Trung tâm thương mại bám mặt đường, giao thông ngộp thở

Theo khảo sát của VOV Giao thông, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên có cổng ra - vào cho ô tô, xe máy ở cả 4 mặt tiền. Mặt đường Đàm Quang Trung 6 làn xe và 2 mặt đường phía Khu công nghiệp Sài Đồng B vắng vẻ, không ùn tắc. Còn mặt đường Cổ Linh “ngộp thở”...

Di chuyển hằng ngày qua đường Cổ Linh, anh Nguyễn Tuấn Anh, ở Hoàng Mai, rất bức xúc vì tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra đoạn qua Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên. Đặc biệt là các dịp lễ tết, cuối tuần, hàng dài ô tô dừng chờ để qua cổng vào và xung đột giao thông ở cổng ra của trung tâm thương mại:

"Cổng vào và cổng ra trên trục đường Cổ Linh, trong khi Aeon có rất nhiều cổng ra - vào, phân làn xe ra mấy cửa đằng sau hoặc bên cạnh thì sẽ giải tỏa được áp lực ngay. Đồng thời mấy ông taxi lợi dụng tình hình ở đấy để đi chậm, bắt khách, khiến người đi đường rất bức xúc. Bảo vệ chỉ đứng trông cổng thôi, chứ họ không ra ngoài đường, còn công an họ không can thiệp", anh Tuấn Anh cho biết.

Đường Cổ Linh, đoạn qua Aeon Mall Long Biên, thường xuyên ùn tắc dịp cuối tuần, lễ tết do hàng dài ô tô dừng chờ qua cổng soát vé. Ảnh: Minh Hiếu

Theo khảo sát của VOV Giao thông, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên có cổng ra - vào cho ô tô, xe máy ở cả 4 mặt tiền. Mặt đường Đàm Quang Trung 6 làn xe và 2 mặt đường phía Khu công nghiệp Sài Đồng B vắng vẻ, không ùn tắc. Còn mặt đường Cổ Linh “ngộp thở” vì đây là trục chính từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng về thành phố.

Anh Trần Tiến Dũng, ở Thanh Xuân, cho rằng Aeon cần có trách nhiệm với tình hình giao thông chung: "Góp ý với Aeon là không nên cho xe vào đường Cổ Linh. Nó có một đường mới mở bên cạnh cho xe máy vào, nhưng lại không cho ô tô vào. Phía mấy khu công nghiệp, đường đấy vắng, nên mở cửa để cho ô tô vào thì sẽ đỡ ùn tắc hơn. Họ chỉ cần biết bên trong gọn gàng thôi, còn bên ngoài họ mặc kệ, người tham gia giao thông là người hứng chịu".

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên cho biết rất ngắn gọn rằng đơn vị đã từng phối hợp khi có yêu cầu của cơ quan quản lý giao thông. Còn về đề xuất chuyển cổng ra - vào xe ô tô sang mặt đường khác, hoặc cho barie soát vé vào sâu trong bãi đỗ xe, tránh để phương tiện dừng chờ trên đường Cổ Linh, vị đại diện này cho biết không có thẩm quyền để trả lời.

Tình trạng ùn tắc cũng xảy ra ở nhiều tuyến đường qua các trung tâm thương mại khác. Anh Nguyễn Văn Lợi, ở Đống Đa, từng mắc kẹt nửa tiếng đồng hồ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, đoạn qua Trung tâm thương mại Vincom: "Xe dừng, đỗ không vào điểm nào cả, nhiều khi dừng ngay giữa đường, mà cái đường Chùa Láng này thì nhỏ. Một hai xe dừng, đỗ không tránh nhau được là gây ùn tắc. Thời tiết mát mẻ thì không sao, nắng nôi thế này mà vượt qua đoạn ùn tắc thì cảm thấy cũng hơi bức xúc".

Nhiều tuyến đường qua các trung tâm thương mại khác cũng ''ngộp thở'' vì xe dừng đỗ tùy tiện. Hình ảnh tại đường Chùa Láng, đoạn qua TTTM Vincom. Ảnh: Minh Hiếu

Theo chuyên gia đô thị, KTS. Trần Huy Ánh, các trung tâm thương mại ở nội đô muốn xây dựng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, đặc biệt về giao thông và việc dừng đỗ xe. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các quy định dần trở nên lạc hậu, năng lực quản lý của cơ quan kiến trúc, quy hoạch không theo kịp thực tiễn. Còn nhiều chủ trung tâm thương mại chỉ tập trung khai thác diện tích bất động sản mà không tính đến cách tiếp cận giao thông.

Do đó, theo ông Ánh, cần có những tiêu chuẩn mới về việc xây dựng trung tâm thương mại ở nội đô. Còn trước mắt, cần có giải pháp đối thoại để giải quyết tình trạng ùn tắc: "Trung tâm thương mại thuộc sở hữu tư, còn giao thông bên ngoài thuộc sở hữu công. Chính quyền thành phố và trung tâm thương mại có thể thảo luận để tìm ra giải pháp thích hợp hơn. Còn nếu không đối thoại được thì trách nhiệm của chính quyền thành phố là phải đảm bảo việc lưu thông bên ngoài tường rào ấy trôi chảy. Do vậy, cần rất nhiều phương tiện giám sát, tổ chức các lực lượng, không để xảy ra ùn tắc, dừng đỗ".