Xử lý xe quá tải: Có cần xử lý trách nhiệm chủ hàng?

VOVGT- Theo kết quả kiểm tra tải trọng xe hàng tháng vẫn cho thấy một tỷ lệ đáng kể xe quá tải vẫn lén lút hoạt động...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tình trạng xe quá khổ, quá tải diễn ra rất phức tạp

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 2/2018, các Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra gần 13.000 xe, phát hiện có 1.320 xe vi phạm về tải trọng, chiếm 10,3%.

Bên cạnh đó, lực lượng các Cục Quản lý đường bộ cũng tiến hành kiểm tra 28 xe, trong đó có 25 xe vi phạm (chiếm 89%) vi phạm về tải trọng. Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng chở quá tải tập trung vào các khu vực, tuyến đường có mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…

Cụ thể như, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên Quốc lộ 21 đoạn từ thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ đến thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội, Quốc lộ 37, Quốc lộ 18 đoạn qua thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất quá tải lưu thông trên tuyến đường liên xã Yên Thái – Yên Ninh để cung cấp cho công trường Nhà máy điện mặt trời, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa…

>>>CSGT 'hoá trang' bắt xe quá tải trên QL32

Đánh giá về tình trạng chở quá tải vẫn lén lút hoạt động, ông Đăng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tình trạng xe quá tải đang có dấu hiệu tái diễn và tồn tại dai dẳng. Các trường hợp này thường rơi vào những phương tiện chạy cung đường ngắn, gần các mỏ vật liệu các các công trường xây dựng. Ông Chung nói:

 

"Tức là có tái diễn, tái diễn nhiều ở các vùng có mỏ, các công trình xây dựng và tái diễn tình trạng xe cơi nứi thành thùng để chở vật liệu nội vùng. Còn trên quốc lộ, trên đường dài cũng có dấu hiệu vò mình đã chỉ đạo bắt một số xe rồi."

Xe quá tải, cơi nới ngang nhiên hoạt động trên quốc lộ 18 

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, hiện tại, theo quy định tại Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hành chi chở quá tải mới tập trung xử lý 3 đối tượng gồm: lái xe, chủ xe và đơn vị bốc xếp hàng hóa.

Riêng đối với chủ hàng, mặc dù là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng lâu nay lực lượng chức năng chưa thể xử phạt vì chưa có chế tài quy định để thực hiện. Ông Đặng Văn Chung cho rằng, đây là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả cuộc chiến chống xe quá tải.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, việc xử lý được chủ hàng mới giải quyết được tận gốc được tình trạng xe quá tải, bởi lái xe, chủ xe cũng chỉ làm thuê cho chủ hàng. Ông Thanh nói:

 

"Ví dụ khi ký hợp đồng, chủ hàng nêu rõ ông phải sử dụng xe chở đủ tải để đảm bảo hàng hóa cho tôi… và tính toán như vậy để đưa ra giá cả hợp lý, thời gian hợp lý thì nó sẽ hạn chế được việc chở quá tải. Lúc đó nếu bị xử quá tải thì sẽ phân rõ được trách nhiệm do chủ hàng gây ra hay do chue doanh nghiệp, do lái xe để xử đúng người đúng tội."

Tuy vậy, ông Thanh cũng thừa nhận, điều đó rất khó thực hiện, bởi hệ thống văn bản pháp luật hiện quy định 3 đối tượng bị xử phạt khi xe chở quá tải, gồm: lái xe, chủ xe và đơn vị xếp dỡ. Trong đó, cơ quan chức năng cũng chủ yếu xử lý các đơn vị xếp dỡ làm ăn nghiêm chỉnh, còn những đơn vị bốc xếp ngoài luồng rất khó kiếm soát. Điều này đồng nghĩa với việc xử lý xe quá tải hiện nay chỉ tập trung vào phần ngọn, đó những người làm thuê như lái xe và chủ xe. Ông Thanh cho biết thêm:

 

"Hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung vào ông chủ vận tải và lái xe thôi, còn các ông kia đứng ngoài cuộc. Mà đứng ngoài cuộc thì ông vẫn ép giá với ông vận tải. Từ đó mới tranh giành nhau, chở quá tải để giá cước rẻ đi."

Từ thực tế này, đại diện lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của chủ hàng cần được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, chứ không chỉ khuyến nghị, khuyến cáo như hiện nay.

>>>Trạm cân hoạt động cầm chừng, xe quá tải hoành hành