Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Khoản thu đầu năm, quy định sao để nhà trường không lúng túng?

Kênh VOV Giao thông: Thứ sáu 06/10/2023, 08:57 (GMT+7)

Gần nửa tỉ đồng dự toán chi tiêu của Ban Phụ huynh một trường phổ thông tại Hà Nội; hàng trăm triệu đồng quỹ lớp chi sửa chữa phòng học tại TP.HCM; 16 khoản thu của một trường ở Hải Dương, với nhiều hạng mục lạ: ghế, cờ, tivi, loa đài, hỗ trợ cơ sở vật chất; quỹ hội phụ huynh, kỹ năng sống…

Điều gì đang xảy ra với khoản thu đầu năm ở các nhà trường? Đằng sau cái gọi là “quỹ phụ huynh”, “quỹ lớp”, có hay không sự lúng túng của các trường trong việc huy động thêm nguồn lực để phục vụ dạy và học, xuất phát từ mong muốn và cả sức ép từ nhiều bên?

Toạ đàm trên VOV Giao thông FM 91Mhz vovgiaothong.vn lúc 12h30', thứ Sáu (06/10/2023): “Đóng góp cho nhà trường, không được gây ra bất bình đẳng"

Với sự tham gia của các khách mời: ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới Giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) và ông Nguyễn Minh - Cố vấn giáo dục (Education Specialist) của MindX.

Đừng quên chia sẻ ý kiến trực tiếp của bạn về chủ đề này qua hotline 024.37.919191 và qua fanpage VOV Giao thông.


KHỔNG CHỈ LÀ GÁNH NẶNG

Bước vào năm học mới, gia đình chị T. T. Q, ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội phải vất vả xoay xở các khoản tiền đầu năm lên tới gần 12 triệu đồng cho 3 con học cấp 1 và cấp 2, bao gồm học phí, tiền học thêm, SGK, đồng phục, tiền nước, quỹ phụ huynh,…:

"Các chị em đang tranh cãi về việc không phải đóng quỹ phụ huynh. Chúng em là dân thường, không hiểu các khoản thu khoản nào là chính đáng. Đóng góp thì chúng em vẫn sẽ phải đóng góp, nhưng thu sao cho hợp lý. Về việc máy chiếu, không riêng gì em mà nhiều phụ huynh đều đóng cho con lúc cấp 1, xong rồi lên cấp 2 lại phải đóng tiền máy chiếu tiếp, cũng chưa được thông báo là tặng lại, cho đi hay như thế nào".

Phụ huynh “chóng mặt” vì các khoản thu đầu năm (Ảnh minh họa: Lao Động)

Phụ huynh “chóng mặt” vì các khoản thu đầu năm (Ảnh minh họa: Lao Động)

Cùng chung tâm trạng bức xúc là chị Đỗ Thị Hương ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Chị có 2 con đang học trường mầm non công lập, số tiền đóng đầu năm là khoảng 3,8 triệu đồng/cháu, trong đó, nhiều khoản mang danh “tự nguyện”:

"Khi bọn em đi họp thì có tiền nước, tiền quỹ phụ huynh bảo là tự nguyện, nhưng thực tế là hội trưởng hội phụ huynh bảo là 200.000 đồng/phụ huynh. Còn tiền xã hội hóa, nhà trường photo ra những khoản dự kiến làm để tu sửa trường, chia ra là 386.000 đồng/học sinh. Chúng em cũng ủng hộ nhà trường, nhưng nhà trường có kêu gọi thì nó ở mức độ nào đấy thôi".

Theo quy định, ngoài học phí, các khoản nhà trường được thu của học sinh trong năm học 2023-2024 gồm: BHYT; tiền dạy thêm, học thêm do thỏa thuận, quy định tại Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT; kinh phí cho đồng phục theo Thông tư 26 năm 2009; vận động và tiếp nhận tài trợ theo Thông tư 16 năm 2018.

Trong khi tại nhiều nơi, phụ huynh “chóng mặt” vì các khoản thu đầu năm thì tại một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, do nguồn lực đầu tư hạn chế, khó vận động và tiếp nhận tài trợ nên không đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.

Tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ông Đinh Trọng Đoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thạch Lương, cho biết:

"Cơ bản phải đợi nguồn lực nhà nước thôi, vì xã chúng tôi là xã ven thị, đời sống nhân dân gắn với cây lúa. Muốn thu gì phục vụ cho học sinh phải đợi Phòng GD&ĐT tham mưu UBND thị xã ban hành quyết định. Thực hiện Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT thì đưa ra bàn bạc, định mua sắm cái gì thì phụ huynh phải đồng thuận cao. Nhưng thực ra ở trên này để được một hai đơn vị ủng hộ, tài trợ là rất khó".

Còn tại quận Long Biên, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Kết cho biết, nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất do được UBND quận quan tâm đầu tư. Với các khoản thu đầu năm, nếu thực hiện thu theo đúng quy định, công khai và giải đáp rõ ràng thì sẽ tránh được những bức xúc không đáng có:

"Trước hết là phải thực hiện theo đúng các văn bản chỉ đạo. Thứ hai, trước khi triển khai thu, mình triển khai đúng theo quy trình 8 bước, từ họp ban giám hiệu đến cha mẹ học sinh để xin ý kiến. Tất cả khoản thu chuyển thành phiếu, trao đổi với cha mẹ học sinh và giải quyết tất cả thắc mắc. Mình giải đáp rõ ràng, theo văn bản nào, nội dung nào, kế hoạch nào, phụ huynh hiểu thì sẽ đồng thuận và không có ý kiến".

Việc đóng góp của phụ huynh, của các cá nhân - các nhà hảo tâm, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện (Ảnh minh họa: Giáo dục)

Việc đóng góp của phụ huynh, của các cá nhân - các nhà hảo tâm, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện (Ảnh minh họa: Giáo dục)

CÁC KHOẢN THU NGOÀI HỌC PHÍ PHẢI HOÀN TOÀN TỰ NGUYỆN

Đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng và cần thiết, song theo chuyên gia tâm lý giáo dục TS. Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện và chất lượng giáo dục đang thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể:

"Mấu chốt chính là chúng ta chưa có những thông tư hướng dẫn một cách đầy đủ, chi tiết nên các nhà trường tìm cách "lách luật" và giờ cần phải điều chỉnh. Chúng ta cần có những quy định mới cho các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục để làm sao đảm bảo chất lượng và sự bình đẳng trong giáo dục nhưng không gây ra bức xúc  dư luận xã hội như trong thời gian qua.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cần thêm nhiều phương pháp giáo dục, thêm nhiều cách tiếp cận với học sinh khác biệt hơn vì thế tôi nghĩ cần các Thông tư và quy định mới, văn bản mới để giúp cho nhà trường gỡ được các vướng mắc trong hoạt động".

Cùng với việc bổ sung các quy định về khoản thu trong nhà trường, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, việc đóng góp của phụ huynh, của các cá nhân - các nhà hảo tâm, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện:

"Điểm cốt yếu nhất chính là sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, phù hợp với điều kiện và khả năng đóng góp của phụ huynh. Đấy là điểm then chốt quyết định xem các khoản thu đó có thực sự tự nguyện hay không hay đằng sao đó là những áp lực khác đối với phụ huynh.

Xã hội hóa không đồng nghĩa với việc tất cả các khoản thu ngoài học phí đều đổ lên đầu phụ huynh học sinh. Điểm mà xã hội đang phản đối là các khoản thu ấy nó đang lớn hơn nhiều lần học phí và không đúng với nguyên tắc là các khoản thu ngoài học phí thì là tự nguyện".

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm Lý giáo dục Hà Nội  nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong tổ chức thực hiện huy động tài trợ cho các trường học trên địa bàn. TS Tùng Lâm cho rằng, điều này sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm thu đầu năm học:

"Căn cứ vào nhu cầu của các nhà trường mà Nhà nước chưa đáp ứng được thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đứng ra kêu gọi, huy động cho cả địa phương của mình sau đó phân phối lại cho các trường có nhu cầu cấp bách. Công khai, minh bạch việc kêu gọi đóng góp cho các nhà trường và huy động được nguồn lực thực sự từ những người hảo tâm".

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo cho rằng, nhiều người chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa tài trợ.

Do đó, cần có những thay đổi mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư cho giáo dục nhưng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, đồng thời phải thật khách quan, minh bạch trong sử dụng nguồn tài trợ:

"Đóng góp và chi tiêu phải rất minh bạch, phải đổi mới quản lý dựa trên cộng đồng giám sát. Tất cả các khoản chi tiêu mua sắm đều phải gắn với trách nhiệm giải trình. Ví dụ như khi mua rồi mà nó hỏng thì phải giải trình vì sao nó hỏng, trách nhiệm ở đâu. Khi huy động doanh nghiệp và các nhà tài trợ thì đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo quản lý phải giỏi".

Để ngăn chặn tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết

"Chúng tôi đang và sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ áp dụng mức học phí theo lộ trình phí dịch vụ để bù đắp, phù hợp chi phí. Bộ cũng kịp thời thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo việc thu chi đối với các Sở giáo dục. Tuy nhiên giải pháp trực tiếp là UBND cấp tỉnh cần quan tâm, đảm bảo chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục theo quy định, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về các khoản thu, thực hiện công khai, đầy đủ cam kết về chất lượng đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo quy định".

Ảnh minh họa: Công Luận

Ảnh minh họa: Công Luận

KHÔNG ĐƯỢC GÂY RA BẤT BÌNH ĐẲNG

Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh - Cố vấn giáo dục (Education Specialist) của MindX.

PV: Muốn tháo gỡ khúc mắc về các khoản thu trong nhà trường, theo anh, đâu là nguyên tắc cốt lõi nhất?

Ông Nguyễn Minh: Nguyên tắc quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là việc đảm bảo công bằng tương đối trong trường công lập. Các vụ việc gần đây gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội bởi các nhà tài trợ cho trường rơi vào các khoản tài trợ quá hình thức như ốp gạch, mua tủ kính, từ đó tạo ra bất bình đẳng dễ nhận thấy, trong khi trường công cần giữ nguyên tắc bình đẳng gần như tuyệt đối giữa các học sinh.

Chính vì thế nguyên tắc quan trọng là không gây ra những bất bình đẳng, đặc biệt là bất bình đẳng dễ nhận thấy bằng hình thức.

PV: Để tránh bất bình đẳng, theo anh cần có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định ra sao?

Ông Nguyễn Minh: Bây giờ phụ huynh rất có nhu cầu tài trợ cho con được gặp các chuyên gia hàng đầu trong một số mảng nghề nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho con, muốn tài trợ cho con đến thăm các bảo tàng ở xa Hà Nội chẳng hạn mà trong các hướng dẫn của Bộ Giáo dục chỉ hướng dẫn một số đầu mục tương đối cổ điển liên quan tới chương trình học chính thức, liên quan tới cơ sở vật chất nhà trường mà các quy định ấy chưa vươn tới được các chương trình và tinh thần giáo dục như văn nghệ, lưu trú ngoài nhà trường nên theo tôi các Thông tư đó chưa đầy đủ.

Thứ 2 để gây ít bất bình đẳng nhất có thể, thì các Thông tư này chưa có hướng dẫn cụ thể hay có các bộ tiêu chí để Nhà trường tự soi vào bộ tiêu chí xem rằng những việc này có thể gây ra bất bình đẳng, gây bức xúc xã hội hay không.

PV: Ngoài ra, còn cần những thay đổi gì để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng?

Ông Nguyễn Minh: Có 2 điểm mà chúng ta cần thay đổi: chúng ta cần nghĩ rằng phụ huynh có thể tham gia vào chương trình chính thức của nhà trường bằng hình thức nào bởi hiện nay chúng ta đều cho rằng phụ huynh tham gia với nhà trường là bằng tiền để mua sắm cái này, cái nọ nhưng thực ra trong các buổi hướng nghiệp, chính phụ huynh có thể đến trường để góp công sức của mình.

Chúng ta thấy rằng phụ huynh có nhiều nguồn lực khác ngoài nguồn lực tiền. Thông tư 32/2018 của Bộ Giáo dục đã chào mừng các tổ chức ngoài nhà trường đến trỗ trợ phát triển các chương trình giáo dục chính thức.

Thứ 2 là cùng với sự phát triển công nghệ thông tin chúng ta có thể xóa bỏ bất bình đẳng trong trường học bằng cách phụ huynh tài trợ các chương trình học riêng biệt cho lớp của con mình nhưng sau đó được thu hình lại, số hóa để phát video cho các lớp khác cùng thụ hưởng. Đây là cách để các cá nhân có điều kiện kinh tế có thể duy trì các chương trình tốt cho con nhưng vẫn đóng góp cho cộng đồng.

PV: Về phía nhà trường, theo anh sẽ đóng vai trò thế nào để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong các khoản thu chi?

Ông Nguyễn Minh: Ban giám hiệu là những người rất hiểu biết về giáo dục và hiểu về bình đẳng trong giáo dục nên sự tham gia của ban giám hiệu sẽ tạo ra một môi trường bình đẳng trong trường công. Khi chúng ta sử dụng đơn vị lớp thì rất dễ gây ra hiện tượng chủ quan nên vai trò khách quan, đa phương của Hội đồng nhà trường sẽ có những giải pháp hữu hiệu.

Chúng ta có thể có cơ chế để tạo ra một bộ phận chuyên trách để cân đối các khoản thu chi và quyết định các khoản thu nào chỉ mang tính hình thức và khoản thu nào thực chất, có thể đảm bảo bình đẳng trong toàn trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

Khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

Sáng 2/5, tại Ga Cao Xá, Tổng công ty Đường sắt VN và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vân quốc tế sau 83 ngày cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1.

Khi vạch sang đường 'húc' vào dải phân cách

Khi vạch sang đường "húc" vào dải phân cách

Trên đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), nếu sang đường ở nơi có vạch kẻ đường thì nhiều người dân sinh sống ở khu vực này phải trèo qua dải phân cách. Lý do là bởi, vạch sang đường "húc thẳng" vào dải phân cách giữa đường.

Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ

Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ

Trong tư tưởng và hành động của hầu hết cha mẹ đều có ý thức muốn bảo vệ con em mình, vậy nhưng, chiếc mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu được chấn thương cho trẻ khi sự cố không may xảy ra lại đang bị xem nhẹ.

Điện rác hướng giải quyết bền vững, bảo vệ môi trường

Điện rác hướng giải quyết bền vững, bảo vệ môi trường

Người dân ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vô cùng khổ sở vì mùi hôi và nước đen ngòm từ bãi rác rỉ ra ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

Nghĩa tình những chuyến xe chở nước ngọt miễn phí

Nghĩa tình những chuyến xe chở nước ngọt miễn phí

Vượt chặng đường dài trăm cây số, vào tận cùng con hẻm, mé sông... Các chuyến xe chở nước ngọt miễn phí cho bà con miền Tây vẫn đang ngày đêm ngược xuôi. Mạnh thường quân, nhà hảo tâm, bác tài xế... đã cùng viết lên những câu chuyện ý nghĩa về sự yêu thương và lòng trắc ẩn trong mùa hạn mặn!

Bảo tồn di tích, trách nhiệm không chỉ riêng ai

Bảo tồn di tích, trách nhiệm không chỉ riêng ai

Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều kế hoạch bảo tồn các di tích song trên thực tế kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Mất ATGT từ mua bán lấn chiếm trên quốc lộ

Mất ATGT từ mua bán lấn chiếm trên quốc lộ

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ… để dựng biển quảng cáo, bày bán, kinh doanh hàng hóa trên một số tuyến đường giao thông là câu chuyện không mới nhưng là căn bệnh khó chữa tại nhiều địa phương.