Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thầy và trò

Minh Hiếu: Thứ hai 09/12/2024, 13:25 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục; trong đó đề xuất nhiều quy định về điều kiện tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài; mức thu, sử dụng và quản lý học phí; …

Ảnh minh hoạ: Meta AI

Ảnh minh hoạ: Meta AI

Dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục gồm 5 chương, 24 điều: Quy định chung; Điều kiện, tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài; Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục phê duyệt tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.

Theo dự thảo, nhà giáo dạy môn học bằng tiếng nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Về năng lực ngoại ngữ, giáo viên tiểu học, THCS phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, THPT là tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Giảng viên dạy tại các cơ sở giáo dục đại học phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ bậc 5 hoặc tương đương.

Người dạy tại các cơ sở giáo dục thường xuyên cấp THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5; các cơ sở giáo dục thường xuyên khác là tối thiểu bậc 4 hoặc tương đương.

Những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài thì được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ trong trường hợp ngoại ngữ đó là ngôn ngữ giảng dạy ở các trình độ tương đương.

Người học tham gia theo tinh thần tự nguyện và có khả năng theo học môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Kiểm tra đầu vào đối với người học do cơ sở giáo dục thực hiện và được mô tả trong Đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Mức thu, sử dụng và quản lý học phí được đề cập tại Điều 9 trong dự thảo Nghị định. Trên cơ sở tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi và có sự đồng thuận của người học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức thu, kinh phí hỗ trợ, học phí cho từng năm học và khóa học đối với từng môn học, mô đun, học phần được dạy và học bằng tiếng nước ngoài để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh.

Với cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp công lập của địa phương thực hiện theo quy định của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định hiện hành.

Việc quản lý học phí, khoản thu dịch vụ hỗ trợ, công tác kế toán và thống kê, tổng hợp vào báo cáo quyết toán hằng năm của đơn vị phải được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm tính công khai và minh bạch.

Dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành./.

Những quy định mới sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại cơ sở giáo dục

Những quy định mới sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại cơ sở giáo dục

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÒN E DÈ

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất những quy định mới về dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục? PV VOV Giao thôngcó cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

Ông Phạm Quang Hưng: Về pháp lý, trước đây, chúng ta đã có Quyết định 72 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. Luật Giáo dục 2019 có giao Chính phủ xây dựng quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó có nội dung: tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học để thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Về thực tiễn, tháng 5/2024, Bộ GD&ĐT đã thực hiện rà soát, lấy ý kiến về việc thực hiện Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả cho thấy, một là nhu cầu của học sinh, sinh viên học bằng tiếng nước ngoài là có. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện còn tương đối hạn chế, hiện chỉ có 37 trường đại học và 43 trường phổ thông tại 9 địa phương có tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Hai là quy định hiện hành có một số nội dung chưa rõ ràng, đặc biệt là điều kiện đối với giáo viên đứng lớp và đầu vào đối với học sinh, cơ sở vật chất. Vì vậy, các địa phương còn e dè trong việc thực hiện

Ba là quy định hiện nay mới tập trung vào công tác quản lý mà chưa có các quy định để thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục.

Qua đây có thể thấy việc xây dựng Nghị định này cũng là cần thiết để thay thế văn bản có từ 10 năm trước với những hạn nhất định, và thể chế hóa các chủ trương của Đảng và nhà nước.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định nếu được ban hành?

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Phạm Quang Hưng: Ban hành Nghị định này để khắc phục những hạn chế và phát huy các ưu điểm của Quyết định số 72.

Việc thực hiện tốt Nghị định này sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục và hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Chúng tôi kỳ vọng, sau 2 năm Nghị định ban hành sẽ tăng gấp đôi số địa phương có cơ sở giáo dục học tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài, tăng gấp đôi số cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Thứ ba, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài giúp thu hút người nước ngoài vào học tập tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng 150% số sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam vào năm 2030.

Thứ tư, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, sinh viên có môi trường thuận lợi để sử dụng tiếng nước ngoài, từ đó yêu thích và nâng cao nâng cao năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh đó cũng giúp thúc đẩy công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy và học bằng tiếng nước ngoài, quảng bá văn hóa và nền giáo dục của Việt Nam ra thế giới.

