Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Mô tô phân khối lớn: Mối nguy khi quản lý lỏng lẻo

Minh Hiếu: Thứ hai 13/03/2023, 06:30 (GMT+7)

Vụ việc lái xe mô tô phân khối lớn hất văng nữ công nhân môi trường tại Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vừa qua khiến dư luận lo lắng về ý thức và kỹ năng của một bộ phận người điều khiển loại phương tiện này.

Thực tế, vi phạm luật giao thông của người điều khiển mô tô phân khối lớn khá phổ biến, trong khi những bất cập về công tác quản lý đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được khắc phục. 

Giật mình với tiếng nẹt pô, “lạnh gáy” với những pha lượn lách tốc độ cao, đó là cảm nhận của anh Cù Văn Lý, tài xế thường xuyên di chuyển trên đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội, khi chứng kiến những vi phạm phổ biến của nhiều người điều khiển mô tô phân khối lớn:

"Khoảng 11h đêm, các xe phân khối lớn hay chạy vào đường cấm xe máy, đi rất nhanh và lạng lách ngay trước mặt xe ô tô, nẹt pô to thấy sợ. Có người đội mũ bảo hiểm, có người không, vì đi giờ đấy người ta nghĩ là không có lực lượng chức năng làm việc".

Đường phố nội đô không thể đi nhanh, do đó, những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai bị biến thành nơi tìm kiếm cảm giác mạnh của “quái xế”, đẩy cảm giác bất an đến những người cùng tham gia giao thông:

"Đại lộ Thăng Long thấy mô tô phân khối lớn phóng nhanh lắm, ngồi trong xe nghe tiếng pô vẫn giật cả mình. Thi thoảng cũng gặp nhóm 5 - 7 người, cá nhân một người cũng có, ngày cuối tuần là nhiều, đa số họ đi phượt".

"Cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, QL5 kéo dài, có những lần mình gặp họ đi qua đèn đỏ không dừng lại, độ thêm pô, đèn công suất cao chói mắt, và còi còn to hơn cả xe tải cơ. Mình thấy rất ít chốt giao thông xử lý được trường hợp này".

Đường phố nội đô không thể đi nhanh, do đó, những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai bị biến thành nơi tìm kiếm cảm giác mạnh của “quái xế” (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Đường phố nội đô không thể đi nhanh, do đó, những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai bị biến thành nơi tìm kiếm cảm giác mạnh của “quái xế” (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Sau khi Thông tư 38 năm 2013 của Bộ GTVT bãi bỏ quy định giới hạn cấp GPLX hạng A2, số người sử dụng mô tô phân khối lớn gia tăng nhanh chóng. Mỗi năm có khoảng 5.000 - 7.000 xe mô tô phân khối lớn được bán ra tại Việt Nam.

Trong khi đó, mạng lưới đường sá hiện nay vẫn là giao thông phức hợp, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Điển hình là vụ việc mô tô phân khối lớn đâm chết người sang đường tại TP.HCM ngày 13/11/2022, hay va chạm giữa mô tô phân khối lớn với xe máy khiến 1 người chết, 1 người bị thương tại Quảng Trị ngày 7/8/2022.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội chia sẻ một số khó khăn trong công tác tuần tra, xử lý như: vi phạm liên quan xe mô tô phân khối lớn thường diễn ra vào buổi tối, việc dừng xe có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cán bộ làm nhiệm vụ, lực lượng chưa được trang bị máy đo cường độ âm thanh.

Thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các tổ công tác 141, nắm bắt tình hình và tổ chức vây bắt các nhóm đối tượng vi phạm.

Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đa phần các quy định và chế tài hiện hành áp dụng chung cho cả mô tô phân khối lớn và mô tô thông thường. Bất cập này cần được chỉnh sửa, cần bổ sung quy định và chế tài xử phạt cao hơn khi xe phân khối lớn có khả năng gây nguy hiểm lớn hơn:

"Hiện nay chúng ta đào tạo quá nhiều trên sách vở, sa hình, nhưng thực tế lại rất ít. Chúng ta phải tăng cường công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, về mặt kỹ năng, ý thức và thái độ. Với người lái xe phân khối lớn thì yêu cầu về điều kiện sức khỏe, sức khỏe thần kinh và sức khỏe cơ bắp. Thứ hai là quản lý giao thông, chúng ta phải tập trung vào công nghệ. Khi có hệ thống camera, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được và xử lý nghiêm".

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT cho rằng, cần siết chặt công tác quản lý với người điều khiển mô tô phân khối lớn: "Chúng ta cần có sự giám sát chặt chẽ, tránh hiện tượng mua bán bằng lái xe. Phần còn lại là chúng ta quản lý và giám sát ra sao. Xe mô tô nói chung không yêu cầu phải đăng kiểm định kỳ, thì việc chúng ta tiến hành xử phạt “nguội” rất khó khăn.

