Vượt qua thách thức trong năm học mới

Năm học 2019-2020 đã có “kỳ nghỉ tết kéo dài lịch sử” vì dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành giáo dục. Năm học mới này, sau ngày tựu trường, ngành giáo dục cần phải làm gì để thực thi tốt mục tiêu kép trong giáo dục là đảm bảo tố

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Học sinh cả nước sẽ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Ảnh: Lao động

Trước thềm năm học mới 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT đã có văn bản thống nhất tổ chức Lễ Khai giảng trên cả nước vào sáng ngày 5/9. Từ đó, căn cứ tình hình dịch COVID tại mỗi địa phương để tổ chức khai giảng cho phù hợp; vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày đầu năm học mới. Nhiều học sinh đã tỏ ra háo hức, nôn nao trước ngày trở lại trường.

Em Vũ Văn Long –Trường THCS Võ Trường Toản - TPHCM tỏ ra khá bình tĩnh trước dịch bệnh và mong muốn sớm gặp lại bạn bè, thầy cô:

 

"Em thấy cũng được, gặp bạn bè sớm với học thêm nhiều kiến thức mới nữa nên em thấy không sao, không có lo lắng gì hết. Trường nào cũng phòng dịch chắc chắn, đảm bảo không có dịch vào".

Về phía sinh viên tại các trường đại học cũng không tỏ ra quá lo lắng trước ngày nhập học trở lại khi vẫn còn dịch bệnh. Sinh viên Âu Văn Đạt –Trường Đại Học Sài Gòn chia sẻ do có sự chủ động của các cấp, các ngành và nhà trường hy vọng dịch bệnh sẽ không xuất hiện ở trường học:

 

"Nếu sinh viên từ Đà Nẵng vào TPHCM hay Hà Nội thì trước khi vào bên công tác quản lý của thành phố cũng kiểm tra đo thân nhiệt hay gì đó. Nếu có biểu hiện bệnh thì sẽ đưa đi cách ly ở các bệnh viện dã chiến như ở Củ Chi. Công tác phòng dịch ở TPHCM sẽ được tăng cường hơn, nên cũng không cần lo cho lắm".

Có thể nói với sự quan tâm và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của các nhà trường đã tạo ra niềm tin trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên đối với nhiều bậc phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng khi tình hình dịch bệnh đã xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng; đặc biệt hơn khi số ca lây nhiễm đã lên đến hàng ngàn và đã có hàng chục ca tử vong vì COVID-19:

 

"Bây giờ ai cũng đi học thì mình cũng phải chấp hành cho con mình đi thôi. Chứ bây giờ lo thì ai cũng lo hết mà không lẽ lo rồi cho nghỉ ở nhà".

"Vì thành phố kiểm soát được nên con mình có thể đi học được. còn nếu họ để một hai ca xuất hiện nữa thì chắc mình cũng không cho con mình đi học đâu".

"Lo thì đương nhiên phải lo rồi đó, chắc chắn như vậy không phải riêng gì chú đâu mà đa số phụ huynh nào mà có con học trong các trường Đại học mà có sinh viên các tỉnh ền trung vào nhập học lại thì rất là lo chứ không phải không lo".

Các trường đo thân nhiệt học sinh đầu các buổi học. Ảnh: Thanh niên

Có thể thấy, những lo lắng của các bậc phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hiểu được tâm lý này, những ngày qua, gần như 100% giáo viên đã có mặt tại các trường trên địa bàn TP.HCM để thực hiện việc tập huấn kiến thức; đồng thời lau dọn, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Các nhà trường cũng trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt nhằm đảm bảo an toàn mùa dịch.

Thầy Trần Văn Thắng – Giáo viên trường THPT Trưng Vương chia sẻ:

 

"Trước khi tập trung các em thì cũng yêu cầu các em đeo khẩu trang, vào trường thì chúng ta sát khuẩn. Trước khi vào trường thì nhà trường cũng tổ chức đội ngũ đo thân nhiệt, đồng thời yêu cầu các em khai báo y tế để xem các em có đi xa, đi đến các vùng dịch hay không".

Cô Lê Tường Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương cũng cho biết, nhà trường sẽ tổ chức buổi lễ khai giảng ngắn gọn, thiết thực nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa, để thực sự mỗi ngày đến trường đối với các em là một ngày vui:

 

"Trường đã tổ chức cho các thầy cô nhận lớp mới thì cũng chia đợt ra để cho các em có khoảng cách an toàn. Còn công tác khử khuẩn với đơn vị mà mình hợp đồng thì nó sẽ theo định kỳ. Năm nay trường sẽ cố gắng tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, nhanh nhưng vẫn đủ ý nghĩa".

Để an toàn trong phòng chống dịch, mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức lễ Khai giảng năm học mới chỉ có học sinh các lớp đầu cấp được tham dự đầy đủ; các khối lớp còn lại cử đại diện tham dự. Chương trình lễ khai giảng sẽ tổ chức ngắn gọn và không quá 60 phút.

Có lẽ năm học này sẽ có một lễ khai giảng thật “đặc biệt” khi thầy cô, học sinh đến trường phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Lễ khai giảng sẽ diễn ra ngắn gọn vì chỉ có phần lễ mà không có phần hội. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn phòng chống dịch và mỗi ngày đến trường là một ngày vui của các em học sinh thì sự chủ động là hết sức cần thiết.

Hà Nội đã sẵn sàng cho ngày khai giảng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TTXVN

Khi năm học 2019-2020 đã có “kỳ nghỉ tết kéo dài lịch sử” vì dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các em học sinh nói riêng và cả ngành giáo dục nói chung. Năm học mới này, điều quan trọng hơn cả là sau ngày tựu trường, ngành giáo dục cần phải làm gì để thực thi tốt mục tiêu kép trong giáo dục là đảm bảo tốt chương trình giảng dạy và an toàn, sức khỏe của học sinh, giáo viên. 

Mời quý vị đến với góc nhìn của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Vượt qua thách thức trong năm học mới”.

 

Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu với tiếng trống trường khai giảng làm thổn thức mỗi người khi đến trường sẽ vang lên. Năm học này sẽ là một năm rất đặc biệt bởi dịch COVID sau một thời gian được khống chế giờ lại tái phát ở nhiều địa phương trong cả nước, khiến nhà trường, học sinh và phụ huynh không khỏi lo lắng, băn khoăn.

Nhưng với quyết tâm của nhà trường,gia đình và toàn xã hội, năm học mới vẫn tiếp diễn với những kế hoạch cụ thể để giúp các em học sinh, sinh viên không thể dang dở con đường học tập dù khó khăn đến đâu.

Năm học trước, gần như toàn bộ học kỳ 2 của các trường học thuộc các bậc học đều bị đảo lộn khi thực hiện giãn cách xã hội; học sinh nghỉ học liên tục hàng tháng trời. Để giúp các em không bị quên kiến thức, các hình thức học online, giảng dạy trực tuyến đã được nhiều nơi áp dụng; bước đầu cho kết quả tích cực. Tuy nhiên ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa hình thức này khó được triển khai do thiếu thốn về cơ sở  vật chất và công nghệ. Hình thức dạy và học trực tuyến do vậy cũng chưa được phổ biến và cần thời gian để hoàn thiện.

Năm học mới này với tâm thế dịch dã có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên phương châm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi đến trường vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy rất cần sự chung tay của nhà trường,thầy cô giáo, gia đình và toàn xã hội một cách mạnh mẽ nhất.

Nhà trường cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đo thân nhiệt, khử khuẩn, yêu cầu học sinh rửa tay, đeo khẩu trang khi đến trường; cần theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh để điều chỉnh lịch học, sinh hoạt phù hợp kịp thời,không bị động. Nhất là chủ động giảm các hoạt động tụ tập;  hoạt động mang tính hình thức, phong trào không cần thiết.

Chú trọng việc kiến nghị, đề xuất với Bộ, ngành giảm tải các môn học, tiết học còn nặng về lý thuyết, rườm rà; thiết kế các chương trình, lịch học ngắn gọn, cô đọng kiến thức; sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến của học sinh.

Thầy cô giáo trong giảng dạy cần chú trọng việc khơi gợi tính sáng tạo trong các em, hạn chế việc đọc chép. Công tác ra đề, kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh cần dựa trên khả năng tiếp thu trên lớp kết hợp với khả năng giải quyết các vấn đề mà thầy cô nêu, thay vì chỉ chăm chăm vào điểm số.

Ở trên lớp thầy cô chú trọng dạy các kiến thức cơ bản, nêu phương pháp; tập trung cho việc giao bài về nhà để các em tự ôn, tự học. Đối với gia đình phải thể hiện trách nhiệm cao nhất với con em trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Cùng với nhà trường và thầy cô giáo theo sát con em; hỗ trợ tốt nhất các em khi có dịch bệnh diễn biến phức tạp để cùng với nhà trường tìm hướng giải quyết.

Đặc biệt, trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết về phòng chống dịch; đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhất là công nghệ để các em tiếp thu kiến thức qua mạng, qua học trực tuyến khi nhà trường triển khai. Chính quyền các địa phương giành nhiều ưu tiên, ưu đãi hơn nữa để nhà trường và thầy cô giáo chuyên tâm vào giảng dạy.

Năm học mới 2020-2021 khai giảng trong bối cảnh dịch dã vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại là một thách thức rất lớn cho ngành giáo dục cả nước.

Hy vọng với sự góp sức của thầy cô giáo, nhà trường, mọi nhà và toàn xã hội, việc học tập của các em trong hoàn cảnh mới vẫn diễn ra suôn sẻ và an toàn; các em đủ sức đứng vững để tiếp thu kiến thức; góp phần không chỉ làm chủ bản thân mà còn xây đắp tương lai bền vững về sau./.