Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cách nào giám sát đăng kiểm xe sau tai nạn?

Quách Đồng: Thứ năm 30/03/2023, 15:53 (GMT+7)

Về lý thuyết, dù xe còn hạn đăng kiểm, nhưng khi bị tai nạn, sau khi khắc phục, sửa chữa sẽ phải đăng kiểm lại. Tuy vậy, cơ sở đăng kiểm cũng chỉ thực hiện khi xe đến hạn đăng kiểm, trong khi các cơ sở dữ liệu khác không thể giám sát được điều này.

 

Dẫn quy định tại Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT về đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, anh Nguyễn Xuân Vinh, ở Hoài Đức, Hà Nội rất băn khoăn khi quy định đăng kiểm xe sau tai nạn khá mập mờ, không có cơ chế giám sát. Bởi dù có quy định “Tem kiểm định sẽ hết hiệu lực khi xe cơ giới bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định”, song nếu chủ xe không tự giác đăng kiểm lại, cũng rất khó kiểm soát:

"Có những xe bị tai nạn, chỉ bị hư hỏng phần thân vỏ, nhưng không ảnh hưởng đến phấn sát-xi với cả phần lái thì không ảnh hưởng lắm, nhưng xe bị tai nạn nặng đến mức bị cắt khung thì theo đúng quy chế vẫn phải kiểm định lại có đạt được mức chuẩn không, nhưng Việt Nam vẫn chưa có quy định đấy", anh Vinh cho biết.

Từ thực tế công tác kiểm định phương tiện, ông Phan Văn Chính, Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm 33-01S cũng cho biết, cũng có một số trường hợp phương tiện bị tai nạn, nứt, vỡ kính, hư hỏng tem đăng kiểm thì chủ xe chủ động đưa phương tiện đi đăng kiểm. Còn với trường hợp xe bị tai nạn, hầu như không có trường hợp nào đến đăng kiểm sau khi khắc phục, sửa chữa:

"Bên em vẫn chưa có trường hợp nào xe bị tai nạn nhưng vẫn còn hạn người ta đến đăng kiểm cả. Có một số xe người ta khắc phục rất lâu rồi, hết hạn đăng kiểm thì mới đến kiểm định lại. Những trường hợp đó người ta sẽ bảo đi khắc phục, sửa chữa và cũng nhờ thêm đăng kiểm kiểm tra kỹ hơn về an toàn kỹ thuật của xe đó", ông Chính nói.

Tại Trung tâm đăng kiểm 3301S, không có xe nào bị tai nạn đến đăng kiểm lại

Tại Trung tâm đăng kiểm 3301S, không có xe nào bị tai nạn đến đăng kiểm lại

TS Trương Thiết Lập, bộ môn ô tô, Trường Đại học GTVT cho rằng, với những hư hỏng liên quan đến tai nạn, khi xử lý phụ thuộc vào điều kiện từng cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng. Nếu không đủ trang thiết bị sẽ khó đảm bảo an toàn: "Trường hợp lớn thì cũng phải nghiên cứu, có thể phải kiểm tra lại, ví dụ những sự thay thế tổng thành lớn thì phải có đơn vị chức năng kiểm tra lại để xem thử có đạt yêu cầu hay không".

TS Chu Mạnh Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT – người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật Giao thông đường bộ và một số văn bản hướng dẫn quy trình đăng kiểm cũng cho rằng, thông thường, các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện sẽ khắc phục tối đa các hư hỏng, song việc có đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để lưu thông hay không thì chỉ khi đăng kiểm hoặc dịch vụ kỹ thuật mới có thể phát hiện. Tuy vậy, việc giám sát thực hiện đăng kiểm phương tiện sau tai nạn vẫn còn là khoảng trống:

"Phải thừa nhận là khi soạn thảo văn bản thì điều đấy nó là một khoảng trống. Trong quy định hiện hành về đăng kiểm có quy định giữa 2 kỳ đăng kiểm, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm. Như vậy, chủ phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm giữa 2 kỳ kiểm định đấy. Hiện nay nó là như thế", TS Chu Mạnh Hùng cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, ở góc độ người tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn Mạnh, một tài xế xe kinh doanh vận tải cho rằng, lực lượng thực thi pháp luật như CSGT là một trong những bên có vai trò quan trọng để giám sát việc thực hiện đăng kiểm lại khi phương tiện bị tai nạn:

"Có những xe vừa mới ra nhưng gây tai nạn, xong họ sửa chữa xong có khi không đủ đảm bảo an toàn, họ vẫn cứ vận hành ra đường thì đấy là những nguy cơ lại gây ra tai nạn tiếp theo. Nên những xe sau tai nạn, giải quyết ở cơ quan công an, trước khi trả giấy tờ cho chủ xe thì phải yêu cầu đi đăng kiểm, dù thời hạn đăng kiểm chưa đến".

