Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thị thành ký

“Điểm đen” Vành đai 2: Mong từng ngày có cầu vượt

Chu Đức: Thứ ba 24/09/2024, 10:10 (GMT+7)

Như VOV Giao thông đã đưa tin, trên tuyến vành đai 2 dưới thấp đoạn qua khu vực nút giao quay đầu gần Ngõ Hòa Bình 7, Ngõ Gốc Đề, phố Minh Khai, đã xuất hiện “điểm đen” tai nạn chết người, đặc biệt với người đi bộ băng cắt ngang sang đường.

Việc Sở GTVT Hà Nội đề xuất làm 29 cầu vượt bộ hành, trong đó có cầu vượt gần vị trí này, là động thái hết sức cấp thiết. 

Hàng ngày, bà Bùi Thị Hằng, ở số nhà 200 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thường xuyên di chuyển trên tuyến phố này để đưa các cháu đi học. Theo bà Hằng, trải nghiệm sang đường giữa 10 làn xe hai chiều trên vành đai 2 rất mạo hiểm.

Mặc dù là “thổ đia” trong khu vực, nắm bắt rõ quy luật xe cộ, giờ cao điểm, nhưng trong một lần qua đường, bà Hằng vẫn bị tai nạn, thương nặng sau khi xe máy húc trúng: “Nó đi sát vỉa hè. Tôi đi đến đấy, nó mới lao vào người tôi. Người đi xe máy văng lên dải đất giữa dải phân cách, nằm trên đấy. Tôi bị xước xát hết chân tay, đi về phải chống gậy.

May là tôi không bị gãy chân, gãy tay, ngực nằm xuống đường, phải nhờ người đỡ mới gượng dậy được. Tai nạn ngay ở khu vực này”.

Người đi bộ len lỏi giữa các làn xe khi sang đường ở những điểm không có vạch kẻ đường riêng

Người đi bộ len lỏi giữa các làn xe khi sang đường ở những điểm không có vạch kẻ đường riêng

Tỉ lệ tai nạn tại đây cao tới mức chính quyền sở tại phải căng cảnh báo dã chiến “Nguy hiểm cho người đi bộ sang đường”. Thực trạng nút giao có quá nhiều hướng xe đi theo kiểu “cài răng lược”. Ngõ Chùa Hưng Ký, Ngõ Gốc Đề, Ngõ Hòa Bình 7 cùng với hai hướng trục chính tạo thành 5 hướng xe tập trung vào nút quay đầu xe nằm ở giữa.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng hệ thống giảm tốc, vạch kẻ đường cho người đi bộ khiến người dân hai bên đi bộ tùy tiện, xe máy xe đạp cũng xiên cắt, đi ngược chiều, tạo thành bức tranh giao thông hỗn loạn tại đây. Không ít vụ tai nạn chết người liên quan bộ hành sang đường đã xảy ra.

Một trong những cách sang đường để hạn chế rủi ro được bà Vũ Thị Hà, cư dân phố Minh Khai, áp dụng là nhờ người dắt đi, và để ý nhịp đèn tín hiệu cách đó hơn 1 cây số:

“Mình phải chờ lúc nào xe cộ lưu lượng giảm đi, mới sang mà từ từ thôi. Mất gì nhanh mấy phút mà chậm cả đời, mình không cần vội. Nếu nhà nước tạo điều kiện làm được cái cầu vượt thì tốt quá. Tham khảo ý kiến người dân là một phần thôi, còn các nhà chuyên môn họ trong đầu hết rồi, quyết định là ở lãnh đạo hết mà”.

Tại vành đai 3 dưới thấp đường Minh Khai, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, buộc chính quyền sở tại phải đặt biển cảnh báo.

Tại vành đai 3 dưới thấp đường Minh Khai, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, buộc chính quyền sở tại phải đặt biển cảnh báo.

Được biết, UBND phường Minh Khai cùng với Ban ATGT quận Hai Bà Trưng đã nắm bắt được tình hình mất an toàn giao thông tại khu vực nút giao quay đầu ngõ Hòa Bình 7-Ngõ Gốc Đề. Một loạt đề xuất đã được gửi lên thành phố, như: Đóng điểm quay đầu, lập hàng rào phân cách giữa để ngăn người đi bộ sang đường trái quy định.

Đến đầu tháng 9/2024, Sở GTVT Hà Nội đã công bố đề xuất xây thêm 29 cầu vượt bộ hành trên toàn thành phố, trong đó có 2 vị trí ở vành đai 2. Điểm dự kiến xây cầu gần ngõ 252 Minh Khai, nơi có trường tiểu học Quỳnh Lôi.

Bà Bùi Thị Hằng, số nhà 200 phố Minh Khai, từng bị tai nạn xe máy đâm khi băng qua đường đoạn giao cắt quay đầu gần ngõ Hòa Bình 7.

Bà Bùi Thị Hằng, số nhà 200 phố Minh Khai, từng bị tai nạn xe máy đâm khi băng qua đường đoạn giao cắt quay đầu gần ngõ Hòa Bình 7.

Anh Lê Anh, một người thường xuyên đi xe buýt qua khu vực cho rằng, việc xây cầu vượt là cần thiết, do đã có hiệu quả thực tế từ đường vành đai 3 dưới thấp khu vực Phạm Văn Đồng. Theo anh Lê Anh, những tuyến đường to, đẹp, nhiều làn xe, phương tiện cơ giới thường di chuyển thuận lợi, tốc độ nhanh. Vì vậy, yêu cầu về hạ tầng đảm bảo an toàn cho người đi bộ và phương tiện phi cơ giới cần được chú trọng, đảm bảo an toàn cho nhu cầu đi lại cao của cộng đồng cư dân hai bên đường:

“Nếu có cầu bộ hành thì rất tốt. Ví dụ đường Phạm Văn Đồng ở siêu thị Metro, người ta cũng làm cầu đi bộ bên dưới đường trên cao vành đai 3. Cầu ở đó rất to, rộng, thiết thực, an toàn. Không biết tiến độ làm thế nào, có ảnh hưởng tới lưu lượng người đi đường không vì tuyến này rất đông. Tôi nghĩ nên làm nhanh, còn làm lâu quá thì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác”.

Anh Lê Anh mong khu vực này sớm có giải pháp sang đường an toàn cho người đi bộ, ví dụ như cầu vượt bộ hành. Sở GTVT Hà Nội cũng đã dự kiến xây cầu gần vượt ngõ 252 Minh Khai.

Anh Lê Anh mong khu vực này sớm có giải pháp sang đường an toàn cho người đi bộ, ví dụ như cầu vượt bộ hành. Sở GTVT Hà Nội cũng đã dự kiến xây cầu gần vượt ngõ 252 Minh Khai.

Theo đánh giả của Sở GTVT Hà Nội, có những vị trí cầu vượt bộ hành đã phát huy hiệu quả trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đặc biệt là các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai.

Một số chuyên gia giao thông nhận định, có những cầu vượt bộ hành chưa phát huy tác dụng do cầu vượt được đặt vị trí chưa hợp lý, ý thức người đi bộ chưa cao, các chế tài người đi bộ sai quy định chưa đủ răn đe, các lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, chưa xử phạt nhiều.

Tình trạng nơi thừa thãi, “ế khách”, nơi thì thiếu thốn, người dân mong ngóng từng ngày cũng đặt ra bài toàn khảo sát, triển khai xây dựng cầu vượt bộ hành tại Hà Nội cần chuẩn bị chu đáo và sát thực tế hơn nữa.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn