Vấn đề quản lý khi Uber được cấp phép tham gia vận tải bằng hợp đồng điện tử

VOVGT - Mới đây, Bộ GTVT đã chấp thuận cho Uber tham gia đề án vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và sẽ giao cho các địa phương cấp phép về số lượng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Sau 1 năm thực hiện thí điểm, lượng xe hợp đồng ứng dụng phần mềm Uber, Grab tại nhiều địa phương phát triển bùng nổ. Mới đây, Bộ GTVT cũng chấp thuận cho Uber tham gia đề án vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và sẽ giao cho các địa phương cấp phép về số lượng đối với xe Uber, Grab. Điều này làm dư luận lo ngại, số lượng phương tiện tham gia vận tải bằng hợp đồng điện tử sẽ gia tăng, khiến nguy cơ ùn tắc tại các đô thị lớn tiếp tục gia tăng.

Uber được cấp phép tham gia vận tải bằng hợp đồng điện tử

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, đến nay chương trình thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được triển khai ở 3 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Cơ quan quản lý đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng, điều kiện đối với phương tiện. Hành khách cũng được rút ngắn thời gian chờ xe.

Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm cũng phát sinh một số vấn đề như: Số xe không đăng ký xe hợp đồng nhưng vẫn sử dụng phần mềm của Uber, Grab tăng cao, khiến nhiều ý kiến cho rằng, đang tạo môi trường kinh doanh vận tải cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống.

Về điều này, trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, sau khi Bộ GTVT cấp phép cho Uber tham gia thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử, số lượng phương tiện tham gia vận tải bằng hợp đồng chắc chắn sẽ tăng cao, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch số lượng phương tiện tham gia loại hình này.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

Đại tá Phạm Đình Xinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An toàn giao thông, Học viện Cảnh sát cũng cho rằng, ở một số nước, thường chỉ có 2 doanh nghiệp kinh doanh taxi. Còn ở Việt Nam, ngoài hàng trăm doanh nghiệp taxi, còn có thêm hình thức kinh doanh vận tải hành khách giống taxi nhưng ứng dụng hợp đồng điện tử, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ông Sinh cho biết: Việc trưng dụng các xe tư nhân để chở khách lấy tiền trước hếtkhông thu được thuế cho Nhà nước, thứ hai là không quản lý được và thứ ba là tiêu cực trong quá trình chở hành khách. 

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cũng kiến nghị Bộ GTVT cần yêu cầu Uber và Grab thực hiện đầy đủ những điều kiện của taxi truyền thống, như: có logo, phù hiệu, có đồng hồ tính tiền và máy in hóa đơn… Đồng thời, cần xem xét lại mức thuế áp dụng cho Uber, Grab.

Ông Thanh nói: Taxi Uber, Grab thì được hưởng mức thuế trên doanh thu là 3%, còn taxi truyền thống thì phải nộp thuế VAT 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Do đó cần phải tính toán cho các bên phù hợp với nhau

 

Mặc dù kiến nghị xem xét lại mặt bằng tính thuế đối với Uber, Grab, song đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, với cách quản lý hiện nay, rất khó có cơ sở để tính thuế với Uber, Grab khi cơ quan quản lý chưa kiểm soát được nguồn thu của loại hình vận tải này.