Thứ năm, đây cũng là một trong những giải pháp để tạo môi trường thuận lợi thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Cuối cùng, những quy định mới sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại cơ sở giáo dục; giúp đảm bảo quyền lợi của người học và người dạy.

PV: Xin cảm ơn ông!

THÙ LAO CHO GIÁO VIÊN VÀ ĐÓNG GÓP CỦA PHỤ HUYNH THẾ NÀO?

Những đề xuất về điều kiện tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài; mức thu, sử dụng và quản lý học phí;… được đề cập trong dự thảo Nghị định liệu đã phù hợp hay cần điều chỉnh những gì? PV VOV Giao thông phỏng vấn bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.

PV: Bà có đánh giá thế nào về các nội dung được đề cập trong dự thảo Nghị định này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Giai đoạn trước, khi chúng ta chưa thực hiện việc đổi mới chương trình SGK, chương trình học khá là thống nhất.

Thế nhưng, hiện nay chúng ta thực hiện chương trình GDPT 2018, việc dạy tiếng nước ngoài trong nhà trường lại rất phong phú.

Ngoài giáo viên trong trường giảng dạy thì nhiều cơ sở giáo dục còn thuê các chuyên gia bên ngoài, giáo viên là người nước ngoài giảng dạy ngoại ngữ trong trường.

Thế nhưng, chúng ta chưa có những quy định để quản lý chặt chẽ, cho nên mạnh cơ sở giáo dục nào cơ sở giáo dục đó làm, có những cách làm khác nhau mà khiến cho các bậc phụ huynh rất phàn nàn.

Tôi lấy ví dụ, thuê giáo viên là người nước ngoài thì có những giáo viên không đảm bảo chất lượng, thậm chí là không biết rõ về nhân thân, lai lịch, năng lực, trình độ của giáo viên người nước ngoài như thế nào. Đấy là còn chưa kể đến việc có những cơ sở giáo dục lạm dụng điều này để dạy tràn lan dù phụ huynh hay học sinh không có nhu cầu.

Việc trả thù lao cho giáo viên và việc đóng góp của phụ huynh học sinh như thế nào cũng là vấn đề đáng bàn. 

Cho nên tôi nghĩ rằng những quy định thống nhất từ phía Bộ GD&ĐT sẽ quản lý được tốt hơn và tránh được những hệ lụy đã xảy ra như thời gian qua.

Tôi cho rằng dự thảo Nghị định đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khá kỹ lưỡng và rút kinh nghiệm từ thực tế dạy tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dụng thời gian qua. Tôi thấy rằng các quy định của dự thảo Nghị định đưa ra cơ bản đã chặt chẽ, yêu cầu đội ngũ giáo viên tham gia dạy tiếng nước ngoài trong nhà trường, yêu cầu mức học phí,…

Thế nhưng, tôi cho rằng chúng ta không nên có những quy định chung “cứng” cho tất cả cơ sở giáo dục trên cả nước. Bởi vì thực tế có những sự khác nhau rất rõ rệt giữa các vùng miền và giữa các cơ sở giáo dục. Tôi lấy ví dụ những cơ sở giáo dục ở nông thôn thì khác với những cơ sở giáo dục ở thành phố, những điều kiện của cơ sở giáo dục cũng khác hẳn và nhu cầu của học sinh, điều kiện thực tế của các gia đình học sinh cũng khác.

Cho nên, tôi cho rằng trong quá trình mà chúng ta quy định thì cũng cần phải có biên độ, đặc biệt là về học phí.

PV: Theo bà nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Những quy định thế này vừa là để cho các trường có được căn cứ thực hiện, nhưng cũng vừa để cho xã hội nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng giám sát việc dạy tiếng nước ngoài trong trường vì họ có căn cứ để giám sát. Tôi nghĩ rằng phía phụ huynh học sinh khá là yên tâm. Nếu cơ sở nào không thực hiện thì phụ huynh sẽ có quyền kiến nghị và các cơ sở đấy sẽ bị xử lý theo quy định cụ thể.

Chắc chắn đối tượng được hưởng lợi sẽ là các em học sinh, tránh trường hợp ví dụ là ký hợp đồng với giáo viên tiếng nước ngoài một thời gian rồi thì nhà trường mới biết rằng giáo viên này không đáp ứng được yêu cầu vì chúng ta không có cái chuẩn ban đầu.

Sau đó lại ký hợp đồng với giáo viên khác, chỉ cần thay giáo viên một vài lần như thế trong năm học thôi là ảnh hưởng các em học sinh rất lớn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Với chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài ngày càng phổ biến nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và nghiên cứu viên sau đại học, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động hiện đại.

Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học, dẫn đến chậm trong giải quyết thủ tục hành chính và ảnh hưởng hiệu quả triển khai thực hiện.

Ngoài ra còn một số lý do khách quan của địa phương như: thiếu giáo viên đạt chuẩn, một số giáo viên đủ điều kiện nhưng khả năng giao tiếp, giảng dạy và truyền đạt bằng tiếng Anh còn hạn chế, trình độ của người học chưa đồng đều, thiếu động lực học tập.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục là cần thiết để khắc phục những bất cập hiện nay, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Quay phim chụp ảnh vi phạm giao thông như thế nào là đúng?

Quay phim chụp ảnh vi phạm giao thông như thế nào là đúng?

Sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 đã tạo ra chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người tham gia giao thông.

Cuộc sống của các em bé trong vụ mái ấm Hoa Hồng bây giờ ra sao?

Cuộc sống của các em bé trong vụ mái ấm Hoa Hồng bây giờ ra sao?

Ngày 03/01, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Giáp Thị Sông Hương - chủ cơ sở mái ấm Hoa Hồng về tội hành hạ người khác. Vậy đến nay số phận và cuộc sống của 86 em bé trong mái ấm Hoa Hồng ra sao?

Năm 2025, khởi động 6 tuyến giao thông nối ĐBSCL với TP.HCM

Năm 2025, khởi động 6 tuyến giao thông nối ĐBSCL với TP.HCM

ĐBSCL có ưu thế khi nằm sát với đô thị đầu tàu của cả nước, là TP.HCM. Từ lâu, Vùng đã hoạch định những chiến lược, phải kết nối với TP.HCM để mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Vì sao cứ va chạm giao thông lại “nhảy bổ” vào nhau?

Vì sao cứ va chạm giao thông lại “nhảy bổ” vào nhau?

Ẩu đả gây thương tích, hành hung người khác sau va chạm giao thông thậm chí tấn công cả những người can ngăn, vì sao vẫn xảy ra? Thực trạng đáng báo động, gây tâm lý bất an, tổn hại đến sức khỏe, thậm chí cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông làm cách nào để chấm dứt?

Người tài cần gì?

Người tài cần gì?

Nhân tài không chỉ cần sự đãi ngộ bằng lương bổng. Họ cần một môi trường làm việc tốt, nghĩa là có cơ hội phát triển nghề nghiệp, có nguồn lực để phát huy tài năng, cần sự ghi nhận của cộng đồng, đồng nghiệp, lãnh đạo, và công chúng, cần thấy sự hữu ích của bản thân.

Transerco: Chính thức vận hành xe buýt điện từ 01/2/2025

Transerco: Chính thức vận hành xe buýt điện từ 01/2/2025

Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) khẳng định, đến nay công tác đầu tư phương tiện và hạ tầng phục vụ xe buýt điện đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo sẵn sàng cho việc khai trương dự kiến trong tháng 1/2025 và chính thức vận hành từ ngày 1/2/2025.

Không khí liên tục ô nhiễm ở mức nguy hại, Hà Nội có định cho học sinh nghỉ học?

Không khí liên tục ô nhiễm ở mức nguy hại, Hà Nội có định cho học sinh nghỉ học?

Ngày 7/1/2024, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, nếu chỉ số không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục có thể xem xét cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học hoặc điều chỉnh các hoạt động. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội có động thái gì? Các trường phản ứng ra sao?