Xây dựng vườn xanh từ rác thải - Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường

Bạn có biết trung bình mỗi ngày, TP. Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó 95% khối lượng rác được chuyển đến bãi rác Khánh Sơn để xử lý bằng biện pháp chôn lấp?

Việc chôn lấp rác gây ra các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm của khu vực xung quanh bãi chôn lấp, lãng phí tài nguyên đất khi diện tích bãi chôn lấp luôn cần phải được mở rộng…

Với mong muốn giúp Đà Nẵng trở thành một vùng đất đáng sống thực sự, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc phân loại rác thải sinh hoạt, các tình nguyện viên của dự án “Cộng đồng không rác thải” (Dự án do Phái đoàn Liên nh Châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua Dự án “Quỹ Bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh -GreenViet (Việt Nam) và Viện GSI (Đức) phối hợp thực hiện; Phái đoàn Liên nh Châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ) đã ấp ủ và biến vùng đất gần 350m2 hoang hoá, đầy cỏ mọc trở thành một vườn cộng đồng tươi xanh.

Điều đặc biệt là khu vườn này hình thành từ chính nguồn rác thải của 30 hộ gia đình sinh sống xung quanh, từ đó thay đổi nhận thức, quan điểm của người dân khu vực này cũng như người dân thành phố Đà Nẵng trong việc tái chế rác….

Cứ 3 lần/tuần, các tình nguyện viên của dự án 'Cộng đồng không rác' lại đi thu gom rác thải sinh hoạt từ 30 hộ gia đình xung quanh

Cứ khoảng 3 lần/ tuần, những thành viên của dự án “Cộng đồng không rác thải” lại đến từng hộ dân xung quanh khu đất số 12 đường Morrison, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng để thu gom rác, phân loại và ủ phân để trồng cây, tái tạo một khu đất đầy cỏ rác trở thành một khu vườn nhỏ xanh và sạch.

Nhớ lại những ngày đầu mới triển khai dự án, chị Vũ Hồng Thanh, người đồng sáng lập dự án “Vườn cộng đồng” chia sẻ: xuất phát từ lòng yêu vùng đất, con người Đà Nẵng và muốn biến nơi này thành một nơi thực sự đáng sống. Vì vậy, chị cùng nhiều thành viên khác đã cùng nhau thực hiện công việc này.

Bắt đầu từ tháng 2/2022, “vườn cộng đồng” được hình thành. Để có thể thu hút những hộ gia đình xung quanh tham gia vào dự án, các tình nguyện viên đã phải nỗ lực rất nhiều, từ việc vận động, tuyên truyền,… cho đến việc đi thu gom rác tận nơi, ủ phân bón, trồng rau, hoa màu,…

Chị Vũ Hồng Thanh chia sẻ: “Khi dự án xin phép Quận, Phường để triển khai ở khu dân cư, mọi người có suy nghĩ kiểu tại sao tôi lại phải quan tâm đến vấn đề này khi hàng tháng chúng tôi đã đóng 40.000 đồng cho công ty môi trường đô thị để họ thu gom rác và tôi có phải phân loại đâu. Rồi mọi người suy nghĩ những mong muốn của dự án là viển vông, sau đó, sự tham gia của các bạn nhỏ, sự nhiệt tình, kiên trì và tinh thần “nói ít làm nhiều” của đội ngũ tình nguyện viên thì cũng đã giúp cho người dân xung quanh có thiện cảm nhiều hơn, họ ủng hộ hơn nhiều rồi”.

Khu đất hoang hoá trước khi trở thành Vườn cộng đồng xanh

Công việc hàng ngày của các thành viên dự án là họ sẽ phân loại và xử lý rác. Các loại rác hữu cơ được ủ để tạo phân bón, sau đó bón cho các cây khác, những rác thải có thể tái chế sẽ được tận dụng để trồng cây. Ngoài ra còn có lượng lớn các loại cây bỏ đi của người dân, được các tình nguyện viên mang về trồng.

Hiện, vườn cộng đồng được chia làm 4 khu vực chính: khu vực phân loại rác, khu sân chơi cho trẻ nhỏ làm từ vật dụng tái chế, khu vực ủ rác hữu cơ, khu vực trồng cây, rau và hoa.

Từ những ngày mới bắt đầu, chỉ có 300 tình nguyện viên đóng góp, tham gia, dần dần, dự án “vườn cộng đồng” càng được nhiều người biết đến. Tính đến nay đã thu hút khoảng 1.500 tình nguyện viên với nhiều độ tuổi khác nhau.

Họ đều có chung một mục đích, đó là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách trồng cây từ rác hữu cơ đến các hộ dân trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, các em học sinh tiểu học, mầm non cũng đến thăm quan, thực hành việc phân loại rác, tìm hiểu các giải pháp không rác.

Chị Vũ Hồng Thanh cho biết: “Dự án rất mong muốn vườn cộng đồng sẽ có nhiều người đến tham quan và học tập, để họ có thể mang mô hình này về để triển khai ở công ty hay ở khu vực họ sống. Bạn hình dung, 1 cộng đồng không rác có thể đơn giản là 1 công ty không rác hay một khu dân cư không rác, ễn sao các thành viên trong cộng đồng ấy sẽ đồng thuận thực hành một cuộc sống không rác, mọi người phân loại, tìm cách tái chế, tái sử dụng rác, tiêu dùng thân thiện, ủ rác hữu cơ… Mình mong muốn rằng mình sẽ truyền cảm hứng được cho những người khác để họ tự bắt đầu cộng đồng của mình”.

Khu vườn cộng đồng gần 350m2 có thể không phải là khu vườn duy nhất được xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, song, nó đã làm thay đổi thói quen, cách phân loại và tái chế, tái sử dụng rác của nhiều người dân nơi đây:

Chị Vũ Hồng Thanh bày tỏ: “Với bản thân mình, mình nhận thấy dự án này đã tạo ra rất nhiều gía trị cộng đồng cho những người sống quanh vườn cộng đồng hay những người dân sống ở Đà Nẵng. Tính đến thời điểm này, đã có 1.500 thành viên tham gia dự án. Để thực hành lối sống không rác thì có nhiều cách, ví dụ đơn giản nhất là tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, phân loại và tái chế rác,…

Đến bây giờ, đã có rất nhiều hội nhóm, lứa tuổi tham gia, mọi người đều thấy là lối sống không rác giúp bảo vệ sức khoẻ gia đình, làm sạch môi trường, tiết kiệm tiền, mọi người gắn kết với nhau…”

Mỗi người chúng ta sẽ có một cách thức khác nhau để thể hiện tình yêu của mình đối với nơi mình sinh sống, còn đối với “Cộng đồng không rác thải ”, họ quan niệm:

“Chỉ cần bạn có một hành động đẹp đối với thành phố - dù rất nhỏ như phân loại rác hàng ngày, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần…; bạn sẽ để lại rất nhiều điều ở phía sau dù chúng ta không ý thức về điều đó.

Bạn hãy vững tin là hành động đẹp của mình giống như một hạt giống và sẽ được ai đó nhận lại. Họ sẽ để hạt giống tốt đẹp đó lớn lên trong lòng, rồi lại mang đi khắp nơi và gieo vào lòng người khác. Mỗi chúng ta đều có thể tự tạo ra những di sản – chỉ cần bạn sống hết mình, sống một cuộc đời đáng sống, và để mọi người xung quanh trân quý và lưu trữ những giá trị bạn đã tạo ra…”, chị Vũ Hồng Thanh nói.

---

Các bạn thân mến, nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.