Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Singapore thử nghiệm hệ thống ưu tiên xe cấp cứu

Huy Văn: Thứ năm 25/07/2024, 12:07 (GMT+7)

Xe cấp cứu có quyền ưu tiên khi đang trên đường làm nhiệm vụ. Tuy vậy, con đường tới chỗ bệnh nhân và đưa họ tới bệnh viện không phải lúc nào cũng dễ dàng. Do đó, mới đây đảo quốc Singapore thử nghiệm hệ thống ưu tiên giao thông cho xe cấp cứu nhằm giảm thời gian di chuyển của phương tiện này.

Ngày 4/7 vừa qua, Lực lượng phòng vệ dân sự Singapore (SCDF) giới thiệu hệ thống ưu tiên giao thông dành riêng cho xe cấp cứu, với mục đích giảm thời gian di chuyển cũng như áp lực cho loại xe này cũng như các nhân viên cấp cứu.

Theo đó, mỗi một chiếc xe cấp cứu tại Singapore sẽ được gắn thêm một bộ phát tín hiệu. Khi xe cấp cứu tới gần một ngã tư có đèn giao thông, với khoảng cách khoảng 200 mét, bộ phát sẽ truyền tín hiệu tới đèn giao thông tại ngã tư đó, sau đó bật đèn xanh để xe cấp cứu có thể di chuyển liên tục mà không bị gián đoạn.

Để đảm bảo an toàn giao thông, các đèn giao thông sẽ không lập tức chuyển ngay sang đèn xanh mà đếm ngược vài giây trước chuyển đèn để các phương tiện khác kịp thời phản ứng.

Hệ thống ưu tiên giao thông dành riêng cho xe cấp cứu tại Singapore nhằm mục đích giảm thời gian di chuyển cũng như áp lực cho loại xe này. Ảnh: Strait Times

Hệ thống ưu tiên giao thông dành riêng cho xe cấp cứu tại Singapore nhằm mục đích giảm thời gian di chuyển cũng như áp lực cho loại xe này. Ảnh: Strait Times

Quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống này có thể rút ngắn thời gian xe cấp cứu đi từ địa điểm của bệnh nhân tới bệnh viện và ngược lại khoảng 30 – 100 giây. Thời gian lhông nhiều, nhưng là cần thiết với xe cấp cứu bởi trong các trường hợp khẩn cấp, một vài phút như vậy cũng là rất quý báu, bởi chúng có thể quyết định sinh tử của một người.

Một điểm đặc biệt là hệ thống này sẽ chỉ được lắp đặt tại các giao lộ gần bệnh viện, thay vì toàn thành phố. Khi được chính thức áp dụng từ ngày 15/7, sẽ chỉ có 1 bệnh viện với 4 điểm giao thông quanh đó được áp dụng hệ thống ưu tiên giao thông. Lộ trình đưa ra sẽ bổ sung thêm 3 bệnh viện khác vào quý II/2025; tới quý IV/2025 sẽ bổ sung nốt cho 5 bệnh viện còn lại.

Trả lời tờ Strait Times, thiếu tá Matthew Goh của SCDF cho biết: “Thực lòng chúng tôi muốn lắp đặt hệ thống này trên toàn thành phố, nhưng điều đó là không thể. Chúng tôi cần biết cân bằng trong việc tăng tốc giao thông cho các phương tiện ưu tiên nhưng không để xảy ra tắc nghẽn”.

Ông Darren Ang, người đứng đầu trung Quản lý phòng vệ dân sự Singapore cho biết, sở dĩ quá trình lắp đặt sẽ kéo dài cho tới cuối năm 2025 là bởi một số thách thức mà dự án này đang gặp phải, trong đó có việc hệ thống có thể bị nhiễu sóng do các đường tàu MRT gần đó, hoặc do cây cối trên đường chắn sóng tín hiệu. Vì vậy, các điểm lắp đặt bộ cảm biến cho hệ thống cần được nghiên cứu kỹ và thử nghiệm nhiều lần trước khi chính thức đưa vào sử dụng.

