Xe điện và nỗi lo khó tiếp cận điện

Từng sinh sống và làm việc nhiều năm ở châu Âu, nên khi trở về nước hồi đầu năm 2022, Phương bạn tôi có ý định tìm mua một chiếc ô tô điện. Tuy nhiên, trái với dự tính ban đầu, anh nhanh chóng ‘nhụt trí’ bởi nhận thấy điều kiện hạ tầng cho xe điện ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

Phương chia sẻ, băn khoăn lớn nhất của anh là nhà không có gara riêng để ô tô, nên việc sạc điện hết sức bất tiện. Trường hợp muốn sạc ‘nhờ’ ngoài bãi gửi xe sẽ phải đặt vấn đề và ‘nói khó’ với người quản lý.

Ngoài ra, số lượng trạm sạc công cộng còn chưa có nhiều lại bố trí phần lớn ở các trung tâm thương mại lớn, trong khi ở vùng ngoại ô dịch vụ này vẫn khó tiếp cận.

Thực tế, những băn khoăn của anh Phương cũng là tâm tư của không ít người tiêu dùng đang cân nhắc lựa chọn giữa mua một chiếc ô tô điện hay xe chạy xăng truyền thống.

Ảnh nh họa: TimesLive

Thời gian qua, ngoại trừ VinFast đầu tư cho sản xuất, láp ráp xe điện và hệ thống trạm sạc, các doanh nghiệp khác cũng đã đưa xe điện về giới thiệu, nhưng chủ yếu mới chỉ thăm dò thị trường chứ chưa hãng nào có kế hoạch sản xuất hay phân phối số lượng lớn ra thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện, Việt Nam cần nhanh chóng lấp đầy khoảng trống thiếu hụt các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho trạm sạc xe điện.

Điều này để đảm bảo các trạm sạc nhanh có thể sử dụng được cho nhiều thương hiệu xe khác nhau, đáp ứng những dòng xe mà các hãng có thể cung cấp ra thị trường.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe… Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, phát triển nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc.

Trước đó, các kịch bản phát triển xe điện ở Việt Nam với nhu cầu tiêu thụ điện tăng tương ứng từ nay tới năm 2030 và 2050 cũng đã được đề ra.

Cụ thể, nếu năm 2030, xe máy điện chiếm 34% thị phần xe bán mới còn ôtô điện chiếm 30%, nhu cầu điện trong lĩnh vực giao thông là gần 4 tỷ kWh, tương đương nửa công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Năm 2050, nhu cầu tiêu thụ điện là gần 17,6 tỷ kWh, tương đương 2 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Tương tự, với kịch bản xe điện phát triển cao hơn, nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông gần 8,5 tỷ kWh vào năm 2030, tương đương công suất nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Ở kịch bản này, xe máy điện chiếm 72% xe bán mới vào năm 2030, 100% vào năm 2050. Ôtô điện chiếm 30% vào năm 2030.

Đến năm 2050, nếu ôtô điện chiếm 70% xe bán mới, nhu cầu điện sẽ tăng lên gần 72 tỷ kWh, tương đương 10 nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Rõ ràng, với các kịch bản điện hoá giao thông như vậy, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất lớn.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị tại COP26, việc đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cân nhắc để phát triển điện hạt nhân cũng là vấn đề cần xem xét một cách toàn diện và kỹ lưỡng.