“Trúng tủ..."

Những ngày này, học sinh khu vực Hà Nội đang tham dự kỳ thi tuyển sinh THPT. Cuối mỗi buổi thi đọc thông tin trên báo chí đều thấy các bài viết với dòng tít nổi bật, đầy sự chia sẻ với các thí sinh. Đại để, thí sinh vui mừng vì đề thi "trúng tủ"...

Đọc xong những thông tin về việc đề thi văn ra trúng như dự đoán, đề ngoại ngữ nhẹ nhàng, không đánh đố, giúp thí sinh “trúng tủ”, làm bài dễ dàng hơn.

Thực sự tôi cũng như bao phụ huynh khác đều thở phào và mong muốn chia vui cùng các con, các cháu vì làm bài thuận lợi, “trúng tủ"... 

Nhưng sau đó chợt nghĩ rằng, sao tất cả chúng ta, từ lũ trẻ đến người lớn đều vui mừng với việc "trúng tủ" bài thi? Và ngược lại là buồn, thất vọng vì "lệch tủ"? Rồi sau đó nảy ra một thắc mắc.

Vậy thì ở trường cả 9 năm các cháu theo học, và đặc biệt là năm lớp 9 cuối cấp, các thầy cô đã dạy cái gì cho bọn trẻ, dạy cho chúng được kiến thức gì để "đối mặt" với những cuộc thi như cuộc thi lên cấp 3 này? Hay chỉ dạy được cho chúng cái mánh là nhăm nhăm "học tủ"?

Với cách dạy, cách học này, chắc chỉ qua hè, khi lũ trẻ vào lớp 10 là những kiến thức "tủ" này cũng rơi rụng gần hết. Và tất nhiên những kiến thức "không cần thiết cho việc đi thi" cũng chẳng còn.

Có phải các bậc làm cha, làm mẹ mong chúng trưởng thành, trở thành người có tri thức, và thành đạt với những kiến thức "tủ" kia? Và ngành giáo dục, các thầy cô cũng đã và đang hài lòng vì thành tích đỗ đạt với tỷ lệ phần trăm cao ngất để báo cáo dịp cuối năm?

Sự căng thẳng, mệt mỏi luôn là trạng thái của hầu hết các thí sinh trước và trong mỗi kỳ thi

Năm nào cũng vậy, chúng ta cũng đều công bố những dự án cải cách giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, tăng thêm, bớt đi những kiến thức giảng dạy ở nhà trường. Với mong muốn cho học sinh được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, bắt kịp với giáo dục của thế giới.

Liệu thành tích “học tủ” này có được tính như một phương pháp giáo dục tiêu chuẩn của chúng ta cho con em mình trong mỗi kỳ thi?

Người ta vẫn tự hào, học sinh Việt Nam tham gia các cuộc thi toán học, vật lý, hoá học… thế giới đều đoạt giải cao. Tôi cứ thắc mắc, liệu đây có phải là đại diện cho toàn bộ nền giáo dục của chúng ta? Hay vẫn chỉ là những bài “học tủ” để đem đi thi lấy vài cái huy chương về treo trong tủ kính?

Cuộc đời con cái chúng ta sẽ còn rất nhiều cuộc thi khác nữa, liệu rằng tất cả đều có thể “học tủ” để qua bài?

Những thí sinh lộ rõ gương mặt mệt mỏi, thất thần trước giờ thi môn Văn sáng ngày 18/6 tại địa điêm thi trường THCS Nguyễn Công Trứ, Ba Đình, Hà Nội

Mấy ngày gần đây, dư luận xã hội xôn xao về việc ngành giáo dục dự kiến tăng giá sách giáo khoa. Ai ai cũng phản đối kịch liệt, với lý lẽ cho rằng, đáng nhẽ ra giá sách giáo khoa phải thấp thôi, thậm chí có người dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới người ta còn phát ễn phí sách giáo khoa, hay đăng online để ai có nhu cầu thì tải về dùng…

Khá ngạc nhiên là trong hàng trăm, hàng ngàn ý kiến phản đối giá sách giáo khoa “đắt quá”, thì chẳng thấy mấy người thắc mắc về chất lượng của những cuốn sách giáo khoa này ra sao?

Cũng chẳng mấy người có ý định cất công tìm hiểu xem nội dung của chúng là như thế nào, sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc học hành của con em mình.

Đại loại, cứ đắt là không được. Đắt là tôi phản đối, còn chất lượng tính sau…

Sáng nay, nhìn thấy những đứa trẻ bước vào phòng thi với gương mặt đờ đẫn, thất thần… chắc chắn là do những ngày này chúng phải căng sức ra học ngày, học đêm để mong “thoát” được kỳ thì khắc nghiệt này. Tôi thực sự không thể cầm lòng.

Chợt nhớ ngày xưa, sao mình đi thi nó nhẹ nhàng thế? Không có bố mẹ đi cùng, cũng không phải học hành quá sức chịu đựng như chúng bây giờ. Đến kỳ là đi thi và hầu như tất cả các kiến thức đã nằm sẵn trong đầu, chỉ cần duyệt lại một chút là đã đủ để thi.

Nói như vậy, không phải để so sánh sự ưu việt của các giai đoạn giáo dục hay so sánh về việc học của các thế hệ trước và sau.

Nhưng rõ ràng, mỗi khi chứng kiến các sĩ tử ngày nay bước vào kỳ thi, tôi cứ có cảm giác rằng, chúng ta đang có điều gì đó chưa đúng, chưa hợp lý trong việc dạy dỗ con em mình…