Ùn tắc, TNGT trên làn hỗn hợp cầu Thanh Trì: Chín người mười ý, dân lãnh đủ

Một trong những nguyên nhân dẫn tới ùn tắc và TNGT liên tiếp xảy ra trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) là do việc phân làn giao thông trên tuyến chưa hợp lý, tình trạng xe tải, thậm chí xe container đi vào làn hỗn hợp diễn ra phổ biến, gây mất an toàn giao thông

Điều đáng nói, những bất cập trong tổ chức giao thông cầu Thanh Trì đã được chỉ ra từ lâu, rất nhiều cơ quan chuyên môn cũng như người chịu tác động đã lên tiếng kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi căn bản, ùn tắc và tai nạn vẫn xảy ra liên ên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Việc phân làn giao thông trên tuyến chưa hợp lý, tình trạng xe tải, thậm chí xe container đi vào làn hỗn hợp diễn ra phổ biến, gây mất an toàn giao thông (Ảnh: Lao Động)

"Cầu Thanh Trì có xe bồn bê tông hướng Quốc lộ 5 đi Trung tâm Thành phố hiện giờ vẫn chưa sửa xong, các phương tiện di chuyển chậm".

"Trên cầu Thanh Trì có xe bơm chết máy trên cầu hướng từ Bắc Ninh về Hà Nội…"

"Cầu Thanh Trì hướng về Hà Nội sao tắc thế ạ? Em làm ở khu vực giữa cầu thấy tắc quá".

Những thông tin ùn tắc giao thông xảy ra trên cầu Thanh Trì liên tục được được báo về tổng đài VOVGT hàng ngày.

Không chỉ ùn tắc giao thông như cơm bữa, mà TNGT cũng thường xuyên xảy ra, nhất là làn hỗn hợp. Phản ánh đến Kenh VOVGT, một số thính giả cho biết:

"Phải có phân làn đấy, để cho xe máy đi 1 bên, ô tô đi một bên. Làn xe máy thu hẹp lại cũng hợp lý".

"Rõ ràng biển cấm xe tải trong làn xe con hỗn hợp, nhưng xe tải, xe khách vẫn đi vào bình thường. Chạy lẫn lộn vào với làn xe con, xe máy là rất nguy hiểm".

Thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, từ 15/12/2018 đến 14/4/2020, tại khu vực này đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 14 người. Riêng trong năm 2020, khu vực này cũng xảy ra 30 vụ TNGT, trong đó có tới 24 vụ TNGT xảy ra ở làn hỗn hợp.

Trung tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn tổ chức giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT cho biết, trước kiến nghị của Cục CSGT, Sở GTVT Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Đường bộ VN đã hạ tốc độ lưu thông từ 80km/h xuống còn 60km/h, song do lưu lượng phương tiện quá đông, vân tốc của phương tiện không đạt tốc độ cho phép, nên việc hạ tốc độ không giải quyết được nhiều:

"Làn hỗn hợp thực tế cả xe tải, xe container vẫn đi vào đấy, tạo nên giao cắt rất nguy hiểm giữa mô tô và xe tải, xe khách nên tai nạn xảy ra rất nhiều trong làn hỗn hợp. Cục cũng đã thống nhất đề xuất thu hẹp làn ấy lại, làn ấy chỉ dành cho mô tô và trường hợp khẩn cấp, xảy ra những sự cố lớn trên cầu thì dành cho phương tiện khẩn cấp đi còn bình thường chỉ mô tô đi thôi".

Lý giải về việc không tán thành đề xuất thu hẹp làn hỗn hợp chỉ dành riêng cho mô tô, xe gắn máy, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trước đây, cầu Thanh Trì có mặt cắt mỗi bên rộng 15m, hiện đang bố trí 2 làn ô tô, mỗi làn rộng 3,75m, 1 làn hỗn hợp rộng 5,2m.

Giữa làn ô tô và làn hỗn hợp được ngăn cách bằng dải phân cách mềm (trụ bê tông luồn ống thép) rộng 40cm, khoảng cách tim vạch sơn bao quanh dải phân cách mềm là 1,2m. Theo ông Lăng, nếu thu hẹp làn hỗn hợp thành làn dành riêng cho mô tô, xe gắn máy cũng không thể tổ chức thành 3 làn ô tô:

"Làn trong có thu lại cũng chỉ được 2 làn, chứ không được 3 làn, 2 làn đã vẫn cứ nối đuôi nhau, mật độ đang đông lại thu lại càng làm giảm khả năng lưu thông đi".

Trước đó, trao đổi với VOVGT, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, dù đơn vị đã bố trí một tổ thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên cầu, song tình trạng phương tiện ô tô đi sai làn vẫn diễn ra:

"Trên tuyến cầu Thanh Trì này thường xuyên có tình trạng xe tải gặp sự cố và các vụ va chạm giao thông nên chúng tôi đã chủ động bố trí lực lượng và phối hợp với các lực lượng khách thường xuyên bám vị trí và tuần lưu để giải quyết sự cố nhanh nhất có thể".

Cầu Thanh Trì có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, cùng với tình trạng tai nạn và ùn tắc ngày càng phức tạp, thì viêc tách làn riêng cho mô tô, xe gắn máy càng cấp thiết để góp phần kéo giảm TNGT (Ảnh: Lao Động)

Đại diện Ban Duy tu, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đang đề xuất lập dự án “Điều chỉnh tổ chức giao thông để giảm ùn tắc giao thông và TNGT trên cầu Thanh Trì”. Theo đó dự kiến sẽ bố trí 4 làn xe chạy theo mỗi chiều, gồm 3 làn xe ô tô mỗi chiều, mỗi làn rộng 3,75m và một làn rộng 2,5m dành riêng cho mô tô, xe gắn máy.

Theo Ban Duy tu, sau khi dự án điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì được phê duyệt, đơn vị sẽ thực hiện công tác thẩm tra an toàn giao thông làm cơ sở điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tán thành đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, song chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, ưu tiên số một trong việc tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì là tách riêng làn cho xe tải nặng, mô tô, xe máy đi làn riêng. Đây cũng là xu hướng được hầu hết các nước thực hiện:

"Phải đảm bảo ưu tiên số 1 cho làn xe tải nặng, từ đấy mới điều chỉnh các làn còn lại, bố trí đi riêng, không dính xe máy là tốt nhất. Còn trong trường hợp khó khăn về yếu tố hình học thì bố trí một phần xe con đi lẫn với xe máy".

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với những tuyến đường có mặt cắt rộng, lưu lượng phương tiện lớn, việc tách cho mô tô, xe gắn máy đi làn riêng với ô tô là điều cần thiết.

Chưa kể, với cầu Thanh Trì có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, cùng với tình trạng tai nạn và ùn tắc ngày càng phức tạp, thì viêc tách làn riêng cho mô tô, xe gắn máy càng cấp thiết để góp phần kéo giảm TNGT.