Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Vì sao Singapore tự tin “không tắc đường” dù tăng số lượng xe?

Huy Văn: Thứ tư 08/01/2025, 20:58 (GMT+7)

Gần đây, Đại diện Bộ GTVT Singapore thông báo về việc bổ sung giấy chứng nhận quyền sở hữu xe trong một vài năm tới. Kế hoạch này đã khiến hiều người lo ngại về tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, chính phủ Singapore cho biết mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT Singapore đã thông báo về việc “bơm” thêm khoảng 20 nghìn giấy chứng nhận quyền sở hữu xe trong một vài năm tới. Số giấy chứng nhận này tương đương với 2% tổng lượng xe tại Singapore và sẽ được phân bổ cho đầy đủ các loại phương tiện. Theo đài CNA, đây là lần bổ sung giấy chứng nhận sở hữu xe đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây tại Singapore.

Lần gần nhất khi đảo quốc sư tử bổ sung giấy chứng nhận sở hữu xe là trong giai đoạn 1997 – 2003 với hơn 10 nghìn giấy phép. Đó cũng là lúc hệ thống thu phí không dừng ERP lần đầu tiên được áp dụng. Cho đến năm 2020, Singapore bắt đầu kế hoạch nâng cấp lên hệ thống ERP lên ERP 2.0, áp dụng thu phí qua các cổng thu phí “ảo” nhờ sự hỗ trợ của vệ tinh và AI.

Singapore sẽ bổ sung thêm khoảng 20 nghìn giấy chứng nhận quyền sở hữu xe trong một vài năm tới. Ảnh: CNA

Singapore sẽ bổ sung thêm khoảng 20 nghìn giấy chứng nhận quyền sở hữu xe trong một vài năm tới. Ảnh: CNA

Theo Bộ GTVT Singapore, sự bổ sung này đã được cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng để không ảnh hưởng tới giao thông. Ông Chee Hong Tat, Bộ trưởng Giao thông Singapore chia sẻ: “Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng đi lại của người dân đã có thay đổi khi tổng chiều dài di chuyển của các phương tiện đã giảm đi 6% trong giai đoạn 2019-2023. Chưa kể trong thời gian tới, hệ thống ERP 2.0 được triển khai sẽ giúp Singapore quản lý giao thông dễ dàng hơn. Do đó, sau khi tính toán, chúng tôi nhận thấy việc tăng thêm 20.000 giấy chứng nhận sở hữu xe sẽ không gây ra ảnh hưởng tiêu cực”.

Theo Bộ GTVT Singapore, một trong những ưu điểm vượt trội của ERP 2.0 so với hệ thống cũ là loại bỏ sự hiện diện của các cổng thu phí vật lý và thay bằng các cổng “ảo”, nhờ đó việc thu phí cũng như thu thập thông tin giao thông để sử dụng cho việc quản lý phương tiện, tắc nghẽn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các thông tin thu thập được sẽ được các hệ thống quản lý giao thông khác sử dụng, để từ đó cơ quan chức năng có thể đưa ra các giải pháp hợp lý cho vấn đề giao thông cả về ngắn hạn và dài hạn.

Ông Hin Cheong Leong, Phó Chủ tịch bộ phận Giao thông đường bộ của tập đoàn ST Engineering, một trong các đơn vị cung cấp hệ thống quản lý giao thông cho Singapore chia sẻ: “Hệ thống giao thông của Singapore có sự liên kết vô cùng chặt chẽ. Một vụ tai nạn hay bất kỳ sự gián đoạn nào với dòng phương tiện đều có thể ảnh hưởng xấu tới tình trạng giao thông tổng thể. Do đó, hệ thống quản lý giao thông mà chúng tôi đang áp dụng tại Singapore hay một số thành phố khác trên thế giới có thể giúp thời gian tắc nghẽn đi 50% và tổng thời lượng tham gia giao thông đi 20%”.

Ảnh: AsiaOne

Ảnh: AsiaOne

Ông Chee Hong Tat, Bộ trưởng Giao thông Singapore cho biết thêm, việc bổ sung giấy chứng nhận sở hữu xe không có nghĩa là Singapore từ bỏ tầm nhìn về một mạng lưới giao thông xanh. Hệ thống giao thông công cộng vẫn sẽ được đầu tư mạnh mẽ để cải thiện cả tính kết nối cũng như trải nghiệm của người tham gia giao thông. Singapore sẽ có những chính sách để khuyến khích người dân ưu tiên giao thông công cộng cho dù họ đã sở hữu xe riêng.

Theo bộ GTVT Singapore, bổ sung phương tiện lưu thông trên đường còn là để bổ sung thêm lựa chọn tham gia giao thông cho người dân, nhất là sau sự cố xảy ra với hệ thống MRT của quốc gia này vào tháng 9 vừa qua dẫn đến một số tuyến tàu chính không thể vận hành trong gần 1 tuần, gây nên sự hỗn loạn.

Ông Victor Kwan, giảng viên cao cấp của ĐH Khoa học Xã hội Singapore chia sẻ: “Người tham gia giao thông nên chủ động nhận thức rằng đôi khi trong một vài trường hợp, cách họ tham gia giao thông sẽ phải thay đổi cho phù hợp với tình hình. Ví dụ như thay vì đi xe buýt, họ có thể đi bộ một đoạn xuống ga tàu điện ngầm hoặc lựa chọn phương thức nào đó khác”.

Chưa kể, những sự cố như vào hồi tháng 9 vừa qua cũng khiến ngân sách cho giao thông của Singapore bị ảnh hưởng khi phải chi nhiều hơn cho công tác sửa chữa, bảo trì. Đồng thời, chính phủ Singapore vốn đã chịu lỗ khi vận hành hệ thống giao thông công cộng hiện đại nhưng giá rẻ để phục vụ người dân. Do đó, việc tăng lưu lượng xe đường bộ cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn thu từ ERP để cân bằng cho khoản chi trước.

PGS Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore chia sẻ: “So với Mỹ, Anh hay các nơi khác thì chi phí bỏ ra cho mỗi chuyến giao thông công cộng tại Singapore khá rẻ, nhất là khi bạn chọn mua vé tháng. Đó là bởi Singapore chi nhiều hơn cho các khoản trợ cấp với mô hình đi lại này. Do đó, việc tìm phương án để tăng nguồn thu hàng năm, hỗ trợ cho các khoản này là điều hợp lý”.

Ảnh: Carsnap

Ảnh: Carsnap

Còn ở Việt Nam, trong năm 2024, cả Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đều đưa ra đề án Đề án giao thông thông minh, trong đó có nội dung về thu phí ô tô vào nội đô với mục tiêu giúp giảm thiểu ùn tắc và tăng cường tính minh bạch trong thu phí giao thông. Tại Hà Nội, với nội dung triển khai hệ thống thu phí tự động, đề án có các công việc chính là lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường chính và tại các trạm thu phí, dự kiến là 87 trạm. Các phiếu điều tra xã hội học cho thấy, mức phí mà đối tượng được lấy ý kiến chấp nhận được là ở mức 22,3 nghìn đồng/lượt xe.

Trước đề án này, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, để thực hiện đề án thu phí ô tô vào nội đô thì vận tải công cộng của thành phố phải đáp ứng được 25 -30% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo thống kê, đến hết năm 2022 tỉ lệ này mới chỉ ở mức 17-18%. Vậy nếu không trả phí vào nội đô, người dân sẽ di chuyển như thế nào?

Còn với TP.HCM, hồi đầu tháng 10, Sở GTVT TP.HCM đề xuất chưa thực hiện thu phí ô tô vào khu vực nội thành theo đề án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP.HCM” đưa ra hồi giữa năm. Bởi theo Sở này, việc đầu tư hệ thống thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố cần xem xét thực hiện theo lộ trình phù hợp với khả năng, đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng cùng năng lực hệ thống giao thông công cộng.

Theo đó, cần ưu tiên phát triển năng lực vận tải công cộng của thành phố trước. Cụ theo quy hoạch đến 2040, tầm nhìn 2060, khi 7 tuyến metro của TP hoạt động, khi đó sẽ tiến hành thu phí ở quận 1 và một phần quận 3 trong giai đoạn đầu trước năm 2030, sau đó mở rộng khu vực thu phí đến phạm vi vành đai của hệ thống metro.

TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông từng nhiều năm làm việc tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là 1 trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. nếu khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thì thành phố có thu phí thì người dân có ô tô vẫn sẵn sàng trả phí để đi lại.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn