Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Hạ tầng trạm sạc điện được Luật hóa ra sao?

Nguyễn Yên: Thứ hai 07/10/2024, 14:20 (GMT+7)

Hiện nay, chúng ta đang thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho các trụ, trạm sạc điện và loại hình năng lượng cung cấp cho các phương tiện giao thông sử dụng hình thức này. Điều này đòi hỏi cần sớm có các chính sách phù hợp liên quan đến trạm sạc xe điện...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Luật Điện lực được Quốc hội ban hành năm 2004 và đã được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần. Sau gần 20 năm triển khai thi hành đến nay có nhiều  vấn đề mà Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được; do đó cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng với 06 chính sách lớn bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; và an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trình Quốc hội bao gồm 9 chương với 130 điều, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 04 điều, gộp 04 điều vào các điều khác và bổ sung 68 điều.

Liên quan tới những quy định cho trạm sạc điện, hiện trong Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã đề cập nội dung liên quan đến việc có chính sách về cơ chế giá điện phù hợp đối với khách hàng là trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và chủ trương của Nhà nước.

Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nước ta đang trong xu hướng chuyển đổi giao thông xanh, phát triển phương tiện giao thông chạy điện, đòi hỏi sớm phát triển hệ thống các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông. Do đó, trong các điều khoản của Luật Điện lực (sửa đổi) cần có thêm quy định về giấy phép hoạt động điện lực của trạm sạc điện; quy chuẩn tiêu chuẩn kiểm định, đo lường, an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với trạm sạc điện; làm rõ việc quy hoạch trạm sạc điện cho phương tiện giao thông thuộc quy hoạch giao thông hay quy hoạch phát triển điện lực.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024. Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 8, theo quy trình tại một kỳ họp.

Ảnh minh họa: Cần có các quy định về quy hoạch trạm sạc điện cho phương tiện giao thông trong quy hoạch phát triển điện lực (ảnh: vov.vn)

Ảnh minh họa: Cần có các quy định về quy hoạch trạm sạc điện cho phương tiện giao thông trong quy hoạch phát triển điện lực (ảnh: vov.vn)

TIẾN TỚI XÓA BÙ CHÉO GIÁ ĐIỆN

Trạm sạc điện là công trình điện lực và chịu sự điều tiết của pháp luật về điện lực. Theo quy định của Luật Điện lực hiện hành, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Vậy, trong lần sửa đổi này, các nội dung về trạm sạc điện cho phương tiện giao thông sẽ được xác định và đưa vào Luật ra sao? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng bà Phan Đỗ Thu Ngân, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương.

PV: Thưa bà, trước tiên xin bà cho biết những điểm mới nổi bật của Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)?

Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Dự án này hiện nay sửa đổi 68 điều, bao gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức BOT.

Quan trọng nhất là các chính sách về năng lượng tái tạo, năng lượng mới như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. Nội dung về cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần.

PV: Hiện nay, chúng ta đang trong xu hướng chuyển đổi giao thông xanh, phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện, cần có các trạm sạc điện. Vậy vấn đề này được quan tâm và đề cập ra sao trong Dự án Luật lần này?

Bà Phan Đỗ Thu Ngân, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương.

Bà Phan Đỗ Thu Ngân, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương.

Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xác định trạm sạc điện thuộc đối tượng nào.

Trong Luật Điện lực thì trạm sạc điện được xác định là khách hàng sử dụng điện cuối cùng, là nhóm khách hàng sử dụng điện, mua điện về sử dụng. Nó tương tự như các trạm xăng dầu, nếu như trạm xăng dầu tiếp nhiên liệu cho phương tiện truyền thống thì trạm sạc điện tiếp nhiên liệu cho phương tiện giao thông xanh sử dụng điện.

Vì là khách hàng sử dụng điện nên trong dự án Luật Điện lực có các quy định về khách hàng sử dụng cuối cùng và không phân biệt nhiều giữa các loại hình khách hàng. Ở góc độ của Bộ Công thương sẽ liên quan tới việc xây dựng cơ chế phù hợp, trong đó có cơ chế về giá điện để phục vụ phương tiện giao thông và góp phần chung và chủ trương phát triển giao thông xanh.

PV: Vậy, các quy định liên quan tới trạm sạc điện cho phương tiện giao thông trong Dự án Luật này, khi được thông qua, theo bà sẽ có những ý nghĩa ra sao?

Bà Phan Đỗ Thu Ngân: Trong xu hướng chuyển dịch và hướng tới mục tiêu phát triển xanh thì trong lĩnh vực điện lực là khâu cuối cùng, nghĩa là được mua điện để sử dụng. Đây cũng là một hình thức chuyển dịch, khi chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông xanh sẽ giảm tác động tới môi trường.

Các trạm, trụ sạc điện sẽ nhằm cung cấp cho các phương tiện sử dụng điện nên việc phát triển hệ thống trạm, trụ sạc điện là tương ứng với nhu cầu phát triển chung. Lĩnh vực điện lực cũng góp phần vào xu hướng phát triển chung đó, sẽ góp phần giảm thiểu những phát thải ra môi trường.

PV: Cảm ơn bà!

CẦN CƠ CHẾ THU HÚT ĐẦU TƯ

Luật Điện lực (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ bổ sung, làm rõ một số quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trạm sạc điện cho phương tiện giao thông. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng TS. Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh những đóng góp cho Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) về nội dung này.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện trong Luật Điện lực (sửa đổi)?

TS Trịnh Thị Tú Anh: Phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện là một yêu cầu cấp thiết. Đây là vấn đề chiến lược liên quan tới nhiều lĩnh vực. Trong đó, tôi thấy trạm sạc điện là một phần không thể thiếu của hệ thống điện.

Việc xây dựng và vận hành hệ thống trạm sạc điện sẽ tạo ra một nhu cầu tiêu thụ điện năng mới nên đặt ra các yêu cầu về công suất, về ổn định điện lưới và quản lý tải. Do đó, quy hoạch trạm sạc điện cần được xem xét toàn diện trong quy hoạch phát triển điện lực.

Thứ 2 là quy hoạch phát triển trạm sạc ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển điện lực, việc bố trí các trạm sạc không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà còn liên quan đến hạ tầng lưới điện hiện có, khả năng cung cấp điện của các trạm biến áp; vì vậy quy hoạch trạm sạc điện cần đồng bộ với quy hoạch phát triển lưới điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định và hiệu quả cho các trạm sạc.

PV: Vậy, bà có đóng góp gì với việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch trạm sạc xe điện tại Việt Nam?

TS Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

TS Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

TS Trịnh Thị Tú Anh: Tôi kiến nghị xem xét đưa quy hoạch trạm sạc điện vào quy hoạch phát triển điện lực để đảm bảo sự thống nhất và liên kết giữa hai quy hoạch.

Thứ 2 là cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về các trạm sạc điện giúp các cơ quan quản lý nắm bắt được những thông tin về vị trí, số lượng, công suất của các trạm sạc để từ đó có các quyết sách để quản lý hiệu quả.

Thứ 3 là cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về trạm sạc điện tạo điều kiện cho việc kết nối và tương thích giữa các loại xe điện và trạm sạc. Cần có cơ chế khuyến khích vào các trạm sạc điện, thu hút đầu tư xây dựng và vận hành các trạm sạc. 

PV: Với các tiêu chí đó thì trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các quy định về trạm sạc điện ra sao, thưa bà?

TS Trịnh Thị Tú Anh: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cần có các quy định chi tiết và cụ thể về trạm sạc điện, cần định nghĩa và phân loại trạm sạc điện, bao gồm các loại hình trạm sạc như công cộng, tư nhân; trạm sạc nhanh, sạc chậm và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan; cần quy định về quy hoạch và xây dựng các trạm sạc điện về vị trí, mật độ, về quy trình cấp phép cũng cần được đưa vào Luật này; phải có quy định về trạm sạc điện vào lưới điện, đề nghị cần có các quy định về điều kiện kỹ thuật, thủ tục kết nối ra sao, giá điện bán như thế nào; cần bổ sung phương án vận hành các trạm sạc và trách nhiệm của chủ sở hữu; về vận hành, bảo trì và quy trình thanh toán.

Trong Luật không thể quá chi tiết các vấn đề cụ thể vừa nêu nhưng vấn đề về nguyên tắc thì cần phải có và sau đó quy định cụ thể hơn ở văn bản dưới Luật.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Hiệp hội Nhà sản xuất ôtô Việt Nam dự báo đến năm 2028, nước ta sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Điều này cho thấy nhu cầu trạm sạc đang ngày càng cấp thiết, đòi hỏi cần sớm Luật hóa các tiêu chuẩn và quy định cụ thể để phát triển hệ thống này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) do Bộ Công thương soạn thảo với nội dung về trụ, trạm sạc điện cho phương tiện giao thông?

Theo bạn, các quy định về nội dung này sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc điện ra sao? Từ đó, hỗ trợ việc sử dụng xe điện, thúc đẩy giao thông xanh như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Sspotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.