Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Tết về xứ Thanh làm bánh răng bừa

Bùi Thuý: Thứ hai 12/02/2024, 06:13 (GMT+7)

Trong không khí rộn ràng sắc xuân, chúng tôi tìm đến làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - nơi đầu tiên làm nên những chiếc bánh lá răng bừa tiến vua. Khắp làng trên xóm dưới, lò bánh nào cũng tập trung hết nhân lực để sản xuất bánh cho kịp các đơn hàng cuối năm.

Trong không khí rộn ràng sắc xuân, chúng tôi tìm đến làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - nơi đầu tiên làm nên những chiếc bánh lá răng bừa tiến vua. Khắp làng trên xóm dưới, lò bánh nào cũng tập trung hết nhân lực để sản xuất bánh cho kịp các đơn hàng cuối năm.

Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh của gia đình chị Đỗ Thị Thương - ở thôn Trung Lập 2 đúng lúc chị đang tất bật gói bánh. Đôi tay thoăn thoắt phết bột lên chiếc lá chuối xanh ngần, chị Thương kể: “Nghề làm bánh lá răng bừa ở Xuân Lập tồn tại từ lâu đời, riêng với gia đình chị đã có 5 đời theo nghề này.

Tên gọi bánh lá răng bừa tiến vua gắn với điển tích ngày xưa, để tưởng nhớ công lao của vua Lê Hoàn đã đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ tịch điền để khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp, người dân trong làng đã làm nên loại bánh có hình thù như cái răng bừa để tiến vua”.

Vào những dịp lễ tết, hầu như gia đình nào ở làng quê xứ Thanh cũng làm bánh lá răng bừa để cúng tổ tiên và cho con cháu xa gần thưởng thức

Vào những dịp lễ tết, hầu như gia đình nào ở làng quê xứ Thanh cũng làm bánh lá răng bừa để cúng tổ tiên và cho con cháu xa gần thưởng thức

Làm bánh lá răng bừa tiến vua tuy không khó nhưng khá công phu ở tất cả các công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế đến gói bánh. Chị Đỗ Thị Thương- chủ cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa Chỉnh Khương- thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết:

"Quan trọng nhất là lúc pha bột, pha phải đúng tỷ lệ. Một cân gạo là 3 cân nước, mình cho muối vào bột gạo nó vừa ăn. Sau đó mình bắc lên bếp, dùng đũa quấy đều tay, cho lửa nhỏ, để cho bột dần dần đặc lại và không bị vón cục. Khi mình gói bánh thì bánh nó tròn."

Sau công đoạn pha bột, người thợ sẽ tiếp tục làm nhân bánh. Để bánh ngon chuẩn vị, nhân bánh được làm từ thịt lợn nạc vai hoặc ba chỉ băm nhỏ, cùng với các gia vị gồm hành phi, mộc nhĩ, hạt tiêu… rồi đem xào chín cho nhân thơm.

Sau khi đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, lúc này người thợ sẽ cho một lượng bột vừa đủ vào lá chuối, sau đó cho nhân bánh vào giữa, rải dọc theo chiều lá chuối và cuốn lại, đồng thời người làm phải xoay bánh nhẹ tay để cho bánh tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó gấp hai đầu bánh lại. Bánh gói xong, công đoạn cuối cùng là nấu chín.

"Mình đổ nước ngập lên mình luộc, hoặc cho vào nồi đồ sôi mình hấp tầm từ 30-35p là bánh chính. Bánh ăn ngon nhất là vừa bắc từ trong bếp ra, ăn kèm nước mắm có chút ớt hoặc hạt tiêu sẽ rất ngon. Vào dịp tết, bình quân ngày gia đình mình làm khoảng 1 nghìn bánh để cung ứng ra thị trường, giá bán là 3 ngàn một cái."

Xưa kia bánh lá răng bừa được người dân làm chủ yếu trong các ngày lễ, giỗ, Tết Nguyên đán... ngày nay bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của thực khách. Hiện nay, để duy trì và phát triển làng nghề một cách bền vững, chính quyền và người dân xã Xuân Lập đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng thương hiệu, cũng như chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được cấp giấy chứng nhận Ocop 3 sao.

Ông Đỗ Văn Đạo- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Làng nghề truyền thống bánh lá Xuân Lập có 65 hộ sản xuất thường xuyên. Các dịp lễ hội, dịp tết cổ truyền, số lượng hộ sản xuất sẽ nhiều hơn. Hàng năm làng nghề cung ứng ra thị trường khoảng 5,5 triệu cái, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận."

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến ngày nay, nghề làm bánh lá răng bừa tiến vua ở xã Xuân Lập, Thanh Hóa vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, các lò làm bánh nơi đây vẫn ngày đêm đỏ lửa trong những tháng giáp Tết.

Cùng với bánh chưng, thì mỗi dịp Tết đến, xuân về, chiếc bánh lá răng bừa là thứ quà không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người dân xứ Thanh. Đây cũng là món quà bình dị nhưng ấm tình quê mà mọi người trao gửi cho nhau nhân dịp Xuân về.

Với hương vị mộc mạc mà rất đậm đà được gói ghém từ những nguyên liệu dân dã thôn quê khiến chiếc bánh lá răng bừa trở thành đặc sản nổi tiếng, ai thưởng thức một lần hẳn sẽ nhớ mãi.

Bùi Thuý/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn