Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Sách giáo khoa, có những quyển mua xong để đó?

Hải Hà - Nguyễn Yên: Thứ hai 26/08/2024, 07:17 (GMT+7)

Có một sự lãng phí rất lớn đã được chỉ ra khi hàng năm, trong số hàng chục đầu sách phụ huynh mua cho con có những cuốn sách không hề sử dụng đến. Lý do nào mà nhiều năm qua không ngăn được sự lãng phí này, ngay cả khi Bộ GDĐT đã có những chỉ thị, hướng dẫn liên quan?

Chị Nguyễn Hoài Linh, có con đang học lớp 2 ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, trong bộ sách giáo khoa lớp 1 của năm học trước, có một số cuốn sách các con rất ít sử dụng.Vì sách vẫn còn mới nguyên nên chị Linh bỏ đi thì tiếc, nhưng không biết cho ai vì mỗi trường có thể học những bộ sách giáo khoa khác nhau:

"Năm ngoái có sách bài tập mỹ thuật và bài tập âm nhạc không dùng đến. Hỏi con cô có giao về nhà làm những cái này không thì cháu bảo không, bài tập âm nhạc và bài tập mỹ thuật không dùng đến, thỉnh thoảng vẽ ra giấy A4", chị Linh cho biết.

Cuốn sách nhiều phụ huynh phản ánh mua nhưng không hề dùng đến. (Ảnh: Lao động)

Cuốn sách nhiều phụ huynh phản ánh mua nhưng không hề dùng đến. (Ảnh: Lao động)

Trong bộ sách giáo khoa tiểu học của một số trường trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng có một số đầu sách mà học sinh rất ít sử dụng, như sách giáo dục thể chất, sách “Nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội”…

Chị Thúy Lan, phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện cho biết, năm nào, chị cũng thấy những đầu sách con chỉ đề trên giá sách, ít khi dùng đến: "Bộ sách từ lớp 1 đến lớp 4 của trường con tôi đang học, có một số quyển sách mỏng, liên quan đến giáo dục công dân, không biết ở lớp con có dậy hay không nhưng về nhà nhiều khi con không mang đi học, con cũng không học tại nhà. Bây giờ không nên học tràn lan, quá nhiều về kiến thức, học vừa phải còn trau dồi thêm cho các con những hoạt động thiết thức, nên tập trung vào đạo đức, cách cư xử".

Trước ý kiến băn khoăn của một số phụ huynh học sinh có nhất thiết phải mua toàn bộ các đầu sách trong Danh sách sách giáo khoa mà các trường đưa ra, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với việc, học sinh không nhất thiết phải mua tất cả các cuốn ở trong bộ sách giáo khoa nếu không sử dụng trong quá trình học:

"Đúng là chưa có văn bản. Hoàn toàn chưa có văn bản nào bắt buộc phụ huynh mua tất cả sách giáo khoa theo chương trình học do nhà trường giới thiệu. Vì vậy, bên cạnh tiếp thu ý kiến của phụ huynh, cộng đồng, người đứng đầu nhà trường cần có thông tin rõ ràng đối với phụ huynh, để đảm bảo quyền học tập của các con cũng như tránh sự lãng phí thì những cuốn sách nào cần bắt buộc, cần mua, còn có những cuốn sách nào có trong thư viện, nội bộ… Có những văn bản như thế sẽ phù hợp hơn vì kế hoạch giáo dục của mỗi trường khác nhau".

Ông Nam cho biết thêm, để tránh lãng phí, các nhà trường cần nghĩ đến những giải pháp tối ưu hóa, khai thác hiệu quả của sách giáo khoa. Hiện nay, tất cả các bộ sách giáo khoa điện tử đã được các nhà xuất bản cung cấp lên các cổng thông tin điện tử. Trong hệ thống thư viện của nhà trường cũng có những bản sách nhất định cho các học phần thuộc nội dung nhà trường đào tạo.

Do vậy, ông Nam đề xuất, đối với những môn học học sinh ít dùng, Nhà trường nên cân nhắc cho sử dụng bản điện tử hoặc in những bài học, chủ đề nhất định phù hợp với những hoạt động mà giáo viên có thể tổ chức trên lớp trong giờ sinh hoạt. 

