Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Nhóm vá đường thiện nguyện Neha: Mong giảm bớt các vụ tai nạn

Thục Anh: Thứ năm 27/06/2024, 22:03 (GMT+7)

Dù ở bất cứ đâu, việc bắt gặp “ổ voi, ổ gà” trên đường dường như đã quá quen thuộc với người tham gia giao thông. Nỗi ám ảnh đã tồn tại bao năm đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Tại nhiều nơi, thấy cảnh đường sá đi lại khó khăn, vừa lo cho mình, vừa lo cho người, một số người dân đã bỏ cành cây hay cục gạch vào cảnh báo, số khác thì đổ đất lấp tạm lên. Lâu ngày, giữa đường xuất hiện thêm các “tiểu lô cốt” được dựng lên từ đủ thứ vật liệu: đất, đá, gạch, cành cây, thùng xốp... dù có ích trong việc cảnh báo nhưng lại gây mất mỹ quan đô thị.

Nhận thấy những vấn đề đó còn tồn tại ở TP.HCM, nhiều tháng qua, nhóm vá đường Neha đã không nề hà, không quản ngại khó khăn, mỗi đêm họ lại đi vá những con đường với mong muốn đem lại an toàn cho người tham gia giao thông.

Nhiều tháng qua, nhóm vá đường Neha đã không nề hà, không quản ngại khó khăn, mỗi đêm họ lại đi vá những con đường

Nhiều tháng qua, nhóm vá đường Neha đã không nề hà, không quản ngại khó khăn, mỗi đêm họ lại đi vá những con đường

Vốn là người mê làm thiện nguyện, di chuyển liên tục và thấy những tuyến đường quanh khu vực mình sinh sống đã xuống cấp tạo thành ổ gà, ổ voi, gây không ít khó khăn cho bà con khi đi lại. Anh Huỳnh Minh Tân (sinh năm 1994, tại TP.HCM) đã bàn với những người bạn của mình để thành lập nên nhóm vá đường Neha.

Nhóm thiện nguyện vá đường Neha chỉ có hơn mười thành viên chủ chốt, từ 18 đến 40 tuổi, dù mỗi người đều có môt công việc khác nhau vào ban ngày, người đi học, người đi làm, nhưng cứ đêm xuống, cả đội lại tập hợp vì một mục tiêu chung: “vá đường”, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Những con đường mà nhóm Neha lựa chọn để “chữa lành” là những con đường có nhiều người qua lại, xung quanh khu dân cư như ngã ba, ngã tư, gần trường học, bệnh viện, hay chợ. Anh Tân chia sẻ thêm: “Những khu vực như vậy có những lỗ sâu, rộng, nó dễ ngã, dễ trơn trượt, trời mưa người dân đi lại không thấy. Mình sẽ tập trung anh em vào buổi cuối tuần hoặc trong tuần, từ 10h đêm cho tới khi xong. Không khí lúc vá đường cũng rất hăng say, vui vẻ. Vì mình làm cho người khác mà, nhiều khi chỉ nghĩ người khác đi qua sẽ thoải mái hơn, sẽ an toàn hơn là vui rồi”

Được thành lập từ tháng 10/2023, đến nay, nhóm vá đường Neha đã dần trở nên chuyên nghiệp hơn sau hàng chục lượt vá đường lớn nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng như một số tỉnh lân cận.

Nhóm thiện nguyện vá đường Neha

Nhóm thiện nguyện vá đường Neha

Anh Nguyễn Hữu Cường, một trong những thành viên của nhóm vá đường Neha, cũng là người được anh Tân gọi vui là “giám đốc công trình” tâm sự, do tính chất công việc của các thành viên khác nhau, vì vậy, đến tối, nhóm lại tâp hợp để “vá đường”. Một phần cũng vì thời điểm này ít xe cộ qua lại, có thể làm nhanh và trời đêm cũng mát mẻ nên công việc thuận tiện hơn. Có những nơi thiếu sáng, các bạn tự soi đèn pin, đèn led, trộn bê tông để làm.

Để vá đường, nhóm phải chuẩn bị một số “đồ nghề” như búa xẻng, đá dăm, cát, xi măng. Thời gian đầu, khi các thành viên chưa thạo việc, anh Cường cũng phải “cầm tay chỉ việc” để đảm bảo cho những tuyến đường được vá một cách an toàn, chính xác.

Dần dần, các thành viên cũng trở nên thành thạo. Mỗi người một việc. Người bê vật liệu, người chuẩn bị, người trộn xi măng, xúc cát. Hầu như chẳng có ai là thợ chuyên cả nhưng ai cũng biết cầm bay chà láng mặt đường. Cứ thế, những con đường ở nhiều nơi trên TP.HCM đã được nhóm “chữa lành”: “Từ 1 bao xi măng, tới 2 bao, 3 bao rồi 4,5 bao. Thậm chí có những con đường có ổ voi, ổ gà lớn quá, mình làm tới 8 bao xi măng (khoảng chừng hơn 1 tấn bê tông) thì mấy anh em cũng tập chung vào làm. Khi làm như vậy dù có mệt thật, nhưng mà mình làm những việc thiện như vậy, giúp cho đời, giúp cho người, thì mình thấy sảng khoái, vui vẻ, có động lực để mình làm tốt hơn”

Thế nhưng, không phải tuyến đường nào cũng được thực hiện một cách thuận lợi, kể về những khó khăn trong khoảng thời gian vá đường, anh Tân cho biết, rào cản lớn nhất, đó là phải giúp người dân hiểu được công việc thiện nguyện mà nhóm đang làm: “Có một cô cũng có tiếng ở đoạn đường đó, khi tụi mình dần dần vá những lỗ lân cận, tới nhà cô ấy thì cô ấy ra chửi bới, hăm doạ, cũng la nửa tiếng đồng hồ, lúc đó trong lòng anh em cũng lung lay. Tại vì nguyên 1 đoạn đường mình làm cuốn chiếu, đầu đường thì người ta ủng hộ, giữa đường người ta cho đá, nước, xi măng, chi phí,… đủ thứ. Không lẽ tới cuối đường rồi mình bỏ ngang? Thì rồi mình cũng im lặng, mình mài mò thì dường như cô ấy cũng hiểu, bớt la và hiền hoà lại rồi cũng thôi”

Để đảm bảo việc “vá đường” được thực hiện một cách hiệu quả nhất, sau mỗi đêm vá, nhóm đều phải nghiệm thu vào những khoảng thời gian nhất định. Anh Cường bộc bạch: “Sau khi mình làm như vậy thì qua ngày hôm sau, các thành viên của đội sẽ quay lại, đi kiểm tra và báo cáo trên group để các thành viên trong nhóm biết. Hầu như những chỗ mình làm đều đạt và đẹp hết. Lúc nào cũng vậy, tất cả công trình là mình đều có thói quen là đêm làm rồi thì qua hôm sau các thành viên sẽ quay lại kiểm tra và báo cáo về nhóm”

Công việc vá đường thiện nguyện của các thành viên trong nhóm vá đường Neha được bà con đón nhận tích cực

Công việc vá đường thiện nguyện của các thành viên trong nhóm vá đường Neha được bà con đón nhận tích cực

Công việc vá đường thiện nguyện của các thành viên trong nhóm vá đường Neha được bà con đón nhận tích cực, nhiều gia đình sẵn sàng hỗ trợ nước, thêm dụng cụ để làm, rồi lo nước uống cho đội nữa khiến các thành viên trong nhóm rất vui.

Đây cũng là động lực mỗi đêm để anh Tân và nhóm vá đường Neha thực hiện công việc không công này: “Khi mình tới một địa điểm, người ta hỏi con làm gì rồi mình chia sẻ con đi vá đường. Thế rồi từ nước nôi, bánh trái, rồi nhiều khi họ hỗ trợ nước trong quá trình trộng bê tông, rồi hỗ trợ chi phí,…Thì mình cũng cảm thấy có động lực hơn, có khi họ báo cả công an để cử tổ trưởng xuống canh. Rồi những người dân xung quanh họ cùng nhau đợi, có những người có lòng họ đợi tới sáng, họ kéo cả xe bán tải ra chặn đường để mình có thể vá đường một cách thuận lợi”

Sau những nỗ lực của nhóm, nhận lời cảm ơn của bà con, rồi được chính quyền địa phương ghi nhận, những thành viên trong nhóm Neha đều cảm thấy ấm lòng, niềm vui khó diễn tả, bởi bất kỳ thành viên nào trong nhóm cũng tâm niệm thấy việc tốt nên làm.

Chia sẻ về kế hoạch của nhóm trong thời gian tới, anh Tân cho biết mình và nhóm sẽ duy trì công việc này đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Bởi công việc vá đường như một niềm vui của các thành viên, mỗi một con đường được vá sẽ đem lại an toàn cho rất nhiều người.

Anh Tân cũng hy vọng các cơ quan chức năng cũng sẽ có biện pháp quyết liệt hơn để chặn xe quá tải cày xới mặt đường, đặc biệt là vào ban đêm, như vậy thì sẽ giảm được lượng ổ gà, ổ voi trên đường, giảm thiểu TNGT. 

---

Các bạn thân mến.

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình. 

Thục Anh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.