Vaccine, nhân lực ngành y và chuyện “no dồn đói góp”

Vaccine đã về sẵn trong kho nhưng có nguy cơ bị ế, chưa được sử dụng đã hết hạn. Thực trạng này có lẽ cần được nhìn nhận kỹ càng hơn, thay vì chỉ nhằm vào nguyên nhân ý thức, tâm lý né tránh của người dân.

Ảnh nh họa

Vấn đề dự báo nhu cầu vaccine của các địa phương, mà trách nhiệm của người đứng đầu Sở y tế các tỉnh, thành cần được xem xét khi kế hoạch phân bổ và tiêm chủng bị “phá sản”, dẫn đến Bộ Y tế phải liên tục hô hào, ra văn bản thúc giục tiêm vét, tránh lãng phí.

Thực tế, nếu làm quyết liệt, kiên định và kỹ càng như các mũi tiêm cơ bản đầu tiên, cán bộ, nhân viên y tế cơ sở “rà từng ngõ, gõ từng nhà”, thành lập các đoàn thể từ cấp thôn, xóm đi vận động người dân tiêm, thì các mũi tiêm nhắc lại, mũi bổ sung vẫn có thể “về đích” theo yêu cầu đặt ra.

Ngoài sự thiếu sâu sát của người có trách nhiệm, hệ thống y tế cũng cần đặc biệt quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của nhân viên y tế. Gần 9.400 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng qua, thống kê này của Bộ Y tế đã chỉ rõ, đang có một cuộc “chảy máu” nhân lực y tế công.

Lương thấp, áp lực cao, công việc nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng bản thân, không có thời gian chăm lo cho gia đình, sau dịch chờ mãi vẫn chưa nhận được đãi ngộ, khen thường… Có vô vàn lý do có thể khẳng định ngay, mà không cần chờ Bộ Y tế phải rà soát các đơn xin nghỉ, thôi việc để nắm được nguyên nhân của tình trạng này.

Lãnh đạo bị khởi tố, vướng vòng lao lý, nhân viên tháo chạy khỏi trạm y tế, bệnh viện - ngành y đang thực sự bước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử. Và đương nhiên, khi cán bộ y tế dao động, chỉ tiêu tiêm vaccine cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Câu chuyện “no dồn đói góp” không chỉ là thực tế với vaccine, mà còn với cả nhân lực, trang thiết bị y tế ngành y.

Chưa khi nào, máy đặt, máy mượn có sẵn mà lại khó thanh toán BHYT cho người bệnh như hiện nay. Chưa khi nào, thuốc, vật tư tiêu hao lại khan hiếm để cấp cứu, điều trị người bệnh như bây giờ. Chưa khi nào làm đúng theo quy định lại “khó” như lúc này.

Giữa tâm dịch, ngành y được tổng động viên, hàng chục nghìn sinh viên thực tập cho đến các bác sĩ về hưu đã có mặt ở mọi điểm nóng tiếp sức cho các tỉnh, thành cả nước. Nhưng khi dịch qua đi, “thế trận” blouse trắng đang rạn nứt, từ trung ương tới CDC các địa phương.

Dịch bệnh sẽ chưa thể kết thúc sớm, thậm chí còn đang rình rập bùng phát trở lại, các mặt bệnh theo mùa khác vẫn “đến hẹn lại lên”, nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng đè thêm gánh nặng lên vai y tế cơ sở.

Trong bối cảnh đó, cần chuyển nội dung câu hỏi “Vì sao tiêm vaccine chậm trễ?” sang vấn đề thời sự hơn, cấp thiết hơn “Ai chăm lo chế độ, phúc lợi, ai có trách nhiệm giữ chân đội ngũ nhân viên y tế, những người trực tiếp triển khai chiến dịch tiêm chủng?”.

Những nỗ lực mua sắm, ngoại giao vaccine đã mang lại kết quả rất tích cực, giúp cả nước vượt qua được nỗi lo chưa tự chủ, sản xuất được vaccine.

Nhưng từ chủ trương bao phủ vaccine toàn dân, bao phủ các mũi nhắc lại, bổ sung, bảo vệ thành quả ễn dịch cộng đồng đến khâu tổ chức thực hiện, tiêm tại cơ sở luôn là một quãng đường rất dài. Mà ở đó, công tác vận động người dân đã khó, công tác vỗ về, giữ chân nhân viên y tế, giúp họ yên tâm, hết mình với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng đang gặp thách thức lớn chưa từng thấy.

Nhân viên y tế đã quá no nê những tung hô, ngợi ca diệu vợi, nhưng lại đang thiếu những thứ thực tế, đời thường, như được trả lương thưởng xứng đáng với công việc của mình./.