Bộ SGK lớp 6 của một trường “bán” cho học sinh kèm rất nhiều sách bài tập. (Ảnh: Tiền Phong)

Bộ SGK lớp 6 của một trường “bán” cho học sinh kèm rất nhiều sách bài tập. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo PGS.TS Trịnh Văn Minh, Nguyên Chủ nhiệm khoa quản lý giáo dục, ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những quyển sách không dùng hoặc ít dùng đến nhưng vẫn phải mua, không chỉ làm gia tăng chi phí cho gia đình mà còn gây áp lực lớn đến môi trường và gia tăng chi phí xử lý sau đó. Bởi vậy, các nhà trường có thể nghiên cứu các phương án tái sử dụng những đầu sách đó hoặc xây dựng Trung tâm học liệu riêng của trường:

"Đúng là việc sử dụng sách giáo khoa và học liệu đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tái sử dụng những cuốn sách đó. Các đầu sách đó có thể số hóa hoặc thông qua hệ thống học liệu. Hoặc các trường hoặc các địa phương xây dựng Trung tâm học liệu vừa bản cứng cũng như bản mềm liên quan đến các môn nhà trường đang triển khai thực hiện".

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi một cuốn sách đều có tác dụng và có người sử dụng, vì đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, học sinh có thể sử dụng sách giáo khoa nhiều lần. Nhà trường, địa phương và các bậc phụ huynh có thể cùng bàn bạc đưa ra một phương án sử dụng sách giáo khoa sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất:

"Nhà trường có thể đề xuất phụ huynh mua những năm đầu hoặc tìm nguồn quỹ xã hội nào đó hoặc đầu tư của Sở GTVT nếu có mua những đầu sách ít sử dụng hoặc ít hư hỏng, thì có thể mua để dùng chung, sẽ đỡ tốn kém đi. Sách học được dùng đi dùng lại sẽ tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho học trò, nhưng phải tìm được nguồn quỹ nào đó".

Ông Hồng dẫn chứng, thực tế một số trường ở đồng bằng Sông Cửu Long đã tự chi trả 50% để mua sách giáo khoa cho học sinh. Cuối năm học, toàn bộ sách giáo khoa đã được thu lại để trong thư viện và chuyển cho các em học sinh lớp sau. Nhờ vậy mà các bộ sách giáo khoa được tái sử dụng nhiều lần, các gia đình cũng không còn quá áp lực tìm mua sách giáo khoa mỗi khi vào năm học mới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, với sự phát  triển của khoa học công nghệ, giáo viên và và phụ huynh có thể giới thiệu và hướng dẫn các con tìm kiếm những nguồn học liệu mới cho các con, trên thư viện, cổng thông tin điện tử, ngoài sách giáo khoa. Điều này vừa giúp các em chủ động trong học tập và làm phong phú thêm sự hiểu biết về các nội dung được giảng dạy trên nhà trường. 

Những quyển sách không dùng hoặc ít dùng đến nhưng vẫn phải mua, không chỉ làm gia tăng chi phí cho gia đình mà còn gây áp lực lớn đến môi trường và gia tăng chi phí xử lý sau đó. (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Những quyển sách không dùng hoặc ít dùng đến nhưng vẫn phải mua, không chỉ làm gia tăng chi phí cho gia đình mà còn gây áp lực lớn đến môi trường và gia tăng chi phí xử lý sau đó. (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Những cuốn sách giáo khoa mua nhưng ít sử dụng hoặc không sử dụng đến không chỉ làm tăng chi phí của mỗi gia đình mà còn gây lãng phí cho xã hội. Bởi vậy, lựa chọn những đầu mục sách giáo khoa phù hợp, tái sử dụng những đầu sách ít dùng đến có thể góp phần giảm lãng phí.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận: "Chuẩn hóa để ngăn chặn lãng phí".

Nghịch lý và lãng phí khi có những cuốn sách giáo khoa mà đầu năm mua nhưng cuối năm vẫn chưa dùng tới 1 lần đã xuất hiện từ khi triển khai "một chương trình, nhiều bộ sách". Vấn đề không không nằm ở “nhiều bộ sách” mà là cách chọn sách, dùng sách.

Các địa phương dựa vào danh mục sách các bộ sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt, căn cứ vào tình hình địa phương để “tự chọn”. Rồi đến mỗi trường học lại thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách... Thế nên có khi các sách được chọn không thuộc cùng một bộ, và sách giáo khoa được dùng ở mỗi trường một khác.

Để chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có chỉ thị yêu cầu các trường không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách được phê duyệt để học sinh, phụ huynh mua. Sau 2 năm ban hành Chỉ thị này, mọi việc dường như không có nhiều thay đổi.

Muốn tạo sự thay đổi, trước tiên cần chuẩn hóa lại hệ thống sách giáo khoa. Hiện, một bộ sách giáo khoa cũng khoảng từ 10 đến 13 cuốn. Còn thực tế, bộ sách mà phụ huynh mua lên đến trên 20 cuốn cho học sinh lớp 1 và gần 30 cuốn cho học sinh lớp 3. Cứ mỗi môn học lại kèm thêm một cuốn vở bài tập: Vở Bài tập Tiếng Việt, Toán, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức...

Để giảm lãng phí cần cắt giảm ngay cả những cuốn sách giáo khoa trong danh mục bắt buộc bởi không nhất thiết môn học, hoạt động giáo dục nào cũng cần phải sách giáo khoa. Đơn cử như các môn học về thể chất, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm... thì những môn học này chỉ cần sách giáo khoa dành cho giáo viên mà không cần trang bị cho học sinh.

Mặc dù tất cả sách giáo khoa phải đáp ứng được chuẩn của chương trình nhưng không có bộ sách giáo khoa nào được coi là “bộ sách chuẩn”, nên quá trình triển khai nảy sinh những bất cập thì cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Điều này vừa tránh lãng phí, vừa giúp các bậc phụ huynh giảm bớt gánh nặng kinh tế mỗi đầu năm học.

Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, các cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất bốn tháng. Nhưng như thế là chưa đủ mà cần có quy định về việc minh bạch, công bố rõ ràng cho phụ huynh nắm được đâu là cuốn thuộc danh mục bắt buộc còn đâu là cuốn sách tham khảo để phụ huynh nắm bắt rõ ràng trước khi mua.

Thậm chí, nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, sách tham khảo trên thế giới chỉ nên dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng của mình. Học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo, do đó không nên đưa sách tham khảo vào các trường.

Đồng thời thông báo danh mục lựa chọn sách giáo khoa cần được công khai trên hệ thống website của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường và thông báo đến phụ huynh, học sinh.

Trách nhiệm của nhà trường là lựa chọn sách giáo khoa, còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là triển khai giám sát để chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, bằng việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cung ứng và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục, kiên quyết xử lý vi phạm nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều này có thể giúp ngăn chặn sự lãng phí sách giáo khoa lên tới cả nghìn tỷ.

Mặt khác, từ phía phụ huynh trước thềm năm học mới cũng cần nghiên cứu danh mục các loại sách giáo khoa, sách tham khảo mà nhà trường gửi về để cùng quyết định đăng ký những cuốn sách, những loại vở cần thiết. Khi đó, chẳng có trường học nào, chẳng có thầy cô giáo nào có thể ép buộc được tất cả phụ huynh cùng mua những cuốn sách cả năm không dùng tới.

Hải Hà - Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội sẵn sàng hộ đê, sơ tán người dân ven các sông Hồng, Đà, Đuống

Hà Nội sẵn sàng hộ đê, sơ tán người dân ven các sông Hồng, Đà, Đuống

Trước diễn biến mưa kéo dài, mực nước sông tiếp tục lên nhanh, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều; sẵn sàng sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Hà Nội: Nước sông lên nhanh, nhiều tuyến phố ngập nước

Hà Nội: Nước sông lên nhanh, nhiều tuyến phố ngập nước

Hôm nay (10/9), PV VOV Giao thông đã ghi nhận rất nhiều thông tin về hàng loạt các điểm ngập, ùn tắc trên địa bàn Thủ đô.

Chủ vườn quất Tứ Liên thuê người Nigeria chuyển cây tránh ngập, 100.000/người/giờ

Chủ vườn quất Tứ Liên thuê người Nigeria chuyển cây tránh ngập, 100.000/người/giờ

Một nhóm thanh niên người Nigeria được chủ một nhà vườn quất ở Tứ Liên, Hà Nội thuê chuyển cây khỏi vườn bị ngập nước.

Cấm xe vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập

Cấm xe vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập

Sáng 10/9, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, các xe đi lại sẽ không đảm bảo an toàn.

Dừng chạy tàu qua cầu Long Biên

Dừng chạy tàu qua cầu Long Biên

Đường sắt dừng chạy tàu qua cầu Long Biên để đảm bảo an toàn hành khách. Tàu sẽ đón, trả khách tại ga Gia Lâm.

Nước sông Hồng dâng cao, nhiều hoa màu ở bãi giữa mất trắng

Nước sông Hồng dâng cao, nhiều hoa màu ở bãi giữa mất trắng

Mưa lớn ở thượng nguồn đổ về khiến nước sông Hồng dâng rất cao, hoa màu của người dân trồng ở bãi giữa bị dòng nước nhấn chìm.

Hà Nội hạn chế xe qua cầu Chương Dương

Hà Nội hạn chế xe qua cầu Chương Dương

Hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu.