Được khởi công vào tháng 9/2010 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2016, tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau gần 13 năm thi công dù mỗi ngày đều có tuyến chạy thử và xác định đạt hiệu suất 100%.
Không những vậy, trong sự chờ đợi mòn mỏi của người dân Thủ đô, tình trạng chiếm dụng các nhà ga đang khiến tuyến đường đường sắt đô thị này trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan nghiêm trọng.
Theo khảo sát của phóng viên VOVGT, rất nhiều cột trụ của tuyến đường sắt trên cao, tính từ điểm đầu tuyến là khu depot Nhổn tới nhà ga Cầu Giấy, bị phun sơn vẽ bậy, dán quảng cáo cho các cửa hàng, siêu thị điện máy, xưởng sửa chữa ô tô ở lân cận, hoặc các dịch vụ cho vay tiền, cho thuê phòng trọ…
Anh Nguyễn Minh Thành, sinh sống gần khu depot Nhổn bày tỏ bức xúc:
“Đi dán quảng cáo rồi vẽ viết bậy lên các công trình công cộng như vậy mà người ta không hề cảm thấy trong lòng có chút áy náy nào. Rất mất mỹ quan. Kể cả người Việt Nam chứ chưa nói tới người nước ngoài, khi thấy những hình ảnh lè loẹt được dán tại các công trình quy mô lớn như này, sẽ ảnh hưởng rất xấu.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiến, một người dân phường Cầu Diễn cho biết, một số người thiếu ý thức còn đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng tại khu vực gầm cầm thang lên xuống. Thậm chí có người lợi dụng buổi sáng sớm hoặc tối muộn, thời điểm vắng người qua lại để tiểu bậy.
“Tình trạng vứt rác hoặc đồ dùng ra ga này thì lâu rồi. Rồi bây giờ ô tô đỗ rất nhiều, có vật cản nên người dân đi vệ sinh hoặc vứt đồ bẩn thỉu ra đấy. Muốn đường phố quang đãng, sạch đẹp thì người dân phải có ý thức trách nhiệm chung với cộng đồng”, ông Chiến nói.
Nghiêm trọng hơn phải kể đến khu vực vỉa hè xung quanh cầu thang lên xuống nhà ga Cầu Giấy, đoạn trước cổng Đại học Giao thông vận tải. Tại đây, dù lực lượng chức năng đã cắm biển “Khu vực cấm bán hàng” nhưng không ít người dân vẫn ngang nhiên biến vỉa hè làm nơi kinh doanh hàng quán ăn uống.
Một hành khách đi xe buýt tại điểm trung chuyển Cầu Giấy – Đại học GTVT cho biết: “Hàng quán bày ở những nơi như thế, gây cản trở rồi mất mỹ quan. Một số người bán hàng lại còn mời chào, lôi kéo, gây ảnh hưởng rất nhiều người khác, rồi đổ rác ảnh hưởng tới chất lượng công trình”.
Thông tin tới phóng viên VOVGT, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị đang nỗ lực khắc phục các vấn đề phát sinh trên tuyến như vẽ bậy, đổ rác thải trộm, mất cắp thiết bị tại dự án, song gặp phải không ít vướng mắc, khó khăn.
Riêng về vấn đề ngăn chặn việc đổ rác thải và xâm phạm kết cấu cầu thang lối vào các nhà ga trên cao, từ cuối năm 2022 tới nay, đơn vị đã nhiều lần gửi công văn đề nghị UBND các quận, phường dọc tuyến đường sắt đi qua phối hợp hỗ trợ tuyên truyền tới người dân nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị.
Tuy nhiên, dù lực lượng công an và thanh tra các phường, quận đã tổ chức đi kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng này lại tái diễn. Hiện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang tiếp tục báo cáo lên UBND Tp Hà Nội nhằm khắc phục tình trạng này.
Được biết, liên quan tới công tác xử lý vi phạm kinh doanh hàng quán trái phép, giành lại vỉa hè cho người đi bộ trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung và tại khu vực các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội nói riêng, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an Tp đang chuẩn bị nhiều giải pháp để tham mưu cho Ban chỉ đạo 197 duy trì thường xuyên liên tục việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mặc dù vậy, Công an TP cũng ghi nhận tình trạng một số quận huyện chưa vào cuộc quyết liệt. Do đó, Công an Tp. sẽ là đơn vị tham mưu chính, thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, xem xét, trách nhiệm từng đơn vị.