Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Làm thế nào để “phạt nguội” xe quá tải bằng cân tự động hiệu quả?

Minh Thùy - Trúc Thủy: Thứ tư 21/06/2023, 10:39 (GMT+7)

Sau QL 5, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, QL 13 thuộc tỉnh Bình Dương, đầu tháng 6, TP.HCM cũng đã chính thức áp dụng thí điểm xử phạt nguội xe quá tải bằng cân tự động, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Câu chuyện xử lý xe quá khổ, quá tải trọng không phải là mới, tuy nhiên làm thế nào để mô hình “phạt nguội” bằng cân tự động đi vào hiệu quả chiều sâu là vấn đề đang được đặt ra. 

Trạm cân xe tự động trong khi xe chạy với tốc độ cao trên quốc lộ 5 (Ảnh: Bộ GTVT)

Trạm cân xe tự động trong khi xe chạy với tốc độ cao trên quốc lộ 5 (Ảnh: Bộ GTVT)

3 trạm cân tự động thí điểm phạt nguội tại TP.HCM gồm khu vực cầu Ông Lớn hướng từ Bình Chánh đi Quận 7 sẽ thí điểm phạt nguội ở trạm cân tự động số 3 và khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc triển khai ở hai trạm cân số 6 và 7.

Thời gian thí điểm một năm, Sở GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Công an thành phố triển khai xử phạt. Sau khi kết thúc thí điểm, Sở Giao thông Vận tải tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả để tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM phương án tổ chức thực hiện phù hợp.

Sau khi kế hoạch được công bố, nhiều lái xe bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với đề xuất của thành phố: 

"Lắp cân tự động thì tốt cho tài xế, vì doanh nghiệp ép tài xế chở quá tải thì rất là cực cho tài xế".

"Tôi thấy hợp lý, vì nó răn đe tài xế, phạt nguội không trực tiếp lúc nào cũng làm tài xế ngại vi phạm".

"Xử phạt này cũng tốt, hạn chế được tài xế đi quá tải, đỡ làm hư hỏng đường".

Theo ông Phạm Ngọc Dũng - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lưu lượng phương tiện lưu thông trong và qua địa bàn thành phố là rất lớn. Nhiều tuyến đường nhánh, nhỏ hẹp giao cắt với trục chính, trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế dẫn đến việc nên khó bố trí lực lượng kiểm tra tải trọng thường xuyên liên tục trong ngày.

Chưa kể, việc xử lý trực tiếp cần có thời gian để lực lượng kiểm tra, dễ dẫn đến nguy cơ ùn tắc phương tiện khi qua trạm, gây bức xúc cho nhiều tài xế. Thế nên khi áp dụng cân tự động sẽ khắc phục được những bất cập nêu trên, đồng thời có độ chính xác cao, ngăn chặn vi phạm một cách hiệu hiệu quả.

“Theo như tổ công tác làm việc tại trạm cân thời gian không xuyên được 24/24, khi mà có tổ công tác ở đó thì những đối tượng điểu khiển phương tiện quá tải người ta sẽ né hoặc canh giờ để đi. Còn khi mình đã lắp cân tự động rồi thì xuyên suốt cả 24/24, sau này mình về trích xuất camera nên là có tính răn đe rất rất cao. Sau đó qua 1 năm mình đánh giá lại, có những gì phát sinh và cần điều chỉnh những gì”, ông Dũng cho biết.

CSGT TP.HCM trong một lần kiểm tra xe chở quá tải trọng, cơi nới thùng hàng (Ảnh: Lao động)

CSGT TP.HCM trong một lần kiểm tra xe chở quá tải trọng, cơi nới thùng hàng (Ảnh: Lao động)

Đánh giá thêm về những lợi ích của áp dụng cân tự động trong phạt nguội xe quá tải, bà Đỗ Thị Yến Nhi - Trưởng phòng Thanh tra an toàn khu quản lý Cục Đường bộ 4 cho biết: “Khi mình sử dụng hệ cân tự động thì mình tiết kiệm được nhân lực và hạn chế sự can thiệp tối đa của con người. Bởi tất cả đều nhập liệu vào dữ liệu phần mềm và chuyển ra Cục đường bộ Việt Nam quản lý, sau đó lập ra danh sách chuyển đến các Sở GTVT để xử lý. Một mặt nữa là mình có biện pháp phòng chống tiêu cực. Quan trọng là khi áp dụng cân tự động, nếu làm đồng bộ trên tất cả các tuyến huyết mạch thì sẽ bảo vệ được kết cấu hạ tầng, kéo dài tuổi thọ của công trình giao thông đường bộ”.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo ngại việc đặt cố định trạm cân xe quá tải sẽ dẫn đến tình trạng tài xế tìm cách né tránh, trốn trạm xử lý của lực lượng chức năng.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Yến Nhi cho biết thêm: "Những trạm cân lưu động thì hiện nay các Sở Giao thông vẫn sử dụng. Các Sở tùy theo tình hình khảo sát lưu lượng xe sẽ thực hiện đặt cân 3 tháng tại vị trí này và 3 tháng sau đặt tại vị trí khác, để hạn chế tình trạng trốn tránh của lái xe. Ngoài biện pháp cân lưu động, cân xách tay - cái này cũng rất là hiệu quả. Ví dụ sử dụng cân xách tay đột xuất cho các đoàn để kiểm tra trên quốc lộ, tuyến đường trọng điểm để xử phạt".

Ngoài ra, theo bà Đỗ Thị Yến Nhi, xử lý vấn nạn xe quá khổ, quá tải là vấn đề lâu dài và cần có những giải pháp liên tục, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng và các địa phương, mới đem lại hiệu quả tích cực.

Bà Đỗ Thị Yến Nhi đánh giá: “Tình hình xe quá tải trên địa bàn 22 tỉnh phía Nam đến thời điểm này so với các năm 2019 trở về trước, tình trạng xe quá tải đã giảm khá sâu, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thùng hàng. Và sự vào cuộc kể cả đăng kiểm, Sở Giao thông, công chức thanh tra của Khu Đường bộ 4 và lực lượng cảnh sát giao thông vào cuộc quyết liệt nên số xe quá tải giảm sâu”.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng phương tiện tại trạm cân số 3 (Ảnh: Người lao động)

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng phương tiện tại trạm cân số 3 (Ảnh: Người lao động)

Với những hiệu quả và lợi ích vừa phân tích như trên, việc áp dụng phạt nguội xe quá tại TPHCM vừa qua được đánh giá là rất cần thiết và sớm áp dụng rộng rãi trong cả nước, để tiến tới chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trên toàn quốc.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Cần nhân rộng để khắc phục lỗ hổng trong xử lý quá tải”. 

Xe quá khổ, quá tải vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua. Trên các tuyến đường nông thôn lẫn thành thị, từ khu ngoại thành đến trung tâm, không khó để bắt gặp những chiếc xe “hung thần” chở quá tải cày bánh xuống mặt đường, cơi nới thành thùng cao ngất ngưỡng, không che chắn nguyên vật liệu làm rơi vãi, khiến người đi đường sợ hãi không biết lúc nào sẽ xảy ra tai nạn; còn người dân khu vực xung quanh thì ngao ngán vì khói bụi, tiếng ồn, hư hỏng đường xá khi xe ngang nhiên ra vào khu dân cư.

Điều đáng nói, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ diễn ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm, kéo dài đã gây áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông, làm hư hỏng, xuống cấp nhiều công trình cầu đường được đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Không chỉ gây lãng phí hư hại cầu đường, tốn chi phí bảo dưỡng, hành vi chở quá tải còn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông khi không ít vụ xe tải lật mà một phần nguyên nhân do chở hàng quá tải trọng.

Thực tế là vậy, thế nhưng, một số lái xe và doanh nghiệp vì vấn đề lợi nhuận, giảm chi phí vận chuyển nên cố tình tìm cách chở quá tải hoặc cơi nới thành, thùng xe để chở được nhiều hàng hóa hơn. Vô tình gây bất công, bức xúc cho các doanh nghiệp làm ăn lành mạnh, chân chính.

Chưa kể vấn đề xử lý hiện nay của lực lượng chức năng còn nhiều lúng túng, nhiều phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải trọng chưa được phát hiện, do khó định lượng bằng mắt thường khi tuần tra xử lý. Các thiết bị định lượng kiểm soát tải trọng như cân xách tay di động, trạm cân di động thì hiệu quả chưa cao, do chỉ xử lý đột xuất một vài điểm nóng mà chưa thể thực hiện một cách lâu dài, liên tục và khó mở rộng ra nhiều địa bàn, khiến việc xử lý có lúc bị gián đoạn. Trong khi, lực lượng chức năng còn mỏng là lỗ hổng lớn để các chủ xe, lái xe tìm mọi cách lưu thông vào ban đêm nhằm trốn tránh xử lý.

Việc TPHCM áp dụng mô hình phạt nguội qua cân tự động là hết sức kịp thời và cần thiết, thể hiện tính kiên quyết trong lập lại trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, để đạt hiệu quả, thành phố phải thực hiện liên tục, đồng bộ; vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nhất là, việc quản lý sử dụng các thiết bị trong xử phạt nguội phải rõ ràng, minh bạch và công khai, để người vi phạm chấp hành một cách tâm phục khẩu phục, không tránh né hoặc chống đối khi bị xử phạt. Đặc biệt hạn chế vấn nạn xin-cho trong xử phạt. Bởi việc ứng dụng công nghệ tự động mặc dù có thể hạn chế tác động của lực lượng kiểm tra trong lý vi phạm nhưng đòi hỏi cán bộ phải minh bạch, xử phạt đến nơi đến chốn, không thiên vị hoặc giơ cao đánh khẽ.

Cùng với đó là công tác truyền thông, phổ biến các quy định, để lái xe hiểu được việc chở hàng quá tải chính là tác nhân gây ra tình trạng hư hại đường xá, ách tắc, tai nạn giao thông. Quan trọng là việc đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa hoàn chỉnh rõ ràng, khoa học, từ đó xây dựng đề xuất khung pháp lý trong xử lý xe quá tải trọng; xa hơn là tiến tới nhân rộng mô hình xử phạt ra toàn quốc. Không chỉ dừng lại ở hình thức răn đe xử phạt, nhà nước cần khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện tốt quy định.

Bảo vệ kết cầu cầu đường, hạ tầng được xem là “của để dành” trong tương lai. Vì thế, ngoài sự cố gắng của cơ quan quản lý, lái xe và doanh nghiệp phải ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ đường xá sử dụng hiệu quả và bền vững; đưa vấn đề không chở hàng quá tải thành văn hóa của chính doanh nghiệp.

Phía người dân cũng cần tố giác đến cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi chở quá tải. Có sự vào cuộc đồng bộ của các bên mới mong ngăn chặn được vấn nạn “xe chở quá khổ, quá tải” đi vào chiều sâu và bền vững./.

Minh Thùy - Trúc Thủy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giá vé máy bay tăng cao không phải do thuế, phí

Giá vé máy bay tăng cao không phải do thuế, phí

Bộ Tài chính cho biết các khoản phí trong vé máy bay là giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, không phải các khoản phí nộp ngân sách.

Làm gì để sốc lại tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn?

Làm gì để sốc lại tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn?

Sau 16 tháng thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang chậm tiến độ khoảng 0,5% so với kế hoạch do các vướng mắc về mặt bằng cũng như mỏ vật liệu tại khu vực đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Cách nào phạt nguội người đi xe máy?

Cách nào phạt nguội người đi xe máy?

Như VOVGT đã thông tin, tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông quý I/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực UBATGTQG đã đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô.

Người đi bộ bị “lãng quên” trong quy hoạch giao thông công cộng

Người đi bộ bị “lãng quên” trong quy hoạch giao thông công cộng

Ở một siêu đô thị đông đúc trên 9 triệu phương tiện xe cá nhân lưu thông như TP.HCM, việc chú trọng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là hết sức cần thiết.

Doanh nghiệp vay vốn xây nhà ở để bán, sao phải xin ý kiến Sở Xây dựng?

Doanh nghiệp vay vốn xây nhà ở để bán, sao phải xin ý kiến Sở Xây dựng?

Sau gần 9 năm triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014 và một số Nghị định cho thấy còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình thực thi. Trong khi đó, Chính phủ đang đề xuất cho phép Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, từ 1/7/2024.

Thủy cung trên cạn

Thủy cung trên cạn

Cây cầu vượt đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm của người dân khi được ví như “thủy cung trên cạn” với vẻ lung linh, rực rỡ của mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội trên vòm cầu, khi thành phố lên đèn.

Nguyên nhân khiến việc đấu thầu vàng không hiệu quả?

Nguyên nhân khiến việc đấu thầu vàng không hiệu quả?

Trong 4 phiên đấu thầu vàng gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì có đến 3 phiên bị hủy và 1 phiên “ế ẩm”. Trong bối cảnh thị trường vàng thiếu nguồn cung, vì sao các phiên đấu thầu vàng không thành công? Và liệu đây có phải là giải pháp khả thi?