Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Cần thực chất hơn

Huy Hoàng : Thứ sáu 25/10/2024, 11:16 (GMT+7)

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm toàn thế giới có khoảng 300.000 trẻ em bị đuối nước, riêng ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em không may qua đời do đuối nước.

Dù đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này song hệ quả mà đuối nước trẻ em để lại đã gây ra không ít hệ luỵ xấu cho gia đình, xã hội và quốc gia. 

Quyết định cho con gái đầu lòng học bơi từ rất sớm, Chị Phan Thị Đài Trang (ngụ phường Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP.HCM) phần nào cảm thấy an tâm khi con mình đã có thể bơi ếch tương đối thuần thục.

Tuy nhiên, khi biết nhà trường nơi con mình đang học yêu cầu học sinh phải có chứng chỉ phù hợp với chương trình phổ cập bơi lội, chị Trang tìm hiểu thì mới biết thời gian qua con mình chỉ được dạy bơi đơn thuần mà chưa được rèn luyện các kỹ năng an toàn cơ bản dưới nước:

"Tôi được biết là khi gửi con đến các lớp dạy bơi thì các thầy chỉ dạy cho bé bơi ếch, bơi sải...tôi nghĩ rằng bé khó có khả năng giúp cho bạn khác bị đuối nước, hồ bơi cũng chưa dạy các kỹ năng này cho bé 7 tuổi. Tôi mong rằng các trung tâm bơi lội nên cập nhật và dạy cho các bé các kỹ năng an toàn khi vào hồ bơi để đảm bảo bé được an toàn ngoài việc dạy bé bơi các kiểu bơi".

Tương tự, đứa con trai của chị Lê Ngọc Mai (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) dù đã bơi thành thạo kiểu bơi ếch và đang tập thêm bơi sải nhưng khi gia đình đi du lịch biển hay nơi có sông suối, con trai chị Mai tỏ ra khá dè dặt khi xuống nước:

"Muốn con an toàn và tự tin dưới nước nên gia đình cho con đi học bơi từ 4 tuổi. Thấy con bơi tốt, đúng kỹ thuật tôi cũng khá yên tâm. Tuy nhiên khi hỏi rõ mới biết là các thầy chỉ dạy kỹ thuật bơi đơn thuần mà lại không hướng dẫn các kỹ năng an toàn khác như nổi,  xử trí như thế nào khi bị chuột rút dưới hồ hay có nên cứu hộ người khác bị đuối nước hay không".

Trẻ em cần phải được học các kỹ năng an toàn khi đối mặt với các tình huống phức tạp dưới nước (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Trẻ em cần phải được học các kỹ năng an toàn khi đối mặt với các tình huống phức tạp dưới nước (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Thực tế này cũng tương đối phổ biến không chỉ ở TP.HCM mà tại nhiều địa phương khác. Theo chuyên gia trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An thì việc các gia đình đầu tư cho con em mình học bơi ở các trung tâm là điều tương đối tích cực, song nếu chỉ dừng lại ở việc biết bơi hay bơi có đẹp không là chưa đủ mà trẻ cần phải được học các kỹ năng an toàn khi đối mặt với các tình huống phức tạp dưới nước:

"Địa phương nào cũng “trống giong cờ mở” dạy bơi học bơi, thế nhưng dạy bơi học bơi phải là kỹ năng tồn tại dưới nước cho trẻ em, khi em bé bị ngã xuống nước thở thế nào? Cho nên chúng ta phải dạy các kỹ năng phòng, chống đuối nước và bơi lội. Biết bơi hiện nay không phải chỉ là 30 % nữa đâu, nhưng bây giờ là phải thay đổi nhận thức dạy trẻ em có kỹ năng phòng, chống đuối nước và kỹ năng tồn tại trong môi trường nước".

Bà Đoàn Thu Huyền – giám đốc quốc gia của tổ chức Campain Tobaco Free Kids, giám đốc chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam cho biết việc thiếu nhân sự huấn luyện bơi có chuyên môn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc phòng chống đuối nước ở trẻ.

Bà Huyền thông tin thêm, sau 5 năm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho hơn 1100 huấn luyện viên tại 15 tỉnh thành phố.

Các huấn luyện viên chủ yếu là giảng viên và giáo viên giáo dục thể chất sau khi được đào tạo cả dạy bơi an toàn lẫn kỹ năng an toàn phải cam kết trở về địa bàn và dạy cho trẻ em khu vực mình đang sinh sống, làm việc:

"Trong 5 năm qua chương trình đã dạy bơi cho 24.000 trẻ em hoàn toàn miễn phí. Các con được học bơi trong 16 buổi trong đó có 1 buổi tổng kết và đánh giá thực chất, khi các con đạt tiêu chí của chương trình là bơi được 25m và nổi được 90 giây thì sẽ được chứng nhận về an toàn.

Điều đặc biệt là sau khi chương trình triển khai thì tỷ lệ học bơi, trẻ em biết bơi tại cộng đồng đã tăng gấp đôi, từ 14,8% (năm 2018) lên hơn 32% (năm 2023), và tại những địa bàn triển khai dự án này thì tỷ lệ đuối nước ở trẻ đã giảm tương đương 30%".

Công tác phòng chống đuối nước cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Công tác phòng chống đuối nước cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì đuối nước là nguyên nhân đứng thứ 4 gây tử vong cho trẻ em từ 5-14 tuổi và Việt Nam là quốc gia có nguy cơ về đuối nước cao nhất nằm trong khu vực phía Tây Thái Bình Dương.

Từ thực trạng trên, thạc sĩ Dương Khánh Vân – cán bộ kỹ thuật của tổ chức Y tế Thế giới có những khuyến nghị cụ thể đối với công tác phòng chống đuối nước ở trẻ như sau:

"Trông nom, giám sát và có những rào chắn rào cản để không cho các em tiếp cận với nguồn nước, hãy làm cho các nguồn nước mở ở gia đình, môi trường và cộng đồng xung quanh trở thành nguồn kín và an toàn. Với lứa tuổi từ 6 tuổi trở lên thì hãy cho các em biết bơi và các kỹ năng an toàn. Lớn hơn chút nữa từ cấp 2, cấp 3 thì dạy cho các em thêm kỹ năng cứu đuối an toàn.

Ngoài ra còn có những khuyến nghị chung cư cảnh báo an toàn giao thông thuỷ, có thêm các biển cảnh báo…những việc này tốt cho cả cộng động chứ không chỉ riêng trẻ em. Cần có những can thiệp phù hợp với địa phương ví dụ như ứng xử như thế nào với những nơi thường xuyên có bão lũ, thiên tai".

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ Lao động Thương Binh Xã hội cho biết Chính Phủ đã ban hành kế hoạch quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong đó có phòng chống đuối nước.

Từ những mô hình được đánh giá cao tại Nghệ An hay Đồng Tháp, ông Đặng Hoa Nam cho rằng công tác phòng chống đuối nước cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn từ lãnh đạo các địa phương:

"Truyền thông phải bền vững phải kiên trì chứ nếu ngân sách chỉ phân bổ trong 3 năm hay 5 năm thì khó có thể đòi hỏi người dân, trẻ em thay đổi hành vi được. Ngoài an toàn phòng chống đuối nước thì nguồn nước cũng phải an toàn, do đó bắt buộc phải chấp nhận chi phí cao hơn để các bể bơi an toàn với trẻ về mặt sức khoẻ.

Ở những nơi chưa có bể bơi thì hoàn toàn có thể mở các lớp về giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước, lý tưởng nhất là thực hành tại các lớp bơi an toàn cho trẻ. Chúng tôi hi vọng chính quyền địa phương ở nhiều nơi sẽ đầu tư nguồn lực hợp lý để ngày càng có nhiều bể bơi, có nhiều trẻ được học bơi, có nhiều các lớp dạy bơi an toàn hay có nhiều huấn luyện viên được đào tạo bài bản".

Ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ không chỉ là phong trào, là khẩu hiệu mà cần được xem là trách nhiệm, là nghĩa vụ của cả cộng đồng

Ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ không chỉ là phong trào, là khẩu hiệu mà cần được xem là trách nhiệm, là nghĩa vụ của cả cộng đồng

Đừng để trẻ em phải đối diện khoảnh khắc sinh tồn

Với tôi, sự đau đớn và cơn hoảng loạn của đôi vợ chồng trẻ bên cạnh thi thể đứa con trai độc nhất vừa được vớt lên từ hồ bơi ngay trung tâm TP.HCM cách đây chưa lâu đã trở thành ký ức khó có thể phai mờ theo thời gian. Không có sự mất mát nào lớn hơn đối với bậc làm cha làm mẹ khi nhìn thấy con mình bỏ mạng ở nơi có nhiều sự giám sát như hồ bơi hay những khu vực được cho là “trong tầm mắt”.

Ngoài tai nạn giao thông thì đuối nước là tác nhân tước đoạt sinh mạng trẻ em nhiều nhất ở nước ta, đáng buồn hơn là khi điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện thì vẫn còn xấp xỉ 2000 trẻ qua đời vì “bà thuỷ”. Rõ ràng, ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ không chỉ là phong trào, là khẩu hiệu mà cần được xem là trách nhiệm, là nghĩa vụ của cả cộng đồng.

Cần phải nhắc lại rằng phòng chống đuối nước ở trẻ là một phần đặc biệt quan trọng trong Kế hoạch quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ mà Chính phủ đã ban hành.

Chính vì thế, tập trung đầu tư nguồn lực cả về tài chính lẫn con người cho nhiệm vụ này cần được xem là nhiệm vụ bắt buộc trong chương trình hành động của chính quyền các địa phương chứ không phải là việc “cân nhắc” hay “đưa lên đặt xuống” bên cạnh các mục tiêu kinh tế xã hội khác.

Việc vẫn còn khá nhiều trẻ em qua đời vì đuối nước cho thấy các giải pháp hiện hành là chưa thực sự hiệu quả. Ở đó, truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về an toàn phòng chống đuối nước cần phải được thay đổi triệt để, làm sao để cộng đồng hiểu và hiểu rất rõ rằng “người biết bơi vẫn hoàn toàn có thể bị đuối nước” và “trẻ khi học bơi cần được học thêm các kỹ năng an toàn dưới nước”.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm thực tiễn tại Nghệ An hay Đồng Tháp thì TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cần dành nguồn lực tương xứng hơn nữa để tạo lập thêm nhiều bể bơi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo chất lượng nguồn nước và chất lượng chuyên môn của các huấn luyện viên đứng lớp. Không chỉ vậy, nên có các hình thức khuyến khích, các hoạt động cộng đồng phù hợp để phụ huynh và trẻ nhỏ hào hứng hơn với việc học bơi, học các kỹ năng an toàn.

Đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên, đuối nước là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được. Cho nên, nếu vì lý do nào đó mà không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em mình thì hãy giúp trẻ có đủ kỹ năng ứng xử với “bà thuỷ”, đủ tự tin để ứng phó trước “khoảnh khắc sinh tồn”.

Huy Hoàng /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Người lao động nói gì trước quy định ở trọ tối thiểu 4m2/ người?

Người lao động nói gì trước quy định ở trọ tối thiểu 4m2/ người?

Theo quy định vào 30/3, các phòng trọ phải đạt chuẩn diện tích sàn tối thiểu 4m2/ người, không thì sẽ bị dừng hoạt động do không đảm bảo các yếu tố phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng

Trong kỳ điều chỉnh ngày 27/3, giá xăng tiếp tục tăng. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 7 lần, giảm 6 lần.

Những vi phạm khiến GPLX có thể bị thu hồi và phải sát hạch lại

Những vi phạm khiến GPLX có thể bị thu hồi và phải sát hạch lại

Từ ngày 1/3, Thông tư 12/2025 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, quy định chặt chẽ hơn về việc thu hồi giấy phép lái xe.

Biến cao tốc thành suối, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện điều kiện sống

Biến cao tốc thành suối, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện điều kiện sống

Từng bị chôn vùi dưới lớp bê tông và dòng xe cộ tấp nập, dòng suối Cheonggyecheon hồi sinh ngoạn mục, trở thành một không gian xanh mát ngay giữa lòng thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

TP.HCM: Hộ dân nuôi hàng chục con chó gây ảnh hưởng tới người dân

TP.HCM: Hộ dân nuôi hàng chục con chó gây ảnh hưởng tới người dân

Vừa qua VOV Giao thông có nhận được phản ánh từ người dân sinh sống tại hẻm 268, đường Lý Thái Tổ, Phường 1, quận 3, TP.HCM về tình trạng một hộ dân nuôi hàng chục con chó, mèo trong khu dân cư gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và môi trường.