Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Vành đai 2 trên cao và Đại lộ Thăng Long: Gọi là đường gì cho chuẩn?

Kiều Tuyết - Quách Đồng - Hải Hà: Thứ năm 05/09/2024, 06:00 (GMT+7)

Như VOV Giao thông đã thông tin, lâu nay, dư luận vẫn băn khoăn tên gọi, cấp đường của Đại lộ Thăng Long, Đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 2 trên cao, có được coi là cao tốc, hay đường đô thị?

Việc gọi đúng tên đường không chỉ giúp cơ quan chức năng có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp, mà còn là cơ sở để lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Anh Cao Hồng Tư hàng ngày tham gia giao thông trên đường Vành đai 3 song chưa khi nào nghĩ đây là tuyến đường cao tốc vì rất ít khi có thể đi với tốc độ  80km/h:

"Về nguyên tắc, tham gia giao thông đồng tốc thì một làn có vận tốc cao thì nó sẽ lưu thoát tốt hơn, thay vì việc chỉ có một phương tiện lưu thông với tốc độ thấp thôi thì cả một dàn phương tiện đằng sau bị ảnh hưởng và là một tác nhân khiến đường Vành đai 3 trên cao tính lưu thoát phương tiện thấp".

Tài xế Bùi Văn Tuấn (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, tuyến đường vành đai 3 trên cao là tuyến đường đô thị do có tốc độ “rùa bò” và có quá nhiều điểm lên xuống:

"Do các điểm lên xuống, dân mình người ta xuống điểm nào nhiều khi cũng chưa xác định trước được, nên họ đi làn ngoài, khi xuống người ta cắt ngang thì dễ dẫn đến bị ùn, còn cấm được làn khẩn cấp thì khả năng xảy ra va chạm sẽ ít".

Vành đai 3 trên cao là tuyến đường đô thị do có tốc độ “rùa bò” và có quá nhiều điểm lên xuống

Vành đai 3 trên cao là tuyến đường đô thị do có tốc độ “rùa bò” và có quá nhiều điểm lên xuống

Ngoài đường Vành đai 3 trên cao, không ít người điều khiển mô tô, xe gắn máy cũng gặp khó khăn trong việc xác định cấp đường của Đại lộ Thăng Long, vành đai 2 trên cao khi không nhìn thấy biển báo đường cao tốc trên những tuyến này.  

Do vậy, khi bị xử lý vi phạm, họ chưa xác định được rõ ràng lỗi vi phạm là đi vào đường cấm hay đi vào đường cao tốc. Trong khi đó, trên cùng trục đường, lỗi xử lý vi phạm khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng và người tham gia giao thông.

Theo một cán bộ Đội CSGT số 6 trực tiếp tham gia việc xử lý xe ôm, người điều khiển mô tô, xe gắn máy khu vực chân cầu Thăng Long, điểm nối với đường Vành đai 3 trên cao cho biết, những tài xế này bị phạt lỗi đi xe máy vào đường cấm, và bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng.

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội lại khẳng định, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản xử lý 250 trường hợp đi mô tô, xe máy vào đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, tạm giữ 250 mô tô, xe máy. Các trường hợp này đều bị xử phạt lỗi đi vào cao tốc và bị phạt 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 tháng:

"Tất cả đều bị lập biên bản xử lý lỗi xe máy đi vào cao tốc, làm cho người dân nâng cao ý thức, hai là cũng góp phần hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc trên các tuyến đường này và làm cho người đi ô tô cũng có tâm lý an toàn hơn".

Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết, tuyến đường vành đai 2 trên cao là tuyến giao thông trong đô thị, chỉ cho phép ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 60km/h. Tuy nhiên, thực tế tuyến đường này vẫn xảy ra tình trạng các phương tiện mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm:

"Từ đầu năm 2024 đến nay, Đội CSGT số 2 đã xử lý hơn 60 trường hợp xe vi phạm đi vào đường cấm. Các lỗi của hành vi xử lý vi phạm rất cao và có hành vi xử phạt bổ sung là tước GPLX của người điều khiển phương tiện. Khuyến cáo các phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của Luật giao thông, đặc biệt là hành vi mô tô, xe gắn máy đi vào đường cấm trên tuyến vành đai 2 trên cao". 

Vành đai 2 trên cao, đoạn thì thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, đoạn lại giống đường trong đô thị

Vành đai 2 trên cao, đoạn thì thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, đoạn lại giống đường trong đô thị

Còn lãnh đạo Đội CSGT giao thông số 15 cho biết, tuyến đường Võ Nguyên Giáp, từ cầu Nhật Tân – đến cầu sông Thiếp là làn đường hỗn hợp, cho phép xe máy, xe đạp được phép đi vào.

Ở khu vực đầu cầu sông Thiếp đã có biển báo tách làn và Đội CSGT số 15 luôn bố trí lực lượng túc trực, hướng dẫn phương tiện đi vào đường gom, nên không xảy ra hiện tượng xe mô tô, xe gắn máy đi vào làn đường cao tốc, đoạn từ cầu sông Thiếp đi Nội Bài.

Chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, kể cả biển báo, tổ chức giao thông, đến việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng tại đường Vành đai 2 trên cao, Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long đều có sự lúng túng, chưa minh bạch về cấp độ đường.

Ông Doãn Minh Tâm phân tích, ngay như đường Vành đai 2 trên cao, đoạn thì thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, đoạn lại giống đường trong đô thị. Trong khi, đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long dù được khai thác như cao tốc, nhưng lại có nhiều nút giao, không đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc:

"Chúng ta chưa xây dựng quy chuẩn về biển báo dùng trong đường đô thị. Hiện nay không có, toàn là dựa vào quy chuẩn biển báo của đường ngoài đô thị. Chúng ta đã quy hoạch đường vành đai, nhưng chưa chỉ rõ, thông báo cho người tham gia giao thông về chế độ đi lại trên các tuyến đó là như thế nào. Cái này các cơ quan quản lý giao thông đô thị nên hoạch định lại và có biển báo để thông báo cho người tham gia giao thông".

Một số chuyên gia cho rằng, việc xác định rõ cấp độ đường, không chỉ giúp cho công tác tổ chức giao thông được mạch lạc, tăng khả năng cảnh báo, nhận biết cho người tham gia giao thông đồng thời giúp cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuận lợi và hiệu quả hơn.

Khi một tuyến đường được gọi là là Đại lộ, điều đó không hàm ý rằng đây là cao tốc hay đường dành riêng cho ô tô

Khi một tuyến đường được gọi là là Đại lộ, điều đó không hàm ý rằng đây là cao tốc hay đường dành riêng cho ô tô

Những tuyến đường có tên gọi không rõ ràng về tính chất con đường khiến cho công tác quản lý “lập lờ”, người vi phạm bị xử phạt không khâm phục. Bởi vậy, việc trả lại tên gọi theo đúng tính chất, cấp độ đường sẽ tạo sự thống nhất trong tổ chức giao thông, quản lý và khai thác để đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiệu quả hơn.

Đây cũng là Góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận có nhan đề: Nâng cấp và hạ cấp

Khi một tuyến đường được gọi là là Đại lộ, điều đó không hàm ý rằng đây là cao tốc hay đường dành riêng cho ô tô. Cũng là đại lộ, Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, Đại lộ Nguyễn Huệ ở TPHCM, đại lộ Lê Lợi ở TP Thanh Hóa,v.v. đều là những tuyến đường đô thị, có phần đường riêng cho xe máy.

Chỉ riêng Đại lộ Thăng Long, dù gọi là đại lộ nhưng thiết kế và vận hành giống cao tốc. Trên hệ thống cao tốc, nó được định danh là cao tốc số 03, dù không nhiều người biết cái tên này, trừ các lái xe ô tô và phần lớn thông qua định vị.

Là bởi, tên của cao tốc 03 không hiện diện ở các báo hiệu đường bộ để cảnh báo người đi mô tô, xe máy. Nó cũng không có vẻ biệt lập hẳn như những tuyến cao tốc khác, mà nhà cửa, công trình đang ngày càng bám sát hơn, như không hề có hành lang.

Việc tiếp cận từ đường gom vào phần đường dành riêng cho ô tô cũng khá dễ dàng, nên xe máy từ đường gom rất dễ lọt vào làn cao tốc. Một khi đã lọt vào cao tốc, họ cũng không thấy có các thiết chế giám sát, cảnh báo như cao tốc hoàn chỉnh, để giật mình mà phải tìm lối trở ra.

Câu chuyện tương tự đang diễn ra với một số tuyến đường khác của Hà Nội. Có những tuyến như đường Vành đai 3 trên cao, dù định danh cao tốc nhưng đông đúc và dễ ra vào như cầu cạn; Vành đai 2 trên cao, đường Nhật Tân – Nội Bài tính chất như cao tốc nhưng lại là đường nội thị.

Không chỉ làm nảy sinh sự nhầm lẫn hoặc coi thường nguy cơ từ phía người tham gia giao thông, mà tình trạng tên gọi không đồng nhất với tính chất của cấp độ đường đang làm khó cả lực lượng chức năng trong khâu ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Nếu là đường đạt chuẩn cao tốc như Quy chuẩn quốc gia, thì cần trả lại tên cho đường, bắt đầu từ biển hiệu cho đến các thông báo chính thức của lực lượng chức năng và giới truyền thông

Nếu là đường đạt chuẩn cao tốc như Quy chuẩn quốc gia, thì cần trả lại tên cho đường, bắt đầu từ biển hiệu cho đến các thông báo chính thức của lực lượng chức năng và giới truyền thông

Xử lý xe máy đi lên đường vành đai 2, đường Nhật Tân – Nội Bài với mức phạt 400 – 600 nghìn đồng cho hành vi đi vào đường cấm, rõ ràng không đủ sức răn đe, và không tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm.

Cái tên không chỉ để gọi. Cái tên mang theo những thông tin cơ bản của một con đường, để người sử dụng, người quản lý có ứng xử phù hợp theo quy định pháp luật và theo yêu cầu thực tiễn. Cao tốc, quốc lộ, dù có số hiệu nhưng người ta vẫn phải gọi “tên họ” trước, rồi mới đến tên riêng.

Thậm chí, người tham gia giao thông cần cái tên họ của nó hơn cả những cái tên cụ thể. Ví dụ, Quốc lộ 5 cũ, có những đoạn qua nội thành Hà Nội đã được đặt tên, nhưng người ta vẫn gọi là Quốc lộ, để gắn với hình dung về vị trí của nó trong giao thông vận tải, về mức độ phức tạp khi có nhiều xe tải xe khách đi qua.

Từ câu chuyện của một số tuyến đường mà tên một đằng, tính chất một nẻo, gây ra nhiều khó khăn bất cập trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Hà Nội và các đô thị nên có một cuộc rà soát để hiệu chỉnh. Không nên bị bó buộc bởi tên gọi, mà nên bắt đầu minh bạch hóa từ tính chất, thuộc tính của nó.

Nếu là đường đạt chuẩn cao tốc như Quy chuẩn quốc gia, thì cần trả lại tên cho đường, bắt đầu từ biển hiệu cho đến các thông báo chính thức của lực lượng chức năng và giới truyền thông. Còn nếu tên đang là cao tốc mà tính chất không còn là cao tốc, thì nên gọi tên và tổ chức giao thông đúng với tính chất hiện tại.

Ngoài ra, với các tuyến định dạng ban đầu là đường nội thị nhưng tốc độ tương đối cao, tương đương cao tốc phân kỳ, thì các phương án tách dòng để không cho ô tô xe máy đi chung phải dùng biện pháp hiệu quả hơn, tăng mức độ cảnh báo để người đi xe máy, xe thô sơ biết được nguy cơ. Cần thiết, nghiên cứu bổ sung các quy định về xử phạt đi vào các đường cấm có tốc độ cao.

Công cuộc trả lại tên cho đường có thể phải sửa nhiều quy định. Nhưng quy định là do con người ban hành, và TTATGT là lý do rất đáng để điều chỉnh quy định. Rào cản lớn nhất, có chăng là ở tâm lý con người, khi cho rằng, trong công cuộc hiện đại hóa hạ tầng, chỉ có nâng cấp, chứ “hạ cấp” đường là điều tối kỵ.

Kiều Tuyết - Quách Đồng - Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Lời kể của nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu

Lời kể của nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu

Khoảng 10h sáng nay (9/9), cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) đã bị sập 2 nhịp cầu do mưa bão. Nhiều người dân cho biết, thời điểm cầu sập, trên cầu có cả ô tô và xe máy.

Sau bão, đường phố Hà Nội kẹt cứng vì cây đổ

Sau bão, đường phố Hà Nội kẹt cứng vì cây đổ

 Giao thông sáng nay (9/9) trên nhiều cung đường tại thủ đô Hà Nội gặp rất khó khăn do nhiều cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão số 3 hiện vẫn chưa thể khắc phục, lòng đường bị thu hẹp, các phương tiện di chuyển khó khăn.

Đã khơi thông vị trí sạt lở trên QL 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải

Đã khơi thông vị trí sạt lở trên QL 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải

11h ngày 09/9, theo nguồn tin của PV VOV Giao thông, đến thời điểm này các vị trí sạt lở trên tuyến QL 32 đoạn qua địa phận huyện Mù Cang Chải dã được khơi thông đất đá sạt lở, giao thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải trở lại bình thường.

Những cây cầu, động lực phát triển cho huyện Nhà Bè (TP.HCM)

Những cây cầu, động lực phát triển cho huyện Nhà Bè (TP.HCM)

Nhà Bè là huyện ngoại thành cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, thông qua quận 7, quận 4, và cũng là huyện có hệ thống sông, kênh rạch bao quanh. Do vậy, những cây cầu kết nối với các quận, huyện khác của thành phố, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương.

Không đội mũ bảo hiểm cho con: Phụ huynh ngại hay không sợ bị phạt?

Không đội mũ bảo hiểm cho con: Phụ huynh ngại hay không sợ bị phạt?

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học y tế công cộng tại 10 tỉnh, thành, tỷ lệ đội MBH của trẻ em tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 40-44%, trong đó tỷ lệ đội MBH đúng cách của trẻ dưới 6 tuổi tại Hà Nội chưa đến 20%.

Khẩn trương khắc phục 38 điểm ùn tắc, sạt lở do bão và hoàn lưu bão số 3

Khẩn trương khắc phục 38 điểm ùn tắc, sạt lở do bão và hoàn lưu bão số 3

Những ngày qua mưa, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người, tài sản và đặc biệt nhiều công trình giao thông bị sạt lở, đứt gãy, giao thông nơi bị tê liệt.

Những người “dọn bão”

Những người “dọn bão”

Sau bão số 3, Hà Nội có hàng vạn cây xanh bị đổ. Ngay sau khi bão đi qua, mặc dù vẫn còn mưa, những người dân phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương khắc phục, nhằm sớm ổn định cuộc sống cũng như giao thông tại thủ đô.