Do vậy, trong thời gian tới đây, Bộ GTVT có thể xem xét đưa phương tiện hai bánh vào chương trình kiểm định an toàn".

Đa phần các quy định và chế tài hiện hành áp dụng chung cho cả mô tô phân khối lớn và mô tô thông thường. Cần bổ sung quy định và chế tài xử phạt cao hơn khi xe phân khối lớn có khả năng gây nguy hiểm lớn hơn (Ảnh minh họa: Tinh tế)

Đa phần các quy định và chế tài hiện hành áp dụng chung cho cả mô tô phân khối lớn và mô tô thông thường. Cần bổ sung quy định và chế tài xử phạt cao hơn khi xe phân khối lớn có khả năng gây nguy hiểm lớn hơn (Ảnh minh họa: Tinh tế)

Cũng theo ThS. Vũ Anh Tuấn, có thể xem xét cho mô tô phân khối lớn lưu thông vào đường cao tốc nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và cung cấp thêm không gian sử dụng cho loại phương tiện này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật: vận tốc giữa xe ô tô và mô tô có nhiều khác biệt không?

Lưu lượng xe ô tô có vượt ngưỡng khai thác của tuyến đường không? Có đảm bảo sự phân tách, không gian lưu thông an toàn không? Nếu không đảm bảo các yếu tố an toàn thì không thể triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, việc tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh để thỏa mãn niềm đam mê xe phân khối lớn cũng là giải pháp để hạn chế hành vi vi phạm.

Ông Vũ Đình Lâm, Phó chủ tịch CLB Mô tô thể Thao Hà Nội nhấn mạnh vai trò của các hội nhóm được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản để có thêm nhiều hoạt động nâng cao ý thức và kỹ năng lái xe, tránh hoạt động riêng lẻ, tự phát, làm ảnh hưởng những người đam mê mô tô phân khối lớn chân chính: "Các tập đoàn lớn chuyên phân phối các loại xe, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy ban ATGT Quốc gia có thể kết hợp, xã hội hóa các chiến dịch tuyên truyền và hướng dẫn lái xe an toàn, đặc biệt nhấn mạnh vào giới trẻ.

Chúng tôi đang thúc đẩy Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam để đưa hình ảnh mô tô phân khối lớn vào sâu rộng các tầng lớp thanh thiếu niên. Trải nghiệm biểu diễn mô tô nghệ thuật và những giải đua xe mô tô thuộc hệ thống giải VĐQG về mô tô, mặc dù mới bước đầu thôi nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận thanh niên đam mê xe phân khối lớn".

Việc người điều khiển mô tô phân khối lớn tìm cảm giác “mạnh”, vi phạm giao thông dẫn đến tai nạn dường như là hệ quả khó tránh, nhất là khi hiểu biết và ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.(Ảnh minh họa: Tinh tế)

Việc người điều khiển mô tô phân khối lớn tìm cảm giác “mạnh”, vi phạm giao thông dẫn đến tai nạn dường như là hệ quả khó tránh, nhất là khi hiểu biết và ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.(Ảnh minh họa: Tinh tế)

Khi Thông tư 38 được Bộ GTVT ban hành, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn có thể gia tăng khi mở rộng đối tượng được cấp GPLX hạng A2.

Tuy nhiên, việc tiếp tục hạn chế, cấm đoán là không phù hợp với xu thế phát triển, và giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Để đam mê tốc độ không thành nỗi lo của cộng đồng”

 

Dù số người sở hữu và sử dụng xe mô tô phân khối lớn ngày càng tăng, nhưng cách “nhìn” của nhà quản lý với loại phương tiện này gần như không đổi trong cả chục năm qua.

Mô tô phân khối lớn được quản lý gần như mô tô thông thường, từ các quy định, chế tài xử phạt đến tổ chức giao thông, chỉ có khác biệt về biển kiểm soát phương tiện và quy định về người lái, với GPLX hạng A2 dành cho người điều khiển xe mô tô trên 175cm3.

Tuy nhiên, điều kiện được cấp bằng A2 lại khá đơn giản, chỉ cần đủ 18 tuổi và có giấy chứng nhận sức khỏe. Còn kỹ năng trong phần thi thực hành vốn đã được các chuyên gia chỉ ra là có nhiều thiếu hụt so với giao thông thực tế.

Trong khi nhà quản lý dường như “gom” các loại phương tiện mô tô vào cùng một “rổ”, thì người sử dụng lại thuộc hai nhóm khác nhau. Đa phần người đi mô tô thông thường coi nó như một phương tiện tham gia giao thông, còn người đi mô tô phân khối lớn lại muốn thỏa mãn đam mê về sức mạnh, tốc độ.

Và khi tốc độ bị giới hạn ở mức 50 - 60km/h cùng nhiều quy định chung khác của xe mô tô, thì việc người điều khiển mô tô phân khối lớn tìm cảm giác “mạnh”, vi phạm giao thông dẫn đến tai nạn dường như là hệ quả khó tránh, nhất là khi hiểu biết và ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.

Vì vậy, vai trò quản lý của các cơ quan có thẩm quyền cần được tăng cường đề vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng, vừa đáp ứng nhu cầu của những người yêu mô tô phân khối lớn.

Đầu tiên, cần siết chặt, nâng cao công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A2, nhấn mạnh nguyên tắc: học thực chất, thi thực chất. Với loại phương tiện có thể đạt tốc độ tới hàng trăm km/h thì yêu cầu về sức khỏe, kiến thức, ý thức và kỹ năng của người lái đương nhiên phải khắt khe hơn nhiều so với mô tô thông thường.

Quy định của pháp luật, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm với người điều khiển mô tô phân khối lớn cũng cần được tăng nặng và chặt chẽ hơn. Song song với đó, công tác tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để tạo sức răn đe.

Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt, bởi lực lượng chức năng không đủ để bố trí mọi lúc mọi nơi, và việc xử lý trực tiếp tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định với người thực thi công vụ.

Ảnh minh họa: Autopro

Ảnh minh họa: Autopro

Để làm được điều này, cần chấn chỉnh công tác quản lý phương tiện, ngăn chặn việc mua bán trao tay nhiều lần, không xác định được chủ sở hữu; đồng thời, có lộ trình thực hiện yêu cầu kiểm định bắt buộc với tất cả phương tiện mô tô để việc phạt “nguội” thực sự phát huy tác dụng.

Về tổ chức giao thông, việc bố trí hạ tầng riêng cho xe mô tô phân khối lớn là bất khả thi ở các đô thị hiện nay.

Tuy nhiên, với các tuyến đường cao tốc, các nhà quản lý có thể xem xét dành làn đường cho loại phương tiện này trong tương lai, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn, và chỉ triển khai khi đảm bảo đầy đủ điều kiện.

Và để mô tô phân khối lớn có thể đi vào đường cao tốc như một số nước phát triển thì trước hết, người lái cần có ý thức và kỹ năng như ở các nước tiên tiến.

Để làm được điều này thì cần những cách tuyên truyền mới, đặc biệt với nhóm người trẻ tuổi, muốn khẳng định bản thân, thì phương pháp giáo dục khô khan, giáo điều sẽ không đem lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.

Đây là lúc phát huy vai trò của các CLB, tổ chức đoàn thanh niên tại các trường học hay địa phương, dưới sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và ban ngành quản lý giao thông, cùng nguồn hỗ trợ xã hội hóa.

Những buổi tập huấn kỹ năng, chia sẻ kiến thức về mô tô nói chung và mô tô phân khối lớn nói riêng nên được xây dựng thành những sân chơi hấp dẫn, miễn phí để thu hút giới trẻ, tần suất thường xuyên để “mưa dần thấm lâu”.

Bên cạnh đó cũng cần mở rộng những giải đua xe, hay biểu diễn mô tô nghệ thuật hợp pháp, chuyên nghiệp, quy mô lớn cho nhiều đối tượng tham gia, để các “quái xế” có “đất dụng võ” và không biến đường phố thành “trò chơi tử thần”.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Hà Nội: Phạt tiền chủ bãi xe không phép ở Hà Đông, giao địa phương giám sát

Hà Nội: Phạt tiền chủ bãi xe không phép ở Hà Đông, giao địa phương giám sát

Tổ công tác liên ngành CSTT, TTGT phối hợp ghi hình, phạt tiền chủ bãi xe không phép, đồng thời giao chính quyền địa phương giám sát tái vi phạm trên địa bàn.

Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội); tổ chức cùng thời gian tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (TP Hà Nội).

“Anh Trọng giản dị lắm”

“Anh Trọng giản dị lắm”

Phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là khu vực có 2 căn hộ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình sinh sống.

Tối nay, người dân xếp hàng dài đợi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tối nay, người dân xếp hàng dài đợi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ 18 giờ hôm nay (25/7), Ban tổ chức Lễ tang đã tạo điều kiện, sắp xếp cho nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5, phố Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Kiểm soát khí thải xe máy,  Luật đã có nhưng còn nhiều rào cản

Kiểm soát khí thải xe máy, Luật đã có nhưng còn nhiều rào cản

Từ 01/01/2025 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, quy định mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải. Trước khi quy định chính thức được áp dụng còn có rất nhiều băn khoăn từ dư luận.

Đồng Nai: Hơn 1.000 hộ dân vẫn 'khát' nước sạch

Đồng Nai: Hơn 1.000 hộ dân vẫn 'khát' nước sạch

Xã lộ 25 thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai có hơn 3.000 hộ dân. Từ nhiều năm nay, các hộ dân này vẫn sử dụng nguồn nước từ giếng, cả giếng đào và giếng khoan.