Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Nhiều câu hỏi xung quanh thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc

Huy Văn: Thứ tư 01/01/2025, 18:02 (GMT+7)

Ngày 29/12 vừa qua xảy ra một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng tại tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng. Hiện nguyên nhân dẫn tới thảm kịch vẫn đang được điều tra, tuy nhiên giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nghi vấn xung quanh vụ việc.

Thảm kịch máy bay Hàn Quốc xảy ra vào lúc 9h07 sáng khi chiếc Boeing B737-800 của hãng Jeju Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Muan ở tỉnh Nam Jeolla, cách thủ đô Seoul khoảng 290 km. Máy bay chở 175 hành khách, gồm 173 người Hàn Quốc và hai công dân Thái Lan, cùng tổ bay 6 người, khởi hành từ thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Đoạn băng của đài MBC cho thấy chiếc máy bay đã hạ cánh bằng bụng, trượt dài trên đường băng rồi đâm vào tường rào và bốc cháy dữ dội. Hậu quả khiến 179 người thiệt mạng, chỉ có 2 người may mắn sống sót.

Hiện 2 hộp đen của máy bay đã được thu hồi, tuy nhiên hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay đã bị hư hỏng một phần. Điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air. Ảnh: AFP

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air. Ảnh: AFP

Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được cho rằng máy bay đã va chạm với chim trong quá trình hạ cánh, dẫn đến việc hỏng càng hạ cánh buộc phi công phải cho máy bay hạ cánh bằng bụng. Vài phút trước khi xảy ra tai nạn, đài không lưu đã cảnh báo về nguy cơ va chạm với chim, và chỉ chốc lát sau đó, phi công của chuyến bay đã phát tín hiệu khẩn cấp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh thảm kịch này.

Một trong những nghi vấn được đề cập nhiều nhất, đó là bức tường bê tông được đặt ở cuối đường băng, nơi mà chiếc máy bay đã va chạm và bốc cháy. Ông Geoffrey Thomas, chuyên gia hàng không, biên tập viên của trang Airline News chia sẻ: 

“Dù chúng ta chưa rõ chuyện gì đã xảy ra bên trong buồng lái, nhưng với sân bay, nhẽ ra không bao giờ có một bức tường lớn như vậy. Ta có thể thấy rõ khi máy bay hạ cánh, nó trượt khoảng 100m trước khi đâm vào bức tường đó. Sự tồn tại của bức tường là trái ngược với các quy chuẩn quốc tế về an toàn sân bay”.

Giải đáp trước nghi vấn này, cuối ngày 30/12, giới chức Hàn Quốc cho biết tường bê tông cao được xây ở vị trí cách điểm cuối của đường băng khoảng 250 mét từ cuối năm ngoái để đặt thiết bị hỗ trợ hạ cánh ILS. Bức tường được xây cao lên để đảm bảo ngang bằng với mặt đường băng, do hệ thống ILS cần được đặt theo hướng vuông góc với đường trung trực của đường băng để có thể hoạt động chính xác.

Nhiều ý kiến cho rằng, bức tường bê tông ở cuối đường băng là yếu tố khiến thiệt hại thêm nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Nhiều ý kiến cho rằng, bức tường bê tông ở cuối đường băng là yếu tố khiến thiệt hại thêm nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Yonhap cho biết, Điều 41 của bộ tiêu chuẩn an toàn sân bay Hàn Quốc yêu cầu ban quản lý sân bay phải đảm bảo độ cao giữa khu vực được trải nhựa và khu vực còn lại không chênh lệch quá 7,5 cm.

Có thể diễn giải rằng chiều cao của nền bê tông tại khu vực không trải nhựa, tức là địa điểm nằm ngoài đường băng, không được cao hơn 7,5 cm so với đường băng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sân bay Muan đã vi phạm quy định an toàn khi xây bức tường cao 2 mét trên ụ đất.

Bên cạnh yếu tố an toàn của sân bay, vấn đề kĩ thuật của chiếc máy bay cũng được chú ý. Ông Matt Driskill, chuyên gia của tạp chí hàng không Asian Aviation chia sẻ, trong khi những vụ việc va chạm với chim không phải chuyện hiếm gặp, thì những gì đã xảy ra với máy bay của Jeju Air lại rất “lạ” bởi những vụ va chạm với chim thường sẽ không gây ra vấn đề với bộ phận hạ cánh của máy bay:

“Nếu ta nhìn lại lịch sử của hàng không, thì va chạm với chim có thể gây ra hỏng 1 động cơ máy bay. Một số trường hợp hiếm gặp như vụ việc “phép màu sông Hudson” của Mỹ thì va chạm đã khiến hỏng cả 2 động cơ. Nhưng với trường hợp này, điều kỳ lạ với tôi, và có lẽ là cả với các nhà điều tra bây giờ là tại sao bộ phận hạ cánh của máy bay lại không hoạt động”.

Lịch trình của chiếc máy bay cũng gây chú ý khi các nguồn tin giấu tên trong ngành hàng không cho biết, chiếc máy bay xấu số đã thực hiện 13 chuyến bay trong 48 giờ trước khi xảy ra sự cố. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc khai thác quá mức trong thời gian ngắn. Bởi trong thời gian đó, đã có những dấu hiệu xấu xảy ra với chiếc máy bay. Ông Alvin Lie, chuyên gia hàng không độc lập chia sẻ với đài CNA:

“Trước đó vào hôm 27/12 khi bay với số hiệu HL-8088 từ Jeju đi Bắc Kinh, 2 ngày trước vụ tai nạn, chiếc máy bay này đã gặp sự cố kĩ thuật, buộc phải đổi hướng và hạ cánh tại sân bay Incheon. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi là liệu sự cố đó có ảnh hưởng tới thảm kịch hôm 29/12?”.

Thảm kịch máy bay ở Muan làm dấy lên tranh cãi rằng trách nhiệm thuộc về hãng vận hành Jeju Air hay nhà sản xuất máy bay Boeing. Ảnh: Reuters

Thảm kịch máy bay ở Muan làm dấy lên tranh cãi rằng trách nhiệm thuộc về hãng vận hành Jeju Air hay nhà sản xuất máy bay Boeing. Ảnh: Reuters

Một ngày sau thảm kịch, đã có thêm một chuyến bay khác của Jeju Air gặp sự cố tương tự ở càng đáp trong lúc cất cánh. Máy bay sau đó đã hạ cánh khẩn cấp an toàn tại sân bay Gimpo, thủ đô Seoul. Đáng chú ý là chiếc máy bay này cũng là Boeing 737-800. Hiện chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tiến hành “kiểm tra đặc biệt” đối với tất cả máy bay Boeing 737-800 đang được các hãng hàng không trong nước khai thác.

Dự kiến một số thông tin quan trọng liên quan đến vụ việc sẽ được công bố vào cuối tuần này. Hiện, vụ việc được cho là sẽ xô đổ chuẩn mực vàng của hàng không Hàn Quốc sau 25 năm nỗ lực cải thiện hồ sơ an toàn khi hàng không Hàn Quốc đang được đánh giá cao. Thậm chí, trước thảm kịch, Website AirlineRatings năm 2024 đã vinh danh Jeju Air là một trong những hãng bay giá rẻ tốt nhất thế giới.

Trở lại Việt Nam, trước thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc cũng như một số các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng diễn ra gần đây, ngày 30/12, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dịp cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động hàng không dân dụng, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 khi mật độ hoạt động hàng không tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không quán triệt đội ngũ phi công triệt để tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình khai thác tiêu chuẩn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi và trong những tình huống phức tạp, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các Chỉ thị an toàn của Cục Hàng không.

Trong đó, Lập kế hoạch bay, đường bay đảm bảo tránh hoàn toàn các khu vực không phận có rủi ro về xung đột vũ trang, Tăng cường nội dung huấn luyện trong buồng lái mô phỏng (Simulator) về các tình huống hạ cánh trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phân tích tham số liệu bay, Tổ chức bảo dưỡng máy bay, quán triệt đội ngũ nhân viên kỹ thuật triệt để tuân thủ quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn v.v… là những nội dung đáng chú ý.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn