Xe cơi nới, bao giờ ra đường mới hết lo

Không ít quy định được ban hành, nhưng xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới thành thùng ngang nhiên lộng hành vẫn là vấn đề ‘nóng’ tại nhiều địa phương. Trong khi đó, người tham gia giao thông vẫn hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ tai nạn rình rập.

Ảnh nh họa: Báo Giao thông

Hằng ngày, khi lưu thông trên Quốc 5, quốc lộ 1A hay đường Hồ Chí Minh… không khó để bắt gặp hàng loạt xe tải, xe ben, xe Howo có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở đầy đất, đá, xi măng, vật liệu xây dựng chạy bạt mạng, thậm chí rơi vãi vật liệu, đất đá xuống đường.

Còn người dân khi nhìn thấy những ‘hung thần xa lộ’ này thì luôn phải tìm cách tránh xa bởi lo sợ có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Thực tế, sau mỗi vụ tai nạn chết người, có nguyên nhân trực tiếp từ những phương tiện quá khổ, quá tải gây ra, cơ quan chức năng thường mở các đợt ra quân xử lý vi phạm. Tuy nhiên, kết quả chỉ như ‘bắt cóc bỏ đĩa’, bởi tình trạng này tái diễn ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP, bổ sung một số điều của Nghị định 100, tăng nặng mức xử phạt với hành vi vi phạm tải trọng xe.

Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng phương tiện cơi nới thành thùng trái quy định, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam mới đây cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng thiết bị ghi hình làm căn cứ ‘phạt nguội’.

Có thể nói, quy định pháp luật đã có, chế tài đã đủ, nhưng đến nay việc kiểm soát và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế dẫn tới tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn là vấn đề nhức nhối trên nhiều tuyến đường.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi, dù đã triển khai nhiều giải pháp như trang bị trạm cân lưu động, cân xách tay cho lực lượng chức năng, xử lý vi phạm tải trọng ngay từ đầu nguồn kho bãi, bến cảng nhưng vì sao xe quá tải vẫn có thể hoạt động công khai, làm hư hại đường xá và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thực tế, để không còn tình trạng ‘bắt cóc bỏ đĩa’ hay ‘kiểm tra là ra vi phạm’, trước hết nên gắn trách nhiệm giải trình đối với từng đơn vị chức năng, bởi không loại trừ tình trạng một bộ phận những người ‘cầm cân nảy mực’ có hành vi cố tình làm ngơ cho xe quá tải.

Bên cạnh đó, duy trì các tổ tuần tra kiểm soát thường xuyên trên những tuyến đường, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Cùng với các giải pháp trên, cũng cần nghiên cứu xử lý cả các cá nhân hay cơ sở gia công thực hiện việc cơi nới, đề xuất chế tài theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm vượt tải để tạo hiệu ứng răn đe, cảnh tỉnh những người coi thường sự an toàn, tính mạng của cộng đồng.

Có như vậy, người dân mới bớt cảnh nơm nớp lo sợ phải đối mặt với những ‘hung thần xa lộ’ khi lưu thông trên những con đường.