Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Người phụ nữ hơn 10 năm giúp người vùng cao xuống Hà Nội chữa bệnh

Thu Thủy - Hồng Nhung: Thứ ba 01/11/2022, 14:37 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, chị Như đã tình nguyện làm cầu nối, đồng thời vào bệnh viện chăm sóc miễn phí những bệnh nhân vùng cao xuống Hà Nội trị bệnh.

Xuất thân là một người sinh ra và lớn lên ở vùng cao, sau này được đi học và hiện đang sinh sống ở Hà Nội, nên chị Nguyễn Thị Giang Như, sinh năm 1985, đã có cơ hội chứng kiến và thấu hiểu với những khó khăn, vất vả của bà con vùng cao khi phải xuống miền xuôi chữa bệnh.

Và cũng bởi vì lo sợ bà con không biết đường đi, không biết tiếng Kinh, thậm chí không biết chữ sẽ dễ bị kẻ xấu lừa gạt, mà hơn 10 năm qua, chị Như đã tình nguyện làm cầu nối, đồng thời vào bệnh viện chăm sóc miễn phí những bệnh nhân vùng cao xuống Hà Nội trị bệnh.

Ngoài nhận chăm sóc bệnh nhi người dân tộc thiểu số, chị Như còn tình nguyện chăm sóc cả bệnh nhân lớn tuổi, có cuộc sống khó khăn. Lâu dần, những hoạt động thiện nguyện của chị cũng được khá nhiều cơ quan, đoàn thể tại các tỉnh vùng cao biết đến.

Để giờ đây, mỗi khi địa phương có người nghèo xuống Hà Nội điều trị, họ lại liên hệ, nhờ chị Như hỗ trợ, chăm sóc. 

Chị Giang Như có nhiều năm hỗ trợ bà con vùng cao đến Hà Nội thăm khám, điều trị bệnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Giang Như có nhiều năm hỗ trợ bà con vùng cao đến Hà Nội thăm khám, điều trị bệnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Như kể rằng, điều đã thôi thúc chị phải làm công việc thiện nguyện này, đó là do một lần, chị đã biết đến câu chuyện của một cặp vợ chồng phải bán đi con trâu của gia đình, để lấy tiền đưa đứa con bị ung thư võng mạc xuống Hà Nội chữa bệnh.

Nhưng chỉ vừa đến cổng bệnh viện thì cả hai đã bị kẻ gian lừa hết sạch tiền. Không biết chữ, không nói được tiếng Kinh… đôi vợ chồng chỉ đành ôm con trở về bản chờ chết.

Nên từ ấy, chị đã luôn cố gắng hỗ trợ những trường hợp bà con là dân tộc thiểu số xuống Hà Nội chữa bệnh, để bà con không bị kẻ xấu lừa gạt.

Mỗi khi được ai đó gửi gắm bệnh nhân, thì bất kể lúc đó là đêm hôm hay sáng sớm, trời đang nắng hay mưa, thì chị đều đến bến xe đợi sẵn, rồi đưa họ vào bệnh viện làm các thủ tục thăm khám. Nếu bệnh nhân đến tái khám, có thể về trong ngày, chị sẽ cố gắng dậy thật sớm, ra bệnh viện xếp hàng, lấy số để bệnh nhân được khám sớm.

Còn trường hợp bệnh nhân phải nhập viện, sau khi giúp lo mọi thủ tục, chị sẽ vừa chăm sóc, vừa hướng dẫn người nhà bệnh nhân chăm lo cho người bệnh.

Chị Như chăm sóc bệnh nhân bị bỏng và một bệnh nhi người vùng cao tại bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị Như chăm sóc bệnh nhân bị bỏng và một bệnh nhi người vùng cao tại bệnh viện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ấy thế mà lắm khi, chị vẫn phải nhận lại những điều tiếng không hay về cho bản thân khi làm công việc này. Chị kể: "Có nhiều người nói mình là kiếp trước ăn ở không ra gì, gây thù chuốc oán với nhiều người nên kiếp này mình phải trả nghiệp lại.

Rồi khi mình vào viện về thì có người nói rằng mình mang vi rút, vi khuẩn, mang bệnh truyền nhiễm về cho gia đình. Nói mình con mình thì không chăm lại đi chăm con người. Vào viện đầu tiên các bác sĩ còn hiểu lầm, cứ nghĩ mình làm để có công hay gì đó.

Cũng có rất nhiều thứ, nhưng mình gạt bỏ mọi thứ thôi, vì lâu dần thì mọi người cũng sẽ hiểu. Nếu mà cứ nghĩ đến các ý kiến trái chiều xung quanh thì cũng thấy buồn, thấy tủi thân lắm, nhưng mà lại thôi. Mọi khó khăn thì cứ gạt lại, cứ cố gắng hỗ trợ cho các bà con thôi".

Trên hành trình giúp đỡ những bà con miền núi xuống thành phố chữa bệnh, câu chuyện khiến chị Như nhớ nhất, có lẽ là trường hợp một người cha đã bất chấp lời dặn của bác sĩ, để cho đứa con gái 4 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo của mình ăn cơm, bánh kẹo trên giường bệnh. Vì những mong, con bé có thể vui vẻ, sống những tháng ngày cuối cùng của đời mình.

Chị kể, bé gái đó mắc bệnh ung thư xương hàm, bị sưng lệch một bên mặt, kèm nhiễm khuẩn xuất huyết đường ruột. Biết chị là người thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc miễn phí người bệnh, nên các bác sĩ đã liên hệ, nhờ chị vào viện chăm sóc cho bé, vì đã ba ngày trời, cha cháu không biết cách vệ sinh cho con. Khi vào phòng bệnh của bé, chị thấy bé đang ăn cơm, nhưng khi bé nhai thì máu trong miệng đồng thời tràn đầy ra áo.

Chiếc áo thì cũng dính đầy máu, dịch mủ của nhiều ngày mà khô cứng lại. Chị tắm rửa sạch sẽ cho bé xong, chiều quay lại thì được biết, con đã được đưa về để có thể ra đi trong vòng tay gia đình. Lúc ấy chị mới hiểu, vì sao người bố lại cứ lén cho con ăn nhiều thứ bác sĩ không cho phép như vậy. Có lẽ vì linh tính của một người cha, anh biết được con mình không còn nhiều thời gian nữa, nên chấp nhận để mọi người hiểu sai về mình mà chiều theo ý con.

Một lần khác, khi đến viện Nhi Trung ương để hỗ trợ một trường hợp, chị lại vô tình thấy một đôi vợ chồng người H’mông cứ đứng mãi ở góc bệnh viện, trên lưng địu một đứa bé đã mệt lả đi rồi.

Thấy bất thường nên chị tiến tới, hỏi chuyện bằng tiếng Mông, thì hai vợ chồng òa lên khóc nức nở, bảo con ốm đã nằm viện Yên bái ba tuần rồi không đỡ. Hai vợ chồng chuyển viện xuống đây nhưng chỉ biết đến cổng bệnh viện thôi. Không biết chữ, biết tiếng Kinh nên là ko biết làm thủ tục thế nào.

Nghe thấy vậy, chị đã lập tức hỗ trợ cháu nhập viện, chăm sóc, mang cơm, rồi mua cả quần áo. Sau 21 ngày ở phòng cấp cứu thì cháu được về. Chị cũng hỗ trợ cả viện phí và xe đi về cho cả gia đình.

"Giúp được ai đó xuống khám, chữa bệnh xong khỏi bệnh ra về, thì cảm giác như có thêm nhiều năng lượng tích cực. Rất là vui vẻ, phấn khích và cảm giác như hôm nay là một ngày rất đẹp, có thể cười từ sáng đến tối luôn.

Vui lắm, vì cảm giác như mình đã cứu được một mạng người. Còn với những trường hợp mà các cháu, các bệnh nhân đến bệnh viện nhưng mà muộn quá rồi. Sáng đưa đến viện, chiều đưa trả về thì nó ám ảnh vô cùng. Buồn đến mấy ngày sau không thể dứt ra được, vì thương lắm. Thế nhưng cái vui thì vẫn là nhiều hơn cái buồn.

Và chỉ muốn có thể tuyên truyền cho bà con biết là, ốm thì phải đi viện luôn, không được chần chừ. Nếu như mà có khó khăn về kinh tế, hay khó khăn về bất cứ cái gì thì cứ liên hệ cho mình, mình sẽ cố gắng giúp đỡ hết sức có thể trong khả năng của mình", chị Như chia sẻ.

Các hoạt động thiện nguyện của chị Như đều kết hợp, thông qua cơ quan chức năng địa phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các hoạt động thiện nguyện của chị Như đều kết hợp, thông qua cơ quan chức năng địa phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài công việc vào bệnh viện chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số sống ở vùng cao, chị Như còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Ví như khi bắt gặp bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị sẽ cố gắng vận động, kêu gọi bạn bè hỗ trợ thêm.

Ngoài ra, chị còn thường xuyên kết hợp với các cơ quan, đoàn thể tại các địa phương vùng cao để thực hiện các hoạt động thiện nguyện như: xây nhà đại đoàn kết, tặng bò, xóa nhà tạm… cho hộ nghèo, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Chị cũng tổ chức các hoạt động vui chơi, hỗ trợ tiền mặt, phát quà cho trẻ em nghèo, mồ côi…

Hiện tại, chị cũng chỉ mong muốn bản thân có một sức khỏe tốt, để có thể duy trì được những công việc thiện nguyện này. Còn xa hơn, chị mong có thể kết nối được với những người có cùng tâm nguyện, chí hướng với chị, có sự đồng cảm với những bà con vùng cao hoàn cảnh khó khăn, để có thể thành lập một câu lạc bộ nho nhỏ, giúp đỡ được thật nhiều người hơn nữa. 

--

Các bạn thân mến.

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình. 

Thu Thủy - Hồng Nhung/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.