Xung đột giao thông khi bố trí làn đường rẽ phải cho phương tiện

VOVGT- Việc cho phép các phương tiện rẽ phải giúp giải tỏa dòng phương tiện nhưng đây cũng là nguyên nhân tạo ra xung đột giao thông với các đối tượng ưu tiên

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tại các nút giao cắt, lái xe có thể rẽ phải khi có đèn đỏ nếu có biển báo hoặc đèn tín hiệu cho phép

Tại nhiều ngã ba, ngã tư hiện nay, cơ quan chức năng có bố trí đèn tín hiệu mũi tên màu xanh cho phép các phương tiện rẽ phải, vì vậy, người tham gia giao thông có thể di chuyển trật tự theo hướng điều tiết này. Ngược lại, tại các ngã rẽ không được đặt biển chỉ dẫn hay bố trí đèn tín hiệu như vậy thì việc rẽ phải khi có đèn đỏ sẽ vi phạm luật.

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Chỉ huy Giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu Giao thông, Phòng PC67, Công an thành phố Hà Nội cho biết, chỉ những tuyến đường đáp ứng được những điều kiện nhất định mới được phép tổ chức giao thông theo phương pháp nói trên: “Một trong những điều kiện để có thể tổ chức cho đèn đỏ rẽ phải là thứ nhất, các chiều đường phương tiện phải là phải có đủ chiều rộng cho một làn, để cho các phương tiện được rẽ phải trong khi các phương tiện khác đang dừng chờ. Thứ hai nữa là luồng đường rẽ phải đó, các phương tiện rẽ phải sẽ không làm ảnh hưởng đến các chiều đường lưu thông của các dòng phương tiện khác”

Trung tá Huỳnh Tấn Nam nói:

 

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia, bà Vũ Thị Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các Đô thị VN nêu thực tế: “Ở nút giao thông có hai hình thức, một là làm thành một làn xe cho xe rẽ phải mà có đảo định hướng, giải phân cách cho người ta để biết ngay đấy được rẽ phải; hai là có đèn màu xanh để người ta biết.

Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không có ý thức về việc đấy. Cho nên đường đấy phải dành ra cho xe đi thì người ta vẫn đứng ùn lại.Cho nên tôi nghĩ phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để người ta biết, nhưng đồng thời phải nghiên cứu từng nút giao thông cho phù hợp.” Bà Vinh chia sẻ:

 

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng nảy sinh, đó là việc bố trí làn đường rẽ phải như vậy cũng tạo ra xung đột với các dòng lưu thông được ưu tiên khi đèn xanh, đặc biệt là người đi bộ. Phóng viên Kênh VOV Giao thông quốc gia đã phỏng về KTS Đinh Đăng Hải, Hội KTS HN về vấn đề này:

 

PV: Thưa KTS, ông có đánh giá như thế nào về xung đột giao thông xảy ra liên quan đến việc bố trí làn đường rẽ ở đô thị hiện nay?

KTS Đinh Đăng Hải: Việc mất an toàn với người đi bộ thì thường xuyên xảy ra tại các nút giao trong hệ thống giao thông. Ví dụ ngã tư, ngã 3 khi người đi bộ tiếp xúc với giao thông cơ giới thì đó là lúc mất an toàn nhất, tức là khi họ qua đường. Tôi có thể lấy ví dụ như việc thiết kế đèn xanh đèn đỏ cũng làm ảnh hưởng đến an toàn rất nhiều. Ví dụ như HN và TPHCM, rất nhiều ngã tư có thể thấy, khi đèn đỏ thì xe máy, ô tô vẫn được phép rẽ phải, vô tình không có đèn xanh nào cho người đi bộ đi, rất mất an toàn cho người đi bộ.

PV: Vậy theo KTS, cơ quan quản lý, điều hành giao thông cần có sự bố trí, tổ chức như thế nào để đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan?

KTS Đinh Đăng Hải: Theo tôi, vấn đề an toàn khi đến điểm nút giao qua đường thì cũng cần đặc biệt chú ý đến các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, khuyết tật. Những đối tượng này càng cần được quan tâm hơn nữa bởi họ là những đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra bản thân đặt thời gian đèn xanh qua một nút giao cũng phải rất chú ý đến tốc độ di chuyển của những đối tượng yếu thế này. Chỉ cần những chi tiết rất nhỏ hơn nhưng chúng ta có thể quan tâm hơn nữa để cải thiện an toàn và khuyến khích người đi bộ nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của KTS với chương trình.

Chính ý thức của người tham gia giao thông đã gây nên những xung đột đối với đối tượng được ưu tiên

TS Phan Lê Bình, chuyên gia của Jica Nhật Bản, giảng viên chương trình Kỹ thuật hạ tầng, Trường ĐH Việt Nhật thì cho rằng, việc bố trí rẽ phải là hợp lý và cơ quan chức năng đã lắp đặt bảng chỉ dẫn nêu rõ các phương tiện chú ý nhường đường cho người đi bộ. Bất cập ở đây chính là người tham gia giao thông không tuân theo những biển báo chỉ dẫn đó. Do đó vấn đề quan trọng nhất là phải thực hiện các giải pháp tuyên truyền và xử phạt cụ thể để tạo dựng ý thức nhường đường cho người đi bộ trong nhân dân.

TS Phan Lê Bình nhấn mạnh: “Ngày nay người ta chưa tuân theo, nếu ta có hướng dẫn, có hoạt động cưỡng chễ thực sự bắt các phương tiện phải dừng khi có người đi bộ qua đường. Một tuần, 1 tháng, 1 -2 năm thì người ta dần dần ăn vào đầu là người đi bộ có quyền ưu tiên cao hơn. Khi đó người ta sẽ dừng chờ người đi bộ đi qua, sau đó mới rẽ phải. Tôi cho rằng hôm nay chúng ta không làm thì ngày mai cũng không thể làm, cho nên hãy bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu tạo cho người dân đi xe có ý thức lại là người đi bộ có quyền ưu tiên cao hơn.”

TS Phan Lê Bình nói:

 

Để tạo dựng ý thức ưu tiên cho người đi bộ, giảm xung đột giao thông tại các ngã ba, ngã tư, vấn đề quan trọng là phải thực hiện chế tài cưỡng chế nghiêm khắc để bắt buộc mọi người dân tuân theo. Về phía người tham gia giao thông, khi đến các ngã ba, ngã tư, mỗi người cần tự nêu cao ý thức chú ý quan sát, không được đỗ sai vào các phần đường đã được chỉ dẫn; đồng thời phải di chuyển biển báo và sự điều tiết của lực lượng chức năng. Có như vậy, chúng ta mới góp phần giảm thiểu ùn tắc và phòng tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình tham gia giao thông