“Tư nhân hóa” kỳ vọng thay đổi ngành đường sắt Mỹ

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng ngành đường sắt Mỹ tụt hậu khá xa so với Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không, nhiều chính sách thúc đẩy hạ tầng đang được nhà chức trách Mỹ đưa ra, trong đó có việc tư nhân tham gia phát triển đường sắt.

Brightline, công ty có trụ sở tại Florida, thuộc Tập đoàn đầu tư Fortress, đang nỗ lực đầu tư vào ngành đường sắt - Ảnh AP

Nói đến đường sắt Mỹ, nhiều người thường nghĩ ngay đến Amtrak, công ty vận hành mạng lưới đường ray có mặt tại 46/48 tiểu bang. Amtrak được tài trợ bởi cả chính quyền liên bang lẫn tiểu bang, tuy nhiên, những chuyến tàu có hạn chế là giá vé cao và thường không đúng giờ.

Để thay đổi cái nhìn của công chúng đối với đường sắt, Brightline, công ty có trụ sở tại Florida, thuộc Tập đoàn đầu tư Fortress, đang nỗ lực đầu tư vào ngành đường sắt.

Năm 2018, Brightline khởi công tuyến đường sắt từ Mia đến West Palm Beach, bang Florida. Đây là tuyến đường sắt do tư nhân xây dựng đầu tiên ở Mỹ trong vòng 100 năm qua.

Cuối tháng 8 năm nay, tuyến đường sắt dự kiến sẽ kéo dài gần 400km, đến thành phố Orlando. Theo đại diện Brightline, tổng chi phí của dự án có thể lên tới 6 tỷ USD.

Tỷ phú Wes Edens, đồng sáng lập Tập đoàn đầu tư Fortress chia sẻ: “Tôi đã dành khá nhiều thời gian để đi vòng quanh thế giới, đặc biệt là châu Âu, nơi tàu hỏa là một hình thức di chuyển rất phổ biến. Sau đó, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không xây dựng đường sắt ngay tại chính nước Mỹ”.

Để có dữ liệu tham khảo, Brightline lập nhóm nghiên cứu toàn cầu, xem điều gì mang đến lợi nhuận cho các công ty đường sắt tại những quốc gia, nơi tàu hỏa là phương tiện phổ biến.

Trở lại nước Mỹ, họ nghiên cứu những thành phố nào sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi được kết nối bằng tàu hỏa.

Ông Mike Reininger, Giám đốc điều hành Brightline cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm những thị trường có nhu cầu lớn về đi lại. Nghiên cứu cho thấy, các thành phố cách nhau từ 300-500km là khoảng cách hợp lý để phát triển đường sắt cao tốc trở thành phương thức di chuyển được ưa thích”.

Không chỉ mở rộng mạng lưới ở Florida, Brightline còn đang lên kế hoạch xây dựng dự án đường sắt cao tốc nối Los Angeles với Las Vegas có tên là Brightline West. Dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Theo tỷ phú Wes Edens, việc một công ty tư nhân như Brightline mở rộng đầu tư là tín hiệu vui đối với ngành đường sắt Mỹ, song doanh nghiệp vẫn cần có sự hỗ trợ từ chính phủ: “Có nhiều dự án đường sắt tư nhân đã rất thành công. Bên cạnh đó là cả mô hình đối tác công tư nơi chính phủ đầu tư vào mạng lưới đường ray như ở Pháp và Italia đã thành công rực rỡ hay Công ty đường sắt lớn nhất châu Âu Eurostar cũng là một ví dụ”.  

Chia sẻ quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, bất kỳ công ty đường sắt tư nhân nào cũng cần các khoản hỗ trợ ban đầu từ chính phủ để bắt đầu các dự án hạ tầng đầy tham vọng của họ.

Ông Andy Kunz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội đường sắt cao tốc Mỹ nhận định: “Hệ thống đường sắt không rủi ro về mặt vận hành nhưng rủi ro về mặt xây lắp, bởi các doanh nghiệp không biết dự án sẽ hoàn thành trong bao nhiêu năm. Việc trì hoãn có thể đến từ những thay đổi chính trị, chính sách hoặc biến động kinh tế. Một doanh nghiệp phải thực can đảm mới dám đầu tư hàng tỷ USD vào dự án đường sắt, rồi sau 10 năm mới có doanh thu”.

Ảnh Brightline

Ông Kunz dẫn chứng, ngay cả tuyến đường sắt Eurostar, kết nối nước Anh với lục địa châu Âu, cũng cần nhận được gói cứu trợ của chính phủ Pháp mới duy trì được hoạt động trong thời kỳ đại dịch.

Giáo sư Bent Flyvbjerg, chuyên gia địa lý kinh tế, Đại học Oxford nói: “Các công ty tư nhân có thể xây dựng đường sắt tốc độ cao và làm tốt điều này, tuy nhiên vấn đề tài chính là một thách thức. Vì vậy, họ cần phải nhận được sự hỗ trợ”.

Đây cũng chính là điều, Brightline hy vọng nhận được từ chính phủ Mỹ ở tuyến đường sắt dài hơn 350km, trị giá 12 tỷ USD nối Los Angeles với Las Vegas.

Thực tế, dù là quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng ngành đường sắt Mỹ lại đang tụt hậu khá xa so với Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.

Nguyên nhân chủ yếu là từ những năm 1950 đến nay, chính phủ Mỹ hầu như chỉ ưu tiên phát triển đường cao tốc dành cho ô tô, xe tải mà ít đầu tư cho đường sắt. Nhưng giờ đây, khi hạ tầng đường bộ xuống cấp, số vụ tai nạn giao thông gia tăng, đường sắt cuối cùng cũng được quan tâm nhiều hơn.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Nước Mỹ từng là số 1 thế giới về cơ sở hạ tầng, nhưng sau đó tụt xuống thứ 13. Giờ đây Mỹ đang quay trở lại cuộc đua với Luật Cơ sở hạ tầng đã được lưỡng đảng thông qua, trong đó có 66 tỷ USD cho đường sắt. Đây là khoản đầu tư lớn nhất kể từ dự án đường sắt liên bang những năm 1950, thời Tổng thống Eisenhower”

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị chủ trương phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Năm 2035, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2045, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Được biết, hiện Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông vận tải ráo riết hoàn hiện để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và dự kiến trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 11/2023.