Xã hội hóa bến xe: Vì sao vẫn ì ạch?

VOVGT - Theo một số ý kiến, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự nhất quán, khi bến xe hoàn thành, một số địa phương lại thay đổi chủ trương...

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Theo chủ trương xã hội hóa của TP. Hải Phòng, bến xe khách Thượng Lý được xây dựng nhằm tiếp nhận hoạt động vận tải từ bến Tam Bạc. Sau hơn một năm xây dựng, giữa tháng 5/2015, bến xe Thượng Lý đã hoàn thành. Tuy nhiên, thay vì điều chuyển phương tiện từ bến xe Tam Bạc về bến xe Thượng Lý như chủ trương ban đầu, giữa tháng 6/2015, Sở GTVT Hải Phòng cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Tam Bạc được lựa chọn giữa bến xe Niệm Nghĩa và bến Thượng Lý.

Chỉ đạo này của Sở GTVT Hải Phòng đã đi ngược hoàn toàn với các chủ trương từ trước đến nay của Thành phố Hải Phòng, khiến đơn vị đầu tư bến xe Thượng Lý rơi vào tình trạng vừa khai sinh đã bị khai tử.

Bến xe khách Thượng Lý

Tương tự như vậy, tại Lào Cai, từ tháng 8/2015, Sở GTVT Lào Cai có quyết định điều chuyển toàn bộ doanh nghiệp khai thác tuyến liên tỉnh từ bến xe Phố Mới về bến xe Trung tâm Lào Cai – bến xe được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Sau đó, thời hạn cuối cùng lại được chuyển đến 1/10/2015.

Phải sau hơn 1 năm, các doanh nghiệp từ bến xe Phố Mới mới hoàn thành việc chuyển hoạt động về bến xe Trung tâm Lào Cai. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng phải mất hơn 1 năm hoạt động cầm chừng, khiến doanh nghiệp thực sự nản lòng.

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành bến xe Trung tâm Lào Cai cho biết: Việc nhiều doanh nghiệp vòng vo, chây ỳ và lượn lờ đón khách trên khu vực bến xe cũ và dọc đường, dẫn đến việc các đơn vị về đây không có khách.

 

Bến xe Trung tâm Lào Cai 

Tại Hà Nội, bến xe Nước Ngầm cũng được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Ngành nước & Môi trường đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, số xe xuất bến hàng ngày tại bến này chỉ đạt 20% công suất thiết kế.

Sau rất nhiều lần công bố kế hoạch điều chuyển phương tiện, phải đến tháng 1/2017, UBND TP. Hà Nội mới thực hiện việc điều chuyển phương tiện vận tải hành khách theo đúng luồng tuyến.

Theo đó, có khoảng 400 lượt phương tiện xuất bến mỗi ngày từ bến Mỹ Đình được điều chuyển về bến Nước Ngầm. Tuy vậy, đến nay cũng chỉ có khoảng 70% tổng số phương tiện thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm hoạt động.

Nói về sự chuẩn bị để tiếp nhận số phương tiện này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết: Bến xe đã dành toàn bộ phần thuận lợi nhất của phòng bán vé cho các xe mới chuyển về để bà con đi lại dễ nhận diện các xe mới chuyển về. Ngoài ra, những vị trí đỗ xe trong sân, bến xe cũng dành cho những xe mới chuyển về ở vị trí hợp lý nhất.

 

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, các doanh nghiệp ngại đầu tư vào bến xe bởi sự thay đổi về chính sách quản lý cũng như sự thiếu quyết liệt khi thực hiện các cam kết ban đầu.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây: