Và ta sẽ hồi sinh...

Thảm họa, đôi khi là cơ hội để tái sinh, để con người thức tỉnh về lối sống vật chất, phù phiếm và có những thay đổi để hướng về thiên nhiên...

Người\ Hà Nội đã trải qua khoảng thời gian đặc biệt để sống chậm lại. Đó là khoảng thời gian mà con người, dù hoàn cảnh sống khác nhau thì cũng đều đối mặt với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và cuối cùng, Hà Nội đã vượt qua những khoảnh khắc khó khăn đó ra sao?

Để họ kịp nhận ra, đâu là những giá trị căn cốt của cuộc sống, đâu là những thứ thực sự cần thiết với mình, và đâu là điều mình cần thay đổi khi được trở lại cuộc sống bình thường?

Thảm họa, đôi khi là cơ hội để tái sinh, để con người thức tỉnh về lối sống vật chất, phù phiếm và có những thay đổi để hướng về thiên nhiên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cuộc sống liệu có thực sự đổi thay, con người liệu có thực sự nhìn lại quá khứ để viết lên một tương lai tươi đẹp hơn hay không, còn tùy thuộc vào hành động của mỗi người từ bây giờ (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Một ngày mùa xuân năm 2020, khu chung cư của nghệ sỹ Piano Trang Trịnh hoang mang vì có tin bệnh nhân nghi COVID-19 sống trong một căn hộ tại đây.

Trang Trịnh – Nghệ sĩ Piano: Khi mà dịch bắt đầu phát triển, cái cách mà khu tập thể này họ chuẩn bị rất là rõ ràng. Cái cách mà mọi người cùng nhau đeo khẩu trang hay là dùng tăm để bấm vào thang máy chẳng hạn, thì nó cũng khiến Trang cảm thấy rằng: Ôi dịch đang đến rất là gần mình rồi.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa SaintPaul Hà Nội đã phải ngưng những giao thức tình cảm với các con sau mỗi buổi đi làm về:

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Một buổi đi làm về, con trai tôi gọi bố ơi bố tránh xa cả nhà đã, bố không nên đến gần quá. Từ đó tôi có ý thức rằng là, phải thực hiện thực hành tất cả các biện pháp mà giảm tiếp xúc đối với con cái đối với gia đình. 

Còn nhà báo Quỳnh Hương, sự bất thường trong đời sống của chị bắt đầu đến từ những dòng tin hoảng loạn trên mạng xã hội:

Nhà báo Quỳnh Hương: Người ta bắt đầu cảm thấy rằng là nếu như không có khẩu trang nước rửa tay thì dường như cuộc sống của mình là sẽ bị hủy diệt bởi một thứ gì đấy rất kinh khủng. Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng câu chuyện nó không còn xa nữa mà bắt đầu chạm đến tất cả mọi người ruột và mình phải nhìn đến an toàn của con mình của gia đình.

Sau tết nguyên đán, thông thường sẽ là một mùa xuân với những lễ hội rộn ràng, với những kế hoạch của một năm mới bắt đầu được triển khai. Nhưng, mùa xuân năm 2020 đã khác.

Với nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, cô giáo Nguyễn Hoàng Thảo, người sáng lập dự án xanh Go eco Hà Nội hay bất kỳ ai, dù đối mặt với dịch bệnh, thiên tai bằng sự thảng thốt hay tâm thế bình thản, mỗi người đều phải suy ngẫm về chuỗi hiệu ứng do chính con người tạo ra:

Cô giáo Nguyễn Hoàng Thảo: Những cái này đều đã được dự báo từ trước rồi và có lẽ con người của chúng ta phải nhìn vào đó và tự nhận thấy rằng đây thực tế là những cái gì mà chúng ta đã làm ở phía trước và bây giờ chúng ta chỉ đang nhận lại hậu quả của nó mà thôi. 

Nhà báo Quỳnh Hương: Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những bộ ảnh mọi người chụp Hà Nội những ngày tháng đấy nhìn ảnh thì nó rất yên bình, không một bóng người. Nhìn cái sự êm đềm đấy nó lạnh người nó có gì đấy rất là thê lương. Nó là một cái gì đấy, nỗi chờ đợi để được trở về cuộc sống mà đôi khi chúng ta rất chán ghét nó hàng ngày. Cảm thấy thương Hà Nội thắt cả lòng!

Đối mặt với một đại dịch toàn cầu, đối mặt với sự thay đổi toàn diện về đời sống, đó là điều không dễ dàng với bất cứ ai. Với cô gái Nguyễn Hoàng Thảo, dù dịch bệnh là đáng sợ, nhưng điều đáng sợ nhất là con người từ lâu đã đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của mình, vì những thú vui và nhu cầu cá nhân mà quên đi lợi ích của cả cộng đồng và cả cộng đồng ấy cũng đang sống tựa vào thiên nhiên: 

Cô giáo Nguyễn Hoàng Thảo: Khi lệnh phong tỏa được phát ra một vùng ở Ấn Độ thì những con sông rạch mà hồi trước ngập tràn khách du lịch rồi rác thải, bây giờ trở nên trong lành. Nó cũng là những bài học nhãn tiền để cho mọi người thấy thiên nhiên khi không có con người lại có thể là tự hồi sinh và thực ra chúng ta cần phải có thiên nhiên. 

Một mùa xuân mới lại tới. Là thời điểm đất trời chuyển mình cho những đổi thay, tái thiết. Những mầm cây mới được mọc lên từ mảnh đất cằn khô vì hỏa hoạn. Dịch bệnh được khống chế. Dòng sông lại hiền hòa sau những trận lũ tang thương.

Đã có không ít những đau thương, những tổn thất, thiệt hại... nhưng cũng là một cơ hội để người ta nhận ra những điều bị lãng quên trong cuộc sống bình thường, để từ đó, họ đổi thay chính mình. 

Cô giáo Nguyễn Hoàng Thảo: Một lần nữa, chúng ta thấy rằng, chúng ta cần phải sống dựa vào môi trường nhưng môi trường thì không cần có con người.

Nhà báo Quỳnh Hương: Chúng ta tìm được lại các giá trị cơ bản của bản thân, chúng ta tìm được những lý do để mình hạnh phúc. Đôi khi nó rất là bé nhỏ mà chúng ta có một thứ rất quan trọng. Đấy là cơ hội nó vẫn còn nguyên, nó không bị mất đi.

Ca sỹ Đức Tuấn, người đã thực hiện MV “Ta sẽ hồi sinh” trong năm vừa qua, cũng đã có những chiêm nghiệm riêng của mình: Cuộc sống liệu có thực sự đổi thay, con người liệu có thực sự nhìn lại quá khứ để viết lên một tương lai tươi đẹp hơn hay không, còn tùy thuộc vào hành động của mỗi người từ bây giờ.  

Ca sỹ Đức Tuấn: Chỉ mong muốn mọi người cùng nhau chung tay gìn giữ từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống, của tự nhiên thì chúng ta sẽ thực sự hồi sinh sau một thiên tai để bắt đầu một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, gọn gàng hơn. 

 

Ta sẽ hồi sinh - Ca sỹ Đức Tuấn