Vì sông Mekong không rác

Ở miền Tây Nam Bộ, Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù mang đậm dấu ấn miệt vườn sông nước, thể hiện qua cách mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản độc đáo. Tết năm nay, Chợ nổi ở miền Tây “thay áo mới” tinh tươm, sáng – xanh - sạch – đẹp.

Thương hồ cùng các tổ chức môi trường đã chung tay xây dựng một sông Mekong không rác, làm điểm dừng chân lý tưởng và trong lành cho du khách bốn phương. Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, PV VOV Giao thông sẽ chuyển đến quý thính giả không khí đón Tết trên Chợ nổi Cái Răng của TP Cần Thơ, cũng là tổ hợp Chợ nổi duy nhất còn tồn tại với quy mô lớn tại vùng châu thổ Cửu Long.

Cây bẹo hàng ở chợ nổi Cái Răng, bẹo treo gì sẽ bán mặt hàng đó

Khi bình nh chưa kịp ló dạng, dưới sông Cần Thơ đã lấp lánh những ánh đèn, đó là lúc Chợ nổi “thức giấc” họp chợ. Thông thường 7h sáng chợ mới đông đúc, nhưng những ngày gần Tết, chợ họp sớm hơn vì lượng hàng hóa tăng lên gấp 5 lần. Thương hồ hối hả dựng mấy cây bẹo hàng, chỉ có Chợ nổi mới “độc quyền” cây bẹo, bẹo treo cái gì thì ghe bán thứ đó. Tết này, bẹo treo nhiều nhất là dưa hấu, bắp cải, củ hành,…

Cả “tổ hợp chợ” được “nhuộm vàng” bởi mấy ghe hàng dưa hấu hoàng kim và bông Vạn Thọ. Dừa tươi, củ cải, bí đỏ, khoai lang… cũng tấp nập sang ghe để chở về vùng sâu bán phiên chợ cuối năm. Năm nay, một ký cam sành buổi sáng có giá 15.000 đồng, đến giữa trưa lại lên 25.000 đồng và chiều chỉ còn 10.000 đồng. Nhưng nhìn chung nông dân “trúng chợ”, ăn tết khỏe re. Thương lái cũng hối hả mong bán hết hàng để về nhà trang hoàng đón Tết.

Bà Huỳnh Thị Loan – thương hồ Chợ nổi Cái Răng cho biết: "Từ 26 đến 28 tháng Chạp là chợ đông lắm, cả con sông đầy bông vì người ta bán bông hoa trong vườn chở ra. Thương lái lớn lấy hàng để chở về vùng ệt dưới bán lại. Rồi trái cây, đồ rẫy… mà nhiều nhất là dưa hấu. Tới mùng 2 là khách du lịch nghẹt sông luôn".

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối nông sản, có gần 300 tàu ghe neo để mua bán sỉ và lẻ với lượng đầu ra đạt 2.000 tấn/tháng. Mỗi buổi sáng có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan. Đạt doanh thu trung bình 3 tỷ/ngày, tương đương với 1.000 tỷ/năm.

Chợ nổi Cái Răng có 300 tàu ghe neo để mua bán sỉ và lẻ nông sản, đầu ra 2.000 tấn/tháng. Đạt doanh thu trung bình 3 tỷ/ngày, tương đương với 1.000 tỷ/năm

Anh Nguyễn Thanh Tâm – Du khách đến từ TP.HCM cho biết, muốn thấy Tết đến sớm thì đi Chợ nổi là biết ngay: "Lênh đênh trên con sông này mình nhìn rõ cái Tết lắm, tại vì mọi ngày người ta không có trang trí mà Tết đến là người chưng hoa và treo lồng đèn trên ghe, nhất là ban đêm nhìn rất đẹp. Hấp dẫn hơn là thương hồ làm tiệc, ăn uống và hát karaoke trên tàu, gia đình sum họp trên tàu".

Từng có thời gian phải cạnh tranh với hệ thống giao thông đường bộ, “linh hồn” của Chợ nổi Cái Răng là cánh thương hồ dần giã từ cuộc sống “gạo chợ nước sông”. Để “di sản” của cộng đồng dân cư tiếp tục duy trì, UBND TP Cần Thơ đã đầu tư 63 tỉ đồng để phát triển chợ. Qua 6 năm, chợ được bảo tồn, đảm bảo an sinh, 500 hộ gia đình vay ưu đãi để phát triển du lịch và được thiết lập trật tự an toàn giao thông đường thủy. Tiếp theo, Cần Thơ xây trạm dừng chân, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông để Chợ thu hút thêm 15% du khách/năm.

Đóng góp phần việc giúp Chợ nổi sáng – xanh- sạch đẹp, tháng 5/2022, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã thí điểm Dự án “Vì sông Mekong không rác” tại chợ. Qua hơn 1 năm, Dự án đã giúp thương hồ hình thành ý thức phân loại rác ngay tại bè; Kết nối các vựa nông sản với các trang trại chăn nuôi để tiêu thụ lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời kết nối với các nhóm từ thiện nhận rau củ hư hỏng nhẹ từ các ghe thương hồ phục vụ cho bếp ăn 0đ trên địa bàn thành phố.

Dự án “Vì sông Mekong không rác” thí điểm tại chợ nổi đã giúp môi trường giảm lượng rác thải trên sông và hình thành ý thức tập kết rác trên bè của thương hồ

Bà Đinh Thu Hằng - Quản lý Dự án “Vì sông Mekong không rác”, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh cho biết: "Tính đến tháng 5/2023, các mô hình thí điểm của Dự án tại Chợ nổi Cái Răng đã thu gom được gần 309 tấn rác bao gồm: rác hữu cơ, rác tái chế và rác khác. Đáng lưu ý ở đây là có tới 292 tấn rác thu gom (95%) được sử dụng làm đầu vào cho các chuỗi hoạt động khác của con người như chăn nuôi, tái chế.

Chuyển biến về nhận thức thì từ một khu vực mà toàn bộ rác thải tại các bè sống cố định và các ghe, vựa nông sản đều chủ yếu đổ thẳng xuống sông, tới nay rác tại các hộ gia đình đã được tập kết; phụ phẩm nông sản từ các vựa đã được thu gom riêng cho chăn nuôi. Đó là những chuyển biến hết sức tích cực từ các thương hồ".

Thương hồ là “linh hồn” của Chợ nổi, thời gian qua, Cần Thơ đã giữ gìn nếp sống tự giác, tự quản tại Chợ nổi, trợ giá hàng nông sản cho tiểu thương, cho tiểu thương vay vốn mở rộng kinh doanh. Từ đó, chợ được duy trì bền bĩ nhờ sự gắn bó của thương hồ.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận Cái Răng cho biết: "Chợ nổi Cái Răng đã có một sự đổi thay cơ bản về hình ảnh, thông tin, cách ứng xử của thương hồ và đặc biệt là tạo kế sinh nhai cho người dân sống tại chợ nổi".

Khi cuộc sống ngày càng phát triển theo xu hướng hiện đại thì những vẻ đẹp tự nhiên nhất lại càng khó bắt gặp, con người càng muốn được quay về với những gì đơn giản, mộc mạc. Chợ nổi Cái Răng được lựa chọn vì những lý do như thế.

Thời gian qua, cùng với sự tu bổ của địa phương và hỗ trợ từ các Dự án môi trường, Chợ nổi đã thay áo mới, hấp dẫn hơn để giữ chân du khách. Cái Tết này, chợ đầy hoa, đượm hương và trong lành hơn!