Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Nguyễn Yên - Hải Hà: Thứ bảy 14/09/2024, 11:26 (GMT+7)

Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

Phải chăng cần ứng dụng công nghệ để điều phối các hoạt động cứu trợ sẽ đảm bảo hiệu quả cao hơn?

Trẻ nhỏ tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đỗ Quốc Việt

Trẻ nhỏ tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đỗ Quốc Việt

Chị Lê Hoài Hương, hiện tham gia một đoàn cứu trợ thông tin, nhiều xã nghèo ở tỉnh Vĩnh Phúc đang bị cô lập nên khó lòng tiếp cận nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, ở những khu vực giao thông dễ tiếp cận, lại xảy ra tình trạng dư thừa thực phẩm, đồ ăn, trong đó có nhiều thực phẩm không để được lâu:

“Mình nhìn nhận không hề thiếu vì ngay lúc đó, địa phương kêu gọi cũng rất nhanh, như ở Thái Nguyên, các xã, huyện khác không bị ảnh hưởng gì, lập tức hô hào rất nhanh để chuyển đồ đến, trong vòng một ngày, Sang ngày hôm sau, tiếp tục hàng của các tỉnh chuyển về, qua lúc cấp bách rồi thành ra bị chồng chéo, ứ đồ nhiều quá”, chị Hương cho biết. 

Sau khi đi cứu hộ ở một số địa phương như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, anh Vũ Văn Hoàng, thành viên của một Đội cứu hộ cho biết, đã xảy ra tình trạng, có khu vực dư thừa nhu yếu phẩm, nhưng cách đó khoảng 10km, người dân lại rất thiếu:

"Chính quyền làm rất tốt, nhưng lại bị áp lực nhận nhiều như thế này thì làm thế nào để chuyển tới bà con nhân dân. Chính những người mang đến lại mang áp lực cho anh em chính quyền xã. Mọi người đến mọi người vẫn mang theo tinh thần tự phát. Các đoàn nên tiền trạm thì tốt, còn nếu không trước lúc xuống đồ thực phẩm, các đoàn nên dừng lại tìm hiểu, những đồ trên xe của mình có thực sự cần thiết cho bà con ở đây không”, anh Hoàng nói.

Công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Tại một số địa phương, lũ lụt đã khiến giao thông chia cắt, các đoàn cứu trợ khó tiếp cận khu vực người dân bị cô lập. Trong bối cảnh đó, sử dụng công nghệ hiện đại, thông qua các máy bay không người lái, anh Đỗ Quốc Việt, người đứng đầu nhóm hỗ trợ người dân vùng lũ bằng máy bay không người lái đã cử 3-4 xe ô tô đi lên các tỉnh cần giúp đỡ.

Mỗi xe ô tô có 5 thiết bị không người lái, gồm 2 thiết bị khảo sát, 1 thiết bị tầm nhiệt, 2 thiết bị phát đồ, các ô tô này đều trang bị đầy đủ máy phát, các thiết bị hỗ trợ duy trì ở những vùng không có nhiệt, không có sóng. Nhờ đó, nhóm của anh Việt đã hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện, tìm ra những khu vực bị cách ly hoàn toàn, thuyền chưa thể tiếp cận và cung cấp nhu yếu phẩm cho họ:

“Hiện đang mang 3 loại máy bay. Đầu tiên là để khảo sát địa hình, giúp khảo sát khu vực nào bị sạt lở, cách ly hoàn toàn. Tiếp theo là máy bay tầm nhiệt, giúp cho chúng tôi xác định số người hay không, trong đống đổ nát có người hay không. Khi mà chúng tôi xác định khu vực có người cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ cho loại máy bay thứ 3 mang nhu yếu phẩm như đồ ăn, nước uống, pin xạc dự phòng bay vào trong đấy thả cho người ta”, anh Việt nói. 

Đội Việt Flycam sử dụng thiết bị không người lái để khảo sát tình hình tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Đội Việt Flycam sử dụng thiết bị không người lái để khảo sát tình hình tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Mỗi xe ô tô có 5 thiết bị không người lái, gồm 2 thiết bị khảo sát, 1 thiết bị tầm nhiệt, 2 thiết bị phát đồ. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Mỗi xe ô tô có 5 thiết bị không người lái, gồm 2 thiết bị khảo sát, 1 thiết bị tầm nhiệt, 2 thiết bị phát đồ. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Anh Việt cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của đoàn là có quá nhiều luồng thông tin nên rất cần một ứng dụng công nghệ để kết nối và cung cấp thông tin về những khu vực mà người dân bão lũ đang cần để sự có mặt của các đoàn cứu trợ là cấp thiết.

Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Quản lý thảm họa, Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam khẳng định, khó khăn nhất trong hoạt động cứu trợ hiện nay là công tác điều phối vì thiếu kho hàng, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn và phương tiện vận chuyển.

Ông Pha có những lưu ý để điều phối cứu trợ một cách hợp lý hơn: “Chúng ta nên sử dụng hệ thống vận chuyển hàng hóa thông qua Bưu điện Việt Nam, vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ đến 12 tỉnh thành vùng thiên tai. Các hoạt động cứu trợ nên ứng dụng công nghệ để hỗ trợ như chuyển khoản tiền qua các nền tảng gây quỹ để đảm bảo hiệu quả, an toàn”.

Theo một chuyên gia công nghệ thông tin, hiện nay một số quốc gia đã xây dựng Hệ thống ứng phó thiên tai thảm họa, trong đó có sự điều phối về các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ của người dân. Để có thể tránh sự chồng chéo trong hoạt động điều phối, có thể ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu, phân tích và điều phối, song cần có một cơ quan Chính phủ đứng ra điều phối:

“Nên có một chương trình, cơ quan chung được điều phối bởi lãnh đạo Chính phủ, chuẩn bị cho thu thập dữ liệu, xây dựng phương án, quy trình phản ứng với những thảm họa khác nhau. Kĩ thuật không khó. Có dữ liệu có quy trình, có chỉ đạo, có chính sách thì công nghệ thông tin, IT không quá khó”.

Đội Việt Flycam cùng làm việc với lãnh đạo xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục sau mưa bão tại địa phương. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Đội Việt Flycam cùng làm việc với lãnh đạo xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục sau mưa bão tại địa phương. (Ảnh: Đỗ Quốc Việt)

Mỗi mùa mưa bão, nhiều địa phương trên cả nước đối mặt với các nguy cơ thảm họa thiên tai. Với mong muốn chung tay hỗ trợ người dân, các địa phương ở vùng ngập lũ, sạt lở đất không để bị đói, bị rét, hàng trăm đoàn cứu trợ đã kịp thời có mặt để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, đến được tận tay người có ngu cầu thì rất cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra điều phối.

Đây là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: “Chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ”

Những ngày này, trên mạng xã hội và nhiều nền tảng liên tục đưa các thông tin về những khu vực, người dân cần cứu trợ do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt. Chỉ cần một nút share, thông tin đó có thể nhân gấp trăm, gấp nghìn lần. Nhiều đội cứu hộ tự phát hừng hực khí thế, chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm chở đến các khu vực cần cứu trợ.

Hệ quả là có những nơi, hàng hóa được chất đống thành những dãy dài, trong số đó nhiều thực phẩm dễ bị hư hỏng như cơm, bánh trưng, bánh mỳ… buộc phải bỏ đi.

Lại có những khu vực, bị mất hoàn toàn điện, nước, sóng điện thoại, không thể liên lạc được với bên ngoài và ngay với cả các cán bộ xã, huyện ở khu vực đó. Người dân thiếu thức ăn, nhu yếu phẩm. Hàng trăm chiến sĩ tham gia hoạt động cứu hộ, tìm người bị vùi lấp do sạt lở thiếu đồ ăn, thức uống để tiếp tục tìm kiếm người bị nạn.

Bởi vậy, thành lập một cơ quan phụ trách và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều phối các hoạt động cứu trợ lương thực thực phẩm cho người dân là điều cần thiết, bởi sẽ giảm bớt sự lãng phí sức người, sức của của các đoàn thiện nguyện, giúp cho nhu yếu phẩm đến được tận tay những người có nhu cầu thực sự.  

Cơ quan phụ trách điều phối hoạt động cứu trợ người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai nên được điều phối bởi Chính phủ, bởi sẽ thuận lợi trong việc thu thập dữ liệu, xác minh thông tin, phân tích và xây dựng phương án, điều phối các hoạt động cứu trợ. Chỉ có cơ quan Chính phủ mới có khả năng huy động được các nhân tài về xử lý dữ liệu, truy cập về nguồn dữ liệu dân cư của Bộ Công An, có những chỉ đạo, chính sách cụ thể đối với các đơn vị, công ty công nghệ  tham gia thực hiện dự án.

Việc tận dụng những ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều phối vắc-xin trong giai đoạn Covid-19 và từ đó phát triển thêm cho hoạt động cứu trợ cũng cần được cân nhắc bối cảnh, nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ được kịp thời, tiết kiệm chi phí.

Cơ quan phụ trách điều phối hoạt động cứu trợ sẽ thu thập các thông tin về các khu vực cần cứu trợ, nhu cầu và thông tin của các đoàn cứu trợ, cập nhật lên một ứng dụng (điện thoại), điều phối các hoạt động cứu trợ đến các vị trí phù hợp.

Ứng dụng công nghệ này tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển ngay cả sau khi thảm họa thiên tai đã đi qua, để có những giải pháp dài hạn lâu dài trong tương lai khi Việt Nam đối mặt với các thảm họa thiên tai khác nhau.

Cơ quan phụ trách hoạt động phòng chống thảm họa thiên tai, cập nhật các khu vực, các địa phương có nguy cơ rủi ro thảm họa thiên tai lên bản đồ, trang bị cho các địa phương này các thiết bị cần thiết để đảm bảo duy trì thông tin liên lạc trong điều kiện cắt điện, nước và internet.

Về phía các địa phương nơi xảy ra thiên tai, chính quyền cần xây dựng kế hoạch xây dựng một tổ phụ trách ứng trực khi có thảm họa thiên tai. Song song với các hoạt động cứu hộ cứu nạn, địa phương kích hoạt hoạt động của tổ ứng trực thiên tai, bên cạnh tiếp nhận, cập nhật các thông tin về các khu vực, hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, những khu vực bị cách ly, nhu cầu về các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, nhu cầu của người dân về lương thực thực phẩm, sau đó cung cấp cho các đoàn cứu trợ, có thể mạnh dạn từ chối, chuyển sang khu vực khác nếu đã có đủ.

Các địa phương cũng có thể kêu gọi, huy động những tổ chức, cá nhân đã có kinh nghiệm, bằng cấp chứng chỉ cứu hộ cứu nạn tham gia cứu hộ, sử dụng các phương tiện để cứu hộ, cứu trợ những người dân bị mắc kẹt.

Việc cứu trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai là điều rất cần thiết, thể hiện tinh thần  đoàn kết dân tộc, lá lành đùm lá rách của dân tộc. Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ, để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, các đoàn cứu trợ nên dành thời gian nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu thực tế từ chính quyền địa phương để cứu trợ đúng người, đúng nhu cầu, tránh lãng phí.

Tại những địa phương, khu vực đã có đủ, các đoàn cứu trợ cũng nên linh hoạt chuyển cho các khu vực còn thiếu, tránh tình trạng làm một cách máy móc.

Những người dân ở vùng ngập lũ, bị sạt lở thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Không chỉ là những bữa ăn trước mắt, mà họ còn cần phải xây dựng nhà cửa, trường trạm, ổn định cuộc sống sau này. Những tấm lòng, tình cảm của người dân cả nước, đoàn cứu trợ thực sự đáng quý đối với những người gặp nạn, nhưng mong rằng sẽ tiếp tục được duy trì ngay cả khi cơn bão đã đi qua./.

Nguyễn Yên - Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hơn 500 người vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Hơn 500 người vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC) chính thức thành lập Xí nghiệp vận hành và Xí nghiệp bảo trì để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Ô tô gia đình bạn đã trang bị đủ thiết bị an toàn cho trẻ em chưa?

Ô tô gia đình bạn đã trang bị đủ thiết bị an toàn cho trẻ em chưa?

Các thiết bị an toàn trên ô tô sẽ giúp giảm thương vong và tử vong cho trẻ em trên xe khi xảy ra va chạm một cách rất hiệu quả.

Cầu tạm dân sinh nứt vỡ, rỉ sét, dân lo ngay ngáy

Cầu tạm dân sinh nứt vỡ, rỉ sét, dân lo ngay ngáy

Nhiều hạng mục của cây cầu dân sinh dành cho người đi bộ, bắc ngay cạnh cầu Kim Ngưu, thuộc địa phận phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Người dân mỗi khi di chuyển qua đây không khỏi bất an, lo lắng.

Điểm tựa trong cuồng lũ

Điểm tựa trong cuồng lũ

151 người chết và mất tích; 50 người bị thương; hơn 7.000 ngôi nhà; hơn 200 trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và nhiều công trình bị sập đổ, ảnh hưởng… Tổng thiệt hại ước tính trên 6.600 tỷ đồng.

Chủ nhật yêu thương và '1001 thư viện bản xa'

Chủ nhật yêu thương và "1001 thư viện bản xa"

Hàng triệu trang sách đã được mở ra, hàng nghìn nụ cười đã nở rộ nhờ những hoạt động của "Chủ nhật yêu thương". Chỉ trong năm 2022, hơn 100.000 cuốn sách đã được trao tặng, góp phần xây dựng 600 thư viện miễn phí.

Nâng tiêu chuẩn Euro 4 cho xe máy, đồng thời hạn chế xe cá nhân

Nâng tiêu chuẩn Euro 4 cho xe máy, đồng thời hạn chế xe cá nhân

Xe mô tô 2 bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4), kể từ 1/7/2027. Trong thời gian từ nay đến mốc thời gian đó, loại phương tiện này sẽ tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn Euro 3.

Về Bạch Dinh nghe chuyện về tay chơi bậc nhất trời Nam

Về Bạch Dinh nghe chuyện về tay chơi bậc nhất trời Nam

Những năm đầu thế kỷ XX, nếu đất Bạc Liêu có hắc công tử Trần Trinh Huy nổi tiếng "đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu” thì tại xứ Mỹ Tho ngày ấy, Bạch Công Tử Lê Công Phước cũng nổi tiếng là "dân chơi khét tiếng trời nam” bởi tính tiêu tiền xa hoa, phong nhã.