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho rằng, để giám sát việc đăng kiểm phương tiện sau tai nạn, ngoài ý thức tự giác của chủ phương tiện, rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, từ CSGT, bảo hiểm, y tế…: "Ý thức của chủ xe là quan trọng nhất để thực thi pháp luật. Ngoài ra, bảo hiểm chẳng hạn, đánh giá ở mức độ nào thì sẽ phải đăng kiểm lại, hoặc CSGT chẳng hạn, ghi nhận vụ TNGT thì phải báo cáo". 

Quy định đăng kiểm lại phương tiện sau tai nạn, dù đã có nhưng khá mơ hồ (Ảnh minh họa)

Quy định đăng kiểm lại phương tiện sau tai nạn, dù đã có nhưng khá mơ hồ (Ảnh minh họa)

Đến thời điểm này, quy định đăng kiểm lại phương tiện sau tai nạn, dù đã có nhưng khá mơ hồ, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không ai giám sát. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông, ngoài ý thức tự giác của chủ xe, rất cần sự liên kết dữ liệu từ các cơ quan quản lý, từ CSGT, bảo hiểm… để quy định được thực thi, vì sự an toàn của cộng đồng, chứ không phải đặt ra quy định cho có.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: "Đừng quy định cho có".

Về lý thuyết, việc đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn đã được quy định tại Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cụ thể, tại điểm d, khoản 7, Điều 9 Thông tư này đã quy định: “Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định hết hiệu lực khi xe cơ giới bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định”.

Ngoài ra, chủ phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.

Quy định là vậy, song Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2023) cũng không hề có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị thực thi, từ Cục Đăng kiểm VN đến các trung tâm đăng kiểm. Ghi nhận tại một số trung tâm đăng kiểm cũng cho thấy, không có quy định bắt buộc và cũng không có biện pháp nào giám sát chủ xe phải đăng kiểm lại sau khi phương tiện bị tai nạn, đã được khắc phục, sửa chữa và cũng không có trường hợp nào đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn, nếu tem kiểm định không bị hư hại, có nguy cơ vi phạm TTATGT và bị lực lượng chức năng xử phạt.

Điều đó cho thấy, quy định về đăng kiểm lại phương tiện sau khi bị tai nạn đang bị bỏ trống, hoặc chỉ quy định cho có.

Để khắc phục tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, cần có sự chia sẻ, liên kết dữ liệu từ những lực lượng có liên quan, như CSGT, bảo hiểm. Một vụ TNGT bất kỳ, nếu chủ xe tham gia bảo hiểm bắt buộc (hoặc tự nguyện), thông thường sẽ được chủ xe thông báo đến bảo hiểm đề xác định thiệt hại, làm cơ sở để bồi thường. Đó là cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ để xác định phương tiện từng bị tai nạn.

Với trường hợp chủ phương tiện không tham gia bảo hiểm tự nguyện, không làm thủ tục bồi thường, cũng không hẳn không có dữ liệu. Với những vụ việc hư hại nhẹ, chỉ hư hỏng phần thân vỏ của phương tiện, không ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện khi vận hành, cũng không nhất thiết phải thực hiện đăng kiểm lại. Với những vụ việc gây thiệt hại năng về người và tài sản, thông thường sẽ được thông báo đến lực lượng CSGT để giải quyết.

Nếu những cơ sở dữ liệu của lực lượng CSGT, bảo hiểm được liên kết, chia sẻ, không khó để yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm lại trước khi lưu thông.

Một vấn đề nữa sẽ nảy sinh, đó là phương tiện hư hỏng mức độ nào thì bắt buộc chủ chủ xe phải đăng kiểm lại sau khi bị tai nạn? Giải quyết câu hỏi này không khó, bởi chắc chắn doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có đánh giá chi tiết mức độ thiệt hại của phương tiện trước khi bồi thường. Đây nên được xem là một trong những cơ sở để cơ quan chức năng xác định phương tiện nào phải đăng kiểm lại sau khi bị tai nạn.

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm VN cũng cần nghiên cứu, ban hành hướng dẫn chi tiết những hư hỏng sau tai nạn, trường hợp nào cần thực hiện đăng kiểm lại, để từ đó có cơ sở thực thi. Dữ liệu phương tiện đăng kiểm lại cần được chia sẻ trên hệ thống liên thông, không chỉ các trung tâm đăng kiểm thực hiện, mà còn để lực lượng chức năng cùng khai thác, vì mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý.

Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng cần được coi là chốt chặn, chỉ trả lại giấy tờ khi phương tiện thực hiện kiểm định lại. Đây không phải một rào cản, hay một sự khó dễ cho chủ xe, doanh nghiệp, mà cần được xem là trách nhiệm với cộng đồng./.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.