng đến nhiều ngõ phố tại Hà Nội, tài xế Khương Văn Du ngại nhất những nơi có dây điện chằng chịt, thậm chí võng xuống đường. Vì vậy, khi được biết về việc sẽ thu phí sử dụng đường bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông, anh Du rất đồng tình để đường sá được duy tu thường xuyên hơn:

"Tôi nghĩ là hợp lý vì tăng thêm ngân sách cho nhà nước. Bước đầu cũng khó khăn nhưng nếu đồng lòng, cùng làm thì đơn giản thôi. Để mà đường tốt, đi không mắc vào dây điện thì tăng chi phí tiền điện một vài nghìn cũng được thôi, một người thì ít nhưng cả Việt Nam mình cơ mà", anh Du nêu ý kiến.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì không ít người băn khoăn về việc thu phí như thế nào, sử dụng phí ra làm sao, liệu có làm tăng giá điện, viễn thông hay không:

"Chị e ngại phí sinh hoạt hàng ngày tăng lên, ví dụ điện, các dịch vụ Internet. Từ trước đến nay chưa phát sinh mà bây giờ phát sinh, thành ra cũng khó cho người dân".

"Luật đã đưa ra Quốc hội thì chắc chắn sẽ thực hiện bởi vì người ta đã nghiên cứu rồi. Để tránh ảnh hưởng người dân thì làm thế nào cho nó hợp lý, thu - chi minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực có thể xảy ra".

"Đương nhiên sử dụng dịch vụ thì phải trả phí, quan trọng là làm sao cho thành phố đẹp. Muốn đẹp thì phải đồng bộ, mức phí phù hợp và đồng tiền mình chi như thế nào thì phải minh bạch, rõ ràng. Ông thu một đồng mà người dân không biết chi vào cái gì thì rất khó".

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Khoa Vận tải – Kinh tế, Trường Đại học GTVT cũng băn khoăn, nếu thu phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung có thể làm tăng chi phí đầu vào, đồng nghĩa với việc tăng giá các mặt hàng phải trả phí.

Mặc dù vậy, PGS Nguyễn Hồng Thái cho rằng việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ sẽ công bằng với các doanh nghiệp: "Khi đã thu phí thì tất nhiên phải hạch toán vào và như vậy thì nó sẽ ảnh hưởng đến các chi phí chung và các chi phí tiêu dùng của người dân. Giống như xăng dầu, điện nước, tất cả sẽ là yếu tố đầu vào, cộng hết vào chi phí. Chúng ta phải giải thích để người dân dân đồng hành và chia sẻ".

Hạ ngầm cáp điện lực, thông tin tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Hạ ngầm cáp điện lực, thông tin tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trên hệ thống đường bộ có rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật là đường dây, cáp, đường ống và các công trình khác lắp đặt trong hành lang đường bộ. Số lượng các đơn vị sử dụng hạ tầng đường bộ cũng ngày càng nhiều, nên việc phải bỏ ra một phần lợi nhuận để chi trả cho việc sử dụng là phù hợp:

"Trong những trường hợp nó liên quan đến vấn đề đầu tư, quản lý bảo trì phát sinh những chi phí thì có thể phải tính chi phí. Quy định định hướng là như thế, nhưng phải phân ra từng loại công trình đầu tư, ví dụ công trình đường nhà nước đầu tư thì khác, công trình đường do nhà đầu tư tư nhân đầu tư thì có thể mức phí cũng khác", ông Quyền cho biết.

Về phía các doanh nghiệp chịu tác động, đại diện một doanh nghiệp nước sạch cho hay, đươn vị sẵn sàng trả phí sử dụng hạ tầng đường bộ. Tuy vậy, cần quy định rõ mức phí theo mức độ sử dụng hạ tầng, doanh nghiệp sử dụng nhiều hạ tầng đường bộ sẽ phải trả phí nhiều.

Dẫn Thông tư liên tịch số 210 năm 2013 giữa Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin Truyền thông, TS Trương Thị Mỹ Thanh, Trường Đại học Công nghệ GTVT cũng cho rằng, việc trả phí dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật là hợp lý. Các công trình đường bộ dùng nguồn vốn nhà nước hoặc hợp tác công tư và mục đích sử dụng là công trình công, phục vụ công chúng. Tuy nhiên, với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như điện, nước, viễn thông… là phục vụ mục đích thương mại. Với mục đích khác nhau, trong đó có mục đích thương mại thì việc phải thu phí là hợp lý và nhất quán với cách tiếp cận về kinh tế:

"Quan điểm này cũng phù hợp với các yếu tố về thị trường, các căn cứ thị trường và các cách tiếp cận hiện nay trên thế giới. Thứ nhất là xác định giá thuê trên cơ sở chi phí, nghĩa là các thành phần chi phí để đầu tư lên các công trình hạ tầng kỹ thuật, rồi khai thác, vận hành mất bao nhiêu tiền thì khi dùng chung sẽ phải trên cơ sở phần chi phí sẽ là căn cứ để xác định ra giá thuê. Thứ 2 là cách tiếp cận về cơ chế so sánh, so sánh với những sản phẩm dịch vụ có tính chất thương mại tương đương để xác định mức giá thuê phù hượp với các nguyên tắc chung", TS Trương Thị Mỹ Thanh phân tích.

Đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ cho hay, hiện đơn vị đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT nghiên cứu mức phí, phương án thu phí. Dự kiến, dự thảo nghị định hướng dẫn việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận trong tháng 10 để hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.

Ảnh minh họa: Hà Nội mới

Ảnh minh họa: Hà Nội mới

Theo Luật Đường bộ, nguồn thu từ khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung với đường bộ là một trong những nguồn thu để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ. nếu việc thu phí thực hiện một cách hiệu quả sẽ góp phần giảm gánh nặng ngân sách trong việc bảo trì mạng lưới đường bộ.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: "Tạo sự công bằng giữa các đơn vị sử dụng hạ tầng đường bộ".

Việc thu phí sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung với đường bộ được đề cập trong Luật Đường bộ thật ra không mới. Bởi, từ năm 2013, tại Thông tư liên tịch số 210 giữa Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin – Truyền thông đã hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Tại Thông tư này, đường đô thị, hầm đường bộ, hầm đường sắt, cống ngầm; cầu đường bộ… là những công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và được xác định có thu phí.

Như vậy, hành lang pháp lý cho việc thu phí sử dụng hạ tầng kỹ thuật dùng chung đã được đề cập từ hơn 10 năm trước. Thực tế, việc treo cáp viễn thông trên hệ thống cột điện cũng đã được thực hiện. Bởi vậy, việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp điện, nước, viễn thông cũng là tất yếu.

Một trong những lợi ích chính của việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ là tạo ra nguồn tài chính ổn định và liên tục cho việc bảo trì và nâng cấp hệ thống đường bộ. Hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thường không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo trì, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều tuyến đường.

Khi phải trả phí sử dụng hạ tầng, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc sử dụng và khai thác hạ tầng đường bộ. Điều này có thể dẫn đến việc giảm thiểu tình trạng sử dụng quá mức hoặc không cần thiết, từ đó giảm áp lực lên hệ thống đường bộ.

Mặt khác, việc thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ đối với các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông giúp đảm bảo tính công bằng, khi mà các doanh nghiệp này cũng phải chịu một phần chi phí bảo trì hạ tầng mà họ đang sử dụng. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn tăng cường sự minh bạch trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực.

Ảnh minh hoạ: Công an nhân dân Online

Ảnh minh hoạ: Công an nhân dân Online

Có thể có những băn khoăn về việc áp dụng phí sử dụng hạ tầng đường bộ có thể làm tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông. Các doanh nghiệp này có thể chuyển chi phí này sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá dịch vụ. Tuy vậy, thực tế việc doanh nghiệp cáp, viễn thông trả tiền thuê cột điện cho thấy, mức phí phù hợp vẫn có thể được người dân chấp nhận.

Để giải pháp thu phí đạt hiệu quả, cần có một hệ thống quản lý và thu phí minh bạch, chính xác. Thay vì chỉ thu phí, nhà nước có thể xem xét các hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong việc bảo trì và nâng cấp hạ tầng đường bộ. Các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông… có thể tham gia trực tiếp vào các dự án bảo trì, từ đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Việc phân loại và điều chỉnh phí sử dụng hạ tầng đường bộ dựa trên mức độ sử dụng và ảnh hưởng lên hạ tầng của từng doanh nghiệp có thể giúp đảm bảo tính công bằng và hợp lý. Doanh nghiệp sử dụng nhiều, gây ảnh hưởng lớn nên trả phí cao hơn so với doanh nghiệp sử dụng ít.

Sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để quản lý và thu phí có thể giúp tăng cường tính minh bạch, chính xác và hiệu quả. Các hệ thống giám sát tự động, hóa đơn điện tử và thanh toán trực tuyến có thể được triển khai để giảm thiểu tình trạng thất thoát phí.

Giải pháp thu phí sử dụng hạ tầng đường bộ đối với các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng kinh phí bảo trì đường bộ hiện nay.

Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự hiệu quả và không gây ra những tác động tiêu cực, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về mức phí, cơ chế quản lý và các biện pháp bổ sung. Việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ hạ tầng sẽ giúp giải pháp này đạt được mục tiêu mong muốn./.

Quách Đồng - Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tấm lòng từ miền Nam

Tấm lòng từ miền Nam

Những ngày qua, cả đất nước như cùng hoà chung một nhịp đập yêu thương. Hàng triệu trái tim đồng lòng hướng về miền Bắc, nơi đồng bào đang oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Nhiều đơn vị giảm giá thi công mái tôn sau bão số 3

Nhiều đơn vị giảm giá thi công mái tôn sau bão số 3

Sau cơn bão số 3, nhu cầu thi công mái tôn tăng cao, nhiều đơn vị sửa chữa và lắp đặt mái tôn đã có những khuyến mại, giảm giá nhằm phần nào hỗ trợ người dân khắc phục những hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra.

Những nụ cười trong làn nước lũ

Những nụ cười trong làn nước lũ

Khi tôi đang loay hoay với đống máy ảnh giữa cơn mưa tầm tã trên đầu và dưới chân nước ngập đến ngang đùi, bỗng thấy một bóng người lờ mờ phía xa ngoắc tay lia lịa, ban đầu cứ tưởng gọi ai, quay tứ phía thì chỉ có mình, nên đoán người ta gọi mình.

Đường sắt Hà Nội - Lào Cai dự kiến thông một số khu gian vào ngày 14/9

Đường sắt Hà Nội - Lào Cai dự kiến thông một số khu gian vào ngày 14/9

Hiện nay trên tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai vẫn còn 20 điểm ngập sâu, trên 45 điểm sạt lở nền đường và nhiều vị trí cây xanh, cột tín hiệu, cột điện đổ vào đường sắt, khiến cho tuyến đường sắt này hoàn toàn tê liệt.

QL70 tắc nhiều điểm, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn

QL70 tắc nhiều điểm, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn

Những ngày qua mưa lớn sau bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đặc biệt trên tuyến QL70 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 20 điểm sạt lở, gây ùn ắc, ngập lụt và đứt gãy giao thông.

Phố Hàng Mã mùa trung thu

Phố Hàng Mã mùa trung thu

Năm nào cũng vậy, Trung thu tới mang theo bầu không khí nhộn nhịp khắp phố phường Hà Nội, con phố Hàng Mã rực rỡ và lung linh từ rất sớm.

'Đôi cánh' cho em

"Đôi cánh" cho em

Nhiều năm qua, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giống như một ngôi nhà thứ hai của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn trong cuộc sống.