Trong tương lai, hệ thống ưu tiên giao thông được kỳ vọng sẽ áp dụng cho cả xe cứu hoả để giảm thời gian loại xe này di chuyển tới các hiện trường cháy, sự cố v.v…

Tuy vậy, nhiều người cho rằng, hệ thống này sẽ không có nhiều tác dụng khi gặp phải trường hợp ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Theo ông Marcus Ong, giáo sư thuộc khoa cấp cứu, bệnh viện đa khoa Singapore chia sẻ quan điểm:

“Chúng ta vẫn cần tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của việc nhường đường cho xe cứu thương. Tôi đã sống và làm việc ở Mỹ 2 năm. Tại đó, khi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương, tất cả các phương tiện đều tự động dạt sang 2 bên nhường đường, kể cả lúc đó đang tắc đường. Còn ở Singapore, tôi hiếm khi thấy mọi người làm vậy”.

Hệ thống ưu tiên giao thông được phát triển và áp dụng trong bối cảnh số lượng cuộc gọi khẩn cấp tới SCDF đang ngày một tăng cao. Thống kê cho thấy số lượng cuộc gọi khẩn cấp tại Singapore đã tăng đột biến kể sau sau đại dịch COVID-19. Vào năm ngoái, Singapore ghi nhận gần 250.000 cuộc gọi khẩn cấp, tăng 30% so với năm 2019, trung bình có khoảng 670 cuộc gọi mỗi ngày.

Vào năm ngoái, Singapore ghi nhận gần 250.000 cuộc gọi khẩn cấp, tăng 30% so với năm 2019, trung bình có khoảng 670 cuộc gọi mỗi ngày. Ảnh: CNA

Vào năm ngoái, Singapore ghi nhận gần 250.000 cuộc gọi khẩn cấp, tăng 30% so với năm 2019, trung bình có khoảng 670 cuộc gọi mỗi ngày. Ảnh: CNA

Số lượng cuộc gọi khẩn cấp tăng đột biến đã tạo ra áp lực không nhỏ với đội ngũ cứu hộ. Chỉ riêng việc tiếp nhận cuộc gọi hỗ trợ về y tế, lực lượng đã phải phân loại ra thành 4 loại tuỳ theo mức độ nghiêm trọng, từ đó có thể phân bổ nguồn lực cho hợp lý.

Ông Muhammad Faishal Ibrahim, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore chia sẻ: “Lực lượng phòng vệ của chúng tôi hiện nay đang chịu nhiều áp lực khi làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, số lượng cuộc gọi cần hỗ trợ khẩn cấp có khi lên tới 12 trường hợp mỗi ca làm việc. Không có trường hợp nào là đơn giản, tất cả đều đòi hỏi sự nhanh chóng, khẩn trương. Đội ngũ nhân viên cấp cứu, họ lúc nào cũng phải tập trung cao độ”.

Theo đài CNA, một thay đổi khác mới được công bố, đó là kể từ cuối tháng 7, các cuộc gọi khẩn cấp nếu được phân loại ở mức “ít nguy hiểm”, thời gian để xe cấp cứu, xe y tế tới hiện trường sẽ lên tới tối đa 20 phút, so với mức trung bình khoảng 12 phút như hiện nay. Theo cơ quan chức năng, sự thay đổi này là để nhằm linh hoạt hơn trong việc ưu tiên nguồn lực cho các trường hợp thực sự khẩn cấp như ngừng tim, đột quỵ v.v…

Nhường đường cho xe cứu thương nói riêng và xe ưu tiên nói chung là quy định vốn có ở hầu hết mọi quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ quy định này. Đã có vụ việc xe cấp cứu bất lực trên cao tốc vì không được nhường làn khẩn cấp, hoặc chôn chân tại ngã tư bởi xe phía trước nhất quyết bám làn... phản ánh một thực trạng bất cập về văn hóa giao thông.

Văn hóa giao thông được hình thành từ mỗi hành vi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Càng có nhiều người biết nhường nhịn, quan tâm đến những người lưu thông xung quanh, ý thức chung về giao thông sẽ được nâng cao. Do đó, hãy nhường đường khi có thể, không chỉ với xe ưu tiên.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn