Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Sân bay lớn thứ ba thế giới, có năng lực xử lý hàng hóa lớn thứ hai toàn cầu

Huy Văn: Thứ năm 09/01/2025, 15:06 (GMT+7)

Từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19 và thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số, Incheon, sân bay lớn nhất Hàn Quốc tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần số một toàn cầu. Mới đây, sân bay này đã hoàn thành mở rộng giai đoạn 4, chính thức vào top 3 sân bay lớn nhất thế giới.

Ngày 29/11 vừa qua, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc và Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon đã tổ chức buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn 4 của dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Incheon ở Nhà ga hành khách số 2.

Với tổng vốn đầu tư gần 3,5 tỷ USD, giai đoạn 4 của dự án mở rộng Sân bay Quốc tế Incheon đã được triển khai trong 5 năm qua từ năm 2017 với các hạng mục gồm mở rộng Nhà ga số 2, xây dựng đường băng số 4 và bổ sung 75 bãi đậu máy bay, trong đó bao gồm 62 bãi dành cho máy bay chở khách, 13 bãi dành cho máy bay vận tải hàng.

Sau khi dự án hoàn tất, sân bay quốc tế Incheon đang vận hành 2 nhà ga và 4 đường băng, rộng 734 nghìn mét vuông, gần gấp đôi so với trước dự án. Sân bay cũng hướng tới công suất kỳ vọng hơn 100 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2031, tăng 38% so với công suất hiện tại là 77 triệu hành khách. Nhà ga hành khách số 2 mở rộng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2025.

Sân bay Incheon hướng tới công suất kỳ vọng hơn 100 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2031. Ảnh: Skytrax

Sân bay Incheon hướng tới công suất kỳ vọng hơn 100 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2031. Ảnh: Skytrax

Dự án mở rộng cũng bao gồm các tiện ích nhằm nâng cao sự tiện nghi cho hành khách, như hệ thống xuất nhập cảnh thông minh (Smart Pass) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện sinh trắc học, cho phép xử lý các thủ tục như lên máy bay thông qua nhận diện khuôn mặt mà không cần xuất trình hộ chiếu và vé máy bay nhiều lần. Ban quản lý sân bay Incheon kỳ vọng hệ thống này sẽ giúp kéo giảm thời gian xuất – nhập cảnh trung bình lần lượt xuống còn dưới 45 và 40 phút.

Ông Kim Hong Soo, Giám đốc Trung tâm vận hành nhà ga, Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon chia sẻ: 

“Thông thường, hệ thống chỉ được áp dụng cho quy trình xuất cảnh. Nhưng với quy trình mới, giờ mọi hành khách đều có thể tận dụng lợi ích của hệ thống xuất nhập cảnh thông minh, từ đó có trải nghiệm di chuyển liền mạch trong khi vẫn đảm bảo được an ninh sân bay thông qua hệ thống nhận diện khuôn mặt.”

Trong xu hướng giảm khí thải trong ngành hàng không, nhà ga số 2 của sân bay Incheon cũng tận dụng tối đa các loại năng lượng sạch như địa nhiệt hay năng lượng mặt trời, cung cấp khoảng 18% lượng điện tiêu thụ tại đây.

Bên cạnh các nâng cấp, mở rộng về mặt công nghệ, nhà ga số 2 của sân bay Incheon cũng được trang trí lại, tạo nên một không gian đậm chất văn hoá, nghệ thuật, quảng bá những giá trị truyền thống, tích cực của xứ sở kim chi. Ông Chae Byung Rok, một trong các nhà thiết kế trang trí cho sân bay Incheon chia sẻ:

“Chúng tôi hướng tới việc tạo nên một không gian nơi các cảm xúc đến và đi một cách tự nhiên nhất có thể, cho dù là bạn tới đây để đón ai, hay tới vì công việc, hay chuẩn bị rời đi du học. Tôi muốn tạo nên một thứ gì đó có thể truyền cảm hứng, cổ vũ tất cả mọi hành khách tới sân bay Incheon, lại vừa kết hợp truyền tải những giá trị truyền thống tích cực, đầy ý nghĩa của Hàn Quốc”.

Incheon hiện cũng trở thành sân bay lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau Sân bay Dubai ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Sân bay quốc tế Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năng lực xử lý hàng hóa cũng được nâng lên 6,3 triệu tấn, quy mô lớn thứ hai toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết, dự án cũng giúp củng cố vị thế là trung tâm hậu cần hàng đầu của Hàn Quốc khi xử lý 98% lượng chất bán dẫn xuất khẩu của quốc gia này.

Khi nhậm chức Tổng GĐ Điều hành Sân bay vào tháng 4 năm ngoái, ông Lee Hak Jae đã tuyên bố về tầm nhìn đưa Incheon trở thành một trong những trung tâm hậu cần chính của thế giới thông qua việc tăng cường năng lực xử lý hàng hoá, phát triển một nhà ga sân bay “thông minh”.

Sân bay Incheon cũng hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hậu cần chính của thế giới. Ảnh: Unsplash

Sân bay Incheon cũng hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hậu cần chính của thế giới. Ảnh: Unsplash

Trong nỗ lực nhằm mở rộng mạng lưới chuyên chở hàng hoá, Tập đoàn Sân bay Quốc tế Incheon cho biết họ đang mở rộng các ưu đãi, bao gồm trợ cấp lên tới 100% phí hạ cánh và chi phí tiếp thị đối với các hãng hàng không mới thành lập, mở tuyến bay mới, hoặc mở tuyến bay đêm. Ngoài ra, sân bay Incheon cũng hứa hẹn thêm nhiều lợi ích với hãng hàng không nào chứng minh được sự gia tăng trong vận chuyển hàng hoá của họ tại sân bay này.

Ông Lee cho biết thêm, sân bay Incheon cũng nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nâng cao năng lực hậu cầu, tăng cường khả năng vận tải. Theo đó, sân bay Incheon cam kết xây dựng một trung tâm phân phối chung dự kiến rộng hơn 25 nghìn mét vuông dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trở lại với Việt Nam, Báo cáo từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt hơn 54 triệu lượt, tương đương 97% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa thông qua cảng hàng không, sân bay cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 721.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Diễn đàn Ngày Hàng hoá Hàng không Việt Nam 2024 diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua, bà Lương Thị Xuân - Tổng Giám đốc Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam, nhận định rằng: “Sự phát triển của vận tải hàng không sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn". Với vai trò quan trọng trong kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, vận tải hàng không không chỉ là giải pháp cho nhu cầu vận chuyển nhanh chóng mà còn là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo an ninh và hiệu quả kinh tế.

Trong bối cảnh vận tải hàng không quốc tế và thương mại điện tử bùng nổ, ngành logistics hàng không Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu, việc đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn quốc tế là vô cùng cần thiết.

Bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc IATA tại Việt Nam cho rằng, việc số hóa và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu chi phí, mà còn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong vận tải hàng không.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn